“Thưa Thầy, những người được cứu thoát thì ít có phải không?” (Lc 13:23). Câu hỏi của các môn đệ đặt ra đang khi Thầy trò tiến lên Giêrusalem không phải vô cớ, có lẽ các đồ đệ nhận thấy việc thiết lập Nước Chúa gần kề, mà các ông là người Chúa chọn, cho nên số người gia nhập Nước Trời quá ít ỏi chăng? Nỗi ưu tư của các tông đồ xem ra không được giải đáp thoả đáng khi nghe Thầy mình phán: “Hãy chiến đấu để qua được cửa hẹp mà vào!” (Lc 13:24). Một câu trả lời mà đối với các thần học gia, các chuyên gia thánh kinh diễn tả như là một lời nói: mâu thuẫn, khó hiểu và ám chỉ. Dẫu sao, điều này không gây ra sự hiểu lầm giữa bậc trí thức cũng như giới bình dân, nhưng là cơ hội khiến ta đối diện trước câu trả lời rất thẳng thắn và minh bạch của Chúa Giêsu.
Thế nào là cửa hẹp? Cửa hẹp mà Tin Mừng ám chỉ không gì khác hơn ngoài lời mời gọi tha thiết của Thầy Giêsu. Ngài kêu gọi mọi người, mọi thời đại hãy “bước theo Thầy” qua cửa hẹp, hãy làm những gì Thầy làm, sống như Thầy sống và vâng lời làm theo ý Chúa Cha, vì: “Thầy đến không phải để được phục vụ, nhưng là để phục vụ” (Mt 20:28). Theo Chúa qua cửa hẹp đôi khi bạn cảm thấy mình lạc lõng giữa chợ đời, khi mà thế gian không tiếp nhận bạn chăng nữa, bạn cũng không thể ra khỏi vòng tay yêu thương của Thiên Chúa một khi tín thác nơi Người. Chính Chúa Giêsu đến cứu độ nhân loại, Ngài được mấy ai niềm nở tiếp đón. Hơn nữa, các thù địch tìm đủ mọi cách hại Ngài. Nhưng Chúa Giêsu biết rằng: Cha nhân lành hằng luôn yêu thương Ngài. Xác tín này có giúp bạn phấn đấu qua cửa hẹp Tin Mừng không?
Thánh Phaolô Tông đồ cũng kinh nghiệm điều này khi Ngài viết thư cho các tín hữu thành Côrintô biết dùng ơn Chúa để mưu ích cho nhiều người. Dù không nên cớ vấp phạm cho ai nhưng vẫn bị người ta cho là kẻ lừa đảo, các Ngài luôn bị ngược đãi khiến phải thốt lên rằng: “Khi vinh cũng như khi nhục, lúc được tiếng tốt cũng như bị mang tiếng xấu. Bị coi là bịp bợm nhưng kỳ thực chúng tôi chân thành, bị coi là sắp chết nhưng chúng tôi đang sống; coi bị trừng phạt nhưng không bị giết chết!” (II Cor 6:8-10). Theo mạch văn trên, những cửa hẹp mà Phaolô phải chiến đấu để vào Nước Trời, là những cái chết nho nhỏ từng ngày, để sinh hoa trái thiêng liêng cho các tâm hồn cách hữu hiệu, vì: “Hạt lúa gieo vào lòng đất, nếu chết đi mới sinh nhiều hạt khác” (Ga 12:24). Một trong những nguyên nhân các tín hữu Công Giáo tụ họp tại thánh đường vào mỗi Chúa Nhật, là để nhắc nhớ biến cố Phục Sinh của Đức Kitô, nhìn lại những gì xảy đến trên Ngài, nhận ra sức mạnh của sự Phục Sinh, nhờ đó rút ra một bài học sống động giữa sự sống và sự chết, mà sự chết không làm chủ trên thân xác Chúa Giêsu thì sự chết nơi thân xác ta có một ý nghĩa mới. Mặc dầu ai trong chúng ta đều phải chết, nhưng có nhiều người không muốn nói về nó và còn cho kẻ gợi lên ý tưởng này là tâm trí bất an, cho đến khi đối diện với tử thần thì chỉ còn trong sự bứt rứt và hối tiếc. Cho nên, giây phút này bạn cùng tôi nhận thức rằng: sự Phục Sinh của Chúa sẽ làm cho thân xác ta được hưởng sự Phục Sinh vinh hiển của Đức Kitô, Ngài biến đổi sự chết thành sự sống, sự thất vọng trở nên nguồn ai vui vô tận.
Để hưởng một sự sống viên mãn sau cái chết nơi thân xác yếu hèn này, bạn và tôi cần phải trải qua những “sự chết” nho nhỏ trong cuộc sống hằng ngày. Vợ chồng cần chết đi những tính tình khác thường để hợp nhất nên một. Cha mẹ cũng cần chết đi vì tính khí bồng bột, ngang ngạnh của con cái mà yêu thương chúng hơn. Con cái cũng cần chết đi vì lối cư xử nghiêm khắc của cha mẹ mà vâng nghe những điều hay lẽ phải, và còn nhiều cái chết khác nữa để xây đắp hòa bình, an vui cho tha nhân. Mặc dầu mỗi cái chết này đều gây những thương đau, bất hạnh, hay ngờ vực nơi bản thân, hãy mở lòng để sức sống mạnh mẽ của Đức Kitô Phục Sinh chữa lành những vết thương nơi thân xác bạn và tôi, từ đó sự hiện diện của Đấng Sống Lại sẽ là nguồn an vui và hy vọng bất tận cho những ai tin tưởng nơi Người.
Một câu truyện đơn sơ nhưng tuyệt vời với tựa đề: “Ba Ngày Nhiệm Mầu” mà tác giả họa lại khung cảnh tuyệt đẹp của mùa xuân. Hôm đó một niềm an bình xâm chiếm hồn tôi khi tôi rời nhà thờ chánh toà trong ngày thứ hai trong bát nhật Phục Sinh. Khi đi đến một đoạn đường chính, tôi dừng lại quan sát thấy nhiều người vội vã đến sở làm. Bất chợt tôi thấy một người đàn bà lớn tuổi bán hoa, đang ngồi chỗ thường nhật gần một cổng nhỏ, dưới chân là các đóa hoa được xếp đặt ngay ngắn, gọn gàng trên một tờ báo trải rộng. Người đàn bà này mở một nụ cười thật tươi và các nếp nhăn trên khuôn mặt khả kính phản ảnh một nguồn vui thầm kín tận đáy tâm hồn. Tôi định bước đi tiếp nhưng có sự gì thúc đẩy tôi đi đến đó, lấy một đóa hoa cài lên ve áo rồi lên tiếng chào hỏi: “Tôi thấy bà sáng nay thật hạnh phúc!” Bà ta liền đáp: “Tại sao không! Mọi sự đều tốt đẹp cả.” Nhìn thấy cách ăn mặc của bà không phải khá giả và có vẻ cũ kỹ, hơn nữa câu trả lời của bà khiến tôi giật mình. Tôi tiếp tục lên tiếng hỏi: “Chắc bà đã ngồi làm việc nơi đây lâu năm, bà luôn nở nụ cười có lẽ bà biết cách đón nhận những khó khăn trong cuộc sống cách dễ dàng?” Bà ấy niềm nở đáp lời: “Tôi đã đến tuổi này rồi thì còn khó khăn nào tôi không gặp! Cũng giống như Chúa Giêsu và ngày Thứ Sáu Tuần Thánh!” Nói đến đây bà ngừng lại đôi chút. Tôi liền đáp: “Vâng?” Bà tiếp tục nói rằng: “Có thể nói rằng, ngày bất hạnh cho thế giới là ngày Con Thiên Chúa bị treo trên Thánh Giá trong ngày Thứ Sáu. Tôi thường gẫm suy và nhắc mình rằng: sự việc đó thật bi đát nhưng ba ngày sau đó, Con Chúa phục sinh khải hoàn. Vì vậy, khi gặp những nghịch cảnh, tôi biết chờ đợi trong “ba ngày” rồi mọi sự sẽ được tốt đẹp. Sau đó, bà ấy mỉm cười và tạm biệt tôi, nhưng những lời ấy còn ghi khắc trong tôi, để khi tôi gặp những trường hợp éo le, tôi cũng biết tín thác vào Chúa và kiên tâm chờ đợi trong “ba ngày”.
Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ