VINH QUANG THIÊN CHÚA: LÒNG THƯƠNG XÓT VÀ CÔNG LÝ

Tuần trước, tiên tri Giêrêmia đã loan báo cho chúng ta biết ai sẽ đến vào lễ Giáng sinh: “Ta sẽ làm nảy sinh cho Ðavít một chồi công chính, Ngài sẽ xét xử và thi hành công lý trong xứ sở…Và đây là tên người ta sẽ gọi Ngài: “Thiên Chúa, Ðấng Công Chính của chúng tôi” (Giêrêmia 33: 15). Tuần này, tiên tri Barúc xác định rằng công lý này là lòng thương xót, rằng công lý được chào đón một cách vui mừng và công lý đó bày tỏ ánh sáng Vinh Quang của Thiên Chúa: “Hỡi Giêrusalem, hãy cởi bỏ áo tang khổ nhục, và mặc lấy ánh vinh quang vĩnh cửu Thiên Chúa ban cho ngươi; hãy khoác vào mình áo choàng công chính của Thiên Chúa; và đội lên đầu triều thiên vinh quang Đấng Vĩnh Hằng ban tặng. Vì Thiên Chúa sẽ cho khắp cả hoàn cầu thấy hào quang rực rỡ của ngươi. Mãi mãi Người sẽ gọi ngươi là “Bình an xây dựng trên công chính”, và “Vinh quang phát xuất từ lòng kính sợ Thiên Chúa” (Barúc 5: 1-4).

Và đây thực sự là ý nghĩa thần học của Lễ Giáng Sinh: một ngày vui mừng vì công lý của Thiên Chúa được triển nở trong Vinh Quang của Ngài.

Nhưng công lý này đang gây xáo trộn bằng nhiều cách. Nếu lấy lại Phúc âm Luca, ở đầu chương 3, chúng ta thấy rằng công lý của Thiên Chúa được thể hiện trong thế giới, trong lịch sử nhân loại:

Năm thứ mười lăm dưới triều hoàng đế Tibêriô, thời Phongxiô Philatô làm tổng trấn miền Giuđê, Hêrôđê làm tiểu vương miền Galilê, người em là Philípphê làm tiểu vương miền Iturê và Trakhônít, Lyxania làm tiểu vương miền Abilên, Anna và Caipha làm thượng tế, có lời Thiên Chúa phán cùng con ông Dacaria là ông Gioan trong hoang địa. Ông liền đi khắp vùng ven sông Giođan, rao giảng, kêu gọi người ta chịu phép rửa tỏ lòng sám hối để được ơn tha tội, như có lời chép trong sách ngôn sứ Isaia rằng: Có tiếng người hô trong hoang địa: hãy dọn sẵn con đường cho Thiên Chúa, sửa lối cho thẳng để Ngài đi. Mọi thung lũng, phải lấp cho đầy, mọi núi đồi, phải bạt cho thấp, khúc quanh co, phải uốn cho ngay, đường lồi lõm, phải san cho phẳng” (Luca 3:4).

Tuy nhiên, công lý này sẽ không phá hủy những gì đang xảy ra trên thế giới: Tiberius, hoàng đế La Mã là một bạo chúa điên cuồng và khát máu, nhưng ông ta sẽ không gặp được Chúa Giêsu, là Công lý của Thiên Chúa. Phongxiô Philatô và Hêrôđê, Thượng tế Anna và Caipha sẽ gặp Công lý của Thiên Chúa nhưng để đưa Chúa vào chỗ chết. Công lý này là gì mà không tiêu diệt được kẻ xâm lược và kẻ chiếm đóng La Mã, không giết được kẻ ác và thậm chí để bản thân mình bị chúng chà đạp? Công lý của Thiên Chúa không trả thù đẫm máu, không hành quyết công khai, không hủy diệt hoặc làm nhục kẻ ác, kẻ giết người, kẻ ác. Công lý của Thiên Chúa khác xa với tiêu chuẩn của con người chúng ta.

Và rồi, vinh quang này là gì, vốn được các tiên tri loan báo, sự cứu rỗi này là gì, vốn được Isaia cho đến Gioan Tẩy Giả loan báo? Chuồng bò trong đêm tối, cây thánh giá trên ngọn đồi dốc Canvê, con trai Dacaria cất tiếng kêu trong sa mạc, mặc áo da thú và nói về thung lũng lấp cho đầy, núi cao phải bạt xuống, đường gập ghềnh phải san cho bằng: tất cả những điều này không có gì vinh quang cho lắm. Vinh quang Thiên Chúa là chuồng bò nơi Bêlem, là thập giá của Chúa Kitô, và điều đó không phù hợp với các phạm trù vinh quang của con người chúng ta, vốn được tạo nên từ những thứ hào nhoáng, phô trương, hoành tráng và phi thường.

Vậy làm thế nào để có thể vui mừng trong lễ Giáng sinh khi công lý của Thiên Chúa đến trong vinh quang của Ngài?

Lễ Giáng sinh là lễ của nội tâm chứ không phải của vẻ bề ngoài. Giáng sinh được nói với trái tim của con người chứ không phải lý trí và cách nhìn thế tục của họ. Chúng ta đã làm cho lễ Giáng sinh trở thành một bữa tiệc đầy ánh sáng của những chiếc đèn chiếu sáng, của những bữa ăn thịnh soạn, của những món quà đắt tiền. Nhưng Giáng sinh, theo Kinh thánh, là lễ của cõi lòng đã được hoán cải, trở thành ngày lễ chào đón Thiên Chúa trong sâu thẳm trái tim mình. Lễ Giáng sinh là lễ của cõi lòng, trong trái tim, cho phép chính cõi lòng được đụng chạm vào lòng thương xót và tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nó.

Những thung lũng phải được lấp đầy là những thung lũng của sự khước từ và nỗi sợ hãi của chúng ta đối với người khác. Những ngọn núi phải được bạt xuống là những ngọn núi của sự ích kỷ và sự kiêu ngạo của chúng ta. Những con đường quanh co phải trở nên thẳng tắp là những lời gian dối của chúng ta, sự hèn nhát của chúng ta, những lời chỉ trích không ngừng của chúng ta. Những con đường gồ ghề sỏi đá phải được làm phẳng là những con đường bạo lực của chúng ta, sự thù hận của chúng ta, những bản án có chủ đích của chúng ta.

Tất cả những điều này phải biến mất trong thời gian của Mùa Vọng để có thể thấy được Công Lý và Vinh Quang của Thiên Chúa, nhận được tình yêu và lòng thương xót của Ngài nơi trẻ thơ Giêsu sinh ra vào lễ Giáng Sinh.

Mùa Vọng không phải là thời gian bình thường như mọi ngày. Không phải thế! Đó là thời gian chúng ta cần phải chuẩn bị tâm hồn để nhận thức, từ nội tâm, mầu nhiệm của một công lý vượt quá tầm hiểu biết của chúng ta và làm cho chúng ta phải thắc mắc, mầu nhiệm của một niềm vui vì nhận được một lòng thương xót vượt xa sự tha thứ vốn dè xẻn của chúng ta, vinh quang của một ơn cứu độ làm cho chúng ta được nâng cao chứ không bị hạ thấp, xây dựng chứ không phá hủy.

Các bài đọc hôm nay yêu cầu chúng ta chuẩn bị tâm hồn để chào đón Công lý và Vinh quang của Thiên Chúa, trong niềm vui và lòng thương xót. Như thánh Phaolô đã nói với dân thành Philíphê: “Tôi luôn vui sướng mỗi khi cầu nguyện cho anh em hết thảy, vì từ buổi đầu cho đến nay, anh em đã góp phần vào việc rao giảng Tin Mừng. Tôi tin chắc rằng: Đấng đã bắt đầu thực hiện nơi anh em một công việc tốt lành như thế, cũng sẽ đưa công việc đó tới chỗ hoàn thành cho đến ngày Chúa Kitô Giêsu quang lâm…Có Thiên Chúa làm chứng cho tôi: tôi hết lòng yêu quý anh em tất cả, với tình thương của Chúa Kitô Giêsu. Điều tôi khẩn khoản nài xin, là cho lòng mến của anh em ngày thêm dồi dào, khiến anh em được ơn hiểu biết và tài trực giác siêu nhiên, để nhận ra cái gì là tốt hơn. Tôi cũng xin cho anh em được nên tinh tuyền và không làm gì đáng trách, trong khi chờ đợi ngày Chúa Kitô quang lâm. Như thế, anh em sẽ đem lại hoa trái dồi dào là sống một đời công chính nhờ Chúa Kitô Giêsu, để tôn vinh và ngợi khen Thiên Chúa” (Philípphê 1: 4-6; 8-11). [1]

Tôi đi làm gia sư cho một gia đình giàu có ở Hố Nai. Ông bà chủ có một công ty gỗ lớn. Đến gần mùa Giáng Sinh, tôi thấy bà chủ lôi ra cây thông cũ, những dây đèn chớp cũ và thay sửa những bóng đèn bị hư. Tôi thầm nghĩ:

_ Không lẽ nhờ sự tiết kiệm đến thế mà họ giàu có; mà họ đã giàu có rồi sao lại còn keo kiệt vậy?!

Tôi đang tự hỏi như vậy thì có ban đại diện giáo khu vào gia đình quyên góp tiền cho việc bác ái và trang trí hang đá, đèn hoa trên đường phố và các con hẻm. Tôi thấy bà lại rất rộng lượng đóng góp với số tiền lớn. Tôi thấy làm lạ và lại nghi vấn trong lòng:

_ Không lẽ bà đóng góp để lấy tiếng?!

Tôi sợ mắc sai lầm gì đó, nên làm bạo bắt chuyện khéo với bà chủ:

 _ Con thấy cô đối với gia đình thì ân cần sửa lại từng dây đèn; đối với công việc chung cho giáo khu thì lại rất rộng lượng.

Bà chủ đáp lại lời tôi một cách nhanh chóng:

_ Cô muốn dạy cho mấy đứa con của cô đừng cậy dựa vào tiền của. Đón chờ Chúa đến phải có cái gì đó chuẩn bị bằng công sức của chính mình, dù là nhỏ bé…

Bà tham gia hội hiền mẫu. Bà là một bà mẹ công giáo tốt. Đối với con của bà, tôi là gia sư, nhưng đối với tôi, bà là gia sư. [2]

Điều này chỉ có thể được thực hiện trong tình yêu thương lẫn nhau như anh chị em, là tình yêu thương có khả năng làm cho con người hiểu biết và phân biệt được Công lý và Vinh quang của Thiên Chúa là gì.

 

Phêrô Phạm Văn Trung biên tập.

[1] P. Damien Stampers, catholique-blois.net.

[2] Tác giả: Lm Pet. Nguyễn Phước Hưng, cadoanthanhlinh.net

Chia sẻ Bài này:

Related posts