Nói đi nói lại, nói tới nói lui, căn cốt nhất của đời người vẫn là niềm tin. Niềm tin làm cho con người vững sống và vui sống. Khi con người tin vào Chúa, vào Thượng Đế, vào Ông Trời của đời mình thì mọi chuyện êm ả vì có Chúa, có Thượng Đế, có Ông Trời lo. Và vì thế, cũng chẳng lạ gì khi cuộc sống gặp khó khăn, thử thách người ta vẫn thường chạy đến Chúa, đến Thượng Đế, đến Ông Trời của mình.
Tâm tình cầu khẩn Đức Chúa của mình khi gặp thử thách gian nan được tiên tri Khabacuc ghi lại thật dễ thương. Dân chúng lâm vào cảnh khốn cùng và đã than thở với Đức Chúa của mình rằng :
Cho đến bao giờ, lạy Đức Chúa,
con kêu cứu mà Ngài chẳng đoái nghe,
con la lên: “Bạo tàn! ” mà Ngài không cứu vớt?
Sao Ngài bắt con phải chứng kiến tội ác hoài,
còn Ngài cứ đứng nhìn cảnh khổ đau?
Trước mắt con, toàn là cảnh phá phách, bạo tàn,
chỗ nào cũng thấy tranh chấp và cãi cọ.
Tiếng kêu cầu ấy đã “thấu tai” Đức Chúa và Đức Chúa trả lời :
“Hãy viết lại thị kiến
và khắc vào tấm bia cho ai nấy đọc được xuôi chảy.
Đó là một thị kiến sẽ xảy ra vào thời ấn định.
Nó đang tiến nhanh tới chỗ hoàn thành,
chứ không làm cho ai thất vọng.
Nếu nó chậm tới, thì cứ đợi chờ,
vì thế nào nó cũng đến, chứ không trì hoãn đâu.
Này đây, ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục,
còn người công chính thì sẽ được sống,
nhờ lòng thành tín của mình.”
Nghe tiếng kêu than của dân, Đức Chúa đã qủa quyết : Ai không có tâm hồn ngay thẳng sẽ ngã gục còn người công chính thì sẽ được sống nhờ lòng thành tín của mình.
Lời ai oán, lời chất vấn về Thiên Chúa, về Đức Chúa của mình không chỉ ở thời của vị ngôn sứ Khabacuc mà ở mãi mọi thời.
Thời Khabacuc, Đức Chúa còn ở xa dân chúng thì dân chúng kêu gào Đức Chúa cứu giúp mình khi gặp thử thách gian nan là chuyện hợp lý, là chuyện dĩ nhiên.
Hôm nay, chúng ta được Thánh Luca thuật lại cũng những lời chất vấn về niềm tin nhưng chất vấn một cách trực tiếp với chính Chúa Giêsu. Nghĩ về các môn đệ, ắt hẳn nhiều người sẽ ngạc nhiên và buồn cười khi Thầy Giêsu sống với mình, đồng hành với mình mà lòng tin còn trục trặt, còn lung lay. Có lẽ “cây kim trong bọc có ngày cũng lòi ra” để rồi các môn đệ nói với Chúa Giêsu luôn : “Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Nghe xong, Chúa Giêsu trả lời : “Nếu anh em có lòng tin lớn bằng hạt cải, thì dù anh em có bảo cây dâu này: “Hãy bật rễ lên, xuống dưới biển kia mà mọc”, nó cũng sẽ vâng lời anh em.
Câu trả lời thật bí nhiệm ! Lớn bằng hạt cải là bao nhiêu ? Hạt cải bé xíu xiu ấy vậy mà Chúa Giêsu lại đòi lòng tin lớn bằng hạt cải. Hình ảnh về lòng tin hết sức là trừu tượng và khó hiểu. Hạt cải vô cùng bé và Chúa Giêsu cũng mời gọi các môn đệ “Nếu ảnh em có lòng tin lớn bằng hạt cải” thôi. Hạt cải thật nhỏ bé đấy nhưng lòng tin nhỏ như hạt cải cũng khó khăn lắm để mà có.
Thử thách luôn luôn có trong cuộc đời chúng ta nhưng liệu rằng khi ấy có niềm tin hay không mà thôi.
Một lần vào bệnh viện thăm cha già nọ, trên con đường ra cổng thì thấy một nữ tu quen thuộc. Hỏi thăm thì nữ tu ấy cho biết em mình đang nằm cấp cứu. Em của sơ cũng là người thân quen trong niềm tin kitô giáo thôi.
Vào thăm bệnh nhân đang nằm trong phòng cấp cứu mới niệm thấy những biến cố của cuộc đời. Bệnh nhân đi làm thợ hồ, thứ Bảy, dọn dẹp chuẩn bị về thì bị ngã vào cạnh bàn bằng kính. Thế là toàn thân của anh bị mặt kiếng rạch một đường thật dài và thật sâu. Máu lai láng băng-ca. Uống thuốc cầm máu vô hiệu quả. Bác sĩ thấy nguy kịch nên khâu sống ngay tại chỗ chứ không dám đợi đến lúc đưa vào phòng mổ.
Đau đớn tột cùng khi khâu da, khâu cơ và động mạch !
Bệnh nhân đâu có tội đâu có lỗi gì để mà đón nhận tai nạn quá nghiệt ngã như vậy. Thử hỏi nếu đặt trường hợp này vào niềm tin thì ta có bối rối không ? Tại sao Chúa lại để như thế này ? Trong lúc đau đớ bệnh nhân cũng sẽ hỏi Chúa ở đâu như dân Israel ngày xưa hỏi Chúa. Trong lúc đau đớn như thế này thì bệnh nhân cũng phải thốt lên như các môn đệ là xin thêm lòng tin. Chính lúc đau đớn tột cùng này là lúc thử thách của lòng tin.
Nhìn lại cuộc đời của các môn đệ chúng ta thấy rõ điều này. Giữa biết bao nhiêu phong ba bão táp của cuộc đời, nhiều lần nhiều lúc lòng tin của các Ngài phải nói là đứng bên bờ vực thẳm nhưng may quá, lòng tin khi đứng bên bờ vực thẳm của các ngài vừa đủ lớn như hạt cải để rồi các Ngài đã thành công.
Về lòng tin, Thánh Phaolô đã khuyên nhủ Timôthê môn đệ của Ngài qua đoạn thư mà chúng ta vừa nghe : Vì lý do đó, tôi nhắc anh phải khơi dậy đặc sủng của Thiên Chúa, đặc sủng anh đã nhận được khi tôi đặt tay trên anh. Vì Thiên Chúa đã chẳng ban cho chúng ta một thần khí làm cho chúng ta trở nên nhút nhát, nhưng là một Thần Khí khiến chúng ta được đầy sức mạnh, tình thương, và biết tự chủ. Vậy anh đừng hổ thẹn vì phải làm chứng cho Chúa chúng ta, cũng đừng hổ thẹn vì tôi, người tù của Chúa; nhưng dựa vào sức mạnh của Thiên Chúa, anh hãy đồng lao cộng khổ với tôi để loan báo Tin Mừng. Với đức tin và đức mến của một người được kết hợp với Đức Ki-tô Giê-su, anh hãy lấy làm mẫu mực những lời lành mạnh anh đã nghe tôi dạy. Giáo lý tốt đẹp đã giao phó cho anh, anh hãy bảo toàn, nhờ có Thánh Thần ngự trong chúng ta.
Thánh Phaolô đã dặn Timôthê rằng với đức tin và đức mến của một người kết hợp với Đức Kitô thì cuộc đời của anh sẽ tốt đẹp. Nhờ Thánh Thần ngự trong mỗi người thì chúng ta sẽ không nhút nhát, được đầy tình thương và sức mạnh.
Quả thật, ngay cả Thánh Phaolô, các tông đồ và những ai tin và kết hợp mật thiết với Chúa thì cuộc đời sinh viên thành công và sinh viên được hưởng phần phúc Chúa hứa sinh viên ban cho.
Hôm nay, Chúa Giêsu không chỉ mời gọi các môn đệ về niềm tin nhưng Ngài đi một bước xa nữa là lòng khiêm hạ. Niềm tin và lòng khiêm hạ thường vẫn đi đôi với nhau. Hễ đã tin, đã tín thác vào Chúa thì cũng khiêm hạ trao phó cuộc đời của mình trong vòng tay quan phòng của Ngài. Chúa Giêsu dạy các môn đệ : “Ai trong anh em có người đầy tớ đi cày hay đi chăn chiên, mà khi nó ở ngoài đồng về, lại bảo nó: “Mau vào ăn cơm đi”, chứ không bảo: “Hãy dọn cơm cho ta ăn, thắt lưng hầu bàn cho ta ăn uống xong đã, rồi anh hãy ăn uống sau! ? Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao? Đối với anh em cũng vậy: khi đã làm tất cả những gì theo lệnh phải làm, thì hãy nói: chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi.”
“Những đầy tớ vô dụng” : câu nói hết sức khiêm nhường và dễ thương.
Con người vẫn thường kẹt trong cái giằng co của chủ và tớ. Nhiều người vẫn nghĩ và cho mình là chủ cuộc đời của mình để rồi mình huyên hoang tự cao tự đại. Nghĩ một cách chính xác, nghĩ một cách nghiêm túc thì mỗi người đều nằm trong lòng bàn tay của Chúa thôi. Ấy vậy mà người ta quên đi cái căn tính của mình, người ta đã hoán đổi vị trí của mình để cho mình làm chủ cuộc đời. Người chủ đích thực ấy chính là Chúa chứ không phải là con người.
Đặt mình vào vị trí của ông chủ. Ông chủ sẽ khen, sẽ rất thích những người đầy tớ khiêm hạ. Chúa Giêsu mời gọi mỗi người chúng ta cũng sống tâm tình khiêm hạ cho rằng mình chỉ là những đầy tớ vô dụng mà thôi.
Vẫn còn đó những thử thách về lòng tin. Vẫn còn đó những thử thách về lòng kiêu ngạo của con người. Thế nhưng những thử thách lòng tin, những thử thách về lòng kiêu ngạo sẽ tan biến mất khi ta sống kết hợp mật thiết với Chúa và hoàn toàn tín thác cuộc đời của ta vào trong lòng bàn tay của Thiên Chúa.
“Thưa Thầy, xin thêm lòng tin cho chúng con.” Chúng ta hãy bắt chước các môn đệ ngày xưa để chạy đến với Chúa Giêsu xin Chúa ban cho ta thêm lòng tin để sống giữa cuộc đời đầy phong ba thử thách này.
Lm. Anmai, CSsR