Ngày xưa người ta quen gọi lễ Hiển Linh là lễ Ba Vua, sở dĩ vậy vì trong Tin Mừng đọc trong Thánh Lễ hôm nay, ba nhà đạo sĩ tìm kiếm để bái yết hài nhi Giêsu. Ba nhà đạo sĩ là những người trổi trang về kiến thức uyên bác; họ có thể đọc dấu chỉ thiên nhiên để nhận ra sự xuất hiện của những người đặc biệt. Từ ngữ “vua” được dùng trong “ba vua” là để chỉ người trổi trang hơn người khác về phương diện nào đó.
Qua biến cố mục đồng tới viếng hài nhi, người ta nhận ra Thiên Chúa đã tỏ mình cho những người Do Thái nghèo nhưng có tâm hồn mở rộng sẵn sàng đón nhận Thiên Chúa. Với biến cố ba nhà đạo sĩ đi viếng hài nhi, Giáo Hội nhận ra Thiên Chúa tỏ mình cho dân ngoại.
Người Do Thái cho rằng họ là dân được tuyển chọn, còn các dân tộc khác là dân ngoại. Với biến cố Đức Giêsu và việc các dân tộc khác đón nhận Tin Mừng, người ta nhận ra rằng tất cả mọi dân tộc đều thuộc về Thiên Chúa, tất cả các dân tộc đều được Thiên Chúa yêu thương như dân tộc Do Thái. Hôm nay với trình thuật các đạo sĩ tìm kiếm và bái lạy Đức Giêsu, Kitô hữu nhận ra Thiên Chúa cũng mặc khải cho dân ngoại. Thiên Chúa yêu thương dân ngoại như Ngài đã từng yêu thương dân tộc Do Thái. Mọi dân tộc đều bình đẳng trước Thiên Chúa. Thiên Chúa yêu thương mọi dân tộc, mọi con người, chứ không phải chỉ riêng dân tộc Do Thái.
Kitô hữu phải là người cảm nghiệm sâu xa tình yêu Thiên Chúa dành cho con người, và đặc biệt cho chính mình. Kitô hữu cũng phải là người sống bình an và hạnh phúc, vì ý thức mình là tạo vật được Thiên Chúa yêu thương. Ngài tha thứ mọi lỗi lầm, và không chỉ vậy, còn mời gọi mọi người vào chia sẻ sự sống vĩnh cửu hạnh phúc với Thiên Chúa. Một khi phần nào cảm nghiệm tình yêu của Thiên Chúa và bình an hạnh phúc, Kitô hữu thấy mình phải chia sẻ niềm vui này, tin mừng này cho những người anh em của mình chưa biết Đức Giêsu, ngõ hầu họ cũng có niềm vui này. Bản chất Kitô hữu là rao giảng Tin Mừng, làm cho muôn dân được nghe, hiểu và sống đáp trả tình yêu Thiên Chúa.
Ngày nay nhiều người “dị ứng” với từ ngữ truyền giáo, vì từ ngữ này gợi lên nơi người ta ấn tượng rao giảng để kéo người khác bỏ đạo của họ để theo Kitô giáo. Nếu có ý hướng như vậy, người ta mang nặng tính phe phái và giành giựt nhiều hơn là chia sẻ tin mừng. Một Kitô hữu đúng nghĩa phải là người muốn chia sẻ tin mừng với người khác, vì mình nghĩ rằng biết Đức Giêsu là điều rất tốt và ích lợi cho mọi người. Tuy nhiên, Kitô hữu phải là người luôn tôn trọng người khác, tôn trọng tự do và tín ngưỡng của tha nhân; nếu ai đó đón nhận Tin Mừng, thì đó là vì chính họ thấy sự thật, họ cũng được bình an và hạnh phúc hơn khi trở thành Kitô hữu.
Khi một Kitô hữu muốn rao giảng tin mừng, họ phải tự vấn chính mình: “niềm tin vào Đức Giêsu mang gì lại cho tôi? Tin vào Đức Giêsu, có làm cho tôi sống bình an và hạnh phúc hơn không? Nếu tin vào Đức Giêsu Phục Sinh không giúp gì cho tôi, thì tại sao tôi lại muốn làm cho người khác trở thành Kitô hữu như tôi?” Lời mời gọi rao giảng tin mừng Đức Giêsu Phục Sinh đòi Kitô hữu phải xét lại niềm tin của mình, lối sống của mình. Nếu đời sống của tôi không là đời sống toát lên nét tươi vui của một người hạnh phúc, thì làm sao tôi có thể rao giảng tin mừng được! Nếu tôi sống u buồn thất vọng, tôi là phản chứng cho Tin Mừng Phục Sinh. Tôi phải sống sao, để đời sống của tôi không trở thành phản chứng.
Kitô hữu là người có Chúa Kitô nơi mình, là người bạn của Đức Giêsu Kitô, là người muốn trở nên đồng hình đồng dạng với Ngài. Cách sống của Đức Giêsu Kitô phải là cách sống của mỗi Kitô hữu. Kitô hữu phải là người có cùng chọn lựa với Đức Giêsu Kitô, phải biết yêu thương con người hôm nay như chính Đức Giêsu đã yêu, phải là người yêu đến cùng anh em mình, người thân mình, những người mình gặp gỡ, và thậm chí cả những kẻ không ưa và ghét mình. Đức Giêsu đã cầu nguyện cho những kẻ giết Ngài, Kitô hữu cũng phải tha thứ cho những người làm hại họ.
Kitô hữu phải là người trung thành như Thiên Chúa là Đấng Thành Tín. Thiên Chúa không bao giờ phản bội, và Kitô hữu cũng không bao giờ được phản bội ai. Không làm hại ai. Chỉ muốn điều tốt cho tha nhân, chỉ tìm lợi ích cho người khác chứ không làm hại họ, đó phải là cách sống của Kitô hữu. Có được như vậy, nhiều người sẽ ngạc nhiên và sẽ tìm hiểu niềm tin của Kitô hữu; để rồi nếu họ muốn họ có thể chia sẻ niềm tin Kitô hữu, để họ cũng được bình an và hạnh phúc như những Kitô hữu. Kitô hữu phải là men trong bột, phải là ánh sáng cho thế gian. Kitô hữu tuy có cùng nỗi bận tâm và gian nan như bất cứ con người nào sống trên đời, nhưng ánh sáng đức tin đã soi sáng cho họ, giúp họ tuy sống giữa trần gian nhưng không thuộc về trần gian.
Câu hỏi gợi ý chia sẻ
1. Bạn có muốn người khác có cùng niềm tin với bạn không? Tại sao?
2. Nếu không tin vào Đức Giêsu, bạn có được như hiện tại không? Tại sao?
3. Phải rao giảng thế nào để con người ngày nay dễ đón nhận Tin Mừng Đức Giêsu Kitô?
Lm. Giuse Phạm Thanh Liêm