“Đức Giêsu trở về Galilê trong quyền năng của Thánh Thần” (Lc 4:14a).
Đang khi quân Pháp đánh nhau dữ dội với quân Nga, Napôlêon được mật báo sắp có một cuộc đảo chánh tại Pháp nhằm truất phế ông ta. Tức khắc, vị tướng lừng danh khắp cõi Châu Âu vội cải trang, lén lút đem theo vài cận vệ rời khỏi cuộc chiến đang hồi ác liệt để trở về Pháp, nhằm trừng phạt bọn phản loạn và để bảo tồn ngai triều hoàng đế của mình.
Đến một con sông, đoàn người phải thuê một bác chèo đò đưa qua bờ bên kia. Đang lúc sang sông, Napôlêon buộc miệng hỏi lão chèo đò: “Ông có thấy người lính Pháp nào trốn qua khúc sông này không?” Người lái đò, một công dân Pháp, không biết trước mắt mình là hoàng đế Napôlêon đang cải trang, nên vô tình mỉa mai đáp lại: “Tôi chỉ thấy ông và những kẻ theo ông là những người lính Pháp hèn nhát trốn về ngang đây đầu tiên.”
Người kể truyện không nói rõ Napôlêon, vị tướng hùng của dân tộc Pháp, kẻ chưa từng nếm mùi chiến bại đã phản ứng thế nào với lão chèo đò dám có những lời khinh thị kia, người viết chỉ kết bằng một câu chua chát: “Đây là một cuộc trở về ê chề nhất trong đời Hoàng đế.”
Trước đây, mỗi khi Napôlêon với đoàn quân viễn chinh trở về là những lúc kinh thành Balê tưng bừng náo nhiệt và ngập tràn ánh sáng. Người ta tung hô, múa nhảy, ăn mừng, bởi vì hoàng đế của họ đang mang lại chiến thắng, danh dự, an bình, vinh quang cho đất nước và dân tộc. Thế nhưng, hôm nay Napôlêon đã trở về không phải cho dân hay cho nước, song là cho chính mình-cho chính ngai vàng và quyền bính của mình, mà nghe đâu đang có kẻ đe doạ lật đổ. Hậu quả, vị tướng tài đã phải nhục nhã vô cùng khi nghe câu nói châm biếm của lão chèo đò.
Biến cố trở về của Napôlêon nhắc người ta nhớ đến hình ảnh nổi loạn của dân Do thái ngày xưa trong sa mạc: giữa một cuộc chiến đang hồi ác liệt với đói khát, thiếu thốn, nắng nôi trên con đường tiến về miền đất Chúa hứa, dân Do thái đã trở lòng. Họ muốn quay lui. Họ mơ tưởng đến những nồi súp, miếng thịt, củ hành, tép tỏi bên vùng đất Ai cập, nơi họ từng phải làm nô lệ, tôi đòi. Mơ chưa đủ, họ còn nổi loạn bắt Môisen phải cho phép quay về vùng đất đó. Không tha thiết gì với vùng đất “chảy sữa và mật ong” nữa.
Thế đấy, cả Napôlêon lẫn dân Do thái xưa, tuy khác nhau ở chỗ một bên đang trên đường trở về, một bên mong mỏi và nổi loạn đòi trở về, nhưng cả hai đều có cùng một mục tiêu trần tục và phù vân như nhau. Họ điên cuồng tức giận, bỏ mặc quân lính giữa cuộc chiến đang hồi nóng bỏng để trở về với nồi khoai, nồi thịt nay đầy mai hết, với những thứ mà Thánh Phaolô cho là “việc vàn của xác thịt.”
Hôm nay, Phúc Âm Luca cũng nhắc đến việc Đức Giêsu trở về (Lc 4:14). Cuộc trở về này xảy ra ngay sau một cuộc chiến ác liệt: cuộc chiến chống lại cám dỗ của quỉ ma trong sa mạc, suốt 40 ngày đêm liên tiếp.
Nhưng ngay từ khởi đầu, bài Phúc âm đã không nhắc đến việc Chúa Giêsu trở về với những gì liên quan đến xác thịt, nhưng lại nhấn mạnh: “Ngài trở về trong quyền năng của Thần khí.” Chúa Giêsu đã trở về trong quyền năng của Thánh Thần vì Ngài đã chiến thắng, vượt qua cuộc cám dỗ gay go về cơm bánh, vinh quang, và uy quyền thế gian. Ngài đã trở về không cho chính mình, song là cho mọi người, những ai cần đến ơn cứu độ.
Con người gồm có xác hồn, một tổng thể của vật chất và linh thiêng, của xác thịt và thần khí. Nhưng theo lời Thánh Phaolô trong thư Galata thì xác thịt và Thần khí luôn chống lại nhau. Nếu phần xác thịt-những đam mê, ham muốn, dục vọng, vật chất-thắng thế thì phần thiêng liêng tất sẽ bị suy yếu. Song nếu phần thiêng liêng hay Thần khí trong ta thắng thế thì sẽ chế ngự được những đòi hỏi của xác thịt.
Đức Giêsu trở về trong Thần khí. Ngài không để cho phần xác thịt là những đam mê vượt thắng. Ngài không quì gối bái lạy Satan để có được một chút vinh quang, danh dự, uy quyền. Ngài không để cho cái bao tử hay đồng tiền vật chất khuất phục mình, khi cương quyết không làm đá hoá bánh, không làm điều trái nghịch với tự nhiên để thoả mãn những tham muốn hay dục vọng riêng tư.
Trái lại, đối với Đức Giêsu, mọi vinh quang, danh dự, hay sự sống đều phải qui hướng về Thiên Chúa, chứ không phải Satan hay cá nhân mình. Đây chính là tinh thần của Đức Kitô. Đây cũng chính là Thần khí mà Ngài đã có khi trở về đất Galilê để khởi đầu sứ mạng rao giảng.
Có trở về trong Thánh Thần, tức có hướng lòng lên Thiên Chúa để vươn mình thắng vượt những tham lam, tiền bạc, bất công, và chế ngự những khát vọng uy quyền, xác thịt, danh lợi, thì mới có thể đem Tin Mừng cho người nghèo khó, mới giải phóng cho kẻ tù đày, và mới mở mắt cho người đui mù được. Còn nếu tôi cứ tự cột trói và giam hãm trong đau khổ và lo lắng thái quá về đồng tiền, của ăn, thế giá thì làm sao ta đem được Tin Mừng hay niềm vui cho người khác; có chăng chỉ là tranh chấp, gian dối, và u buồn thôi!
Người ta hay nói “đời là một cuộc trở về.” Đúng lắm! Và dưới cái nhìn của con mắt đức tin, mọi người đang trở về quê trời. Đây là một cuộc trở về vinh quang cuối cùng này, tôi vẫn cần luôn những cuộc trở về nho nhỏ, hằng ngày. Rất bình thường, nhưng không kém quan trọng.
Thử hỏi có hôm nào trong cuộc sống mà tôi lại không có một chuyến trở về nào đó: trở về từ sở làm, trở về sau khi đi nhà thờ, trở về sau lúc đi chợ, đi chơi, đi học, đi nhậu, trở về sau những cuộc hẹn hò, tiệc tùng v.v.. Nhưng thử hỏi với lần trở về như vậy, tôi mang theo được điều gì? Tôi mang về bực bội, khó chịu, cay chua, nóng nảy, giận hờn, ghen tuông hay đưa về Thần khí của Đức Kitô, thứ Thần khí hoa trái là mến yêu, vui mừng, bình an, quảng đại, hiền từ, tiết độ.
Chợt giật mình tự vấn: “Không biết mỗi ngày khi về nhà, tôi có đem về niềm vui, sự sống, an bình và thoải mái cho tâm hồn tha nhân, hay vợ chồng con cái của mình chăng?”
Cách nay không lâu, trên tờ báo Catholic Register người ta học thấy có câu chuyện “Trở Về”rất đáng suy tư. Số là anh Jim O’Donnell, một công dân Hoa kỳ 36 tuổi đang làm việc tại Luân Đôn, Anh quốc, cho một nhóm các ngân hàng của Hồng Kông và Shangai. Jim O’Donnell đã gây sửng sốt cho giới doanh thương Hồng Kông, Luân Đôn và cả New York khi tuyên bố rằng anh sẽ về nước, nghỉ việc, mặc dầu khi ấy các ngân hàng vừa tăng lương cho anh với số tiền là 1.650.000 đôla một năm.
Nhiều người thắc mắc tại sao anh Jim không tiếp tục công việc để hưởng số lương bổng mà không ít kẻ nằm mơ cũng chưa thấy được số lẻ của nó. Bạn có biết lý do anh trở về nước không?
Rất lạ! Anh về nước là để cho kịp niên học tại một chủng viện vào mùa Thu 98. Anh muốn đi học để trở thành linh mục. Đúng là anh trở về với tâm hồn của Đức Kitô, với Thần khí của Thiên Chúa, với tinh thần hy sinh những gì thuộc về xác thịt, quyền lợi, sở thích riêng tư, để thực hiện một ước vọng mới là mang Tin mừng, niềm vui và sự sống chân lý cho muôn người.
Xin Chúa cũng ban cho bạn trong những lần trở về với gia đình, cộng đoàn, có được chính Thần khí của Đức Kitô tác động và dẫn lối.