THÁNH GIUSE VÀ CHUYẾN THĂM CỦA BA VUA TỚI BÊLEM

Khi đã đến ngày lễ thanh tẩy của các ngài theo luật Môsê, bà Maria và ông Giuse đem con lên Giêrusalem, để tiến dâng cho Chúa, như đã chép trong Luật Chúa rằng: “Mọi con trai đầu lòng phải được gọi là của thánh, dành cho Chúa”… Khi hai ông bà đã làm xong mọi việc như Luật Chúa truyền, thì trở về nơi cư ngụ là thành Nadarét, miền Galilê.” (Lc 2: 22-23,39).

Tuy nhiên, rất có thể, Thánh Gia lại hành trình đến Bêlem với ý định ở lại đó vĩnh viễn. Vì không phải Bêlem thực sự là nơi sinh và quê hương của Chúa Giêsu đó sao? Hơn nữa, Bêlem nằm gần Giêrusalem, một điều kiện có lợi cho Thánh Gia về nhiều mặt. Hơn nữa, khi trở về từ Ai Cập, Thánh Giuse một lần nữa có ý định định cư tại Bêlem.

Thánh Gia có lẽ đã ở Bêlem khoảng một năm thì khá bất ngờ có những người lạ đến Giêrusalem, những bậc Hiền Sĩ từ Phương Đông. Với câu hỏi thẳng thắn: “Đức Vua dân Do thái mới sinh, hiện ở đâu? Chúng tôi đã thấy vì sao của Ngài xuất hiện bên phương Đông, nên chúng tôi đến bái lạy Ngài.” (Mátthêu 2:2), những bậc Hiền Sĩ từ Phương Đông đã đưa Hêrôđê và tất cả thành Giêrusalem vào một cơn “bối rối và xôn xao” (Mt 2:3). Hêrôđê, lão già bạo chúa khát máu, trong pháo đài của Đavít, không tìm thấy giải pháp nào tốt hơn hơn là hỏi Tòa Công luận về nơi sinh của Đấng Mêsia, trong sự kích động gian trá và xảo quyệt của mình. Ông đã truyền đạt câu trả lời cho những Bậc Hiền Sĩ, rằng Bêlem là mục tiêu của cuộc tìm kiếm của họ, và bảo họ đi tìm Chúa Hài đồng: “Xin quý ngài đi dò hỏi tường tận về Hài Nhi, và khi đã tìm thấy, xin báo lại cho tôi, để tôi cũng đến bái lạy Ngài. Nghe nhà vua nói thế, họ ra đi. Bấy giờ ngôi sao họ đã thấy ở phương Đông…”(Mátthêu 2:8),  vốn là niềm vui sướng chân thành của họ, “lại dẫn đường cho họ” (Mátthêu 2:9), và dưới sự hướng dẫn của ánh sao ấy, các đạo sĩ đã đến được Bêlem.

Đất nước của Những Bậc Hiền Nhân này nằm ở phía đông Giuđê. Họ là những nhà quý tộc, Magi, những người cai trị bộ tộc vốn có thể có được những cuốn sách thánh thiêng. Điều đó đã giúp có mối tương quan mật thiết với trời cao, đến nỗi, khi một vị thần sáng chói lạ thường xuất hiện trên bầu trời, họ sẽ rời nhà của họ ra đi nhằm bày tỏ tấm lòng tôn kính đối với vị Vua và Đấng Mêsia mới sinh. Trên thực tế, ngôi sao đã xuất hiện vào thời điểm Đấng Cứu Độ sinh ra hoặc ít lâu sau đó, và họ coi việc làm theo hướng dẫn do Trời Cao gửi đến là nỗ lực chính trong cuộc đời của họ. Ít nhất, sự xuất hiện của ngôi sao trên máng cỏ của Đấng Cứu Độ khiến chúng ta suy niệm về mục đích sâu xa nhất của họ. Vì vậy, họ đến Bêlem và tìm thấy nơi ở của Trẻ thơ được ngôi sao chỉ ra cho họ, như thể ánh sao đó là một người đầy kinh nghiệm sành sõi chì vẽ cho họ.

Cùng với những người hầu cậnvà những con vật chuyên chở đồ đạc của họ, họ có thể đã đến trú tại một quán trọ của thị trấn, và sau đó gửi người đến Thánh Gia để hỏi xem liệu họ có thể được phép đến thăm Thánh Gia hay không, vì họ đã đến theo sự hướng dẫn của một ngôi sao để tôn thờ Trẻ thơ. Thánh Giuse đã đón tiếp các người hầu cận theo cách ân cần của mình. Và giờ đây chính các vị vua xuất hiện cùng với những người hầu cận của họ, những người đi theo sau mang theo những món quà quý giá mà họ đã lấy ra từ trong những chiếc rương và từ trong những chiếc túi bên yên ngựa; vì ở Phương Đông, có tục lệ là không ai được đến trước mặt một vị hoàng tử với tay không. Mẹ Maria, theo cách đơn giản và thuận tiện của mình, đã chuẩn bị cho cuộc đón tiếp các bậc Hiền Nhân, Mẹ ôm Chúa Hài Đồng trong lòng mình trên vạt áo. Khi nhìn thấy Trẻ thơ thánh, các vị vua đã xếp thành một vòng tròn phủ phục trước mặt Ngài; và với đức tin sâu sắc, với sự tôn kính và sự khiêm cung, cùng với tình yêu và niềm vui sâu thẳm trong trái tim của họ, họ đã tôn thờ Ngài và dâng lên Ngài cả bản thân và mọi thần dân của họ.

Sở hữu một tinh thần cao quý, sáng suốt và cõi lòng thực sự của hoàng tộc vương giả, họ không bị xao xuyến trước sự việc bất bình thường là Giêrusalem không biết gì về Chúa Hài Đồng, hoặc trước nơi cư ngụ đơn sơ và nghèo khó của Chúa Hài Đồng và của cha mẹ của Ngài. Họ không mấy quan tâm đến những biểu hiện bên ngoài và chỉ làm theo những chỉ bảo của trái tim đơn sơ và đức tin của họ như Chúa đã dạy họ. Vì thế, trong tinh thần đó, họ lấy ra những lễ vật mà những người hầu cận đã sắp xếp trong các tráp quý giá đang để trên thảm, và dâng lên Chúa Hài đồng – vàng, nhũ hương và mộc dược. Những món quà vốn mang trong mình sự huyền bí, tượng trưng cho sự sẵn sàng, đức tin, tình yêu và sự tôn thờ của họ, và tiêu biểu cho thần tính, vương quyền và sứ vụ Cứu Thế của Trẻ thơ bé.

Đấng Cứu Độ thơ bé thần thánh nhìn cảnh tượng trước mặt Ngài một cách hiền từ, biết rõ ý nghĩa của những món quà, và trả lại tất cả cho họ và cho thần dân của họ cùng với mọi ơn phúc tràn đầy, xem họ như những người lính canh tuyến trước và là hoa trái đầu tiên của Dân ngoại. Rất có thể sau đó các đạo sĩ đã ngồi xuống hàn huyên với Mẹ Thiên Chúa và Thánh Giuse. Hai Đấng khoản đãi họ bằng một sự giản dị đáng ngưỡng mộ bằng cách kể cho họ nghe những hoàn cảnh thân tình hơn về việc Đấng Cứu Độ đến như thế nào. Đây là dịp đầu tiên Mẹ Thiên Chúa hướng dẫn thế giới dân ngoại, và Thánh Cả Giuse đã chia sẻ trong bài huấn từ đó. Các đạo sĩ trở thành Kitô hữu và mang Đức tin chân chính về đất nước của họ.

Vì vậy, họ đã rời khỏi Hài Nhi, Mẹ Maria và Thánh Giuse với lòng biết ơn mãnh liệt, sự hài lòng và vui mừng chân thành. Tuy nhiên, họ đã không quay trở lại Giêrusalem. Trong một giấc mơ, họ nhận được lệnh thánh thiêng phải tránh Giêrusalem trên đường trở về nhà, vì Hêrôđê đã quyết tâm hủy diệt Trẻ thơ. Và vì vậy, ngay trong đêm đó, các đạo sĩ cùng với những người tùy tùng hướng về phía nam dọc theo con đường dẫn qua sông Gióocđan. Những gì họ đã thấy, đã học và đã trải qua đáng công khó họ đã bỏ ra. Họ đã hoàn thành nhiệm vụ của cuộc đời mình.

Mẹ Maria và Thánh Giuse vô cùng vui mừng trước chuyến viếng thăm đáng chú ý này của Những Bậc Hiền Nhân. Thánh Giuse rất thích thú và vui mừng trước những người thánh thiện có tính cách rất giống Ngài. Trước hết, Ngài vui mừng vì điều đó sinh ích lợi cho Mẹ Maria và người Con yêu dấu của Ngài. Vinh dự lớn lao đã được tỏ lộ cho các Ngài. Lẽ khôn ngoan của Đông Phương đã đến để tỏ lòng tôn kính đối với trí khôn thần thánh của Trẻ thơ không lời này. Vương quyền của Trẻ thơ có vẻ như yếu đuối này đã tỏ lộ một cách vinh quang biết bao! Ngay vừa sinh ra và bắt đầu trị vì, mặc dù nghèo khó, thì Ngài đã có được vàng bạc, của cải và đã kêu mời được các tôi tớ và những người tôn thờ Ngài từ những vùng đất xa xôi; Trời và đất vâng lời Ngài, và sự giáng trần của Ngài gây kinh hoàng cho những kẻ thù của Ngài.

Sự kiện này là đỉnh núi Tabor trong thời thơ ấu của Chúa Kitô. Chẳng phải Thánh Giuse đã vui mừng ngất ngây và cất tiếng nói theo lời của Thánh Phêrô: “Lạy Ngài, chúng con ở đây, thật là hay! Nếu Ngài muốn, con xin dựng tại đây ba cái lều” (Mátthêu 17: 4) sao? Hơn nữa, chẳng lẽ không người nào có thể phân biệt được mầu nhiệm ơn gọi này của dân ngoại vốn ám chỉ một cách thức Thánh Giuse được mời gọi làm quan thầy cho các sứ vụ dành cho dân ngoại sao?

Vị trí cao quý mà Thánh Giuse đã nắm giữ trong mầu nhiệm này, mà bản thân mầu nhiệm đó là một dấu chỉ báo trước về sự tôn vinh Ngài trong tương lai của Giáo hội Dân ngoại, được thể hiện một cách tinh tế và thành công nhất trong một bức tranh khảm thế kỷ mười ba tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris, trong đó thánh Giuse được mô tả. trong một khu vực riêng dưới mái hiên, đứng tựa trên cây trượng của mình với thái độ chiêm niệm và dường như sẵn sàng đón nhận sự tôn kính thích hợp của riêng mình từ những vị Hiền Sĩ. Một họa sĩ sau này thuộc trường phái ấn tượng, Fra Angelico, đã vẽ chân dung Thánh Giuse thực sự đã tham dự vào cuộc hàn huyên thân tình với một trong những vị vua và có ý định hướng dẫn vị vua này về Đức tin một cách nghiêm cẩn.

Trong một bức tranh khác của cùng nghệ sĩ tài năng thiên phú đó, Thánh Giuse, hân hoan với sự quí giá của món quà vương giả, được cho thấy đang mở một trong những chiếc tráp chứa món quà đó, mà Ngài có thể dâng cho Hài Nhi Thánh như một biểu hiện của niềm tin tưởng của toàn thế giới dân ngoại đặt cọc trước nơi Đấng Cứu Độ Thơ Bé, vì Thánh Giuse là bổn mạng của họ.

 

Phêrô Phạm Văn Trung chuyển ngữ,

từ catholicexchange.com

Tác giả: Lm Maurice Meschler

Cha Maurice Meschler là một tu sĩ Dòng Tên người Đức sống vào thế kỷ 19 và 20. Ngài được biết đến với những bài viết về các thánh và cuộc đời của Chúa Kitô.

Chia sẻ Bài này:

Related posts