TÔI TRUNG

CHÚA NHẬT LỄ LÁ.

(Is 50, 4-7; Phil 2, 6-11; Lc 22, 14-23.56 – 23, 1-49)

Bước vào Tuần Thánh, chúng ta có cơ hội suy gẫm về tình yêu thương cao vời mà Thiên Chúa đã dành cho nhân loại. Con đường Chúa đã đi xưa là con đường tình yêu, con đường khiêm hạ từ bỏ và hiến thân. Chúng ta không thể nào hiểu thấu mầu nhiệm sự đau khổ, nếu chúng ta không nhận biết tình yêu. Chúa Giêsu Kitô đã hạ thân làm người như chúng ta, ngoại trừ tội lỗi. Ngài đến với con dân của Ngài, nhưng họ đã không nhận biết Ngài. Dân chúng đã đối xử với Chúa một cách bất công và vô tâm. Chúa Giêsu đã giảng tin mừng, làm phép lạ và mạc khải về sứ mệnh của chính mình, nhưng con dân vẫn không nhận ra Chúa. Họ lại đồng lõa để tẩy chay và loại bỏ Chúa ra khỏi cuộc sống. Chúa đã chấp nhận thương đau chỉ vì tình yêu. Càng yêu thương càng muốn cho đi. Tình yêu dâng hiến không bao giờ vơi cạn.

Tiên tri Isaia đã tiên báo về số phận của Người Tôi Tớ ChúaNgười tôi trung chấp nhận số mệnh trong sự phục tùng ý Chúa. Số phận thật là hẩm hiu và đau buồn! Hình ảnh của người tôi tớ thấp cổ bé miệng bị người đời mắng nhiếc, xỉ vả và khinh bỉ. Tôi tớ không tựa nương vào quyền thế của người đời. Người tôi tớ phải đối diện với tất cả sự hung bạo của con người. Trong chương trình cứu độ, Thiên Chúa đã mạc khải qua mọi dấu chỉ, hình ảnh và biến cố đều có sự liên quan tới cuộc đời của Đấng Cứu Thế. Ngài chính là con chiên bị đem đi sát tế. Ngài là Chiên Thiên Chúa, Đấng xóa tội trần gian.

Thánh Phaolô trong thơ gởi cho tín hữu thành Philipphê đã rao truyền về Chúa Kitô chịu đau khổ, chịu chết và sống lại. Chúa Giêsu mang thân phận một con người: Nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế (Phil 2, 7). Chúng ta học biết Ngài là người gốc Do-thái với nước da sạm nắng ngâm đen và bộ râu quai xàm. Đầu vấn tóc trùm khăn. Khi ra rao giảng tin mừng, Chúa Giêsu là một người đàn ông trẻ, trạc tuổi ngoài 30. Hằng ngày Ngài chung sống với dân, cùng ăn uống và sinh họat giống như họ mọi đàng. Trong khi rao giảng, Ngài đã thực hiện nhiều sự lạ, nhưng dân chúng khó có thể tin rằng Ngài là Con Thiên Chúa.

Lễ Vượt Qua hằng năm sẽ chấm dứt và giáo ước cũ dâng hiến bằng máu chiên bò đã khép lại. Thầy sẽ không bao giờ ăn lễ Vượt Qua nữa, vì chính Chúa đã thiết lập một Lễ Vượt Qua mới. Lễ Vượt Qua sự chết tới sự sống lại của chính Chúa. Chúa Giêsu đã lập giáo ước mới bằng chính máu của Ngài. Máu Chúa đổ ra cho nhiều người được ơn tha tội. Chúa Kitô thượng tế chỉ dâng hiến lễ một lần là đủ công đền tội cho cả nhân loại.

Chúa ban cho con người có trí khôn, ý chí và tự do. Dân chúng tẩy chay và kết án Chúa là sự chọn lựa tự do của lòng họ. Chúa Giêsu chấp nhận chén đắng cũng hoàn toàn tự do, nhưng Ngài luôn vâng theo thánh ý Chúa Cha. Mỗi người chịu trách nhiệm về sự chọn lựa và cách hành xử của mình. Chúng ta không thể đổ lỗi hay qui trách nhiệm cho người nào khác. Chúng ta nhận biết rằng khi mọi sự hành khổ Chúa Kitô đã hoàn tất, thì một người đội trưởng đã lên tiếng như là lời hối lỗi vì sự lầm lẫn.

Qua cái chết, Chúa Kitô đã bước vào sự sống vĩnh cửuChúa Kitô trở thành trung tâm điểm của tất cả niềm tin của con người. Nhờ danh Ngài mà chúng ta được ơn cứu thoát. Trong tất cả các lễ nghi phụng vụ, cử hành các Bí tích và sinh hoạt mục vụ đều qui về một mối, đó là Chúa Giêsu Kitô phục sinh. Qua Ngài, chúng ta dâng lời tạ ơn Thiên Chúa Cha. Chúng ta vẫn thường nghe hát: Ôi Giêsu, Chúa Giêsu là Vua, Chúa muôn thuở là Chúa, Chúa các Chúa. Chúng ta hãy hãnh diện tuyên xưng danh Chúa mọi nơi và mọi lúc. Đừng ngại mang hình tượng thánh giá Chúa và ghi dấu thánh giá trên mình. Chúng ta là Kitô hữu mà!

Lạy Chúa, Chúa đã chịu trăm ngàn đắng cay vì tội lỗi của chúng con. Dân xưa bị lầm lẫn không biết, nên đã kết án tội chết cho Chúa. Chúng con hôm nay lại sống thờ ơ lạnh nhạt với lời mời gọi tình yêu hy sinh. Xin cho chúng con biết yêu như Chúa đã yêu. Một tình yêu hiến thân vô điều kiện.

Lm. Giuse Trần Việt Hùng

Chia sẻ Bài này:

Related posts