Còn nhớ, cách đây hơn mười hai năm, tại giáo phận Sài Gòn, ngày 30.6.2001, cùng trong một ngày, xảy ra hai biến cố trọng đại: Buổi sáng tại nhà thờ Đức Bà (Chánh Tòa Sài Gòn), Đức Tổng Giám mục Gioan Baotixita Phạm Minh Mẫn (lúc đó Đức Cha chưa thăng chức Hồng y), chủ sự lễ phong chức linh mục cho mười tám thầy thuộc Đại Chủng viện thánh Giuse Sài Gòn.
Buổi chiều, khoảng 17 giờ, Đức Cha Luis Phạm văn Nẫm, nguyên Giám mục Phụ tá giáo phận Sài Gòn qua đời tại Tòa Tổng Giám mục Sài Gòn (sau một thời gian điều trị tại bệnh viện Nguyễn Trãi – Sài Gòn).
Hai sự kiện quan trọng đối nghịch nhau: một là vui mừng, còn một là đau thương, lại xảy ra cùng một ngày, khiến tôi suy nghĩ: Lễ phong chức linh mục là khởi đầu cho cả một đời hiến tế, khai mạc cho cả một thánh lễ dài, không phải lễ dâng trên bàn thờ, nhưng là lễ hiến dâng cuộc đời. Thánh lễ cuộc đời ấy sẽ kết thúc cùng với sự kết thúc cuộc đời của mỗi người trong cái chết.
Đã là thánh lễ cuộc đời, lễ vật Thiên Chúa đòi hỏi không phải là tạo ra thật nhiều của cải vật chất, không phải tìm hư danh, tư lợi. Nhưng thánh lễ cuộc đời là chính cuộc đời của mỗi một người làm lễ vật. Đó là một đời gắn bó với Chúa Kitô, sống Lời Chúa dạy, nỗ lực làm chứng nhân cho Chúa, phục vụ Nước Trời.
Mang những suy nghĩ từ hai sự kiện trọng đại ấy, tôi đọc lại Lời Chúa trong Tin Mừng của ngày Chúa nhật XIV thường niên năm C. Tôi thấy Lời Chúa dạy tôi nhiều ý nghĩa. Chúa nói: “Thầy sai các con ra đi như chiên con ở giữa sói rừng. Các con đừng mang theo túi tiền, giày dép, bao bị…Đến bất cứ nơi đâu, các con hãy nói thế này: “Bình an cho nhà này”.
Với Lời Chúa, chúng ta hãy xác tín rằng, tất cả mọi người, dù là linh mục, tu sĩ hay giáo dân, đều có chung một ơn gọi xuất phát từ Chúa Kitô, đó là được sai đi sống chứng nhân Tin Mừng ở giữa cuộc đời này.
Nhưng Chúa Kitô nói về cuộc sai đi này thật cam go, thật nhiều thử thách như hình ảnh “chiên ở giữa sói”. Cuộc ra đi, vào đời làm chứng cho Chúa, làm chứng cho Tin Mừng của Chúa, không phải là những bước chân êm ái, càng không bao giờ là lụa là gấm vóc, nhưng đó là khó khăn, là tê buốt, là chống đối, là bách hại…
Những tưởng đầy những khó khăn giăng mắc như vậy, Chúa sẽ bảo chúng ta mang theo vũ khí, mang theo gậy gộc và tất cả những gì cần thiết để đề phòng.
Nhưng không! Chúa dạy chúng ta làm những điều ngược lại: “Các con đừng mang theo túi tiền, bao bị, giày dép, và đừng chào hỏi ai dọc đường. Vào nhà nào, trước tiên các con hãy nói: Bình an cho nhà này”.
Hình như Lời Chúa có sự mâu thuẫn? Vì người truyền giáo xem ra không hề có bình an, ngược lại, bị vây bọc bởi những nguy hiểm đến nỗi “như chiên con ở giữa sói rừng”, vậy mà lại lên tiếng chúc “bình an cho nhà này”.
Như vậy, bình an mà Chúa muốn nói đây là bình an như thế nào? Làm sao lại có thể trao ban bình an, trong khi bản thân chẳng có bình an?
Hóa ra, hành trang để giữ người môn đệ trong đời sống đức tin không phải là tiền của, hay bất cứ thứ vật chất nào, nhưng là “sự bình an”, một thứ bình an trong tâm hồn. Đó chính là ơn bình an nội tâm. Đó là ơn bình an của tâm hồn biết tín thác cho Chúa, biết đặt trọn sự sống và cuộc đời mình trong tay Thiên Chúa.
Đó là sự bình an sâu lắng, là tất cả sự chấp nhận vì lòng yêu mến Chúa, vì muốn tháp nhập thập giá đời mình vào thập giá Chúa Kitô.
Đó là bình an, cho dù bên ngoài, nơi thân xác vẫn còn đó rất nhiều đau khổ, rất nhiều thử thách, gian lao…
Đó là thứ bình an nội tâm cần thiết vô cùng cho những tâm hồn thuộc về Chúa Kitô, những tâm hồn muốn làm môn đệ Chúa. Bình an ấy giúp họ ngày đêm miệt mài để “Danh Cha cả sáng, Nước Cha trị đến”, và Lời của Chúa lan tỏa, dẫu có phải chịu cảnh khốn cùng, nguy hiểm như “chiên con ở giữa sói rừng” đi nữa.
Bởi vậy, bình an trong tâm hồn mới có thể giữ vững đức tin, giúp ta mạnh mẽ sống đời sống chứng nhân Tin Mừng. Vì nếu lòng mà thiếu vằng ơn bình an, ta không thể dứng vững trước những khó khăn, nhiều lúc tưởng chừng vùi lấp mình trong đau khổ.
Vì nếu không có bình an trong nội tâm, chính lúc bản thân bị chìm trong đau khổ, thì tuyệt vọng dễ hơn vươn lên. Bởi vậy, chỉ có Thiên Chúa là nguồn bình an đích thực của ta.
Hãy cậy dựa vào Chúa, xin Người ban cho ta bình an trong tâm hồn. Hãy chiêm ngắm thập giá Chúa Kitô để học nơi Người bài học của sự vâng phục và đón nhận.
Để như Chúa Kitô, lòng ta cũng sẽ bình an và nhờ đó có thể trao ban bình an cho anh chị em. Vì nếu không có bình an nơi Thiên Chúa và như Chúa Kitô, nhiều lúc tưởng như cuộc đời vùi ta trong đau khổ, sẽ dễ làm ta nghi nan, nguy hiểm, hơn nữa, dễ mất đức tin.
Bởi thế, tôi thấy Lời Chúa Kitô như thấm tận hồn tôi. Lời ấy giúp tôi vượt qua mọi khốn khó bằng sự bình an trong tâm hồn. Mọi nỗi khốn khó nói riêng, mọi vui buồn của đời sống nói chung, dệt nên cuộc đời của mỗi người. Đặc biệt, đó là sức sống muôn đời của mỗi Kitô hữu. Vì thế, tôi coi đó là thánh lễ nối dài suốt đời người. Và tôi gọi đó là thánh lễ cuộc đời của tôi.
Nếu bạn luôn bình an chấp nhận cuộc đời của mình như những hoa trái cần thiết, tiến dâng lên Chúa, cuộc đời của bạn cũng chính là thánh lễ quý giá vô cùng.
Bởi thế, không chỉ có mười tám linh mục của giáo phận Sài Gòn, hay bất cứ linh mục nào, hoặc Đức Cha Luis Phạm Văn Nẫm, mới là những của lễ. Nhưng là tất cả những ai trung thành theo Chúa, sống đời sống chứng nhân cho Tin Mừng bằng sự bình an trong tâm hồn mà Chúa ban cho mỗi người.
Từ những gì đã suy niệm, bạn và tôi hãy vui lên, hãy đón nhận thập giá đời mình, để cùng Chúa Kitô, dâng lên Thiên Chúa hiến lễ là chính cuộc đời chúng ta.
Lm. VŨ XUÂN HẠNH