CHÚA NHẬT XXVI THƯỜNG NIÊN
Bài đọc I: Am 6,1a.4-7; Bài đọc II: 1Tm 6,11-16; Tin Mừng: Lc 16,19-31
I.- DẪN NHẬP
Thưa quý đọc giả kính mến!
Phụng vụ Chúa Nhật tuần này, qua hai bài đọc và bài Tin Mừng mà chúng ta vừa nghe, nếu chúng ta chú ý một chút và dừng lại một chút để đối chiếu nội dung, chúng ta sẽ tìm được một ý tưởng vừa thống nhất vừa bổ sung cho nhau thật chặt chẽ:
– Trước tiên, nội dung bài đọc I (Am 6,1a.4-7): Là lời tiên báo của Ngôn sứ Amốt với những kẻ sống an nhiên – phè phỡn – tự tại, họ sẽ phải bị lưu đày…vì không hề lưu tâm đến cảnh đau khổ của nhà Giuse.
– Tiếp đến, nội dung bài đọc II (1Tm 6,11-16): Là lời truyền của Thánh Phaolô cho Timôthê là học trò và là cộng sự của ngài: hãy tuân giữ điều răn của Chúa mà sống tinh tuyền, cho đến ngày Chúa chúng ta xuất hiện.
– Sau cùng, là nội dung bài Tin Mừng (Lc 16,19-31): Nói về sự đảo ngược vị trí và thân phận con người trong sự sống đời sau, qua hình ảnh người giầu không lưu tâm đến người nghèo.
Nói đến đây, người viết xin một gợi ý là: với thông điệp của một chuỗi ba bài đọc này, chúng ta đừng quá chú ý đến chuyện “người giầu-người nghèo”, và như vậy chúng ta dễ rơi vào một hướng nhìn thiên kiến, thành kiến lắm. Chúng ta thử nhìn đến góc độ khác mang tính triết lý hơn, thần học hơn xem. “Vì việc đảo lộn vị trí người giầu và người nghèo, thưởng công hay luận phạt, không đơn thuần là cứ giầu có ở trần gian là bị phạt ở đời sau, hay cứ nghèo khổ ở đời này thì được hưởng phúc trong thế giới bên kia đâu”!!!
Vấn đề nằm ở chỗ là: người gian tà, ích kỷ, cứng lòng, mới bị phạt, bất kể người ấy giầu hay nghèo; còn người tốt lành, quảng đại, vâng phục điều răn Chúa dạy, sẽ được thưởng, cũng bất kể người ấy giầu hay nghèo.
Vậy, trong phạm vi bài này, người viết xin trình bày mấy ý tưởng như sau:
– Tình bác ái không phân biệt giầu nghèo.
– Vâng nghe lời Chúa – Sống giới răn của Chúa.
– Hình phạt đời sau.
II.- TÌNH BÁC ÁI KHÔNG PHÂN BIỆT GIẦU NGHÈO
Hạn từ “Giầu-nghèo”, không biết từ bao giờ chúng đã có một sự đối chọi, và là một phạm trù tương phản. Chúng là những hạn từ chỉ tình trạng, chúng chẳng tốt cũng chẳng xấu, nghĩa là chúng vô tội vạ, không ảnh hưởng gì đến nhau. Nhưng khi thêm vào một từ “người” nữa ở tiếp đầu ngữ, chúng bỗng trở thành những danh từ chỉ nhân vật và bây giờ chúng đã trở thành hai nhân vật đối lập nhau (người giầu và người nghèo), và đã tạo nên bao ảnh hưởng, tốt cũng có và xấu cũng có.
Trong lịch sử loài người, hai loại người này được coi là đại diện của hai tầng lớp luôn luôn tồn tại trong một xã hội và họ có một sự hỗ tương với nhau rất lớn, nhất là trong thời buổi công nghiệp hóa, hiện đại hóa ngày nay. Theo tôi, người giầu cũng tốt và người nghèo cũng tốt, người giầu cũng xấu và người nghèo cũng xấu. Tốt-xấu là do đạo đức của con người.
- Người giầu tốt bụng:
Sáng nay tôi mới nghe một cha bạn, kể về một người giầu tốt bụng, cha kể rằng: “Mình đang dự kiến xây thêm dãy nhà giáo lý để đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cho Thiếu Nhi trong xứ. Dự kiến chi phí khoảng 500 triệu VNĐ. Mình đã nói trên nhà thờ để xin khuyên góp, cả tuần nay mới được chừng 03 triệu, có lẽ vì xứ mình còn nhiều người nghèo, nên người trong xứ chẳng giúp được là bao, mình đang rầu không biết dự kiến có thành hiện thực không? Và nếu cứ như tiến độ này thì cả chục năm chưa chắc đã thực hiện được. Khấn xin mãi, bỗng có một đại gia xuất hiện, anh này lại là một Tân Tòng mới lãnh nhận bí tích gia nhập đạo được chừng 06 tháng, anh xin được đài thọ kinh phí công trình từ khởi sự cho đến hoàn thành”.
Tôi nghe cha bạn kể mà bỗng vui lây, cứ như thể mới trúng số độc đắc vậy. Vui vì mừng cho cha bạn có người tốt bụng giúp cho thực hiện được ý nguyện tốt lành, vui hơn nữa là anh đại gia mới theo đạo kia lại có một đức tin và lòng quảng đại đến thế. Chắc chắn, tấm lòng thành của anh sẽ được Chúa bù đắp gấp trăm, đời này và cả đời sau: “Vì hễ, ai đong đi bằng đấu nào, sẽ được Thiên Chúa đong lại bằng đấu ấy, nhưng đấu mà Thiên Chúa đong cho, sẽ là đấu dằn và đấu lắc” (Lc 6,38).
- Người nghèo quảng đại:
Cách nay không lâu, anh em cựu chủng sinh, tu sĩ chúng tôi có đi kính viếng và dự tang lễ của một vị Ân Nhân Ơn Gọi. Chúng tôi gọi là (Ân Nhân Thiện Nguyện), vì Bà này và một số bạn bè của Bà thường xuyên giúp đỡ anh em chúng tôi (tinh thần cũng như vật chất) để cộng tác với Hội Dòng, giúp chúng tôi an tâm tu học. Đặc biệt là hàng tháng Nhóm Thiện Nguyện của Bà vẫn đến nấu ăn và phục vụ anh em chúng tôi vào ngày tĩnh tâm tháng. Một sự bất ngờ, ngạc nhiên và làm cho chúng tôi hết sức xúc động là: gia đình Bà rất nghèo, lại đông con, trong số đó lại có người con khuyết tật nữa… một mình Bà “chạy chợ” chỉ vỏn vẹn với gánh hàng rong, nay ngồi chỗ này mai chạy chỗ nọ, vì không có tiền mua được một chỗ ngồi ổn định trong chợ, nên ban trật tự chợ họ đuổi bất kỳ lúc nào họ muốn, có ngày họ thu hết cả hàng hóa và quang gánh, mất hết cả vốn lẫn lời; nên Bà luôn luôn có những nỗi lo… lo cơm ăn, áo mặc cho cả gia đình đã đành, lại còn lo cả chuyện kẻ khác cướp đi miếng cơm manh áo ấy…
Niềm vui, niềm an ủi và cũng là niềm hy vọng lớn nhất của Bà là hàng tháng được đi phục vụ cùng với bạn bè trong Nhóm Thiện Nguyện. Vừa để giải strees qua những ngày làm việc mệt mỏi, vừa để góp chút công quả, lập phúc cho đời sau.
Quả thực, lòng quảng đại như Bà thật hiếm có, làm cho chúng tôi hết sức cảm kích. Nhưng những tấm lòng quảng đại như Bà cũng không phải là ít. Tìm hiểu kỹ hơn, chúng tôi biết được, hầu như tất cả những người bạn của Bà trong Nhóm Thiện Nguyện này, không ai là người giầu có gì, chỉ toàn là những người khó khăn đủ bề… thế mà Họ vẫn luôn nghĩ đến công việc nhà Chúa và nghĩ đến mọi người. Chẳng khác nào Bà góa trong câu chuyện: “Bà góa nghèo” (x. Lc 22,2; Mc 12,42). Đến mức Chúa Giêsu cũng còn khen ngợi.
III.- VÂNG NGHE LỜI CHÚA – SỐNG GIỚI RĂN CỦA CHÚA
- Vâng nghe Lời Chúa – sống giới răn của Chúa, được tóm gọn trong hai điều này là:“Yêu mến Thiên Chúa hết lòng, hết linh hồn hết trí khôn, hết sức lực; và yêu mến tha nhân như chính mình” (Lc 10,27; Mt 22,37-38; Mc 12,30-31).
Là người Kitô hữu, chúng ta tin rằng Đức Kitô đến thế gian là để đem chân lý trọn vẹn đến cho con người. Ngài không những chỉ dạy cho con người ăn ngay ở lành, nhưng còn để tỏ cho mọi người biết mỗi người đều là con cái Thiên Chúa, được Thiên Chúa yêu thương và mời gọi đến đón nhận sự sống thần linh của Người (x. 1Ga 3,1-2; Tt 3,7; 2Pl 1,4), là nguồn mạch tình yêu và hạnh phúc bất diệt. Ta chỉ có thể tìm được hạnh phúc muôn đời ở nơi Thiên Chúa (1Pl 1,15) là Đấng Chân-Thiện-Mỹ và là Đấng hằng hữu. Chân lý ấy đã được thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, bằng đời sống và giáo huấn của Ngài. Nhằm cứu rỗi hết thảy mọi người, không phân biệt giầu-nghèo, sang-hèn, già-trẻ hay sắc tộc nào (x. Mt 28,19; Lc 2,31; Cv 13,47).
Con đường cứu rỗi ấy đòi hỏi mỗi người Kitô hữu phải trả qua, để tiến về quê trời bằng sự hiệp nhất với Đức Kitô, để được hiệp nhất với Thiên Chúa là Cha chúng ta và hiệp nhất với tha nhân trong tình huynh đệ. Đó là con đường “hiệp nhất trong công bằng, bác ái và yêu thương” (x. Ga 17,21-23). Như lời Thánh Gioan Tông đồ quả quyết: “Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được mình là con cái Thiên Chúa: đó là chúng ta yêu mến Thiên Chúa và thi hành các điều răn của Người. Quả thật, ai yêu mến Thiên Chúa thì tuân giữ các điều răn của Người” (1Ga 5,2-3).
Vậy, đâu cần phải nhìn thấy dấu lạ hay phép lạ rồi chúng ta mới biến đổi, hay đâu cần phải người chết hiện về răn đe rồi mới tin… tất cả những chân lý đó đều đã có sẵn trong giới răn của Chúa hết rồi. Hơn nữa, đối với kẻ cứng lòng tin, thì dù có diện kiến người chết trở về, hay có chứng kiến trăm ngàn phép lạ, họ cũng dửng dưng như là không (x. Lc 11,29-30).
- Ta có thể làm cách nào để thực thi: mến Chúa và yêu người?
Ta có thể học tâm tình và cuộc sống của Chúa Giêsu là mẫu gương thực tế nhất cho mọi người:
– Đối với Thiên Chúa: Trong mọi lúc và mọi hoạt động, tâm hồn Chúa Giêsu luôn luôn hướng về Chúa Cha và hiệp nhất với Chúa Cha. Cha yêu mến Ngài vô biên và Ngài cũng đáp lại bằng tình yêu vô tận (x. Ga 14,20; 17,21).
Mỗi ngày, Chúa Giêsu dành nhiều thời giờ để sống tương quan với Chúa Cha và sống thân tình với Chúa Cha. Đó là những giờ cầu nguyện cần thiết cho đời sống tâm linh. Ngài luôn tìm biết ý Cha để thi hành, trong việc dễ cũng như trong việc khó. Ngài để cho ý Cha hướng dẫn mọi hoạt động của Ngài (x. Mt 26, 39.42; Lc 22,42). Lấy ý Cha làm ánh sáng hướng dẫn mọi việc làm, dầu ý đó đòi hỏi phải hy sinh quên mình (x. Mt 7,24-25; 12,50; Ga 8,5; 15,10).
– Đối với mọi người: Chúa Giêsu luôn yêu thương mọi người. Ngài xuống trần gian để phục vụ mọi người. Ngài là mục tử nhân lành, chăm sóc, gìn giữ và hiến thân vì đàn chiên (x. Ga 10,11-14). Ngài ưu ái cách đặc biệt đối với những người nghèo khổ nơi thân xác và cả tinh thần nữa. Ngài chữa lành bệnh nhân, cất gánh nặng cho người sầu khổ, mang hạnh phúc đến cho người nghèo khó. Chính Ngài đã sống cảnh đời khiêm nhường, nghèo khó, thiếu thốn để chia sẻ số phận với những người cùng khổ.
Ngài âu yếm trẻ nhỏ vì chúng đơn sơ, thành thật, trong sáng. Ngài muốn mọi người sống thành thật, trong sáng như chúng (x. Mt 19,14).
Ngài rất khoan dung với tội nhân. Ngài gần gũi, đón nhận họ. Thay vì kết án, Ngài tha thứ, hoán cải họ, giúp họ cải thiện đời sống. Chính vì để cứu vớt tội nhân mà Ngài đã giáng trần (x. Mc 2,17; Lc 5,32).
Vậy, tinh thần yêu thương và trở nên hoàn thiện mà Chúa Giêsu muốn chúng ta sống một cách cụ thể đối với tha nhân là: “Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chóp lưỡi, nhưng phải yêu thương bằng cách chân thật và bằng việc làm” (1Ga 4,11); “Ai yêu mến Thầy, thì sẽ giữ lời Thầy. Cha Thầy sẽ yêu mến người ấy. Cha Thầy và Thầy sẽ đến và ở lại với người ấy” (Ga 14,23).
- Yêu thương gắn liền với tha thứ:
– Yêu thương: Lòng mến Chúa buộc phải yêu người. Yêu thương chân thành và vị tha, không tìm tư lợi. Yêu thương mọi người không loại trừ ai. Lòng yêu thương bao giờ cũng hiền từ và khoan dung: không xét đoán khắt khe, không vội kết án, nhưng phải biết tìm mọi cách tạo nên bình an, yêu thương và hợp nhất (x. 1Ga 4,16). “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em. Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13,34-35).
– Tha thứ: Tha thứ là một phần không thể thiếu của tình yêu thương. Tha thứ vô điều kiện và không giới hạn như Thiên Chúa tha thứ cho chúng ta. Làm hòa là dấu chỉ thật lòng tha thứ. Tột đỉnh của yêu thương là yêu thương kẻ thù. Phải xét xử sự ác, nhưng vẫn phải thương người xấu. Yêu kẻ thù nghĩa là lấy sự lành đáp lại sự dữ. Lánh xa sự dữ cũng có nghĩa là chiến thắng sự dữ (x. Mt 5,44-45; 6,14)
IV.- HÌNH PHẠT ĐỜI SAU
Về vấn đề hình phạt đời sau, người viết có nghe nhiều người đặt ra những câu hỏi liên quan. Hình như họ muốn bênh vực, và kêu oan thay cho ông phú hộ giầu có trong dụ ngôn này chăng, vì tội của ông có đáng gì đâu mà bị phạt nặng đến thế?, hay chính bản thân họ có tật rụch rịch nên muốn bào chữa cho mình?… Nhân tiện đây, người viết xin lướt qua một chút mấy vấn đề liên quan trong bài này:
– Tội nào là tội không thể tha được? mà phải chịu hình phạt đời đời?
– Ông nhà giầu kia đã phải bị lửa thiêu đốt trầm luân vì tội gì?
- Tội không thể tha được?
Trước tiên, xin trình bày đôi nết về quyền tha tội: Quyền tha tội gắn liền với lời kêu gọi ăn năn sám hối và trở lại. Ơn tha thứ tội lỗi là một hồng ân bắt nguồn từ Thiên Chúa nhưng cũng đòi hỏi con người phải ăn năn trở lại, thú nhận tội lỗi của mình và lãnh nhận mọi trách nhiệm trong việc khắc phục hậu quả của tội lỗi.
Vì thế, quyền tha tội trước tiên là quyền của Thiên Chúa, sau đó là Con chí ái của Ngài là Đức Giêsu Kitô, Đấng gánh tội trần gian. Chính Đức Giêsu Kitô đã kêu gọi ăn năn sám hối và Người đã xin cùng Chúa Cha tha thứ mọi lỗi phạm của chúng ta. Và theo dẫn chứng của các sách Tân Ước thì quyền tha thứ tội lỗi Chúa Cha đã trao cho Chúa Giêsu thi hành (x. Mt 9,2-5; Mc 2,5-9; Lc 5,20-23; 7, 47-48; 1Ga 2,12).
Ngày nay, quyền ấy đã được Chúa Giêsu ủy thác cho Hội Thánh (những người được chọn) làm đại diện cho Người. Quyền này đòi hỏi một hành động phán quyết về tội của một người, và để nhận được phán quyết đó, họ phải xưng tội với Linh mục có quyền phán quyết để cầm buộc hoặc tha thứ các tội đại diện Chúa Kitô (x. Mt 16,19; 18,18; Ga 20,23).
Theo Thánh Công Đồng, việc xưng tội trong Bi tích Giải tội là một phương thế thông thường và cần thiết để được tha các tội mà một người đã phạm sau khi chịu phép Rửa tội. Đây là một chân lý mạc khải từ Thiên Chúa mà chính Chúa Kitô đã thiết lập và ủy thác cho Hội Thánh qua tác vụ của Linh mục đại diện Chúa Kitô.
Như vậy, tội không thể được tha hay tội không thể tha được liên quan chặt chẽ với điều kiện hối nhân sám hối và thành tâm biến đổi.
- Tội Phải chịu hình phạt đời đời:
Theo Tân Ước có sáu loại tội không được tha. Vì nó chống lại Chúa Thánh Thần và những hoạt động của Ngài:
* “Những ai lộng ngôn phạm đến Chúa Thánh Thần, sẽ không bao giờ được tha, vì nó đã phạm đến một tội muôn đời” (Mt 12,31-32; Mc 3,29; Lc 12,10).
* “Những kẻ trà đạp con Thiên Chúa, xúc phạm đến Máu Giao Ước đã thánh hiến mình và nhục mạ Thần Khí ban ân sủng, thì anh em thử nghĩ xem, kẻ ấy đáng chịu hình phạt ghê gớm hơn biết mấy!” (Dt 10,29).
* “Chớ làm phiền lòng Thánh Thần của Thiên Chúa, vì chính Người là dấu ấn để anh em được cứu chuộc” (Ep 4,30).
* Đối đầu với Thánh Thần (x. Ga 5,16-24);
* Cưỡng lại, đối địch với Chúa Thánh Thần (x. Cv 7,51);
* Dập tắt Thánh Thần (x. 1Tx 5,19-22).
Trong sách Giáo lý Công giáo số 1864 viết rất rõ: “Lượng từ bi của Thiên Chúa không có giới hạn, nhưng người nào cố ý từ chối đón nhận lòng từ bi của Chúa bằng sự sám hối của mình, thì người đó gạt bỏ ơn tha thứ tội lỗi mình và gạt bỏ ơn Chúa Thánh Thần ban tặng. Một sự cứng lòng như thế có thể dẫn đến sự ngoan cố không hối cải trong giờ phút cuối đời và bị hư mất đời đời”.
Vì thế, tội lớn nhất là: “tội từ chối Thiên Chúa, phản bội Chúa, tước quyền Chúa và cứng lòng không chịu hối cải cho đến giờ phút cuối đời”.
Điều này cắt nghĩa làm sao sau khi: “Ông giầu có cũng chết, và người ta đem chôn” (Lc 16,22); “Dưới âm phủ, ông ta phải chịu cực hình…” (Lc 16,23). -Ông nhà giầu kia đã phải lửa đốt trầm luân vì tội gì?
Đọc kỹ đoạn Tin Mừng, chúng ta không hề thấy ông nhà giầu kia, có cử chỉ gì độc ác, xấu xa, tàn bạo đối với người nghèo khó Ladarô. Cũng chẳng thấy nói người nghèo khó Lazarô đến gõ cửa xin ăn mà ông không cho.
Thưa rằng: Dụ ngôn này là của riêng Thánh sử Luca. Trình thuật này rất ăn khớp với toàn bộ tác phẩm, trong đó Thánh Luca thường xuyên đề cập đến người giầu-người nghèo để khuyến cáo hay khích lệ tùy trường hợp. Bản văn này cũng ăn khớp với chủ đề của toàn chương 16, mà đây là đoạn kết: nhấn mạnh đến thái độ sử dụng của cải để được ơn cứu độ.
Vì thế, khi đọc Tin Mừng, chúng ta không thể chỉ hiểu vỏn vẹn ý nghĩa trên mặt chữ, mà phải hiểu xuyên suốt cả một tiến trình; hơn nữa khi Chúa Giêsu dùng dụ ngôn để nói thông điệp của Ngài, thì ngay nơi dụ ngôn ấy đã có sẵn một thước đo tiêu chuẩn vốn có và quen thuộc trong văn chương Aicập và Dothái thời ấy. Ai nghe qua cũng hiểu rằng dụ ngôn ấy muốn ám chỉ sự đảo lộn vị trí: kẻ giầu sang trở thành khốn khổ, người nghèo khó trở nên hạnh phúc. Vì người giầu quên mất chân lý ấy, nên chỉ lo mưu cầu hạnh phúc trần gian, đến nỗi bất chấp đạo lý, đến nỗi chẳng thèm nghĩ đến tha nhân. Ông nhà giầu này là một đại diện cho những người giầu thường hay ăn chơi phè phỡn, tổ chức yến tiệc linh đình mỗi ngày, mặc toàn gấm vóc lụa là, bản chất của ông là chơi bời vô luân thường đạo lý. Đó là những cái xấu, những tội lỗi của người giầu mà Đức Giêsu đã dựa vào chuyện tích quen thuộc để diễn tả, Ngài không cần nói rõ, cũng chẳng cần giải thích dài dòng chi nữa. Nếu đem so sánh với cách nói trong tiếng Việt, chẳng hạn như: “Keo như cụ Chùm Sò hay ác như chàng Lý Thông” thì ai cũng hiểu là thế nào rồi”.
Và khi xưa, Chúa Giêsu đâu có phê phán hay chê ghét người giầu, bởi mọi người dù nghèo hay giầu cũng đều là con cái Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu cũng từng đến dùng bữa tại nhà ông Dakêu giầu có (x. Lc 19,1-10); hoặc từng đến trò chuyện tại nhà ông Nicôđêmô, một luật sư giai cấp thượng lưu của Dothái giáo thời ấy…(x. Ga 3,1-21). Họ đều là những người giầu có tốt bụng.
Đối với ông nhà giầu Chúa Giêsu nhắc đến trong bài Tin Mừng hôm nay thì lại khác, ông bị Chúa Giêsu khiển trách không phải nguyên do ông giầu, mà số phận của ông phải bị kết án trầm luân đời đời trong hỏa ngục đâu. Nhưng vì ông phạm tội ỷ lại vào sự sung sướng, giầu có đời này mà quên đi cuộc sống hạnh phúc vĩnh cửu. Ông đại diện cho những con người sống ích kỷ, chỉ biết sung sướng hưởng thụ riêng mình, không biết chia sẻ với anh em đồng loại, không thèm nghĩ đến ai, kể cả người nghèo khổ đang đói khát trước cửa nhà ông, đang chờ trực những thứ thừa mứa trên bàn ăn của ông. Ông vô tâm đến độ chỉ nghĩ rằng những gì ông có là do chính ông làm ra, mà quên đi những ơn ban của Chúa và công sức của bao người khác, nên ông đã phung phí trong việc ăn uống tiêu xài. Hành vi và cách sống đó của ông đã là tội, và là trọng tội rồi. Tội vô ơn đối với Thiên Chúa và mọi người, tội không có lòng thương xót đối với tha nhân bên cạnh mình. Tội đã làm ông trở nên bủn xỉn keo kiệt chỉ biết bo bo giữ lấy hưởng thụ cho riêng mình, mà không hề chia sẻ cho ai dù đó là những thứ thừa thãi.
Nếu đối chiếu với tội phạm đến Chúa Thánh Thần là tội không tha được ở trên, thì tội phạm đến tha nhân cũng chính là phạm đến Chúa Thánh Thần rồi. Vì Chúa đã đồng hóa chính Ngài với nhân loại (x. 1Cr 3,16; 6,19), đặc biệt là những người nghèo khổ, đói khát và bé mọn… (x. Mt 25,31-46). Chưa kể đến tội cố tình vào giờ phút chót, mà vẫn nhất quyết không ăn năn sám hối thì chính Đấng có quyền tha tội cũng phải bó tay.
Tin Mừng cho thấy, ông nhà giầu trong dụ ngôn đâu có phàn nàn kêu oan, hẳn là ông đã biết tội của mình rất phù hợp với lẽ công bình của hình phạt, nên ông không có lời nào kêu oan, mà chỉ xin Tổ Phụ Abraham nói với chàng Lazarô bố thí cho mình một giọt nước để đỡ nóng và hơn nữa là xin Tổ Phụ cho anh Lazarô về báo cho những người anh em ông còn sống, đang say sưa trong tội lỗi bất chính, biết đường mà ăn năn sám hối.
V.- NHẬN ĐỊNH
- Vượt qua ranh giới giầu nghèo:
Người giầu có tất nhiên có quyền hưởng thụ những gì mình làm ra một cách công chính. Họ hoàn toàn có quyền được hưởng những gì do công lao, sức lực, mồ hôi mình làm ra. Sự giầu có do chăm chỉ làm việc như thế thì không có gì là tội lỗi, trái lại cần phải khuyến khích người ta nỗ lực học tập, lao động sáng tạo, siêng năng làm việc và làm giầu một cách chân chính, để cuộc sống của mình, của gia đình và xã hội ngày càng sung túc hơn…
Lịch sử loài người đã từng có những người giầu rất tốt. Nhiều công trình lớn được thực hiện là do công sức và tiền bạc của người giầu; nhiều trường học, bệnh viện, chùa chiền, đền đài, nhà thờ… được hình thành, phần lớn là tiền của người giầu… Nếu tâm họ không tốt, lòng họ không quảng đại thì làm sao họ lại cống hiến như thế. Đó là chuyện cơ sở vật chất, còn đối với việc lo cho con người, chắc hẳn họ còn ưu tư hơn.
Một đại diện của người giầu tốt bụng đã phát biểu rằng: “Làm sao chúng ta có thể sống hạnh phúc trong khi có biết bao người đang đau khổ?” (Albert Schweitzer). Nếu người giầu mà có một lương tâm của một người công chính, chắc chắn họ không thể ngồi hưởng thụ sự giầu có cách vô cảm, thờ ơ bên những người nghèo khổ. Họ sẽ tiết kiệm, sẽ biết dùng của cải để chia sẻ, để quan tâm giúp đỡ người khác.
Còn người nghèo cũng không thể thụ động, ỷ vào sự nghèo đói, bệnh tật để chờ sự quan tâm của người giầu hay đoàn thể từ thiện, hay chính sách nọ chính sách kia của xã hội… mà an phận thủ thừa, không chịu làm ăn, không chịu tiến thân mãi được. Nghèo đói mà tiêu cực thì càng không thể chấp nhận được.
Tôi xin đan cử một sự thật đáng buồn: “Có một làng mù thuộc tỉnh Tây Ninh, số người mù lên đến hàng ngàn người, trung bình 10 nhà thì có khoảng 4-5 nhà có người mù hoặc lòa, có gia đình bị hết cả nhà, có nhà có 5 đứa con thì bị lòa đến 3 đứa. Nguyên nhân tôi không bàn đến ở đây. Một điều tôi muốn đề cập là: trong thời gian gần đây, những nhà chức trách đã để tâm giúp đỡ những người này, cả những tổ chức phi chính phủ ở khắp nơi cũng đã giúp đỡ, đa phần là củng cố đời sống kinh tế (nhà cửa, lương thực, quần áo). Rất ít tổ chức nghĩ đến việc chữa trị bệnh tật cho họ. Nói là ít nhưng không phải không có, và một trong số tổ chức này đã có câu than phiền rằng: chúng tôi đã nghiên cứu bệnh tật và tìm nguồn tài trợ chữa trị cho một số người khỏi lòa, nay đã sáng mắt, có thể đi làm để tự mình sinh sống. Chúng tôi còn tiếp tục chữa trị nữa, nhưng những người còn lại thì không muốn chữa, vì họ sợ sau khi sáng mắt sẽ bị cắt trợ cấp, không còn danh sách lãnh gạo và tiền như những người sáng mắt kia…”. Nghe đến đây tôi chỉ còn biết kêu “Trời Ơi!”. Nghèo khó, bệnh tật mà tiêu cực như thế, thử hỏi đời sau Tổ Phụ Abraham có ôm vào lòng không?
Vậy, vượt qua ranh giới giầu nghèo, số phận của con người sau khi chết, quả là liên hệ rất chặt chẽ với việc họ sống và sử dụng của cải trần thế như thế nào, chứ không hệ tại sự giầu sang hay nghèo khó.
- Tiêu chuẩn của Nước Trời là: Yêu thương và hoàn thiện:
Thiên Chúa mời gọi chúng ta vào Nước Trời: Là nơi và là tình trạng sống thân thiết và tràn đầy hồng ân mà Thiên Chúa dành cho những ai đón nhận Người, yêu mến Người, tin vào Người, sống theo lời Người dạy và gắn bó với Người. Muốn vào Nước Thiên Chúa phải tin và sám hối (hoán cải đời sống). Ai vào Nước Thiên Chúa thì được hưởng mọi hồng ân của Thiên Chúa, đặc biệt là hồng ân cứu độ.
Hãy hoàn thiện như Chúa Cha ở trên trời là Đấng hoàn thiện (Mt 5,48), hãy yêu thương như Chúa Cha (Lc 6,36): Đạo làm con buộc ta đặt Cha lên trên hết và yêu mến Cha hết lòng. Ai yêu mến Cha thì cũng vâng phục Cha, tìm cách làm theo ý Cha. Cách yêu mến tốt nhất là cố gắng trở nên giống Cha trên trời. Cha là Đấng Thánh, là (Chân, Thiện, Mỹ). Phận làm con phải cố gắng hoán cải bản thân, biến đổi đời sống, lấy Cha trên trời làm lý tưởng và gương mẫu để noi theo.
Tiêu chẩn để vào Nước Trời là tình yêu và sự hoàn thiện. Mọi người, ai rồi cũng phải chết và từ giã cõi đời. Người già hay người trẻ, người giầu hay người nghèo, người thời xưa hay người thời nay, người da trắng hay người da mầu…, cũng đều phải ra đi với hai bàn tay trắng, và số phận đời đời của mỗi người sau cuộc đời trần thế này không được đánh giá dựa trên sự giầu có hay nghèo túng, sung sướng hay vất vả, mà được xác định bởi thái độ người ta yêu thương như thế nào, sống như thế nào, và sử dụng của cải vật chất thế nào. Bởi sự thưởng phạt sẽ tùy thuộc vào công nghiệp của họ ở trần gian.
VI.- KẾT LUẬN
Đức tin dạy rằng: sự sống thân xác của con người ở trần gian chỉ là tạm bợ; còn sự sống của linh hồn mới tồn tại mãi mãi. Vì thế, Thiên Chúa không hứa ban cho nhân loại một cuộc đời dễ dãi hay lợi lộc trước mắt. Người muốn chỉ cho nhân loại một con đường đi tới toàn thiện, để thay đổi lối sống, hoán cải bản thân, sống một cuộc đời mới theo tinh thần của Chúa. “Hãy nên hoàn thiện, như Cha ở trên trời là Đấng hoàn thiện” (Mt 5,48); Và ưu tiên trên hết mọi sự ưu tiên là: “Hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và sự công chính của Người, còn tất cả những thứ khác, Người sẽ ban thêm cho” (Mt 6,33).
Quả thực, cơm áo, tiền của, tiện nghi vật chất cần thiết và đáng quý đối với con người trần thế, nhưng không đủ để thỏa mãn những khát vọng tột cùng của con người. Dù tiền bạc của cải có làm thỏa mãn lòng tham vô đáy của con người đi nữa, thì con người cũng chẳng sống mãi để mà hưởng dùng nó. Hãy sống tinh thần thương người như Chúa đã dạy, tinh thần đó nay được Hội Thánh tóm tắt trong kinh “Thương người có 14 mối” rất rõ ràng, dễ nhớ và dễ thuộc:
1/ Với thân xác: Cần dành ưu tiên cho những người đói khổ và bệnh hoạn. Chia sẻ cơm áo cho người đói rách; thăm viếng, giúp đỡ bệnh nhân, người tù, bênh vực, giải thoát cho người nô lệ;… và nhiều việc thiện khác. Vì chính Chúa Giêsu đã khẳng định: ta sẽ xét xử về lòng thương người của anh em. Và ai cứu giúp một trong những người đó là cứu giúp chính Ngài. (x. Mt 25,31-46)
2/ Với phần hồn: Đây là hình thức bác ái còn quan trọng hơn cả thương xác nữa. Thiên Chúa đã xuống trần và chịu chết để cứu chuộc nhân loại, vì thế chúng ta phải chăm lo phần rỗi của mọi người. Ta có thể đưa anh em ta về với Thiên Chúa bằng lời cầu nguyện, khuyên nhủ kẻ có tội, nhất là bằng đời sống gương mẫu trong yêu thương và tha thứ.
Thánh Gioan Tông đồ trong thư thứ nhất, ngài khẳng định rằng: “Nếu ai nói: “Tôi yêu mến Thiên Chúa” mà lại ghét anh em mình, người ấy là kẻ nói dối; vì ai không yêu thương người anh em mà họ trông thấy, thì không thể yêu mến Thiên Chúa mà họ không trông thấy. Đây là điều răn mà chúng ta đã nhận được từ Người: ai yêu mến Thiên Chúa, thì cũng yêu thương anh em mình” (1Ga 4,20-21).
Vậy, để tin và hối cải, không cần phải có người chết hiện về, chỉ cần lắng nghe Kinh Thánh. Kinh Thánh là Lời Chúa và cũng là chính Chúa. Ai không đón nhận những phương thế Thiên Chúa ban cho mình để tuân giữ và ăn năn hối cải, thì dù có chứng kiến phép lạ cả thể, cũng sẽ không đem lại lợi ích gì.
Linh mục GBt. BÙI NGỌC ĐIỆP-TSVN