Đây là một mệnh lệnh không dễ sống. Thông thường, khi chúng ta đã làm tốt một việc gì và hoàn thành nhiệm vụ của mình, chúng ta muốn được công nhận và khen ngợi. Chúng ta muốn được chú ý. Và mặc dù đây có thể là một phản ứng “bình thường” nơi mọi người, nhưng lại không phải là phản ứng khiêm tốn nhất. Sự khiêm tốn có nhiều mức độ, và đoạn văn Tin mừng hôm nay cần được đọc với mức độ khiêm tốn sâu sắc nhất thì mới có thể cho phép người đọc nắm được trọn vẹn ý nghĩa của nó.
Trước tiên, chúng ta phải nhận ra rằng ý muốn của Thiên Chúa là tốt lành cho chúng ta. Ý muốn của Thiên Chúa đòi hỏi chúng ta sống yêu thương như một bổn phận. Sau khi đã thực hiện ý muốn của Thiên Chúa, chúng ta nên cảm nhận niềm vui với thành quả đó một mình trước mặt Thiên Chúa, không nhất thiết cần một ai khác biết đến, vì Thiên Chúa đã biết rõ thành quả đó, và hơn nữa tự thành quả đó đã là ơn lành từ Thiên Chúa. Bằng cách đó, việc thực hiện ý muốn của Thiên Chúa trở thành nguồn vui của chúng ta, chứ không cần phải chờ đợi sự công nhận của người nào khác.
Do đó, bài học ở đây là biết vị trí của mình trước mặt Thiên Chúa, một vị trí của người tôi tớ khiêm hạ. Các đầy tớ được thuê để đi cày ruộng, cho gia súc ăn, chuẩn bị và phục vụ bữa ăn tối cho chủ của điền trang. Làm như vậy là bổn phận của họ, là công việc của họ, vì họ sẽ được trả lương. Do đó, họ không có đặc quyền nào ngoài việc nhận lương và một bữa ăn. Ðầy tớ là người làm tất cả những gì chủ yêu cầu, đầy tớ là người hoàn toàn làm theo ý của chủ. Họ thậm chí không có quyền yêu cầu chủ nhân nói lời “cảm ơn” với họ. Không chủ nhân nào mắc nợ lời cảm ơn với các đầy tớ: “Chẳng lẽ ông chủ lại biết ơn đầy tớ vì nó đã làm theo lệnh truyền sao?” (Lc 17: 9). Dĩ nhiên, ở đây, Chúa Giêsu không có ý đề cao quan hệ chủ tớ trong xã hội. Ngài không coi tương quan giữa Thiên Chúa và con người là một tương quan chủ tớ; vì Ngài đã chẳng mạc khải cho chúng ta Thiên Chúa như một người Cha và mời gọi chúng ta gọi Thiên Chúa là Cha đó sao? “Phần anh em, anh em đã không lãnh nhận Thần Khí khiến anh em trở thành nô lệ và phải sợ sệt như xưa, nhưng là Thần Khí làm cho anh em nên nghĩa tử, nhờ đó chúng ta được kêu lên: “Ábba! Cha ơi!” (Rm 8: 15), và “Để chứng thực anh em là con cái, Thiên Chúa đã sai Thần Khí của Con mình đến ngự trong lòng anh em mà kêu lên: “Ábba, Cha ơi!” (Gal 4: 6).
Như vậy, ở đây, Chúa Giêsu chỉ muốn dùng hình ảnh người đầy tớ vốn có trong xã hội Do thái thời Ngài để nói lên tương quan đích thực giữa con người và Thiên Chúa, đó là con người chỉ là mình thực sự khi họ sống theo ý của Thiên Chúa. Càng sống cho riêng mình, càng tìm kiếm lợi lộc, vinh quang bản thân, con người càng đánh mất chính mình; trái lại, càng sống theo ý của Thiên Chúa, càng tìm kiếm vinh danh Thiên Chúa, con người càng lớn lên và trở nên chính mình: “Ai theo Chúa Kitô, Con Người hoàn hảo, kẻ ấy sẽ được trở nên người hơn” [1]; giá trị đích thực của con người như Chúa Giêsu đã dạy và đã sống chính là phục vụ một cách vô vị lợi như Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium Et Spes đã viết: “Cũng thế, khi có nơi nào cần, chính Giáo Hội có thể và phải phát động tùy theo hoàn cảnh thời gian và nơi chốn, những công cuộc nhằm phục vụ mọi người.” [2]
Tuy nhiên, cũng là việc tốt đẹp khi chúng ta biết nhận ra lòng tốt nơi người khác và công nhận lòng tốt đó. Chúng ta làm điều này không phải để làm cho cái tôi của họ thỏa mãn nhưng là để ngợi khen Thiên Chúa về điều tốt đã được làm nơi bất cứ ai. Và khi những người khác nhìn thấy và công nhận ý muốn của Thiên Chúa đã hoàn thành trong cuộc sống của chúng ta, chúng ta cũng nên đón nhận lời khen ngợi của họ, không phải là lý do để chúng ta tự hào nhưng để khuyến khích nhau công nhận chân thành rằng Thiên Chúa thì tốt lành và ý muốn của Ngài đang được thực hiện. Chúng ta biết ơn Thiên Chúa vì chúng ta đã có thể làm theo ý Chúa, vốn dĩ là nghĩa vụ chúng ta phải làm: “chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17: 10).
Coi bản thân mình là “vô dụng” khi làm những việc mà chúng ta có bổn phận phải làm là đúng theo luật tự nhiên của Thiên Chúa, là Đấng Tạo Hóa. Các thụ tạo của Thiên Chúa vâng lời Ngài là điều tất nhiên. Tuy nhiên, trong mọi thụ tạo trần thế, con người lại có thể từ chối sự vâng phục này, bởi vì họ được tạo dựng với một ý chí tự do. Nếu sự tuân phục không dựa vào ơn thánh – vốn chỉ có thể có được nhờ đức tin vào Chúa Kitô – thì nó cũng không ích lợi gì cho phần thưởng siêu nhiên. Bổn phận của con người là tuân theo quy luật tự nhiên cùng với suy tư theo ánh sáng của lý trí, là những ơn Thiên Chúa ban. Tất nhiên, tuân theo quy luật tự nhiên thì sẽ có lợi cho phần tự nhiên; tuy thế con người được tạo ra không chỉ để ăn uống và hưởng thụ trần thế, vốn là thành quả mà Thiên Chúa ban cho như phần thưởng của lao động chân tay hoặc trí tuệ và công bằng xã hội, nhưng còn là để con người sẽ có được sự hưởng kiến thiện hảo và sự sống đời đời trong vinh quang Thiên Chúa.
Việc coi trọng ý của Thiên Chúa như một “bổn phận” thánh thiêng cũng giúp con người thực hiện ý muốn đó một cách trọn vẹn hơn. Khi chúng ta tự hãnh trước mặt người khác về những gì ta đã làm theo ý Chúa, chúng ta không thực hiện ý Chúa một cách xứng đáng. Nhưng khi việc đó được coi là bổn phận yêu thương của chúng ta và là hành động bình thường mà chúng ta cần thực hiện, thì chúng ta sẽ dễ dàng đón nhận và thực thi ý Chúa một cách trọn vẹn hơn như Thánh Phaolô Tông đồ nói với Titô: “Vì chưng, ân sủng của Thiên Chúa, Ðấng Cứu Ðộ chúng ta, đã xuất hiện cho mọi người, dạy chúng ta từ bỏ gian tà và những dục vọng trần tục, để sống tiết độ, công minh và đạo đức ở đời này, khi trông đợi niềm hy vọng hạnh phúc và cuộc xuất hiện sự vinh quang của Chúa Giêsu Kitô là Thiên Chúa cao cả và là Ðấng Cứu Ðộ chúng ta. Ngài đã hiến thân cho chúng ta để cứu chuộc chúng ta khỏi mọi điều gian ác, luyện sạch chúng ta thành một dân tộc xứng đáng của Ngài, một dân tộc nhiệt tâm làm việc thiện” (Tt 2: 11-14).
Đức Thánh Cha Phanxicô nói rằng Đức Maria nhắc nhở chúng ta về bí quyết cho cuộc hành trình từ cuộc sống trần gian lên Thiên đàng của chúng ta chính là “khiêm nhường”. Đức Thánh Cha đề cao lòng khiêm nhường của Mẹ Maria. Chính sự khiêm nhường của Mẹ đã thu hút ánh nhìn của Thiên Chúa. Bởi sự khiêm nhường, Mẹ biết mình cần Thiên Chúa và để Thiên Chúa lấp đầy. Đức Thánh Cha nhắc rằng Thiên Chúa không nâng cao chúng ta vì sự giàu sang, trổi vượt của chúng ta, nhưng vì sự khiêm nhường phục vụ của chúng ta. Mẹ Maria cũng là niềm hy vọng cho tất cả chúng ta, vì dù những ngày sống của chúng ta có vẻ đều đặn tẻ nhạt, hay vất vả khó khăn, chúng ta biết rằng mình được Thiên Chúa mời gọi hưởng vinh phúc Thiên đàng như Mẹ.
Đức Thánh Cha Phanxicô nêu các câu hỏi cho mọi người: “Vậy thì hôm nay, chúng ta hãy tự hỏi tự thâm tâm mình: tôi đang khiêm tốn thế nào? Tôi có tìm cách để được người khác công nhận, để khẳng định bản thân và được khen ngợi, hay tôi nghĩ về việc phục vụ? Tôi có biết cách lắng nghe, giống như Mẹ Maria, hay tôi chỉ muốn nói và nhận được sự chú ý? Tôi có biết cách giữ im lặng như Mẹ Maria, hay nói luôn miệng? Tôi có biết cách lùi lại một bước, xoa dịu những cuộc cãi vã và tranh luận, hay tôi luôn muốn trở nên nổi trội?” [3]
Suy ngẫm về việc phục vụ trong khiêm tốn này. “chúng tôi là những đầy tớ vô dụng, chúng tôi đã chỉ làm việc bổn phận đấy thôi” (Lc 17: 10), chúng ta được mời gọi tập nói lời này một cách chân thành để lời đó trở nên nền tảng của chúng ta trong việc thực hiện ý muốn Thiên Chúa hàng ngày theo mẫu gương Mẹ Maria: “Này tôi là tôi tớ Chúa…” (Lc 1: 38), và theo tâm tình của Thánh Phaolô: “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4: 7) và “Nếu phải tự hào, thì tôi sẽ tự hào về những yếu đuối của tôi…Thế nên tôi rất vui mừng và tự hào vì những yếu đuối của tôi, để sức mạnh của Chúa Kitô ở mãi trong tôi” (2Cr 11: 30, 12: 9). Chỉ khi làm như vậy chúng ta mới có thể bước vào “con đường cao tốc” hướng tới sự thánh thiện.
Cùng Đức Thánh Cha Phanxicô, chúng ta cầu nguyện:
“Xin Mẹ đồng hành cùng chúng con trong cuộc hành trình dẫn từ Trần thế đến Thiên đàng. Xin Mẹ nhắc nhở chúng con rằng bí quyết của cuộc hành trình được chứa đựng trong từ khiêm tốn. Xin giúp chúng con đừng quên từ này và xin Mẹ luôn nhắc nhở chúng con rằng sự khiêm hạ và phục vụ đó là bí quyết để đạt được mục tiêu thiên đàng vinh quang. Amen.” [4]
Phêrô Phạm Văn Trung.
Chú thích:
[1] Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium Et Spes – 07/12/1965, số 41.
[2] Hiến Chế Mục Vụ Về Giáo Hội Trong Thế Giới Ngày Nay – Gaudium Et Spes – 07/12/1965, số 42.
[3] [4] Buổi đọc kinh Truyền Tin trưa Chúa Nhật Lễ trọng Đức Trinh Nữ Maria Hồn xác lên trời, ngày 15 tháng 8 năm 2021, tại quảng trường thánh Phêrô, Vatican, Rôma.