YÊU KẺ THÙ CỦA MÌNH Ư?

Thầy nói với anh em là những người đang nghe Thầy đây: hãy yêu kẻ thù và làm ơn cho kẻ ghét anh em, hãy chúc lành cho kẻ nguyền rủa anh em và cầu nguyện cho kẻ vu khống anh em… Nếu anh em yêu thương kẻ yêu thương mình, thì có gì là ân với nghĩa? Ngay cả người tội lỗi cũng yêu thương kẻ yêu thương họ…Trái lại, anh em hãy yêu kẻ thù, hãy làm ơn và cho vay mà chẳng hề hy vọng được đền trả. Như vậy, phần thưởng dành cho anh em sẽ lớn lao, và anh em sẽ là con Đấng Tối Cao, vì Ngài vẫn nhân hậu với cả phường vô ân và quân độc ác.” (Luca 6: 27-35).

Chúng ta có thể là một phần của đám đông đang tụ tập quanh Chúa Giêsu. Trình thuật Tin mừng Luca không nói cho chúng ta biết ai đã tập họp họ lại, nhưng có lẽ họ là những người hay tự suy xét bản thân mình. Họ đã có đủ thời gian để lắng nghe Chúa Giêsu. Là những người thất nghiệp, những người lao động thời vụ không ai tuyển dụng, ngư dân đánh cá trở về … Khoảng thời gian không làm việc này cho phép họ xem xét lại bản thân. Chúng ta dễ bị ấn tượng bởi sự cảm thông dường như đã được thiết lập giữa Chúa Giêsu và họ. Ngài dường như có cái nhìn tốt lành về tất cả những con người vô danh này. Trong nhận xét của mình, Chúa Giêsu cho thấy rằng Ngài tin tưởng vào khả năng cảm thông của họ và Ngài thúc đẩy họ làm cho năng lực này nên tốt đẹp hơn. Không ai trong họ phản đối. Nhưng khả năng vị tha này chỉ có thể phát triển nếu họ gặp gỡ được Thiên Chúa, Đấng sẽ thổi Thần Khí của Ngài trên họ. Đây là cơ sở suy tưởng của Chúa Giêsu.

Cuộc gặp gỡ này phải diễn ra để người ta trở nên biết yêu thương mà không dè sẻn. Rồi thì, thậm chí tình yêu này có thể đạt đến mức độ dành luôn cho kẻ thù của họ và cho những người muốn làm hại họ. Thế rồi, họ sẽ có thể cho đi không chỉ những thứ họ dư thừa, mà cả những thứ họ cần đến mà không tính toán. Nếu họ được mời gọi để phục vụ, họ có thể phục vụ như thế mà không cần lo lắng gì đến thời gian hoặc những vấn đề của họ. Lúc đó, họ sẽ bắt đầu giống với người lữ khách mà Tin Mừng nói đến. Người lữ khách trên đường đi của mình gặp một người đàn ông bị thương không ai giúp đỡ. Người lữ khách ấy không chỉ dành thời gian giúp đỡ mà còn đưa kẻ bị nạn đến một quán trọ mà anh ta đã thanh toán hóa đơn trước: “Một người kia từ Giêrusalem xuống Giêrikhô, dọc đường bị rơi vào tay kẻ cướp. Chúng lột sạch người ấy, đánh nhừ tử, rồi bỏ đi, để mặc người ấy nửa sống nửa chết…Một người Samaria kia đi đường, tới ngang chỗ người ấy, cũng thấy, và chạnh lòng thương. Ông ta lại gần, lấy dầu lấy rượu đổ lên vết thương cho người ấy và băng bó lại, rồi đặt người ấy trên lưng lừa của mình, đưa về quán trọ mà săn sóc. Hôm sau, ông lấy ra hai quan tiền, trao cho chủ quán và nói: “Nhờ bác săn sóc cho người này, có tốn kém thêm bao nhiêu, thì khi trở về, chính tôi sẽ hoàn lại bác” (Luca 10: 30-35).

Khi đánh động chúng ta bằng cách này, phải chăng Chúa Giêsu lại không đánh thức hạt giống siêu anh hùng đang tiềm ẩn trong chúng ta, bởi vì Ngài biết rằng ai cũng có trong mình khả năng yêu thương và lòng vị tha hơn hẳn những khả năng mà người ấy tin là mình có thể có? Chúa Giêsu mời mỗi thính giả của mình lưu ý thực tế rằng có những khả năng bên trong con người của họ luôn có thể làm tốt hơn và khi làm như vậy, họ sẽ tham gia vào đoàn ngũ những người con của Đấng Tối Cao.

Con cái của Đấng Tối Cao là những người để cho mình được Thần Khí của Thiên Chúa nắm bắt và để cho Ngài hướng dẫn hành động của họ. Đương nhiên họ tự đặt mình vào sự hợp nhất với Thiên Chúa và họ cảm nhận, như thể bằng trực giác, ý muốn của Thiên Chúa , vốn thúc đẩy họ hành động theo ý hướng Chúa Giêsu dạy họ.

Điều làm chúng ta vui mừng ở đây là cách nghĩ lạc quan về bản chất con người xuất phát từ những lời nói của Chúa Giêsu. Ngài cho thấy tư tưởng tốt lành của Thiên Chúa dành cho con người. Tư tưởng tốt lành đó dẫn chúng ta vượt qua cách đọc Sách thánh theo truyền thống bi quan về con người, vốn làm cho chúng ta quen thuộc với cách ám chỉ rằng sự sa ngã đã khiến con người không còn khả năng hướng đến việc mở rộng lòng mình cho người khác, mà chỉ tìm cách thỏa mãn nhu cầu cá nhân mình. Chúa Giêsu vẽ ra đây một bức chân dung khác của con người trong tình trạng tự nhiên vốn có của nó. Chúa Giêsu cho thấy nơi con người có khả năng thể hiện lòng vị tha, đến nỗi con người có những năng lực kéo dài sự sáng tạo của Thiên Chúa. Thật vậy, làm sao chúng ta có thể tưởng tượng được rằng Thiên Chúa có thể yêu thương loài người nếu loài người không có khả năng yêu thương?

Nhưng bài diễn từ này của Chúa Giêsu cũng cho thấy những giới hạn của khả năng yêu thương đó. Vì khả năng yêu thương của con người tự một mình nó không đủ giúp cho con người tự mình hoàn thành số phận của họ. Thần Khí của Thiên Chúa phải thổi trên họ và họ phải chấp nhận để cho Ngài nâng đỡ. Rồi thì họ mới có thể làm những điều đẹp lòng Thiên Chúa, sẽ hỗ trợ thế giới và điều đó sẽ ảnh hưởng đến sự tiến triển của thế giới hướng tới một tương lai hạnh phúc. Những khả năng để đạt được điều này là ở bên trong con người, nhưng chúng chỉ có thể hoạt động nếu con người chấp nhận để cho Thiên Chúa sắp đặt những khả năng đó sao cho chúng có thể hoạt động được.

Tuy nhiên, chúng ta đừng để cho mình bị xâm chiến bởi một sự hưng phấn không mấy giá trị cho mình. Chúng ta phải sửa lại những điều vừa nói mà sứ đồ Phaolô đã thực hiện trong thư gửi tín hữu Rôma. Ngài lưu ý rằng dù có tác động của Thánh Thần Thiên Chúa nơi chúng ta, vẫn có những lực lượng phản kháng dẫn chúng ta đi theo những hướng trái với ý muốn của chúng ta. Chúng ta hoàn toàn nhận thức được những gì chúng ta nên làm, nhưng đồng thời chúng ta cũng có mong muốn làm điều ngược lại. Mặc dù chúng ta biết điều gì không làm hài lòng Thiên Chúa, nhưng giống như có một dục vọng xấu xa nào đó, chúng ta lại làm điều không hài lòng Thiên Chúa: “Thật vậy, tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm” (Rôma 7: 15). Chúng ta nhận thức rõ rằng thực trạng rối loạn chức năng này ngăn cách chúng ta với Thiên Chúa.

Phaolô đưa tay chỉ về hướng thủ phạm, đó là tội lỗi. Tội lỗi là người bạn đồng hành không bao giờ buông tha chúng ta. Nó chiếm trong chúng ta chỗ mà Thiên Chúa yêu cầu. Nó cố giữ trong chúng ta thứ men ích kỷ và tạo ra trong chúng ta những rạn vỡ nội tâm cản trở ảnh hưởng của Thiên Chúa đối với chúng ta. Để khắc phục điều này, chỉ có sự hiện diện canh chừng của Thiên Chúa được duy trì bằng lời cầu nguyện mới là sự hiện diện duy nhất có khả năng làm chủ tình huống này.

Trên thực tế, chúng ta liên tục bị sự cám dỗ này cư ngụ trong chúng ta, là thứ gây đối kháng giữa những gì chúng ta muốn và những gì chúng ta làm để một phần nào đó trong con người của chúng ta từ chối những gì chúng ta muốn thực hiện. Đối lập với sự căng thẳng nội tâm này, sự hiện diện liên tục của Thiên Chúa được duy trì qua lời cầu nguyện của chúng ta mang lại sự hòa hợp cần thiết mà tâm hồn chúng ta cần. Đây là điểm trung tâm trong lời giảng của Chúa Giêsu. Mong muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa của chúng ta, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần bên trong chúng ta, được cân bằng với ước muốn cố làm vừa lòng chính mình để những động lực mâu thuẫn không còn tồn tại nữa.

Bạn đã hiểu rõ rằng khi nói về ước muốn làm đẹp lòng Thiên Chúa, chúng ta cũng có thể nói thêm ước muốn được chia sẻ niềm vui, và trên hết là chia sẻ tình yêu của Ngài, bởi vì tình yêu nơi con người chúng ta chỉ tìm thấy sự trọn hảo trong tình yêu của Thiên Chúa. Tình yêu của con người, một khi được Thánh Thần viếng thăm, sẽ trở thành yếu tố, nhờ đó mà tất cả những ước muốn của chúng ta được vượt thắng để kết hợp với những mong muốn của Thiên Chúa.

Khi tình yêu của chúng ta được sống trong ánh nhìn của Thiên Chúa, thì cuộc sống của chúng ta được hòa hợp với chính Thiên Chúa một cách kỳ diệu. Những căng thẳng nội tâm của chúng ta tan biến đến mức chúng ta không còn là những sinh vật bị chia rẽ trong chính mình nữa mà được kết hợp hài hòa với mong muốn của Thiên Chúa. Rồi thì những điều kiện thuận lợi sẽ được đáp ứng để khả năng vượt qua chính mình, mà chúng ta đã có ý nói trước đó, cuối cùng có thể được thực hiện và chúng ta thăng hoa bản thân bằng cách thực hiện những hành động mang lại sự khởi sắc khác cho cách nhìn của chúng ta về trần thế này.

Tất nhiên, sự hoàn hảo như vậy không bao giờ hoàn toàn được thực hiện và những thăng trầm của cuộc sống hàng ngày luôn tạo áp lực lên chúng ta. Jacques Brel đã nói: “Con quái vật hẳn vui mừng. Chỉ có lời cầu nguyện mới cho phép chúng ta giữ gìn được mối quan hệ cần thiết với Thiên Chúa. Vì vậy, lời cầu nguyện của chúng ta bao gồm việc cầu xin Chúa làm cho những tiếng nói bất hòa này trong chúng ta phải câm miệng để cho chúng ta sống chỉ cho một mình Chúa, là Đấng   hướng dẫn các dự tính của chúng ta trong khu vườn thân tình nhiệm mầu của chúng ta. Khi đó, mọi điều chúng ta đảm nhận sẽ trở thành điều mang hy vọng và tạo ra tất cả những biến cố mới mẻ mà Thiên Chúa cần đến để thế giới này phát triển theo hướng Ngài mong muốn.

 

Phêrô Phạm Văn Trung phỏng dịch

theo jbesset.blogspot.com.

 

 

 

Chia sẻ Bài này:

Related posts