- “Con có bổn phận ở nhà của Cha con” (Lc 2: 49)
Chúa Giêsu vừa bước sang tuổi mười hai, độ tuổi mà theo người Do Thái thời đó là khá trưởng thành về mặt đức tin. Người con trai rời bỏ tuổi thơ để hòa nhập vào đời sống xã hội. Chúa Giêsu biểu lộ sự trưởng thành và tư thế tự do thực thi ý Chúa Cha của mình. Cùng với cha mẹ lên Đền thờ Giêrusalem để mừng lễ Vượt qua nhưng Ngài ở lại đó mà không báo cho cha mẹ biết. Mẹ Maria và Thánh Giuse tưởng Ngài ở trong đoàn lữ hành, nhưng thực ra Ngài không ở trong đoàn người đó. Ngài vượt ra khỏi khuôn khổ gia đình phàm nhân, khỏi mối liên hệ họ hàng trần gian, vốn gắn bó với nề nếp và di sản của dòng tộc loài người. Ngài vượt lên khỏi những thói quen và truyền thống của con người, khỏi Lề luật… Ngài thuộc về nơi khác, thuộc về Thiên Chúa, Cha của Ngài, như trong bài đọc thứ nhất, bà Anna, mẹ của ngôn sứ Samuel, đã nói với ông Encana, chồng bà: “Đợi cho đến khi đứa trẻ cai sữa đã. Khi đó em sẽ đưa nó đi, nó sẽ ra mắt Chúa và sẽ ở lại đó mãi mãi” (1 Sm 1:22). Bà còn nói với tư tế Êli rằng: “Thưa ngài, xin thứ lỗi, tôi xin lấy mạng sống ngài mà thề: tôi là người đàn bà đã đứng bên ngài, tại đây, để cầu nguyện với Chúa. Tôi đã cầu nguyện để được đứa trẻ này, và Chúa đã ban cho tôi điều tôi đã xin Ngài. Đến lượt tôi, tôi xin nhượng nó lại cho Chúa. Mọi ngày đời nó, nó sẽ được nhượng cho Chúa” (1 Sm 1: 26-28). Chúa Giêsu biết rằng Ngài thuộc về Thiên Chúa: “Cha mẹ không biết là con có bổn phận ở nhà của Cha con sao?” (Lc 2:49). Dĩ nhiên, hai ông bà ngơ ngác không hiểu! Nhưng sau đó, Chúa Giêsu trở về Nadarét cùng với cha mẹ. Tin Mừng cho thấy Chúa Giêsu là một người trưởng thành như thế nào khi kết rằng: “Chúa Giêsu ngày càng thêm khôn ngoan, thêm cao lớn và thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2: 52).
Liệu Chúa Giêsu có phải là người con thoát ly gia đình ngay khi còn trẻ không? Không phải thế, mà ngược lại, Ngài ở lại trong nhà Cha của mình, không chạy trốn đâu hết. Nếu Thánh Giuse và Mẹ Maria ngạc nhiên, lo lắng, thì với Chúa Giêsu, rõ ràng Đền Thờ là nơi Ngài phải đến, là nơi Ngài hiệp thông tự nhiên với Chúa Cha.
Tại sao chúng ta phải đến nhà thờ? Chúng ta tìm kiếm gì ở đó? Đối với nhiều Kitô hữu ngày nay, nhà thờ dường như là một nơi ít có sự thân thiết, ít có tình huynh đệ cảm thông thực sự. Vì thế, chúng ta phải tìm lại cảm giác bình an như trong gia đình, gần gũi với Chúa Cha và anh chị em mình. Điều gì sẽ xảy ra nếu chúng ta cố gắng quay lại nhà thờ như trở về ngôi nhà thời thơ ấu đầy kỷ niệm, nơi chúng ta tìm được lại chính mình là ai một cách sâu sắc, tìm thấy lại gia đình mình ở đó? Trong nhà thờ, chúng ta có thể lắng nghe Lời Chúa, suy ngẫm, rước lấy Mình Thánh Chúa Kitô, gặp gỡ những anh chị em Kitô hữu khác và rồi sau đó được lớn lên trong sự khôn ngoan và ân sủng, ở chính nơi chúng ta sinh sống, trong gia đình, trong môi trường làm việc của chúng ta. Nhà thờ có thể là nguồn suối, nơi chúng ta gặp Chúa, gặp anh chị em chúng ta, chứ không chỉ đơn giản là một bổn phận tôn giáo nặng tính bó buộc hay chỉ là những nghi lễ hình thức bên ngoài chẳng mấy cảm xúc ấn tượng. Ở nhà thờ chúng ta có thể trở thành những người con của Cha. Có lẽ những người thân yêu, bạn bè của chúng ta khó hiểu, nhưng chúng ta nên giải thích cho họ rằng đó là một nơi tự nhiên đối với chúng ta, một nơi thân thiết. Chúng ta hãy cầu xin rằng một ngày nào đó họ sẽ hiểu ra rằng người ta hoàn toàn là chính mình chính khi ở nhà thờ. Chúng ta hãy cầu xin Chúa cho họ được “ngạc nhiên” (Lc 2: 47) về chứng tá niềm vui giản dị của chúng ta khi đến nhà thờ và thúc đẩy họ, đến lượt của họ, bước vào trong nhà của Cha.
- “Sau ba ngày, hai ông bà mới tìm thấy con” (Lc 2: 46)
Việc Mẹ Maria và Thánh Giuse lạc mất và tìm gặp Con mình trong đền thờ khi lên 12 tuổi đã phá tan sự im lặng từ khi Chúa Giêsu được sinh ra tới lúc Ngài ra hoạt động công khai. Câu chuyện ghi chú rằng Mẹ Maria và Thánh Giuse khá lo lắng vì “Không thấy con đâu” (Lc 2:45), nhưng sau ba ngày đã tìm thấy Ngài. Theo Sách Thánh, khoảng thời gian ba ngày này đầy ý nghĩa vì đây là ngày đặc biệt mà Thiên Chúa tạo ra sự sống mới và thiết giao ước của mình với nhân loại, qua Israel. Thiên Chúa ngự xuống trên Núi Xinai vào ngày thứ ba: “Chúa phán với ông Môsê: Hãy đến với dân và bảo họ: hôm nay và ngày mai phải giữ mình cho khỏi nhiễm uế, phải giặt quần áo, và đến ngày kia phải sẵn sàng, vì ngày kia Chúa sẽ ngự xuống trên núi Xinai trước mắt toàn dân… Đến ngày thứ ba, ngay từ sáng, có sấm chớp, mây mù dày đặc trên núi, và có tiếng tù và thổi rất mạnh…Cả núi Xinai nghi ngút khói, vì Chúa ngự trong đám lửa mà xuống; khói bốc lên như khói lò lửa và cả núi rung chuyển mạnh. Tiếng tù và mỗi lúc một tăng lên rất mạnh. Ông Môsê nói, và Thiên Chúa trả lời trong tiếng sấm. Chúa ngự xuống trên núi Xinai, trên đỉnh núi” (Xh 19:10-20). Cũng như câu chuyện Giôna ở trong bụng con cá lớn 3 ngày: “Chúa khiến một con cá lớn nuốt ông Giôna. Ông Giôna ở trong bụng cá ba ngày ba đêm. Từ trong bụng cá, ông Giôna cầu nguyện cùng Chúa, Thiên Chúa của ông. Ông nói: Từ cảnh ngặt nghèo, tôi kêu lên Chúa, Ngài đã thương đáp lời. Lạy Chúa, từ lòng âm phủ, con cầu cứu, Ngài đã nghe tiếng con” (2:1-3). Ngôn sứ Hôsê cũng ghi nhận việc Chúa hoàn lại cho Israel sự sống vào ngày thứ ba: “Ngài đã xé nát thân chúng ta, nhưng rồi lại chữa lành. Ngài đã đánh đập chúng ta, nhưng rồi lại băng bó vết thương. Sau hai ngày, Ngài sẽ hoàn lại cho chúng ta sự sống; ngày thứ ba, sẽ cho chúng ta trỗi dậy, và chúng ta sẽ được sống trước nhan Ngài” (6: 1-2). Như thế ý tưởng chết đi rồi sống lại vào ngày thứ ba đã bắt đầu từ lâu trong Cựu Ước. Mẹ Maria đã phải xa cách Con mình ba ngày trước khi tìm lại được. Hẳn là điều này ám chỉ khoảng thời gian Chúa Giêsu được mai táng trước khi sống lại. Hơn nữa, Tân Ước cho biết rằng biến cố Tử nạn và Phục sinh của Chúa Giêsu diễn ra tại Giêrusalem, nơi Ngài hoàn tất công việc mà Chúa Cha đã định trước. Mẹ Maria và Thánh Giuse đã phải cực lòng như thể Chúa Giêsu đã mất ba ngày rồi: “Con thấy không, cha con và mẹ đây đã phải cực lòng tìm con!” (Lc 2: 48). Đúng là Chúa Giêsu đã được Chúa Cha định trước phải chết, ngay lúc còn nhỏ, nhưng đến “ngày thứ ba Ngài sống lại như lời Thánh Kinh. Ngài lên trời, ngự bên hữu Ðức Chúa Cha” (Kinh tin kính Nicea, được đọc trong thánh lễ Chúa nhật và lễ trọng).
Một trong những nỗi buồn chán trong cuộc đời là cảm thấy cuộc sống của chúng ta không đi đến đâu cả, không có ý nghĩa gì cả. Chúng ta mơ – với một chút mơ hồ – sẽ đạt được điều gì đó thực sự tuyệt vời và có giá trị trường tồn. Nhưng rồi chúng ta thức dậy và mọi thứ cứ thật nhỏ nhoi, tầm thường và vô nghĩa. Chúng ta được dựng nên để sống với khát khao về một ý nghĩa, một mục đích, một vận mệnh quan trọng. Chúng ta mong muốn rằng những gì đang xảy ra trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta, bất kể tầm thường và bình thường đến đâu, đều là một bước dẫn tới một điều tuyệt vời, tốt đẹp và tươi sáng vào ngày mai, chứ không phải sinh ra để chờ chết, chết không ý nghĩa, không giá trị, chỉ là tuyệt vọng mãi mãi.
Chúa Giêsu cũng được sinh ra để rồi cũng phải chết, nhưng cái chết của Ngài làm cho hiện hữu của mọi người và mỗi người tràn đầy giá trị, ý nghĩa và hy vọng vào sự sống đời đời vinh quang sau cái chết thể lý. Nhờ cái chết vì yêu thương của Chúa Giêsu, “là của lễ đền bù tội lỗi chúng ta” (1 Ga 2:2) mà chúng ta được giải thoát trọn vẹn khỏi số phận “ngồi nơi tăm tối và trong bóng tử thần” (Lc 1:79), không còn lệ thuộc thế gian chóng qua, nhưng “nhờ đức tin, tất cả đều là con cái Thiên Chúa trong Chúa Giêsu Kitô” (Gl 3:26), thuộc về Chúa Cha, “ở nhà của Cha” (Lc 2:49). Thánh Phaolô chỉ cho chúng ta thấy vận mệnh quan trọng và tươi sáng đó nhờ cái chết theo đúng kỳ hạn của Chúa Giêsu: “Quả vậy, khi chúng ta không có sức làm được gì vì còn là hạng người vô đạo, thì theo đúng kỳ hạn, Chúa Kitô đã chết vì chúng ta…ngay khi chúng ta còn là những người tội lỗi; đó là bằng chứng Thiên Chúa yêu thương chúng ta” (Rm 5: 5-8). Thánh Gioan trong bài đọc thứ hai còn nhấn mạnh: “Anh em hãy xem Chúa Cha yêu chúng ta dường nào: Ngài yêu đến nỗi cho chúng ta được gọi là con Thiên Chúa – mà thực sự chúng ta là con Thiên Chúa” (1 Ga 3:1).
- “Thêm khôn ngoan, ân nghĩa với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2:52)
Ở đây một lần nữa Thánh Luca cho thấy Chúa Giêsu phát triển rất bình thường, có quá trình trưởng thành như một người bình thường. Với Ngài, cũng như với những người khác, sự khôn ngoan ngày càng phát triển theo năm tháng, và đi vào tâm hồn con người của Ngài như đi vào tâm hồn của những người khác – ví dụ, qua sự hướng dẫn ở trường học Nadarét, qua các buổi nghe Sách Thánh ở hội đường của cộng đồng – điểm khác biệt là trong mọi giai đoạn lớn lên, Ngài đều đạt đến sự hoàn hảo về sự khôn ngoan, đạo đức và tâm linh của giai đoạn đó; không có tội lỗi, sự ích kỷ hay kiêu ngạo nào trong Ngài, vốn là những điều ngăn cản sự khôn ngoan phát triển nơi những người khác.
Bản tính thần linh của Chúa Giêsu mãi mãi hoàn hảo nên không thể có sự tăng thêm. Việc ngày càng thêm khôn ngoan, thêm ân nghĩa được thánh Luca nói đến ở đây chỉ liên quan đến bản tính con người của Chúa Giêsu, bao gồm một linh hồn có lý tính và một thân xác con người. Thân thể Ngài tăng trưởng về vóc dáng và sức nặng, và linh hồn Ngài tăng trưởng về sự khôn ngoan và về tất cả các tư chất của một tinh thần con người. Bản tính con người của Chúa Giêsu nhận được sự sáng soi tỏ tường và tiệm tiến khi Ngài dần lớn lên. Mặc dù Ngôi Lời vĩnh cửu đã kết hợp với linh hồn nhân loại của Ngài ngay từ khi Ngài mới sinh ra, đúng hơn là ngay khi Ngài tượng thai trong cung lòng Mẹ Maria, nhưng thần tính ngự trong Ngài đã tự biểu lộ ra cùng với nhân tính của Ngài tùy theo từng giai đoạn, quidquid recipitur ad modum recipientis recipitur – bất cứ điều gì nhận được đều được nhận theo cách của người nhận, nghĩa là tùy mức độ nhân tính đó có khả năng tiếp nhận bao nhiêu phẩm tính thần linh; và khi các khả năng của linh hồn nhân loại của Ngài ngày càng triển nở, thì sự thông truyền hiểu biết, sự khôn ngoan và các ân tứ khác lớn hơn từ thần tính được thông truyền cho nhân tính đó. Và Ngài “thêm ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2: 52) nghĩa là, Ngài có được tất cả những ân sủng khiến Ngài được cả Thiên Chúa và con người chấp nhận. Tất cả những điều này phù hợp với phận người khiêm hạ của Ngài; vì khi Ngài hạ mình xuống làm một trẻ sơ sinh, dần lớn lên thành một trẻ em, rồi trở thành một thanh niên, thì hình ảnh của Thiên Chúa tỏa sáng dần lên trong Ngài khi Ngài lớn lên thành một thanh niên, hơn là khi Ngài còn là một trẻ sơ sinh và một trẻ em.
Chúng ta hãy cầu xin cho con cháu của chúng ta, những người trẻ, khi họ lớn lên về vóc dáng, họ cũng được lớn lên về sự khôn ngoan và ân sủng; và rồi, khi họ lớn lên về sự khôn ngoan và ân sủng, họ cũng lớn lên trong “ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta” (Lc 2: 52).
Chúng ta cũng cầu xin, như thánh Gioan trong bài đọc thứ hai, cho chính mỗi người chúng ta cũng lớn lên trong “ân nghĩa đối với Thiên Chúa và người ta”, nghĩa là biết “tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa…ở lại trong Thiên Chúa…và biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí Ngài đã ban cho chúng ta” (1 Ga 3: 24) để rồi chúng ta thực hành lời căn dặn của Thánh Phaolô: “Anh em hãy có lòng thương cảm, nhân hậu, khiêm nhu, hiền hoà và nhẫn nại. Hãy chịu đựng và tha thứ cho nhau, nếu trong anh em người này có điều gì phải trách móc người kia. Chúa đã tha thứ cho anh em, thì anh em cũng vậy, anh em phải tha thứ cho nhau. Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” (Cl 3:12-14). Cụ thể chúng ta biến đổi gia đình mình thành một gia đình thánh theo gương mẫu Thánh Gia: “Người làm vợ hãy phục tùng chồng, như thế mới xứng đáng là người thuộc về Chúa. Người làm chồng hãy yêu thương chứ đừng cay nghiệt với vợ. Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ trong mọi sự, vì đó là điều đẹp lòng Chúa. Những bậc làm cha mẹ đừng làm cho con cái bực tức, kẻo chúng ngã lòng” (Cl 3:18-21).
Phêrô Phạm Văn Trung.