Trung ngôn nghịch nhĩ

Khi cha Gioan Vianney đi rao giảng và giải tội cho giáo dân các xứ, giúp các linh mục ở các xứ quanh đó, thì các ngài bằng lòng và khen cha Gioan là người đạo đức sốt sắng. Nhưng khi thấy con chiên trong xứ của mình đua nhau đến xứ Ars xưng tội với cha Gioan, liền sinh lòng ghen ghét và trách cha Gioan:
 
“Cha Gioan dốt lắm, La tinh không biết tiếng nào, phải học đi học lại thần học hai ba lần mà không hiểu, không nhớ. Chỉ nhờ thế cũa cha Balley, xin bề trên cho, mới không bị đuổi khỏi chủng viện và được làm linh mục. Đúng ra cha Gioan phải biết mình kém cỏi, phải đặt mình dưới các linh mục khác. Ai ngờ, cha lại dám tranh quyền với các linh mục thông thái và thánh thiện hơn mình, và đặt mình lên làm thầy dạy dỗ, coi sóc linh hồn giáo hữu của cả miền này…”
 
Lại có đấng khác nói những lời nặng hơn:
 
“Cha Gioan tình tình lạ lùng, khác thường, không theo cách ăn ở của linh mục. Cha ăn chay hãm mình, mặc áo cũ rich, lấy cái vẻ bề ngoài cho người ta kính trọng và khen ngợi, làm mồi nhử người đến xưng tội với mình. Ai đến xưng tội thì bỏ bùa nó, khiến những kẻ đó xưng tội với cha Gioan về, luôn khen cha là nhân đức, là thánh sống và chỉ nghe theo lời cha dạy bảo, không còn nghe lời cha xứ của mình dạy bảo nữa.”
 
Có cha còn cấm hẳn giáo dân của mình đến xứ Ars xưng tội với cha Gioan. Có nhiều cha khi giảng lễ Chúa Nhật, vừa khuyên vừa cấm con chiên của mình đi xưng tội với cha xứ Ars, và nói nhiều điều xấu làm hại thanh danh cha Gioan.
 
Giáo dân thấy cha xứ của mình nói xấu, bôi nhọ cha Gioan, liền nghi cha xứ mình ghen tức, nên càng không tin, không nghe lời các cha ấy; lại rủ nhau đến Ars xưng tội với cha Gioan, họ đi từng đoàn năm mươi người, một trăm người đông hơn trước. Có nhiều linh mục chánh xứ thấy mình không bảo được giáo dân, viết thư trình Đức Giám mục, xin Đức Cha giải quyết vụ này. Nhưng Đức Giám mục làm ngơ, không viết thư hồi âm, cũng không thông báo gì. (Cha Lương, M Cardo, Cuộc Đời Thánh Gioan Vianney)
 
Đức Giám mục sở tại đã âm thầm điều tra về cha Gioan, sau này còn lên tiếng công khai bênh vực và khen ngợi lòng đạo đức của Cha Gioan Vianney. Từ đó tình thân giữa các linh mục quanh vùng mới dần chớm nở với lòng rộng lượng thánh thiện của cha Gioan.
Phải chăng Đức Giêsu đem đến sự chia rẽ, đố kỵ, bất an giữa ngay đoàn chiên, như Tin Mừng thánh Luca Chúa Nhật hôm nay?
 
Chia rẽ
 
“Thầy không đến để đem bình an, nhưng đem sự chia rẽ.” (Lc 12, 51)
Quả thật, vì Cha Gioan Vianney nhiệt thành sống đúng theo Lời Chúa, làm đúng vai trò mục tử nhân lành, nên mới xảy ra chia rẽ với các mục tử khác. Nếu Cha Gioan e sợ các lời dị nghị, dèm pha, quy kết của các đấng, mà lơ là, sao nhãng mục vụ, thực thi Lời Chúa, thì hẳn cha Gioan đã ưu ái lãnh nhận bình an thế gian.
 
Đức Giêsu đến trần gian, cũng chẳng cần hưởng sự bình an thế gian. Dù Người không đến phân rẽ tôn ti trật tự xã hội, không gây bè kéo cánh, tổ chức chống đối chính quyền hay phe phái nào, nhưng vì Người mà thế gian chia rẽ, xã hội phân rẽ, cộng đoàn phân cực, gia đình lủng củng, kình chống lẫn nhau.
 
Thoạt tiên, Người mới bắt đầu giảng dạy, thì xã hội Do Thái bấy giờ liền bắt đầu rúng động. Phái Pharisiêu, các luật sĩ, tư tế đều liên minh chống lại giáo lý tân kỳ của Người. Vì quyền lợi, chức tước, thanh danh của họ bị thách thức và có nguy cơ tổn hại, hay sứt mẻ.
Khi Người kêu gọi, thâu nạp các môn đệ, thì các ông liền hăng hái đi theo Người, xa lìa vợ con, bỏ cả nghề nghiệp mưu sinh. Vào thời Roma bách hại, tín hữu theo Chúa phải trốn tránh trong những hang toại đạo. Hơn nữa, những gia đình nào theo đạo Kitô, còn bị hàng xóm, láng giềng, bạn bè thân hữu tẩy chay, tố giác. Cũng như thời Văn Thân dưới các triều Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức, đã có biết bao Kitô hữu cũng chịu sự ruồng bắt, tàn sát dã man, khốc liệt không kém.
 
Hôm nay, tuy không còn cấm đạo công khai, nhưng sống giữa xã hội điên đảo, gian manh và hưởng thụ, ai quyết tâm sống chân thành theo Lời Chúa, khiêm hạ, bác ái, phục vụ tận tình, thì hầu như bị coi là khùng điên, dị nhân, quái nhân. Ngay chính gia đình, vợ hay chồng, con cái, cộng đoàn, cũng khó chấp nhận, huống chi bên ngoài xã hội.
 
Bình thường, Đức Giêsu luôn ôn hòa, hiền lành, nhưng với sứ mạng Nước Trời, Người cứng rắn tuyên bố những điều kiện đi theo Chúa. Người không dùng những lời hoa mỹ mỵ dân, xuê xoa, gian trá, hòng mê hoặc lôi kéo tín hữu. Người không ba hoa, xảo ngôn, dùng lời có cánh để lấy lòng người nghe. Người nói thẳng nói thật, cùng muốn người nghe phải, dứt khoát chấp nhận hay không, phải quyết tâm theo Người hay không. Trung ngôn nghịch nhĩ, lời nói trung thực thì khó nghe, hay thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Lời Người bộc trực đánh động lương tâm suy xét, ăn năn hối cải, hầu được ơn cứu độ.
 
Người minh bạch vạch ra đường phân rẽ giữa ánh sáng và bóng tối, giữa thiện và ác, giữa ma quỷ và thần thánh, giữa Thiên Chúa và thế gian. Người không chấp nhận sự nhập nhằng, thỏa hiệp, hay đi nước đôi. Nóng thì nóng hẳn, lạnh thì lạnh hẳn, chứ hâm hâm Ta mửa ra ngoài”. (Kh. 3. 15)
 
Người phân biệt chiên với dê, hay chiên thật với sói đội lốt chiên. Những ai sống theo Lời Chúa thì xa lìa những quyến rũ thế gian, những cám dỗ thân xác, những tham lam thế tục. Người kêu gọi hiếu đễ với cha mẹ, yêu thương bạn đời, con cái và mọi người, nhưng luôn ưu tiên thờ phượng và yêu mến Thiên Chúa, thực hành Lời Chúa và đón nhận Thánh Ý Chúa.
 
Nhưng trong gia đình không phải luôn luôn có sự đồng thuận như thế, trong cộng đoàn hay xã hội cũng vậy. Những ai can đảm lội ngược dòng đời, mới theo Chúa được, mới làm chứng nhân thực sự. Vì thế Người mới mời gọi: “Ai đến với tôi mà không dứt bỏ cha mẹ, vợ con, anh em, chị em, và cả mạng sống mình nữa, thì không thể làm môn đệ tôi được.  Ai không vác thập giá mình mà đi theo tôi, thì không thể làm môn đệ tôi được” (Lc 14:26-27).
 
Nguyên nhân gây chia rẽ trong gia đình, cộng đoàn, giáo xứ hay xã hội, chính là có sẵn sàng đón nhận Người hay khước từ Người. Có thành khần đem thực hành và áp dụng chính xác Lời Người hay không.
 
Hiệp nhất
 
“Thầy đã đến đem lửa xuống thế gian và Thầy mong muốn biết bao cho lửa cháy lên. (Lc 12, 49)
 
  “Xin cho chúng nên mt như Cha trong Con và như Con trong Cha“. (Ga 17, 20-21)
Sau khi chia rẽ tỏ tường chánh tà, thật ảo, phù phiếm và trường cửu, Đức Giêsu đem lửa tình yêu đến thế gian đang giá lạnh, đem lửa tinh luyện những tâm hồn sám hối, đem lửa thánh hóa những kẻ hướng thiện. Người mong ước con người hòa giải với Thiên Chúa và tha nhân, đề hưởng được bình an.
 
Không phải thứ bình an thế gian, đặt trên nền tảng vị kỷ, kêu căng, tham lam, giả dối và bất công. Nhưng bình an của Chúa đem đến dựa trên sự thật, công lý và nhân ái, thuận thiên nhân hòa, hòa hợp nhuần nhuyễn với cả Thiên Chúa lẫn con người.
 
Nhờ cuộc tử nạn, Máu hy tế của Chúa Giêsu đổ ra trên Thánh Giá, đã thanh tẩy con người khỏi tội lỗi, để được giao hòa cùng Thiên Chúa và tha nhân. Đó chính là sự hiệp nhất, sự bình an đích thực mà Đức Giêsu ban tặng.
 
Lửa của Người đem đến qua Đức Chúa Thành Thần củng cố niềm tin, cậy, mến nơi các Thánh Tông Đồ trong ngày lễ Ngũ Tuần, cũng vẫn còn tiếp tục qua Bí tích Thêm Sức nhiệm mầu cho Kitô hữu hôm nay.
 
«Khó nghèo, vâng phục, hãm mình, nhịn nhục, bác ái, tha thứ, khiêm tốn đều là dại trước mặt người đời, nhưng cao trọng trước mặt Chúa. Thế gian cho là xui, Chúa cho là phúc thật. » (Đường Hy Vọng, số 110)
 
Lạy Chúa Giê su, xin ban cho chúng chúng con ngọn lửa nhiệt thành để sống đạo và truyển đạo đến mọi người.
 
Lạy Mẹ Maria, xin biến đổi chúng con trở nên nhiệt thành với Nước Chúa, nồng nhiệt cháy lửa yêu thương, nóng bỏng lửa phục vụ, để chúng con thêm sức mạnh tự cải hóa và cám hóa tha nhân. Amen.
 
 
AM Trần Bình An
Chia sẻ Bài này:

Related posts