TỰ BIẾT MÌNH

Không như các động vật, chỉ có loài người là động vật có lý trí và ý chí. Vì thế, chỉ loài người mới có thế giới nội tâm, có khả năng nhìn vào mình, tự điều chỉnh đời sống, hành vi, suy tư, tương quan… của mình.

Chỉ duy nhất loài người có khả năng tự biết mình, phát triển và lèo lái nhân cách của mình. Tuy nhiên, để một người có thể có đời sống tâm linh và nhân bản phù hợp, không thể ngày một ngày hai, nhưng phải trải qua khổ luyện.

Biết mình là tự biết những việc đã làm, lường trước khả năng đạt được cả ưu lẫn khuyết điểm. Biết mình là ý thức rõ thân phận, hoàn cảnh và khả năng của mình mà ứng xử cho thích hợp với người, với việc.

Trong Tin Mừng, nhiều lần Chúa Giêsu nói đến việc tự biết mình với đời sống khiêm hạ và phục vụ. Chúa luôn nhấn mạnh: “Coi chừng…” và mời gọi: “Hãy tỉnh thức”… Nghĩa là Chúa muốn chúng ta hãy phản tỉnh về bản thân, hãy nhìn vào nội tâm, hãy tự kiềm chế và tiết chế; hãy tự kiểm tra bản thân và làm chủ chính mình…

Chẳng hạn Chúa dạy: “Ai trong anh em muốn xây một cây tháp mà lại không ngồi xuống tính toán phí tổn, xem mình có đủ để hoàn thành không? Kẻo lỡ ra đặt móng rồi mà không có khả năng hoàn thành…” (Lc 14,28-29).

Còn trong Tin Mừng hôm nay:

– Người mù có thể dẫn người mù được chăng? Cả hai lại không sa xuống hố ư?

– Môn đệ không trọng hơn Thầy: nếu môn đệ được giống như Thầy, thì kể là hoàn hảo rồi.

– Sao ngươi nhìn cái rác trong mắt anh em, còn cái đà trong chính mắt ngươi thì lại không thấy? Sao ngươi có thể nói với người anh em: ‘Này anh, hãy để tôi lấy cái rác trong con mắt anh’, trong khi chính ngươi không nhìn thấy cái đà trong mắt ngươi?

– Hỡi kẻ giả hình, hãy lấy cái đà ra khỏi mắt mình trước đã, rồi bấy giờ ngươi sẽ trông rõ để lấy cái rác khỏi mắt anh em ngươi.

– Không có cây nào tốt mà sinh trái xấu; và ngược lại, cũng không có cây nào xấu mà sinh trái tốt. Thật vậy, cứ xem trái thì biết cây…

– Người hiền, bởi lòng tích chứa điều lành, nên phát xuất sự thiện; kẻ dữ, bởi tích đầy lòng ác, phát xuất điều ác: vì lòng đầy, thì miệng mới nói ra”.

Với những hình ảnh gần gũi, cụ thể bên trên, Chúa lại dạy một cách xác đáng, rõ ràng để đòi chúng ta phải tự biết chính mình, phải tự nhận ra con người, cách sống, đường lối… của bản thân.

Một trong những cách nhằm giúp tín hữu nhận ra mình để sống sát với thánh ý Chúa, để vươn lên trong ơn gọi nên thánh, để phù hợp với đời sống chung và ngày càng tiến tới trên đường nhân đức, đó là XÉT MÌNH VÀ SÁM HỐI THƯỜNG XUYÊN.

Muốn căn nhà sạch, kông hư hao, không ô nhiễm, không nuôi dưỡng nguồn bệnh, chủ nhà phải thường xuyên quét dọn, kiểm tra và sửa chữa. Cũng vậy, tâm hồn con người là môi trường dễ nhiễm bẩn, dễ bắt chước những thói hư tật xấu. Việc xét mình thường xuyên để kiểm tra đời sống từ hành vi nhỏ đến việc làm lớn, từ lời nói đến thái độ, cách cư xử, cách phản ứng trong từng khoảnh khắc diễn ra những biến cố, những hành động…, luôn là sự khôn ngoan tối thiểu để nuôi dưỡng tâm linh của mình.

Không chỉ ở khía cạnh nhân bản, quan trọng hơn, đó là kiểm tra thường xuyên lối sống trong tương quan với thánh ý Chúa, lề luật Chúa, lề luật Hội Thánh…

Sau khi nhận ra khuyết điểm, thậm chí tội lỗi, ta cần giục lòng sám hối, lấy làm tiếc, thậm chí đau khổ về những gì được xem là đổ vỡ, đi xa và đi sai đường lối, giáo huấn của Chúa và Hội Thánh.

   Bí tích Hòa giải là phương tiện đạo đức của người tín hữu để giao hòa với Chúa, với tha nhân và với chính bản thân. Bí tích Hòa giải còn là giao lộ để ta gặp gỡ và lãnh nhận tình yêu thương xót của Chúa. Qua con đường của bí tích, ta còn nhận được nhiều ơn Chúa để mạnh mẽ, để trưởng thành, để bền bỉ trung tín với Chúa, với ơn gọi làm con Chúa và làm môn đệ của Chúa Giêsu.

Sau khi xét mình, ăn năn sám hối và lãnh bí tích Hòa giải, ta cần ghi nhớ những cái sai, cái đúng mà mình đã từng thể hiện.

Nếu là điều sai, hãy cố gắng tìm cách khắc phục. Hãy khắc phục trong sự nỗ lực từng ngày của bản thân cách kiên trì, bền bỉ, không thất vọng về mình, không ngã lòng và luôn luôn trong tinh thần cầu nguyện.

Nếu là điều tốt, điều hay, hãy phát huy, hãy ra sức thực hành nhiều hơn nữa những nhân đức dành cho Thiên Chúa như giục lòng yêu mến Chúa, luôn tín thác, cậy trông và tin tưởng vững vàng vào tình yêu của Chúa. Hãy phát huy không ngừng những nhân đức nhân bản như: bác ái, chân thành, vị tha, thích giúp đỡ, thích an ủi người cần đến mình…

Từng người hãy luôn ý thức rằng, tự nhận biết mình là điều kiện tiên quyết để sống đẹp lòng Chúa và sống đúng đạo làm người…

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts