Yêu như Thầy

Đoạn Tin Mừng hôm nay nằm trong bối cảnh mà sự giã từ, sự dao động vì sắp ly biệt càng lúc càng trĩu nặng. Chúa Giêsu không còn nhiều thời gian để ở bên các môn đệ của Người. Người sắp bước vào một chuyến đi dài mà không ai có thể theo được.

Trước khi rời xa để thực hiện chuyến đi, Chúa để lại cho đoàn môn đệ và cho cả Hội Thánh của Chúa lời di chúc thấm thía, đó là di chúc tình yêu. Người gọi đó là điều răn mà Người ban cho họ.

Yêu người như yêu chính mình đã khó. Hôm nay Chúa dạy yêu như Chúa yêu: “Thầy ban cho anh em một điều răn mới là anh em hãy yêu thương nhau; anh em hãy yêu thương nhau như Thầy đã yêu thương anh em”. Sao lại là “điều răn mới”? Và sao lại là “yêu như Thầy”. “Yêu như Thầy đã yêu” là yêu như thế nào?

I. ĐIỀU RĂN MỚI.

Tình yêu không mới. Đúng hơn, tình yêu đã là chuyện vĩnh cửu. Trong nhân loại, tình yêu đã có từ muôn thưở. Tình yêu sẽ còn tồn tại như chính con người vẫn tồn tại vậy. Nhưng vì sao Chúa lại gọi tình yêu do Chúa ban là “điều răn mới”? “Mới” là bởi hãy “yêu như Thầy”.

Không chỉ là yêu. Cũng không yêu chung chung. Nhưng là “yêu như Thầy đã yêu”! “Yêu như Thầy đã yêu” là thứ tình yêu mà người môn đệ của Thầy phải khám phá, phải học đòi, phải vươn tới, phải ấp ủ suốt đời, phải sống cho trọn vẹn.

Trong tình yêu mới này, trong giới răn hoàn hảo này, Chúa không còn lấy bất cứ cái gì để làm điểm đối chiếu cho tình yêu mà là lấy chính Chúa: “Yêu như Thầy”.

Sách Đệ Nhị Luật của bộ Cựu Ước dạy hãy yêu đồng loại và hãy ghét kẻ thù. Tin Mừng theo thánh Mathêu đi một bước cao hơn, khi trích lại lời sách Lêvi: đừng thù oán ai, nhưng hãy yêu mọi người như yêu chính mình (Mt 22, 39 – lấy bản thân làm điểm đối chiếu).

Nhưng kinh nghiệm của đời sống một Kitô hữu cho ta thấy, tình yêu ngoài Chúa, tình yêu không lấy Chúa làm trọng tâm, dù có tốt, dù lấy bản thân làm đối chiếu, vẫn không hoàn hảo.

Một người nghiện ngập, hay một người tự tử vẫn yêu chính mình. Yêu cuồn nhiệt nữa là đàng khác. Yêu bản thân cách mãnh liệt, họ mới chiều chuộng mình, họ mới trở nên mù quáng.

Vì thế, nếu yêu người khác như người nghiện, người tự tử yêu bản thân họ, sẽ là một thứ yêu vô cùng đáng sợ. Yêu theo kiểu mù quáng ấy, chẳng những chúng ta không cần, mà còn phải lên án, còn phải tránh xa. Vì thế, yêu người như yêu bản thân còn là thứ tình yêu còn khiếm khuyết.

Điều răn mới là di chúc quý báu của mọi Kitô hữu. Từ nay, người Kitô hữu được mời gọi hãy sống điều răn mới. Họ phải ghi tâm khắc cốt lệnh truyến của Thầy Chí Thánh. Họ phải truyền cho nhau từ đời nọ đến đời kia như gia sản có một không hai mà họ là người hạnh phúc được Thầy trao cho để sống, để giữ gìn, để loan báo…

II. YÊU NHƯ THẦY.

Chúa đã yêu chúng ta bằng tình yêu vị kỷ. Chúa đã yêu chúng ta bằng tình yêu hy sinh. Chúa đã yêu chúng ta bằng tình yêu cảm thông, hiểu biết và đón nhận.

Chúa đã yêu chúng ta bằng tình yêu tha thứ. Đó là một tình yêu trọn vẹn, tràn đầy. Yêu đến quên mình. Yêu đến mất mạng sống vì người mình yêu. Yêu đến không còn một tính toán nào. Yêu không vụ lợi cho bản thân, mà chỉ nghĩ đến người mình yêu. Yêu đến tha thứ vô điều kiện. Yêu không mặc cả. Yêu đến hiến dâng cả đời mình. Yêu đến mức dù có thế nào cũng không bao giờ hối hận. Yêu tha thiết, yêu tận cùng, yêu không giới hạn…

Chúa Kitô đã yêu thương con người bằng một tình yêu mãnh liệt như thế. Để rồi bằng chính tình yêu ấy, Người đòi chúng ta cũng hãy yêu thương nhau như Người đã yêu thương chúng ta.

Vì “Yêu như Thầy đã yêu” là điều răn của Thầy, nên từ nay, người môn đệ yêu thương nhau, sống chan hòa cùng nhau, hy sinh và tận tụy vì nhau, đó sẽ là dấu ấn, là bằng chứng, là danh dự, là tước hiệu, là tên gọi của người môn đệ.

Nét riêng biệt, không thể nhầm lẫn, không thể pha trộn là từ nay họ yêu nhau như Thầy của họ đã yêu họ. Bởi đó mà “mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau”.

III. MỘT MINH CHỨNG CHO LỐI SỐNG “YÊU NHƯ THẦY”.

Chúa muốn chúng ta yêu nhau bằng chính tình yêu của Chúa. Điều này khó. Nó như một thách thức lớn cho sự phấn đấu của bản tính nhân loại. Nhưng khó không có nghĩa là không thể thực hiện.

Nhiều anh chị em của chúng ta đã sống bằng chính tình yêu của Chúa cách hết sức anh dũng. Họ đã làm được. Chúng ta tin rằng, một khi thấm nhuần lời Chúa dạy, chúng ta cũng sẽ làm được, cũng sẽ anh dũnh như họ.

Câu chuyện về thánh Maximilien Kolbe mà nhiều người biết đến sẽ như một minh chứng cụ thể cho lối sống “yêu như Thầy” của mỗi người chúng ta.

Nhắc lại cái chết của linh mục Maximilien Kolbe, người Balan, được vị giáo hoàng đồng hương của Cha, Đức Gioan Phaolô II phong thánh năm 1982, là nhắc tới một trong những giai đoạn kinh hoàng nhất của lịch sử loài người.

Đó chính là giai đoạn diễn ra chiến tranh thế giới lần thứ II, trong đó sự man rợ và diệt chủng của Đức quốc xã gây ra, muôn muôn đời thế giới khó có thể quên được.

Thánh Maximilien Kolbe thụ phong linh mục năm 1918. Cha đã hai lần bị Đức quốc xã bắt. Lần đầu bị bắt năm 1940, bị giam tại trại Oranienburg. Lần thứ hai Cha bị bắt ngày 17.2.1941 và bị giam tại trại tập trung Auschwitz.

Auschwitz là một nhà tù hãi hùng bao gồm mọi hình phạt và kỷ luật sắt ghê gớm, độc ác dành cho các tù nhân. Mỗi tù nhân không còn được mang tên mình, thay vào đó là những con số. Cha Maximilien Kolbe mang số tù binh là 16.670.

Tại nhà tù này, Đức quốc xã đưa ra một quy định hết sức oan nghiệt: Nếu có một tù nhân trốn trại, thì mười người khác phải chết thay. Rất nhiều tù nhân là nạn nhân của thứ luật lệ tàn độc này. Cha Maximilien Kolbe cũng trở thành một trong những nạn nhân ấy.

Đó là một buổi chiều tháng 8.1941, một người tù đã vượt ngục thành công. Thế là mười người khác bị chỉ định chết thay cho anh.

Trong số mười người này có anh lính Gajowniczek. Anh kêu khóc thảm thiết vì anh còn mẹ già, còn vợ, còn con thơ không ai nuôi dưỡng.

Trước thảm cảnh đó, vì lòng yêu mến Chúa, yêu thương con người, Cha Maximilien Kolbe đứng ra xin được chết thế cho anh lính tội nghiệp kia. Được chấp nhận, Cha cùng đoàn tử tù bước vào phòng hơi ngạt số 14.

Hôm sau, người ta mở cửa phòng để lôi xác ra ngoài, nhưng Cha Maximilien Kolbe còn thoi thóp, người ta chích cho Cha một mũi thuốc ân huệ. Cha tắt thở đúng vào chiều ngày áp lễ Đức Mẹ hồn xác lên trời 14.8.1941.

Tấm gương chết thay cho người lính vượt ngục của cha Maximilien Kolbe dạy ta can đảm sống điều răn mới của Chúa. Từ nay, Kitô hữu có sống là sống cho Chúa, cho anh chị em của họ. Họ có chết cũng là chết cho Chúa và cho anh chị em.

Cách chung, trong đời sống hằng ngày, ta có thể thể hiện lối sống “yêu như Thầy” bằng tất cả những nghĩa cử yêu thương, đón nhận như: làm hòa với kẻ ghét mình; cầu nguyện cho những ai thù nghịch mình; luôn sống mối phúc thứ bảy là gây bầu khí hòa thuận chứ không xung khắc bất hòa; hay bằng những việc hy sinh, phục vụ nhằm xây dựng và kiến tạo đời sống…

Thế giới hôm nay như sa mạc thiếu vắng tình yêu. Nhận lãnh điều răn mới hãy “yêu như Thầy”, người Kitô hữu có nhiệm vụ mang tình yêu ra đi biến sa mạc thành đồng xanh màu mỡ.

Lm. JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts