THỨ SÁU TUẦN THÁNH Ga 18,1-19,42
(Is 52, 13-53,12; Dt 4, 14-16. 5, 7-9; Ga 18, 1-19.42).
Thứ Sáu Tuần Thánh, Good Friday, ngày tưởng niệm sự đau khổ và sự chết của Chúa Giêsu Kitô trên thập giá. Hôm nay Giáo Hội dành một ngày đặc biệt để suy niệm về sự thương khó của Chúa: Nhà thờ không trưng hoa, đèn nến, không trải khăn bàn thờ và nhà tạm mở cửa để trống. Các tín hữu ăn chay và kiêng thịt hy sinh phần xác. Cộng đoàn tín hữu có giờ Kinh sáng và giờ thích hợp sẽ cử hành Phụng Vụ Lời Chúa với Bài Thương Khó, Lời Nguyện Giáo dân trọng thể, Suy tôn và hôn kính thánh giá và phần Rước Lễ hiệp thông. Cao điểm của các việc cử hành phụng vụ nhắc nhở chúng ta về tình yêu dâng hiến của Chúa Giêsu. Không có tình yêu nào cao quí hơn mối tình của người hiến thân mình vì bạn hữu. Chúa Kitô đã chấp nhận tất cả khổ đau chỉ vì muốn cứu độ chúng ta.
Tiên tri Isaia đã diễn tả hình ảnh đau thương của Người Tôi Trung bị người đời hành khổ: Cũng như bao kẻ đã sửng sốt khi thấy tôi trung của Ta mặt mày tan nát chẳng ra người, không còn dáng vẻ người ta nữa (Is 52, 14). Người tôi trung bị đánh đập phỉ nhổ, máu me chảy tràn lan trên mặt đến nỗi người ta không còn nhận diện ra khuôn mặt dáng vẻ. Đây là hình ảnh của Đấng Cứu Thế trong khi bị tra trấn, đòn đánh, mạo gai thấu vào đầu, roi vọt quất trên lưng trần, máu từ đầu chảy xuống mặt và thánh giá nặng đè vác trên vai. Ngài mang mọi thương tích để xoa dịu những đau thương của chúng ta: Chính người đã bị đâm vì chúng ta phạm tội, bị nghiền nát vì chúng ta lỗi lầm; người đã chịu sửa trị để chúng ta được bình an, đã phải mang thương tích cho chúng ta được chữa lành (Is 53, 5). Khi bị trói buộc, đòn đánh và phỉ nhổ, Chúa đành chịu, không một lời ta thán mắng mỏ, nhưng âm thầm lê bước vác thập giá tới núi sọ để hiến dâng của lễ toàn thiêu tinh tuyền.
Sống ở đời, có nhiều điều làm cho chúng ta âu lo, phiền muộn, sầu não và sợ hãi. Lo lắng vì gặp sự nghèo khổ, đói khát, không có nơi trú ngụ và lưu lạc nơi xứ lạ quê người. Sợ người ta hiểu lầm, chống đối, tẩy chay, xua đuổi và chụp mũ. Thân xác sợ bị phỉ nhổ, xô đẩy, roi vọt đánh đòn, trói buộc và mọi sự hành khổ. Ai cũng có chút kinh nghiệm về sự khổ đau này. Người tôi trung của Chúa lãnh chịu mọi thứ hình khổ và sau cùng đã bị loại trừ bằng cái chết: Người đã bị ức hiếp, buộc tội, rồi bị thủ tiêu. Dòng dõi của người, ai nào nghĩ tới? Người đã bị khai trừ khỏi cõi nhân sinh, vì tội lỗi của dân, người bị đánh phạt (Is 53, 8). Tôi trung chấp nhận chịu nhịn nhục và xỉ vả. Người ta cũng thường nói rằng một sự nhịn là chín sự lành. Sự nhẫn nhục chịu khổ đau đã sinh ra hoa trái là sự khiêm hạ và thắng vượt.
Lửa thử vàng, gian nan thử đức. Sự thống khổ sẽ giúp chúng ta tôi luyện tâm hồn nên tinh tuyền. Tôi trung công chính đã mở đường dẫn lối nhiều người tìm thấy nguồn an vui đích thực của chân lý: Nhờ nỗi thống khổ của mình, người sẽ nhìn thấy ánh sáng và được mãn nguyện. Vì đã nếm mùi đau khổ, người công chính, tôi trung của Ta, sẽ làm cho muôn người nên công chính và sẽ gánh lấy tội lỗi của họ (Is 53, 11). Muốn đội triều thiên vinh quang, chúng ta phải miệt mài tu luyện và liên lỉ phấn đấu với mọi trạng huống cuộc đời. Không thể ngôi chơi, xơi bát vàng. Muốn thành công mãn nguyện, cần phải trả giá. Giá càng cao, ân phúc càng tràn đầy. Người tôi trung đã đi qua con đường đau khổ để đạt vinh quang. Người tôi tớ không nhận vòng hoa chiến thắng bằng giải hoa tươi mau tàn chóng héo, nhưng là vòng hoa của sự công chính viên mãn.
Tiên tri Isaia đã tiên báo về số phận của Đấng Thiên sai. Chúa Giêsu, Đấng được xức dầu, đã hoàn tất mọi lời của các tiên tri đã loan báo về Ngài. Thiên Chúa đã sai các tiên tri loan tin như: Amos, Hosea, Micah, Isaiah, Zepaniah, Nahun, Habakkuk, Jeremiah, Ezekiel, Zechariah, Joel, Malachi và Jonah. Các tiên tri luôn đồng hành với dân để soi đường mở lối và dẫn dắt họ trong đường ngay nẻo chính. Những lời tiên tri mang lại niềm vui và hy vọng sự giải thoát khỏi vòng nô lệ tội lỗi và áp bức của ma quỉ và thế gian. Hình ảnh người tôi trung đã thể hiện rõ nét nơi Chúa Giêsu Kitô. Nhóm lãnh đạo tôn giáo và dân chúng đã bị xúi dục để lên án kết tội chết cho Chúa: Khi vừa thấy Đức Giêsu, các thượng tế cùng các thuộc hạ liền kêu lên rằng: “Đóng đinh, đóng đinh nó vào thập giá! ” Ông Philatô bảo họ: “Các người cứ đem ông này đi mà đóng đinh vào thập giá, vì phần ta, ta không tìm thấy lý do để kết tội ông ấy.”(Ga 19, 6). Tuy không tìm thấy lý do nhưng cứ kết tội. Đây cũng là sự nhu nhược và mị dân của ông Philatô.
Với sức ép từ mọi phía và lòng người ra chai cứng, người ta đã đóng đinh người vô tội: Tại đó, họ đóng đinh Người vào thập giá, đồng thời cũng đóng đinh hai người khác nữa, mỗi người một bên, còn Đức Giê-su thì ở giữa (Ga 19, 18). Khi lòng con người đã chìm ngập trong oán thù thì sự dữ tăng lên gấp bội. Người ta đã liệt kê Chúa Giêsu đồng hàng với những kẻ trộm cượp giết người. Để thỏa dạ, các thượng tế, luật sĩ, biệt phái và những người tiểu tâm đã thay lòng đổi dạ mắng nhiếc xỉ vả hết lời. Chúa cam chịu tất cả hình khổ như lễ dâng tinh tuyền lên Thiên Chúa Cha để đền tội cho muôn dân. Nhắp xong miếng giấm chua, Đức Giê-su nói: “Thế là đã hoàn tất! ” Rồi Người gục đầu xuống và trao Thần Khí (Ga 19, 30). Chúa Giêsu đã bị hành khổ cho đến chết. Chết vì kiệt sức. Chết vì đau đớn. Chết vì lưỡi đòng đâm thấu trái tim. Chúa Kitô đã hiến thân trọn vẹn. Một lễ toàn thiêu tinh tuyền dâng hiến một lần là đủ. Chúa Giêsu đã hoàn tất sứ mệnh cứu chuộc loài người.
Thật ra, thái độ của chúng ta cũng không khác gì với cách hành xử của các thượng tế và dân Do-thái xưa là bao. Kinh nghiệm sống đạo cho thấy rằng chúng ta cũng dễ bị lôi cuốn vào những thị phi vô thường ở đời. Đôi khi chỉ cần một lời phát biểu hay một câu văn bị cắt xén, vì không hợp với quan điểm của một vài độc giả, thế là bị chụp mũ, kết án và không tiếc lời mạt sát danh dự của tác giả. Chúng ta dễ bị cám dỗ chiều theo dư luận xấu để chống đối, vào hùa, trở mặt, dèm pha, chối từ và tẩy chay một cách vô ơn. Chỉ cần một sự bất đồng ý kiến, sự hiểu lầm hoặc không thỏa mãn yêu cầu riêng tư, thì thái độ của chúng ta đã xoay quanh 180 độ. Nhiều lần chúng ta đã kết án người vô tội. Giờ này, chúng ta không ngồi đây để trách cứ hay xét đoán người khác mà hãy suy gẫm về hành trình sống đạo và niềm tin của mình vào Chúa Kitô. Bao lần chúng ta ngoảnh mặt làm ngơ với điều thiện, với lẽ đạo và với chân lý. Chúng ta xem thường việc thực hành các vấn đề luân lý và đạo đức. Chúng ta đàn áp và nhạo cười các chứng nhân sự thật. Vào hùa với quần chúng và con người xã hội để phê bình chỉ trích các huấn quyền và lời chỉ dậy của Giáo Hội.
Tác giả thơ gởi tín hữu Do-thái đã tuyên xưng: Vị Thượng Tế của chúng ta không phải là Đấng không biết cảm thương những nỗi yếu hèn của ta, vì Người đã chịu thử thách về mọi phương diện cũng như ta, nhưng không phạm tội (Dt 4, 15). Xuyên suốt qua lời tiên báo của tiên tri Isaia, tin mừng của thánh Gioan và tác giả thơ Do-thái đã diễn tả hình ảnh đau thương thực sự của Chúa Kitô. Ngài đã chịu thử thách tư bề, nhưng không hề phạm tội. Ngài là Chúa Chiên lành và là con chiên tinh tuyền không tì vết. Mỗi khi linh mục chủ tế đọc lời chúc tụng trước khi rước lễ: Đây là Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xóa tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa. Chúng ta tuyên xưng niềm tin và đón nhận Ngài.
Lạy Chúa, Chúa đã chọn con đường thánh giá để cứu độ chúng con. Xin cho chúng con biết vâng phục vác thánh giá mỗi ngày mà đi theo Chúa. Qua thánh giá khổ đau mới có triều thiên vinh quang của sự sống lại. Chúa mời gọi chúng con bước theo Chúa, vì: Dầu là Con Thiên Chúa, Chúa đã phải trải qua nhiều đau khổ mới học được thế nào là vâng phục (Dt 5, 8). Xin cho chúng con biết vâng ý Chúa Cha dưới đất cũng như trên trời để chúng con sẽ tìm được lẽ sống bình an và nguồn an vui đích thực.
Lm Giuse Trần Việt Hùng
Bronx, New York