TIN NƠI CHÚA MỚI LÀ PHÚC THẬT

CHÚA NHẬT VI THƯỜNG NIÊN NĂM C

Khác Tin Mừng theo thánh Mathêu: “Phúc cho AI có TINH THẦN nghèo khó, phúc cho AI hiền lành, phúc cho AI khóc lóc…”, thánh Luca cho biết Chúa nói một cách trực tiếp: “Phúc cho CÁC NGƯƠI là những người nghèo, phúc cho CÁC NGƯƠI là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho CÁC NGƯƠI là những kẻ BÂY GIỜ ĐANG khóc…”.

Đối với thánh Mathêu, một cái “AI” nào đó, nghe xa xôi, chung chung. Hơn nữa: “AI có TINH THẦN”: một cái “AI” trong TINH THẦN, chứ không phải “các ngươi” trong đời thường, như thánh Luca đã nói thật cụ thể.

Dĩ nhiên mỗi cách viết của mỗi thánh sử đều có mục đích, ý hướng, ý nghĩa riêng, khó mà so sánh. Nhưng nếu nói: “Phúc cho ai có tinh thần nghèo khó” thì dễ hiểu hơn.

Tinh thần nghèo khó thì người rất giàu vẫn có thể có. Giàu nhưng họ sống thanh bần, không lệ thuộc của cải vật chất, đề cao đức bác ái và cho đi một cách dễ dàng… Vì đó là tinh thần mà! Tinh thần nghèo khó không có nghĩa là thiếu thốn cái ăn, cái mặc nhưng là sống siêu thoát.

Còn trong Tin Mừng thánh Luca, Chúa lại nói một cách trực tiếp: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang khóc…”, tức là phúc cho bạn và tôi là những người, chính lúc này, đang nghèo, đang đói, đang khóc… Nghèo thật sự, đói thật sự, khóc thật sự, chứ không có tinh thần gì ở đây hết! Nghèo lắm, đói lắm, đau khổ lắm, chứ không phải xa xôi, ở tận đâu đâu.

Vậy ta phải giải thích cách nào?

Chính Chúa Kitô là câu trả lời hoàn hảo. Bởi Chúa nghèo đến nỗi, con chồn có hang, con chim có tổ, nhưng chính Chúa thì không có chỗ gối đầu. Chúa không có chỗ sinh ra, phải mượn chuồng lừa làm nhà, mượn máng lừa làm nôi. Chúa chết không có mảnh vải che thân, phơi thây giữa trời giữa đất…

Chúa còn nghèo về phương diện sự sống. Loài người tước đoạt đến nỗi trong vườn Giêtsêmani, Chúa hấp hối trong cơn túa mồ hôi nặng như những giọt máu. Chúa bị ngược đãi, bị chống đối, bị thù ghét, bị lột sạch danh dự và nhân phẩm, bị giết chết đau đớn, ê chề…

Vẫn chưa hết, trên thập giá tang thương, Chúa cô đơn cùng cực. Nỗi cô đơn tưởng như ngay cả Chúa Cha, chỗ dựa duy nhất của mình, cũng đã bỏ mặc. Chính miệng Chúa thốt lên: “Lạy Cha, sao Cha lại bỏ con”.

Sự nghèo khó của Chúa Kitô đi đến cùng của lòng vâng phục Thiên Chúa. Vâng phục cho đến nỗi không còn gì thuộc về mình, chỉ còn thánh ý Thiên Chúa như sức mạnh cuối cùng giữa lúc lực cạn, và gục đầu phó dâng linh hồn.

Cuộc đời của Chúa Kitô rực sáng niềm tin tưởng vào thánh ý Chúa Cha. Nhờ tin, Chúa vui nhận mọi thử thách. Nhờ tin, Chúa bằng lòng đón nhận thân phận của một con người bị vùi dập, bị bạc đãi đến cùng.

Bạn thân mến, nếu Chúa Kitô trung thành với thánh ý Chúa Cha đến hết đời của mình, thì chúng ta cũng phải như thế. Vinh quang bao giờ cũng có giá của nó. Vinh quang mãi mãi đứng phía sau thập giá.

Nghĩ như thế, tôi thấy trong lời chúc: “Phúc cho các ngươi là những người nghèo, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang đói, phúc cho các ngươi là những kẻ bây giờ đang khóc…”, có một tâm huyết dành cho chúng ta lớn lắm: Hãy tin vào Thiên Chúa. vì chỉ có những ai dù đói nghèo, dù khổ sở đến đâu, nhưng vẫn vững một lòng tin, mới là người có phúc.

Có ai không muốn mình hạnh phúc! Chúa Kitô cũng vậy. Chắc chắn Chúa không muốn chúng ta phải nghèo, phải đói, phải khóc lóc. Nhưng Ngài muốn ta đi trên con đường mà Ngài đã đi. Đó là con đường của đức tin: Tin vào Thiên Chúa, Cha của Ngài và Cha của chúng ta.

Nghèo đói, thiếu thốn, than khóc… là những đau khổ. Nhưng trong đau khổ, hãy cứ tin. Đức tin sẽ giúp lắng bớt nỗi đau. Đức tin cho ta yên lòng vì biết Chúa nhìn thấy nỗi khổ sở, sự chịu đựng của ta. Đức tin thêm ơn sức mạnh để ta đủ nghị lực vượt thử thách. Nhờ đức tin, tâm hồn sẽ bình an và ấm áp.

Hiểu như thế, ta sẽ thấy đau khổ chính là phương tiện tuyệt vời chắp cánh cho đức tin bay cao và bay xa. Chỉ hiểu như thế thôi, đủ thấy nỗi khốn cùng chính là mối phúc. Vì nói cho cùng, ta phải nói: “Phúc cho kẻ đã tin. Và Phúc lớn cho kẻ trong đói nghèo, trong nước mắt, vẫn tin”.

Nếu Chúa đã từng cho biết: “Phúc cho những ai không thấy mà tin”, thì hôm nay, sống trong cuộc đời này, ta phải nói rằng, phúc cả thể cho những ai đi trong tăm tối, nhưng vẫn cảm nhận Thiên Chúa là Tình yêu.

Phúc cho người tin như thế, sẽ đúng như lời tiên tri Isaia đã nói trong bài đọc I: “Phúc cho người tin tưởng vào Chúa, Chúa sẽ là niềm cậy trông của họ”.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts