Bằng lời đơn giản: “Ông đã thấy và đã tin” (Ga 20, 8b), thánh Gioan kết thúc bài Tin Mừng tường thuật biến cố Chúa phục sinh.
Tin Mừng cho biết, khi chôn táng Chúa. Người ta lấy tảng đá lấp cửa hang mộ. Đấy không phải là tảng đá nhẹ, nhưng rất to, rất nặng. Ý nghĩa của việc lấp cửa mộ bằng đá tảng nặng và to, là để cho thấy, người chết mãi mãi thuộc quyền lực của tử thần. Sẽ ở đó, không bao giờ có thể có cách gì thoát ra.
Vậy thánh Gioan “đã thấy” là thấy cái gì? “Đã tin” là tin cái gì? Thấy tảng đá “quyền lực” kia bị lăn ra khỏi hang mộ. Thấy hang mộ đã từng chôn táng xác Chúa Giêsu, bây giờ không còn xác Chúa. Nó trở thành ngôi mộ trống tự lúc nào. Và từ ngôi mộ trống, thánh Gioan đã tin Chúa sống lại. Phải chăng một niềm tin vội vàng, một niềm tin không cơ sở?
Không phải một mình thánh Gioan chứng kiến ngôi mộ trống. Ngay từ sớm, bà Maria Madalena đã đến mộ khi trời còn chưa sáng, với ý định xức thêm thuốc thơm lên xác Chúa, đã chứng kiến ngôi mộ trống.
Thánh Phêrô, cũng trong tinh sương của ngày đầu tuần, ngày Chúa nhật phục sinh đầu tiên ấy, sau khi nghe thánh Maria Madalena báo tin: Chúa không còn trong mồ, cũng chạy đến xem và chứng kiến.
Cả thánh Maria Mađalena lẫn thánh Phêrô, chưa ai trong họ nghĩ ra rằng, hang mộ trống là bằng chứng Chúa sống lại. Thậm chí, bà Maria còn cho rằng, người ta ăn cắp xác Chúa. Chỉ một mình tông đồ Gioan tin Chúa sống lại.
Ngược với bà Maria, những thượng tế, những kẻ lãnh đạo trong Dothái giáo, chính là những kẻ chủ mưu giết Chúa, trước sự kiện hang mộ trống, sợ tin đồn Chúa đã sống lại làm họ gặp rắc rối to, đã đút lót lính canh mồ, nhằm buộc những kẻ này phao tin theo ý họ: Các môn đệ của Chúa ăn cắp xác Chúa rồi hô lên Chúa đã sống lại. Dẫu sao luận điệu ấy cũng là một cách cắt nghĩa về nấm mộ trống.
Không dễ gì người ta có thể khẳng định Chúa sống lại, dù đã từng chứng kiến xác Chúa không còn trong mồ. Nấm mồ trống đâu có đủ lý chứng để khẳng định Chúa đã phục sinh.
Nhưng điều không thể với mọi, đối với tông đồ Gioan, vẫn là điều có thể. Từ hang mộ trống mà mình chứng kiến tường tận, đến chỗ tin Chúa đã sống lại từ cõi chết, đức tin của thánh Gioan hoàn toàn không dựa trên lý trí, không phải là sự lý luận, không phải rút ra từ những hiểu biết. Đức tin đó thật là một cú nhảy mạnh, xa.
Bởi đâu thánh Gioan có cú nhảy đức tin ngoạn mục như thế? Nếu đọc Tin Mừng theo thứ IV, ta nhận ra niềm tự hào của thánh Gioan về người “môn đệ Chúa yêu”. Niềm tự hào ấy cho ông nhiều khám phá mà những kẻ khác không thể khám phá.
Cảm nhận tình yêu của Chúa càng lúc càng sâu sắc, cú nhảy của đức tin nơi thánh Gioan là cú nhảy trong tình yêu ngày càng mãnh liệt. Chính bản thân, vừa là người yêu vừa là người được yêu, thánh Gioan đã có một cảm thức thật nhạy về đức tin phục sinh mà thánh nhân dành cho Chúa của mình.
Có lần, báo Vietnamnet kể chuyện chị Nguyễn Thị Linh (thôn 10 xã Tượng Văn, Nông Cống, Thanh Hóa), vất vả nuôi đứa con trai duy nhất Vũ Công Bằng (SN 1977), bị bệnh bại não, khiến người đọc xót xa rung cảm.
Vũ Công Bằng, đang là sinh viên một trường trung học cảnh sát, vào một ngày, tự dưng phát bệnh nặng: bại não. “Vợ chồng tôi chết lặng khi nghe các bác sĩ kết luận, con trai mình, 1/3 đầu bị biến dạng xương sọ, khả năng bình phục vô cùng hiếm hoi, quãng thời gian còn lại của cuộc đời nó phải sống thực vật…”. Người mẹ đau khổ kể trong nước mắt.
Từ khi bệnh, Bằng mất trí nhớ. Sinh hoạt cá nhân trên chiếc giường cũ kỹ, xập xệ trong căn nhà tồi tàn dựa vào sự chăm sóc của người thân. Hàng ngày, Bằng chỉ ăn cháo, uống sữa vì cơ thể không hấp thụ thức ăn khác. Ăn những thứ lạ lại nôn thốc nôn tháo. Căn bệnh gây quá nhiều đau đớn cho bệnh nhân. Nhiều đêm nhìn con ôm đầu thét lên cách vô thức, đau đớn và tuyệt vọng, chị chỉ còn biết ôm chặt lấy con mà nhạt nhòa, mà dàn dụa, mà bất lực.
Bao nhiêu tiền gia đình chị đều đổ ra điều trị cho con. Đến nay chẳng còn gì để có thể bán mà chạy chữa nữa. Vậy mà tuổi thanh xuân của người con trai duy nhất trong gia đình ngày qua ngày phải lớn theo sự hành hạ của bệnh tật đau đớn, khổ sở. Cứ như thế. lòng người mẹ nghèo hết nghẹn ngào đến quặn thắt chứng kiến bệnh tình của con.
Càng nghẹn lòng, khi bàn tay thô ráp của người mẹ run rẩy cầm những lá thư mà khi còn học xa nhà, Bằng gửi về. Làm sao chị có thể ngờ nổi, đó là những nét chữ cuối cùng con để lại cho mình. Chị Linh đọc thư của Bằng: “Sang năm con lấy vợ để bố mẹ có cháu bồng bế cho vui cửa vui nhà, báo hiếu cha mẹ…”. Chị nghẹn ngào. Phải gắng lắm, chị mời có thể nói: “Người yêu của nó ở Bình Phước. Hai đứa hứa hẹn, chuẩn bị đám cưới thì chuyện xảy ra”.
Nhìn cảnh tượng, người đời dễ phán những lời vô cảm: “Sống mà quá đau khổ, đồng thời gây nên nhiều đau khổ khác cho người thân, và vì bệnh tật, cũng không còn đủ điều kiện vật chất để sống, thì nên để bệnh nhân chết. Như thế đỡ đau khổ hơn”.
Nói như thế là thiếu tâm, thiếu tình, thiếu lòng yêu thương, thiếu cả sớt chia. Đối với tình thương của một người mẹ, nói như thế có khi còn là sự độc ác.
Trong tình thương diệu vợi của mẹ, không bao giờ có đứa con nào của bà phải chết. Với bà, dù con có bệnh tật, dù con chỉ sống đời sống thực vật, dù con có thế nào đi nữa, mãi mãi con vẫn là con của bà. Chỉ một lý do đơn giản: Nó là con tôi, Nó phải sống. Đó là lý luận và cũng là tình yêu, là trái tim của một người mẹ. Nó chất chứa cả một triết lý yêu thương, một bầu trời cảm thấu, mà không phải ai cũng có, không phải ai cũng hiểu.
Nếu tình yêu nơi người mẹ dẫn bà đến hy sinh thầm lặng, thì đối với thánh Gioan, với tình yêu trong đức tin, đưa thánh nhân chạm đến và ngụp lặn trong cả một trời chân lý: CHÚA ĐÃ PHỤC SINH.
Tình yêu là thế. Có tình yêu, ta có tầm nhìn mới, có những khơi gợi mới, có những rung cảm mới, có những nhận thức mới, có những khám phá tuyệt vời mới… Tình yêu ban tặng ta một trải nghiệm mới, một cặp mắt mới. Tình yêu cho ta sức sống mới…
Với tình yêu trong tất cả những chiều kích mới ấy, hơn mọi con người, thánh Gioan đã bắt gặp nơi ngôi mộ trống là chân lý Phục Sinh. Tình yêu giới thiệu ngay lập tức, từ giác quan về một ngôi mộ trống đến nhận thức cả thể: Chúa của mình đã sống lại.
Kinh nghiệm đức tin về chân lý Chúa Phục Sinh của thánh Gioan, mà chúng ta đang lãnh hội, thúc đẩy chúng ta đừng bao giờ thụ động, nhưng luôn tiến lên trong tình yêu dành cho Chúa ngày một mãnh liệt hơn.
Bởi không thể có đức tin mà không có tình yêu. Tình yêu và lòng tin luôn bổ sung cho nhau. Vì nếu tình yêu dẫn thánh Gioan đến tin, thì khi càng dấn thân cho đức tin, thánh Gioan càng yêu mãnh liệt, yêu dữ dội, yêu tràn trề.
Chúng ta hãy sống một đức tin có tình yêu nâng đỡ. Chúng ta hãy sống tình yêu trong đức tin, để luôn luôn là một đức tin “có hồn”, một đức tin ngấm từ thâm cung lòng mình trào tràn thành dòng suối của những hành động sống nơi trần thế, với cuộc sống quanh ta.
Hãy yêu trong đức tin.
Hãy tin để yêu mãnh liệt.
Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG