Càng lớn tuổi, chúng ta càng cảm thấy rằng chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể nói về Thiên Chúa, hay chính xác hơn là chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể in dấu ấn của Ngài trên trái tim con người, cùng lúc với việc Ngài mặc khải chính mình. Sự bất lực của chúng ta càng rõ ràng hơn khi đặt câu hỏi về mầu nhiệm thân tình nội tại của Thiên Chúa, mầu nhiệm tương quan qua lại, mầu nhiệm của ánh sáng Thiên Chúa vốn dĩ phản chiếu chính Thiên Chúa, mầu nhiệm của tình yêu được trao đổi, là Ngôi vị cũng như sự trao đổi, mầu nhiệm về Thiên Chúa Ba Ngôi, Đấng hiện hữu trước khi có trần thế và con người, và vẫn luôn tỏ mình ra trong những gì Thiên Chúa làm cho thế giới và cho con người.
Với toàn bộ Tân Ước, cũng như với các giáo huấn của Giáo hội và lời giảng dạy của sách Đệ Nhị Luật: “Nghe đây, hỡi Israel! Thiên Chúa , Chúa chúng ta, là Thiên Chúa duy nhất” (Đệ nhị luật 6: 4) rõ ràng là chúng ta nắm bắt được điều gì đó chân thật và xác quyết, khi chúng ta chiếu lại đoạn phim về những việc làm vĩ đại của Thiên Chúa, đặc biệt là khi chúng ta suy niệm về việc Chúa Con và Chúa Thánh Thần được sai đến, khi chúng ta nối lại “mạch tình yêu”, vốn bắt đầu từ Chúa Cha và trở về với Chúa Cha; nhưng ở mỗi bước đi đầy ngạc nhiên của chúng ta, chính Chúa Thánh Thần dẫn dắt chúng ta nói lại: Thiên Chúa là Một, Ngài là Một trước thời gian, Ngài là Một khi Ngài mặc khải mình là Ba Ngôi, Ngài là Một trong thời gian hiện tại hôm nay vốn ẩn chứa những gì là vĩnh cửu, khi Thiên Chúa sẽ là tất cả mọi sự trong tất cả mọi người.
Và chúng ta đang sống giữa một nghịch lý, bởi vì con đường tốt nhất để gặp gỡ Thiên Chúa vốn là Thiên Chúa Duy Nhất là suy gẫm về hành động riêng biệt của mỗi một Ngôi vị; đồng thời hành động của mỗi một Ngôi vị cho thấy ý nghĩa đầy đủ của Ngôi vị đó chỉ khi quy chiếu về Thiên Chúa là Thiên Chúa duy nhất.
Đây là một trong những điều mà Thiên Chúa đã giấu không cho những người khôn ngoan và thông thái, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn: “Lạy Cha là Chúa Tể trời đất, con xin ngợi khen Cha, vì Cha đã giấu kín không cho bậc khôn ngoan thông thái biết những điều này, nhưng lại mặc khải cho những người bé mọn” (Luca 10:21). Về cơ bản, khi chúng ta vẫn còn sững sờ và không nói nên lời trước những chiều kích thần linh này của Thiên Chúa, thì có lẽ điều đó là do sự yếu kém trong đức tin của chúng ta và do một căn bệnh trong niềm cậy trông của chúng ta. Những người bé mọn thực sự biết cách nói với sự sâu thẳm của mầu nhiệm; họ biết cách nói về Thiên Chúa bằng những lời của Thiên Chúa.
Trong kế hoạch của Thiên Chúa, mầu nhiệm bắt chúng ta tiến bước. Chính sự sợ hãi mầu nhiệm, và từ đó rốt cuộc là sự sợ hãi Thiên Chúa, đã ngăn cản chúng ta mạnh dạn bước vào “chiều sâu của Thiên Chúa”. Và Thiên Chúa không muốn nỗi sợ hãi này,: “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Áp-ba! Cha ơi! “!” (Rôma 8,15).
Thiên Chúa biết rõ rằng mầu nhiệm hiệp nhất của Ngài nằm ngoài tầm hiểu biết của chúng ta; nhưng sự trói buộc này biến mất ngay khi chúng ta chấp nhận sống như những người con. Thánh Thần cùng làm chứng rằng chúng ta là con cái của Thiên Chúa: “Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa” (Rôma 8,15).
Chúng ta phải tự đặt mình vảo trong chính kinh nghiệm làm con này, dù cảm thấy hay không. Phần còn lại sẽ là công việc của Thần Khí: “Quả vậy, phàm ai được Thần Khí Thiên Chúa hướng dẫn, đều là con cái Thiên Chúa” (Rôma 8: 14), những người ấy tự mở rộng mình ra đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa Ba Ngôi. Chính Thánh Thần sẽ dẫn dắt chúng ta từng chút một vào toàn bộ sự thật, với nhịp bước riêng của mỗi người. Chính Ngài, vào một ngày nào đó, trong lúc chúng ta cầu nguyện, hoặc trong lúc chúng ta phục vụ Tin Mừng, sẽ làm cho chúng ta nắm bắt được, Chúa Cha yêu Chúa Con đến mức nào, Chúa Con là vinh quang của Chúa Cha đến mức nào.
Điều còn lại đối với chúng ta là sống cuộc sống hàng ngày của chúng ta cho Chúa Giêsu Kitô, với sự dâng hiến, sự cô đơn và niềm vui của cuộc sống đó, và giữ cho tâm hồn chúng ta rộng mở để đón nhận mầu nhiệm Thiên Chúa của chúng ta vốn lớn lao hơn tất cả, là Đấng cúi xuống trên mỗi người, nam cũng như nữ, và trên muôn vàn người, để ban sự sống dồi dào.
Tác giả: tu huynh Jean-Christian Lévêque, OCD, carmel.asso.fr.
Chuyển ngữ: Phêrô Phạm Văn Trung.