TÌNH THƯƠNG CỦA THIÊN CHÚA CÓ THÚC ĐẨY TÔI TRỞ VỀ?

Điều chắc chắn là Chúa Giêsu đã làm kinh ngạc những người đương thời với Ngài. Ngài chọc giận những người Pharisêu vì những việc Ngài làm một cách tự do khác với phong tục của người Do Thái, và Ngài làm dân chúng hoan hỉ khi nói chuyện và ăn uống với họ. Ngài đến không phải vì những người công chính – vì liệu có một phàm nhân nào hoàn toàn công chính không? – Không, Ngài đến vì những tội nhân, và Ngài muốn gần gũi với họ: “Các người thu thuế, cùng những kẻ tội lỗi hết thảy thường lui tới bên Ngài để nghe lời Ngài. Và Biệt phái kêu trách. Họ nói: “Ông ấy tiếp đón quân tội lỗi và cùng ăn với chúng” (Lc 15: 1-2).

Ba dụ ngôn trong chương 15 của sách Tin mừng Luca bày tỏ tấm lòng này của Thiên Chúa, Đấng muốn đi tìm tội nhân và Ngài làm mọi cách để tìm thấy họ. Qua những câu chuyện này, Chúa Giêsu nói về một Thiên Chúa sẵn sàng bới tung ngôi nhà của mình để tìm ra thứ mà Ngài coi là quan trọng, giống như: “người phụ nữ nào có mười đồng quan, mà chẳng may đánh mất một đồng, lại không thắp đèn, rồi quét nhà, moi móc tìm cho kỳ được?” (Lc 15: 8), một Thiên Chúa sẵn sàng đi hàng dặm để tìm con chiên bị lạc: “Người nào trong các ông có một trăm con chiên mà bị mất một con, lại không để chín mươi chín con kia ngoài đồng hoang, để đi tìm cho kỳ được con chiên bị mất?” (Lc 15: 4)., và nhẹ nhàng vác con chiên ấy lên vai trở về nhà: “Tìm được rồi, người ấy mừng rỡ vác lên vai.” (Lc 15: 5). Chúa Cha là Đấng không chút e ngại chạy lại gặp đứa con thứ hoang đàng của mình: “Nó còn ở đàng xa, thì cha nó đã thấy nó, và ông chạnh lòng thương: chạy lại, ông bá lấy cổ nó mà hôn lấy hôn để” (Lc 15: 20). và mời người con cả của mình tham dự bữa tiệc mừng người con thứ bị lạc mất đã được tìm thấy: “Nhưng chúng ta phải ăn mừng, phải vui vẻ, vì em con đây đã chết mà nay lại sống, đã mất mà nay lại tìm thấy” (Lc 15: 32). Và rồi niềm vui vỡ òa vì Thiên Chúa cảm thấy hạnh phúc khi tìm được người con thất lạc và sẵn lòng chăm sóc người con ấy: “Và người ta mở tiệc ăn khao” (Lc 15: 24).

Lạc lối trong những toan tính nhỏ nhen.

Con chiên vì dại dột đã lạc lối, người con thứ tin rằng mình sẽ tìm được hạnh phúc khi tiêu xài tiền bạc ở những nơi xa gia đình: “Không mấy ngày sau, con thứ thâu góp tất cả vốn liếng mà trẩy đi phương xa. Và ở đó, nó sống trác táng đã phá tan sản nghiệp” (Lc 15: 13), người con cả không nhận ra tình thương của Cha mình: “Này đã bao nhiêu năm trời, tôi làm cho ông, cũng chưa hề lướt lịnh ông; thế mà có bao giờ ông cho tôi được một con dê con để ăn mừng với chúng bạn. Còn khi thằng con ông này đã ngốn xong cả sản nghiệp của ông với đàn đĩ mà về, thì ông lại hạ bò tơ nẫy mừng nó” (Lc 15: 29-30). Tất cả đều lạc lối trong những toan tính nhỏ nhen của mình, nhưng Thiên Chúa sẵn sàng làm bất cứ điều gì để bày tỏ tình yêu của mình dành cho họ, trái tim của Ngài muốn đi xa hơn thứ công chính của loài người và Ngài đã đi đến cùng: Con của Ngài đã tự hiến hoàn toàn vì tình yêu, Ngài đã cho chúng ta thấy lòng thương xót bằng cách chấp nhận chết trên thập giá: “Chúa Giêsu Kitô, vốn dĩ là Thiên Chúa, mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang, mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Ngài lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2,6-8) nhằm để “Nhờ thập giá, Ngài đã làm cho đôi bên được hòa giải với Thiên Chúa trong một thân thể duy nhất; trên thập giá, Ngài đã tiêu diệt sự thù ghét” (Ep 2,16).

 

Câu chuyện bỏ ngỏ.

Chúa Giêsu không “đóng” câu chuyện dụ ngôn lại. Chúng ta không được biết:

  • Người con thứ có thực sự đau buồn, ăn năn và hoán cải cuộc sống sau khi cảm nghiệm được tình yêu thương của cha mình không?
  • Người con thứ có suy nghĩ về sự phung phí trác táng của mình và sẽ làm gì để chuộc lại lỗi lầm đó không?
  • Người anh cả có tham gia bữa tiệc dành cho đứa em trai mình trở về và nhảy múa vui mừng với những người còn lại trong gia đình không?
  • Người anh cả có tìm được cách hiểu ra cõi lòng của cha mình, rút kinh nghiệm và hòa giải với em mình không?
  • Người anh cả có còn cảm thấy những việc mình làm tại nhà thực sự vượt quá bổn phận và sự tự do của anh ta nữa không?

Thật vậy, đây là một câu chuyện dụ ngôn với những cánh cửa mở ra cho nhiều sự lựa chọn cung cách sống của chúng ta.

 

Sự trở lại của Phaolô, gương mẫu cho mọi cuộc hoán cải.

Trình thuật về sự trở lại của Phaolô trong Công vụ tương đối ngắn gọn. Tuy nhiên, trong Philíp 3: 1-14, người ta thấy được nội tâm của Phaolô và cách ông bị ảnh hưởng bởi cuộc gặp gỡ đó với Chúa Giêsu. Phaolô bắt đầu đoạn thư này bằng cách nhắc nhở độc giả về con người mà ông từng là: một người Do thái giáo nhiệt thành, tận tâm với tôn giáo của mình, cam kết làm cho tôn giáo đó thịnh đạt và là một nhà lãnh đạo trong số các đồng đạo của mình: “Trong việc giữ đạo Do thái, tôi đã vượt xa nhiều đồng bào cùng lứa tuổi với tôi: hơn ai hết, tôi đã tỏ ra nhiệt thành với các truyền thống của cha ông” (Gal 1: 13). Tuy nhiên, cuộc gặp gỡ của ông với Chúa Giêsu đã thay đổi trái tim ông và ông viết:

Được như vậy, không phải nhờ sự công chính của tôi, sự công chính do luật Môsê đem lại, nhưng nhờ sự công chính do lòng tin vào Chúa Kitô, tức là sự công chính do Thiên Chúa ban, dựa trên lòng tin. Vấn đề là được biết chính Chúa Kitô, nhất là biết Ngài quyền năng thế nào nhờ đã phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Ngài, nhờ nên đồng hình đồng dạng với Ngài trong cái chết của Ngài, với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Philíp 3: 9-11).

Phaolô cân nhắc mọi thứ về cuộc đời mình, tất cả thành tích, mục tiêu và thành công của mình, và thấy rằng sự đau khổ cùng với Chúa Giêsu và vì Chúa Giêsu đáng giá hơn bất cứ thứ gì mà ông có thể có được do sức riêng mình.

Phaolô tiếp tục viết trong đoạn văn, “Nói thế, không phải là tôi đã đoạt giải, hay đã nên hoàn thiện đâu; nhưng tôi đang cố gắng chạy tới, mong chiếm đoạt, bởi lẽ chính tôi đã được Chúa Kitô Giêsu chiếm đoạt” (Philíp 3:12).

Thiên Chúa đã có những kế hoạch lớn cho Phaolô và ông đã hoàn toàn đầu phục Ngài. Sự thay đổi tấm lòng này chứng thực quyền năng của Chúa Thánh Thần để mang lại sự thay đổi cho bất cứ ai hoàn toàn phục tùng ý muốn của Thiên Chúa. Phaolô là một người hoàn toàn cam kết xóa sổ Kitô giáo khỏi mặt đất: “Anh em hẳn đã nghe nói tôi đã ăn ở thế nào trước kia trong đạo Do thái: tôi đã quá hăng say bắt bớ, và những muốn tiêu diệt Hội Thánh của Thiên Chúa” (Gal 1:14). Tuy nhiên, tình yêu và quyền năng của Thiên Chúa đã chiếm lấy trái tim ông và biến ông thành tôi tớ thánh của Ngài.

Mục tiêu của Phaolô đã bị thay đổi bởi cuộc gặp gỡ đó với Chúa Giêsu; bây giờ ông hoàn toàn chuyên tâm lo việc của Chúa Giêsu: “Những gì xưa kia tôi cho là có lợi, thì nay, vì Chúa Kitô, tôi cho là thiệt thòi. Hơn nữa, tôi coi tất cả mọi sự là thiệt thòi, so với mối lợi tuyệt vời, là được biết Chúa Kitô Giêsu, Chúa của tôi. Vì Ngài, tôi đành mất hết, và tôi coi tất cả như rác, để được Chúa Kitô và được kết hợp với Ngài” (Philíp 3: 7-8), và cho danh của Chúa Giêsu được tôn vinh trên trần thế: “Vinh danh Thiên Chúa, Đấng có quyền năng làm cho anh em được vững mạnh theo Tin Mừng tôi loan báo, khi rao giảng Chúa Giêsu Kitô” (Rm 16: 25).

Phaolô biết rằng đời sống đức tin chân chính của ông mới bắt đầu và ông có trách nhiệm luôn bước theo Chúa Giêsu là nguồn ơn cứu độ. Điều gì có thể xoay chuyển một người hết lòng vì niềm tin của mình và có ý định bóp chết niềm tin của người khác? Chỉ quyền năng yêu thương của Chúa Giêsu Kitô, Đấng vẫn có thể làm cho một trái tim cứng cỏi của bất cứ tội nhân nào trở nên êm ái dịu dàng. Tất cả chỉ cần người đó đáp lại lời kêu gọi của Chúa Giêsu như Phaolô đã làm: “Lạy Chúa, con phải làm gì?” (Công vụ 22:10).

 

Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ cách thương xót và dịu dàng.

Đức Thánh Cha Phanxicô nhận thấy tầm quan trọng của lòng thương xót này dành cho các tín hữu ngày nay. Trong giờ đọc Kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật 27/3/2022, Đức Thánh Cha nói : “Dụ ngôn người con hoang đàng dẫn chúng ta đến trái tim của Thiên Chúa, Đấng luôn tha thứ cách thương xót và dịu dàng. Thiên Chúa luôn tha thứ cho chúng ta; dù chúng ta mệt mỏi khi xin Thiên Chúa tha thứ, nhưng Ngài không mệt mỏi tha thứ cho chúng ta. Dụ ngôn cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa là một người Cha không chỉ chào đón chúng ta trở về, mà còn vui mừng và mở tiệc vì đứa con đã trở về nhà dù nó đã tiêu xài hoang phí tất cả tài sản của ông. Chúng ta là người con ấy, và thật xúc động khi nghĩ đến việc Chúa Cha luôn yêu thương chúng ta biết bao và luôn chờ đợi chúng ta.”

Đức Thánh Cha kể một câu chuyện: một người con ăn năn hối hận muốn trở về nhưng sợ bị cha từ chối. Anh ta được khuyên gửi thư cho cha, xin ông hãy treo một chiếc khăn tay trắng trên cửa sổ nếu ông tha thứ cho anh. Thật ngạc nhiên, khi anh về đến gần nhà, anh nhìn thấy mọi cửa sổ đều có những chiếc khăn trắng: người cha hết sức vui mừng chào đón người con.

Đức Thánh Cha còn mời gọi các tín hữu biết sống “như Người Cha trong dụ ngôn – là hình ảnh của Thiên Chúa Cha – bày tỏ sự gần gũi với những người hối lỗi cũng như tìm kiếm những người đang lạc xa. Giống như người Cha, chúng ta cần phải vui mừng hân hoan. Khi một người có trái tim chung nhịp đập với Thiên Chúa thì sẽ nhìn thấy sự ăn năn của một người, cho dù lỗi lầm của người đó có thể nghiêm trọng đến đâu, và vui mừng. Đừng chỉ chú ý vào những sai lỗi, đừng chăm chú vào những gì họ đã làm sai, nhưng hãy vui mừng khi thấy điều tốt bởi vì điều tốt của người khác cũng là của tôi!”

Đức Thánh Cha Phanxicô đặt câu hỏi: “Còn chúng ta, chúng ta có biết cách vui mừng vì người khác trở nên tốt lành hơn không?”

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts