Vật chất đã làm cho con người ta mờ mắt, không còn biết đâu là phải và đâu là trái. Không biết phải trái thì làm sao có thể phân định được cùng đích của đời mình. Nhiều lần nhiều lúc vật chất nó đã làm cho con người phải điên đảo thậm chí con người không còn biết mình sống trên cuộc đời này để làm gì vì lẽ cứ mãi loanh quanh cho sự tìm vật chất. Chuyện quan trọng là mình phải biết cuộc đời mình ở đâu và cùng đích của cuộc đời mình là gì.
Nhớ lại một lần kia, đang trên đường lên Giêrusalem, có người kia chạy đến với Chúa Giêsu nhờ Chúa Giêsu phân xử một cuộc tranh chấp về gia tài trong gia đình họ. Nhân cơ hội này, Ngài cảnh báo đám đông đang vây quanh Ngài và khuyên họ giữ mình khỏi : “mọi thứ tham lam”. Ngay sau đó, Chúa Giêsu đã minh họa một dụ ngôn về người giàu có nhưng lại dại khờ (Lc 12, 16-21). Trước khi kết thúc, Ngài để đi đến kết luận: “Đó, kẻ nào thu tích của cải cho mình, mà không lo làm giàu trước mặt Thiên Chúa, thì số phận cũng như vậy.”
Sau khi nói chuyện với đám đông Chúa Giêsu quay sang các môn đệ mà Ngài thường gọi là “đoàn chiên nhỏ bé” và mời gọi “đoàn chiên nhỏ bé” của Ngài hãy biết từ bỏ. Chúa Cha đã cho họ tất cả, đến lượt họ, tại sao họ lại không thể cho đi tất cả? Người nói với họ: “Hãy bán của cải mình đi mà bố thí”.
“Cho người nghèo của cải mình có (dù là tất cả hay chỉ một phần nhỏ để chia sẻ), chính là làm giàu trước mặt Chúa (12,21), là xây dựng cho mình một kho tàng vô tận nơi Chúa; tóm lại, là bảo đảm cho mình một phần thưởng đời đời. Tuy nhiên, đó không phải là phần thưởng cuối cùng, nhưng biến cố Nước Chúa đến phải động viên các Kitô hữu và giúp họ dấn thân với cả tâm hồn, đó chính là giá trị duy nhất.”
Lời mời gọi của Chúa gửi đến cho những người nghe về việc đi tìm phần thưởng đời đời nghe sao mà chói tai quá. Lời mời gọi ấy đi ngược lại với những gì con người đang nai lưng ra vun vén, tìm kiếm.
Tiếp tục câu chuyện với các môn đệ về vật chất, về cuộc đời, về đời đời, Chúa Giêsu đề cập đến một đề tài mới: tỉnh thức và trung tín.
Chúa Giêsu đang trên đường lên Giêrusalem, nơi Ngài sẽ được “đưa lên cao”; bởi vậy, Ngài cần chuẩn bị cho các môn đệ của mình sống trong một hoàn cảnh mới mà họ sẽ biết sau cuộc Phục Sinh của Ngài: Chúa của họ sẽ vắng mặt về thể lý, họ sẽ phải chờ đợi Người trở lại trong vinh quang.
Hôm nay, Chúa Giêsu lại dùng dụ ngôn để minh họa cho lời mời gọi chờ đợi và tỉnh thức cho các môn đệ, cho những người theo Chúa.
Trước hết là dụ ngôn những người đầy tớ sẵn sàng trong bộ đồ phục vụ, nghĩa là “thắt lưng gọn gàng”, vạt áo được săn lên và xiết chặt bằng dây thắt lưng như mọi người thường làm trong bữa tiệc Vượt Qua mà bài đọc thứ nhất đã thuật lại. Họ còn thắp đèn sẵn đợi chủ về thế nên họ tỉnh thức.
Cũng như những người đầy tớ trong dụ ngôn, các môn đệ của Chúa Giêsu sẵn sàng đón chờ ngày trở lại của Thầy mình, và họ sẽ kinh ngạc khi thấy Đấng họ trông đợi “thắt lưng, đưa họ vào bàn ăn, và đến bên từng người mà phục vụ.” Liền sau đó là dụ ngôn ông chủ nhà tỉnh thức, biết đề phòng kẻ trộm đến bất ngờ. Cũng vậy, các môn đệ của Chúa Giêsu phải sẵn sàng vì Chúa trở lại thật bất ngờ.
Dụ ngôn viên quản lý trung tín và viên quản lý bất trung kết thúc toàn bộ đoạn Tin Mừng này. Qua câu hỏi của Phêrô, dụ ngôn này giúp nhận rõ Chúa muốn nói với ai: “Lạy chúa, Chúa nói dụ ngôn này cho chúng con hay cho tất cả mọi người?”
Trong khi hai dụ ngôn trước nhắm đến tất cả các môn đệ, thì dụ ngôn thứ ba nhắm đến những ai có trách nhiệm riêng trong cộng đoàn và vì trách nhiệm này, họ phải xử sự như những đầy tớ của Đức Kitô và như những người quản lý các mầu nhiệm của Thiên Chúa.
Câu hỏi của Phêrô khiến Chúa Giêsu phải đề cập đến một điểm đặc biệt. Sau khi cảnh báo tất cả mọi Kitô hữu qua các câu 36-40, thì ở đây, Người đòi hỏi thái độ trung tín nơi một số các môn đệ là những người thi hành trách nhiệm mục vụ trên các anh em khác trong cộng đoàn… Vì những phận vụ được trao phó trước mặt mọi người, họ phải luôn sẵn sàng hơn những Kitô hữu khác để trả lời trước mặt Thầy mình, về những thái độ xử sự của họ khi Ngài bất ngờ đến.
Điều hết sức bi đát và nghịch lý của con người là Thiên Chúa đến với con người nói chung hay đến với từng con người một nói riêng vào cái “giờ riêng” của Ngài. Cuộc đời của mỗi người không có một đáp số chung mà là đáp số của mỗi người. Tin hay không tin đó là quyền tự do và lời đáp trả của mỗi người.
Cả cuộc đời của kitô hữu, hiện diện trong cuộc đời này tất cả đều quy về niềm tin. Niềm tin ấy cho con người nhận ra rằng mình hiện diện nhờ hồng ân của Thiên Chúa và ra đi khỏi cuộc đời này cũng sẽ trở về cùng Thiên Chúa. Cũng trong niềm tin khi hiện diện thì kèm theo niềm tin hướng về tương lai. Niềm tin ấy lại có gì đó chất chứa hy vọng để hướng về tương lai.
Niềm tin ấy vừa được quãng diễn trong thư gửi tín hữu Do Thái : Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy. Nhờ đức tin ấy, các tiền nhân đã được Thiên Chúa chứng giám. Nhờ đức tin, ông Abraham đã vâng nghe tiếng Chúa gọi mà ra đi đến một nơi ông sẽ được lãnh nhận làm gia nghiệp, và ông đã ra đi mà không biết mình đi đâu. Nhờ đức tin, ông đã tới cư ngụ tại Đất Hứa như tại một nơi đất khách, ông sống trong lều cũng như ông Isaac và ông Giacob là những người đồng thừa kế cũng một lời hứa, vì ông trông đợi một thành có nền móng do chính Thiên Chúa vẽ mẫu và xây dựng. Nhờ đức tin, cả bà Sara vốn hiếm muộn, cũng đã có thể thụ thai và sinh con nối dòng vào lúc tuổi đã cao, vì bà tin rằng Đấng đã hứa là Đấng trung tín. Vì thế, do một người duy nhất, một người kể như chết rồi mà đã sinh ra một dòng dõi nhiều như sao trời cát biển, không tài nào đếm được. Tất cả các ngài đã chết, lúc vẫn còn tin như vậy, mặc dù chưa được hưởng các điều Thiên Chúa hứa; nhưng từ xa các ngài đã thấy và đón chào các điều ấy, cùng xưng mình là ngoại kiều, là lữ khách trên mặt đất. Những người nói như vậy cho thấy là họ đang đi tìm một quê hương. Và nếu quả thật họ còn nhớ tới quê hương mình đã bỏ ra đi, thì họ vẫn có cơ hội trở về. Nhưng thực ra các ngài mong ước một quê hương tốt đẹp hơn, đó là quê hương trên trời. Bởi vậy, Thiên Chúa đã không hổ thẹn để cho các ngài gọi mình là Thiên Chúa của các ngài, vì Người đã chuẩn bị một thành cho các ngài. Nhờ đức tin, khi bị thử thách, ông Abraham đã hiến tế Isaac; dù đã nhận được lời hứa, ông vẫn hiến tế người con một. Về người con này, Thiên Chúa đã phán bảo: Chính do Isaac mà sẽ có một dòng dõi mang tên ngươi. Quả thật, ông Abraham nghĩ rằng Thiên Chúa có quyền năng cho người chết trỗi dậy. Rốt cuộc, ông đã nhận lại người con ấy như là một biểu tượng.
Trong giây phút hiện tại, đức tin là một cuộc lữ hành, một bước đi, giống như Abraham và các tổ phụ là những di dân, khách lữ hành và những người rày đây mai đó. Thiên Chúa vẫn mời gọi con người đáp trả về niềm tin vào Thiên Chúa.
Niềm tin của mỗi người kitô hữu không phải là niềm tin vu vơ nhưng niềm tin đã có rồi. Niềm tin ấy đã được truyền lại trong Thánh Kinh, qua các chứng nhân là các môn đệ yêu dấu và nhiều chứng nhân anh dũng. Đức Kitô, Đấng sẽ đến, Đấng chúng ta đón chờ, đã hiện diện rồi. Người ở giữa chúng ta qua những ai phục vụ. Như vậy, công việc của đức tin là loại trừ khỏi chúng ta những gì chúng ta tin là đã nắm vững và đặt trong tay chúng ta giá trị duy nhất của tương lai. Chúng ta tiến về giá trị đó và trông đợi nó: giá trị đó là phục vụ và chia sẻ. Đó là cách thế tốt để đón chờ, để tỉnh thức trong đức tin.
Thiên Chúa sẽ đến với mỗi người chúng ta vào bất cứ giờ nào Ngài muốn. Ngay cả buổi tối khi chúng ta đã chuẩn bị lên giường hoặc thậm chí ban đêm khi chúng ta muốn được yên ắng nghỉ ngơi sau một ngày lao động mệt nhọc. Thiên Chúa không để ý đến giờ giấc. Ngài luôn hiện diện, Ngài can thiệp thường xuyên, bất cứ lúc nào. Khi thấy chúng ta tỉnh thức và chờ đợi, Người sẽ sung sướng và vui mừng chia sẻ của ăn và những phương diện tốt đẹp nhất trong đời sống của chúng ta.
Chúng ta phải thắt lưng sẵn sàng, đó là thái độ của người sẵn sàng tham dự. Không phải một giờ mỗi tuần. Cũng không phải vài phút mỗi ngày. Nhưng thái độ chờ đợi phải luôn luôn, phải sẵn sàng, phải thường xuyên, thường xuyên đến nỗi Chúa đến bất cứ giờ phút nào cũng không bao giờ có thể làm chúng ta bất ngờ. Người sẽ thấy chúng ta luôn thắt lưng sẵn sàng. Và ngọn đèn của chúng ta luôn thắp sáng để nhận ra Đấng đang đến mà đón tiếp Người.
Trang Tin mừng hôm nay rất hay và rất đẹp !
Ai trong chúng ta cũng đã trải qua thời thơ ấu. Mỗi lần mẹ đi chợ về, dù giàu, dù nghèo thì y như rằng cũng sẽ có trái cóc, trái ổi hay bọc chè, gói xôi cho những đứa con thân yêu. Vì sao bà lại mua ? Vì lẽ bà thương con của bà và bà thừa biết là chúng vui dường nào khi bà đi chợ về có quà cho chúng. Ngược lại, những đứa con của bà, vì tin, vì yêu và chỉ có một chuyện là chờ mẹ đi chợ về là có quà cho con nên chúng đợi. Người ta vẫn thường nói “mong như mong mẹ đi chợ về” để diễn tả tâm tình mong đợi của con và tình yêu của mẹ dành cho con.
Chúa Giêsu là Cha nhân lành không bao giờ cho con cái mình điều xấu, điều dữ cả. Vì thế, Ngài cũng như người mẹ, khi đi chợ về, nếu những đứa con trông chờ mẹ về thì chắc chắn Chúa Giêsu cũng sẽ trao không phải là trao những bọc chè, những gói xôi mà trao những gói hồng ân, những bọc ân huệ cho con cái của mình.
Chuyện quan trọng là chúng ta có đặt trọn niềm tin vào Chúa như Abraham ngày xưa để đón chờ Chúa đến trong cuộc đời chúng ta hay không mà thôi. Tiếc thay nếu ta không tin mà ta chờ đợi trong tâm trạng thách thức hay tò mò và cũng tiếc thay nếu ta tin bằng môi bằng miệng nhưng lòng ta lại không chờ đợi.
Xin Chúa ban thêm lòng tin cho chúng ta đến chúng ta sẵn sàng chợ đợi Chúa đến trong cuộc đời của từng người chúng ta. Khi chúng ta sẵn sàng chờ đợi Chúa, Chúa cũng sẽ dẫn ta vào dự Tiệc Cưới Nước Trời như lời Ngài hằng đoan hứa.
Anmai, CSsR