Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng chuộc tội.
Trời cao hãy đổ sương xuống, và ngàn mây hãy mưa Đấng cứu đời.
Đó là lời cầu nguyện quen thuộc với người Công giáo, nhất là mỗi khi Mùa Vọng về, trong bài thánh ca “Trời Cao” của cố NS Duy Tân. Và đó là nỗi khát khao của nhân loại mong chờ Đấng Thiên Sai: Đức Giêsu Kitô.
Chúa nhật I mùa Vọng là thời điểm khởi đầu Năm Phụng Vụ mới, có thể gọi là Tết Phụng Vụ. Mùa Vọng mang sắc tím, đây không phải là màu tím buồn, nếu có buồn thì chỉ là buồn man mác hoặc bâng khuâng, mà là màu tím chung thủy và kiên tâm trong nỗi mong chờ khắc khoải đêm ngày.
Vọng là mơ ước, ước mong, mong chờ, chờ đợi. Người ta mong điều tốt chứ chẳng ai lại chờ điều xấu. Mong chờ thì phải tỉnh thức, đó là hệ lụy tất yếu. Tỉnh thức để mà “căn me” kẻo lỡ cơ hội, và thường thì “phúc bất trùng lai, họa vô đơn chí”. Tỉnh thức chớ Chúa đến, nhưng cũng phải tỉnh thức kẻo sa chước ba thù: “Anh em hãy sống tiết độ và tỉnh thức, vì ma quỷ, thù địch của anh em, như sư tử gầm thét, rảo quanh tìm mồi cắn xé” (1 Pr 5:8).
Sấm ngôn của Đức Chúa: “Này, sẽ đến những ngày Ta sẽ thực hiện điều tốt lành Ta đã phán về nhà Ít-ra-en và về Giuđa” (Gr 33:14). Đó là lời hứa từ ngàn xưa, và chắc chắn sẽ được thực hiện. Thiên Chúa đã hứa bất cứ điều gì, dù to hay nhỏ, thì Ngài luôn thực hiện không sai một ly. Ngài khác hẳn chúng ta, vì đa số chúng ta đều mang họ Hứa và cùng phe với Cuội.
Thiên Chúa còn hứa thêm: “Trong những ngày ấy, vào thời đó, Ta sẽ cho mọc lên một mầm non, một Đấng Công Chính để nối nghiệp Đa-vít; Người sẽ trị nước theo lẽ công bình chính trực” (Gr 33:15). Đấng Công Chính đó thuộc dòng dõi Thánh vương Đa-vít, nối vương nghiệp của Đa-vít, và dùng lẽ công bình để trị quốc. Chắc hẳn đó là đường lối hoàn toàn khác các vua chúa trần gian. Và cũng trong những ngày ấy, cả Giuđa sẽ được cứu thoát, và Giêrusalem cũng được an cư lạc nghiệp. Công lý có thì hòa bình sẽ có, không có công lý thì không bao giờ có hòa bình. Và thành trì đó có tên gọi là “Đức-Chúa-là-sự-công-chính-của-chúng-ta!” (Gr 33:16).
Thiên Chúa đã hứa ban điều tốt lành, vấn đề là chúng ta phải kiên trì chờ đợi “Giờ G của Chúa”. Chờ đợi thì phải không ngừng cầu nguyện: “Lạy Chúa, đường nẻo Ngài, xin dạy cho con biết, lối đi của Ngài, xin chỉ bảo con. Xin dẫn con đi theo đường chân lý của Ngài và bảo ban dạy dỗ, vì chính Ngài là Thiên Chúa cứu độ con” (Tv 25:4-5). Tại sao chúng ta sớm hôm cậy trông Ngài? Bởi vì Ngài nhân ái, là “Đấng nhân từ chính trực, chỉ lối cho tội nhân, dẫn kẻ nghèo hèn đi theo đường công chính, dạy cho biết đường lối của Ngài” (Tv 25:8-9). Ai được Ngài yêu thương thì thật là hạnh phúc, nhưng đó phải là người sống tốt lành: “Chúa xử thân tình với những ai kính sợ Chúa và cho họ biết giao ước của Ngài” (Tv 25:14).
Thánh Phaolô cầu chúc: “Xin Chúa cho tình thương của anh em đối với nhau và đối với mọi người ngày càng thêm đậm đà thắm thiết, cũng như tình thương của chúng tôi đối với anh em vậy” (1 Tx 3:12). Một lời cầu chúc mang tính “trái khoản”: “Anh em đừng mắc nợ gì ai, ngoài món nợ tương thân tương ái” (Rm 13:8). Yêu thương là món nợ mà ai cũng phải vay và phải trả cho xong. Thánh Phaolô giải thích: “Như thế, Chúa sẽ cho anh em được bền tâm vững chí, được trở nên thánh thiện, không có gì đáng chê trách, trước nhan Thiên Chúa là Cha chúng ta, trong ngày Đức Giêsu, Chúa chúng ta, quang lâm cùng với các thánh của Người” (1 Tx 3:13).
Thánh Phaolô dùng lời lẽ giản dị, rõ ràng, dễ hiểu, nhưng vẫn lịch sự: “Thưa anh em, anh em đã được chúng tôi dạy phải sống thế nào cho đẹp lòng Thiên Chúa, và anh em cũng đang sống như thế; vậy nhân danh Chúa Giêsu, chúng tôi xin, chúng tôi khuyên nhủ anh em hãy tấn tới nhiều hơn nữa. Hẳn anh em rõ chúng tôi đã lấy quyền Chúa Giêsu mà ra những chỉ thị nào cho anh em” (1 Tx 4:1-2). Mong sao mỗi chúng ta cũng đều sống đúng là “đang sống đẹp lòng Thiên Chúa”.
Mong chờ Đức Kitô không chỉ trong Mùa Vọng, mà phải mong chờ Ngài từ đời nọ đến đời kia, mong chờ suốt đời mình, nhất là tỉnh thức mong chờ thời điểm Chúa quang lâm – ngày “tận thế chung”, đặc biệt là lúc Ngài gọi chúng ta rời bỏ thế gian này – ngày “tận thế riêng”.
Ngay lúc khởi đầu Mùa Vọng, Phụng vụ sử dụng đoạn Phúc Âm nói về ngày Đức Kitô quang lâm. Đó là lời nhắc nhở của Giáo hội dành cho mỗi chúng ta.
Về Giờ Chúa Đến, Chúa Giêsu cho biết rõ các dấu chỉ xuất hiện trên trời: “Sẽ có những điềm lạ trên mặt trời, mặt trăng và các vì sao” (Lc 21:25a), và các dấu chỉ xuất hiện dưới đất: “Muôn dân sẽ lo lắng hoang mang trước cảnh biển gào sóng thét.
Người ta sợ đến hồn xiêu phách lạc, chờ những gì sắp giáng xuống địa cầu, vì các quyền lực trên trời sẽ bị lay chuyển” (Lc 21:25b-26). Những dấu chỉ đó cho thấy thời điểm Chúa quang lâm cực kỳ đặc biệt. Các dấu chỉ đó xem chừng rất đáng quan ngại vì quá kinh khủng đối với loài người, nhưng các dấu chỉ đó sẽ là bình thường đối với những người đang sẵn sàng nhận hiệu lệnh “xuất quân” của Thiên Chúa.
Ngày đó là niềm vui với người này, nhưng lại là nỗi lo cho kẻ khác, vì “bấy giờ thiên hạ sẽ thấy Con Người đầy quyền năng và vinh quang ngự trong đám mây mà đến” (Lc 21:27). Chúa Giêsu biết sẽ có ít nhiều “chấn động” trong lòng chúng ta nên Ngài căn dặn: “Khi những biến cố ấy bắt đầu xảy ra, anh em hãy đứng thẳng và ngẩng đầu lên, vì anh em sắp được cứu chuộc” (Lc 21:28). Ngài còn giải thích rõ ràng hơn để bất kỳ ai cũng có thể hiểu: “Vậy anh em phải đề phòng, chớ để lòng mình ra nặng nề vì chè chén say sưa, lo lắng sự đời, kẻo ngày ấy như một chiếc lưới bất thần chụp xuống đầu anh em, vì Ngày ấy sẽ ập xuống trên mọi dân cư khắp mặt đất. Vậy anh em hãy tỉnh thức và cầu nguyện luôn, hầu đủ sức thoát khỏi mọi điều sắp xảy đến và đứng vững trước mặt Con Người” (Lc 21:34-36).
Mùa Vọng, chúng ta hãy noi gương Thánh Faustina sống tinh thần Mùa Vọng bằng cách thổ lộ với Chúa Giêsu niềm hoài vọng chính đáng theo Tôn Ý Thiên Chúa: “Nỗi khao khát nhất của con là các linh hồn nhận biết Ngài là hạnh phúc vĩnh cửu, vững tin vào lòng nhân từ và tôn vinh lòng thương xót của Ngài” (Nhật Ký, số 305). Được vậy thì thật diễm phúc cho chúng ta, hôm nay và mãi mãi.
Lạy Thiên Chúa, tâm hồn chúng con là những vùng đất hạn, ngày đêm mong chờ Cơn Mưa Cứu Độ với những Giọt Mưa Giêsu, vì chỉ có Mưa Giêsu mới khả dĩ làm đất-hạn-chúng-con được tưới mát. Xin cậy nhờ công nghiệp của Thánh Tử Giêsu Kitô, Thiên Chúa cứu độ của chúng con. Amen.
TRẦM THIÊN THU