Biến cố Đức Maria hồn xác lên Trời cho thấy đích điểm cuộc sống của chúng ta: đó là được hưởng vinh quang thiên quốc, tức được bước vào tình trạng hạnh phúc trong nơi, mà nhân tính rất thánh của Chúa Giêsu Kitô đang sống hiện nay. Đó cũng là tình trạng mà Thiên Chúa dành để cho tất cả mọi người được tuyển chọn trong ngày tận thế. Những người chết sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và trước khi biết sử dụng lý trí, cũng như những người công chính được thanh tẩy một cách hoàn toàn khỏi mọi dấu vết tội lỗi, thì linh hồn họ được tham dự vào tình trạng hạnh phúc này trước ngày phán xét sau hết (DS 1000), nhưng thân xác thì chưa. Đặc ân hồn xác lên trời được ban cho Đức Maria là sự kiện toàn con người của Mẹ, hồn xác, được hưởng vinh quang hạnh phúc ấy giống như Chúa Giêsu Con Mẹ. Và đó là đặc ân chỉ được dành cho duy nhất một mình Mẹ, là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và là Mẹ Thiên Chúa.
Kiểu nói ”hồn xác lên trời”, tự nó, không ám chỉ một việc di chuyển tại chỗ thân xác Đức Trinh Nữ từ đất lên trời, nhưng ám chỉ sự vượt qua, từ tình trạng cuộc sống trần gian sang tình trạng cuộc sống diễm phúc trên trời. Tuy nhiên, các thần học gia thường chấp nhận rằng ”trời” không chỉ có nghĩa là một ”trạng thái”, mà cũng có nghĩa là một ”nơi chốn” nữa. Đó chính là nơi Chúa Kitô phục sinh vinh hiển hồn xác hiện diện, và là nơi Đức Maria đang ở bên cạnh Chúa. Xác định trời ở đâu và có trật tự tương quan với vũ trụ hữu hình của chúng ta như thế nào là điều không thể làm được. Liên quan tới các điều kiện hiện hữu của Đức Trinh Nữ hồn xác lên trời và thân xác vinh quang của Người, có thể áp dụng tất cả mọi ý niệm mà nền thần học một cách chính yếu dựa trên những gì thánh Phaolô viết cho tín hữu Côrintô trong thư thứ I chương 15, các câu từ 35 đến 52, để minh giải các điều kiện hiện hữu của Chúa Kitô phục sinh cũng như của các người có phước sau sự phục sinh ngày sau hết.
Đề cập tới cách thức kẻ chết sống lại thánh Phaolô viết trong thư thứ I gửi tín hữu Côrintô như sau: ”Nhưng có người sẽ nói: kẻ chết trỗi dậy thế nào? Họ lấy thân thể nào mà trở về? Đồ ngốc! Ngươi gieo cái gì, cái ấy phải chết mới được sống. Cái ngươi gieo không phải là hình thể sẽ mọc lên, nhưng là một hạt trơ trụi, chẳng hạn như hạt lúa hay một thứ nào khác. Rồi Thiên Chúa cho nó một hình thể như ý Người muốn: giống nào hình thể nấy”.
Không phải mọi thể xác đều giống nhau: của loài người thì khác, của loài vật thì khác, của loài chim thì khác, của loài cá thì khác. Lại có những vật thể thuộc thiên giới và những vật thể thuộc địa giới. Nhưng vẻ rạng ngời của những vật thể thuộc thiên giới thì khác, vẻ rạng rỡ của những vật thể thuộc địa giới thì khác. Ánh mặt trời thì khác, ánh mặt trăng thì khác, ánh tinh tú thì khác, bởi vì ánh sáng tinh tú này khác với ánh sáng tinh tú kia. Việc kẻ chết sống lại cũng vậy: gieo xuống thì hư nát, mà trỗi dậy thì bất diệt; gieo xuống thì hèn hạ, mà trỗi dậy thì vinh quang; gieo xuống thì yếu đuối, mà trỗi dậy thì mạnh mẽ; gieo xuống là thân thể có sinh khí, mà trỗi dậy là thân thể có thần khí” (1 Cr 35-44a).
Ở đây chúng ta thấy các bác bẻ chống lại sự sống lại phát xuất từ một loại nhân chủng học và triết học hy lạp, gán cho thân xác một nhiệm vụ tiêu cực trong kiểu diễn tả con người. Thân xác là nhà tù giam giữ linh hồn con người.
Xem ra thân xác làm lu mờ tinh thần và sự bất tử. Vì thế sau khi đã thiết lập và minh giải sự kiện phục sinh, thánh Phaolô bắt đầu giải quyết các phản bác do phong trào ngộ đạo đưa ra chống lại sự phục sinh. Thánh nhân áp dụng vào một loạt các tương đồng lấy từ thế giới thiên nhiên: hạt lúa, thịt súc vật, bản chất của các thiên thể, trong cách thức châm biếm, nhưng nền tảng của toàn lý luận là sự toàn năng tạo dựng của Thiên Chúa, với các tài nguyên không thể cạn và không thể thấy trước được. Việc quan sát thiên nhiên cống hiến cho con người một con đường tới gần mầu nhiệm sự toàn năng tạo dựng của Thiên Chúa, là Đấng đã hoạt động trong lịch sử sự phục sinh của Chúa Kitô.
Việc so sánh với hạt lúa mì chết đi và sống lại với cuộc sống mới cũng được thánh sử Gioan áp dụng cho thân xác Chúa Kitô (Ga 12,24). Hạt lúa mục rữa và chết đi để trở thành cây lúa trổ bông.
Một cái nhìn chăm chú vào vũ trụ, được nhìn không phải với con mắt thanh thản của sự khâm phục, mà với sự tinh tế lý luận của người biết nhận ra nơi các tinh tú vô cảm các diễn tả không thể cạn kiệt sự toàn năng tạo dựng của Thiên Chúa. Nó cống hiến cho thánh Phaolô dịp chỉ cho thấy khả thể chỗi dậy từ các yếu tố giòn mỏng và dễ hư nát của một thân thể thuộc loại mới có được sự bất tử, ánh quang, quyền năng, bản chất tinh thần. Thân xác tự nhiên có nghĩa là được linh hoạt bởi linh hồn lý trí đơn sơ, tinh thần có nghĩa là được Thần Khí của Thiên Chúa làm cho sống động và biến đổi.
Thánh Phaolô viết tiếp trong chương 15 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô: ”Nếu có thân thể có sinh khí, thì cũng có thân thể có thần khí. Như có lời đã chép: con người đầu tiên là Adam được dựng nên thành một sinh vật, còn Adam cuối cùng là thần khí ban sự sống. Loài xuất hiện trước không phải là loài có thần khí, nhưng là loài có sinh khí; loài có thần khí xuất hiện sau đó. Người thứ nhất bởi đất mà ra thì thuộc về đất; còn người thứ hai thì từ trời mà đến. Những kẻ thuộc về đất thì giống như kẻ bởi đất mà ra; còn những kẻ thuộc về trời thì giống như Đấng từ trời mà đến. Vì thế, cũng như chúng ta đã mang hình ảnh người bởi đất mà ra, thì chúng ta cũng sẽ được mang hình ảnh Đấng từ trời mà đến. Thưa anh em, điều tôi muốn nói là xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được” (1 Cr 15,44b-50).
Tiếp theo một lý luận bằng sự tương tự là một lý luận khác có tính cách thần học hơn dựa trên sự hiện hữu của ”Adam mới” là Chúa Kitô, có bản chất ”tinh thần”, ”thuộc về trời”, mà các kitô hữu được chỉ định tham dự vào, bằng cách trở nên đồng hình dạng như Người, giống Người, cũng như họ đã tham dự vào bản chất của ”Adam thứ nhất” là đất và phải chết. Ở đây thánh Phaolô ám chỉ việc tạo dựng con người như kể trong chương 2 câu 7 sách Sáng Thế: ”Giavê là Thiên Chúa lấy bụi từ đất nặn ra con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi, và con người trở nên một sinh vật” (St 2,7). Adam thứ nhất là mẫu loại và hình ảnh của Chúa Kitô là Adam cuối cùng được cấu tạo bởi thần khí làm cho sống động, nghĩa là nhờ quyền năng Thần Khí của Thiên Chúa và là Đấng trao ban sự sống, từ sự phục sinh. Đây cũng là điều thánh Phaolô đề cập tới trong chương 5 thư gửi giáo đoàn Roma.
Thánh nhân viết trong chương 5 các câu từ 15 trở đi: ”Nhưng sự sa ngã của Adam không thể nào sánh được với ân huệ của Thiên Chúa. Thật vậy, nếu vì một người duy nhất đã sa ngã, mà muôn người phải chết, thì ân sủng của Thiên Chúa ban nhờ một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, còn dồi dào hơn biết mấy cho muôn người. Ơn Thiên Chúa ban cũng khác với hậu qủa do một người phạm tội đã gây ra. Qủa thế, vì một người duy nhất phạm tội, con người đã bị xét xử để phải mang án, còn sau nhiều lần sa ngã, thì lại được Thiên Chúa ban ơn cho trở nên công chính. Nếu chỉ vì một người, một người duy nhất sa ngã, mà sự chết đã thống trị, thì điều Thiên Chúa làm qua một người duy nhất là Đức Giêsu Kitô, lại còn lớn lao hơn biết mấy. Qủa vậy, những ai được Thiên Chúa ban ân sủng dồi dào và cho trở nên công chính, thì sẽ được sống và được thống trị.
Thánh Phaolô viết tiếp trong chương 5 thư gửi tín hữu Roma: ”Tóm lại, cũng như vì một người duy nhất đã sa ngã mà mọi người bị Thiên Chúa kết án, thì cũng nhờ một người duy nhất đã thực hiện lẽ công chính, mọi người cũng được Thiên Chúa làm cho nên công chính, nghĩa là được sống. Thật vậy, cũng như vì một người duy nhất đã không vâng lời Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5,15-19).
Lược đồ ”con người thuộc về trời”, ”con người tinh thần” là một trong các kiểu diễn tả mà cộng đoàn kitô hy lạp sơ khai tìm cách sử dụng để suy tư và trình bầy sự hiện hữu của Chúa Kitô sau khi phục sinh, là phạm trù có đặc tính do thái.
Như vậy, đích đến lý tưởng của nhân loại là Chúa Kitô vinh hiển, mà sự năng động của lịch sử hướng tới theo chương trình của Thiên Chúa. Đích điểm của mọi người là được đồng hưởng vinh quang với Chúa Kitô, như thánh Phaolô minh xác với tín hữu Roma trong chương 8 thư gửi cho họ. Thánh Phaolô viết: ”Chính Thần Khí chứng thực cho thần trí chúng ta rằng chúng ta là con cái Thiên Chúa. Vậy đã là con, thì chúng ta cũng là thừa kế, mà được Thiên Chúa cho thừa kế, thì tức là đồng thừa kế với Đức Kitô; vì một khi cùng chịu đau khổ với Người, chúng ta cũng sẽ được hưởng vinh quang với Người… Vì những ai Người đã biết từ trước, thì Người đã tiền định cho họ nên đồng hình đồng dạng với Con của Người, để Con của Người làm Trưởng Tử giữa một đàn em đông đúc. Những ai Thiên Chúa đã tiền định, thì Người cũng kêu gọi; những ai Người đã kêu gọi, thì Người cũng làm cho nên công chính; những ai Người đã làm cho nên công chính, thì Người cũng cho hưởng phúc vinh quang” (Rm 8,16-17.29-30).
Nói một cách khác, cũng như có một bước nhảy vọt về phẩm giữa bản chất trần gian và bản chất vinh quang của Chúa Kitô, cũng sẽ có một bước nhảy vọt về phẩm chất giữa thịt xác và khí huyết, hay giữa thân xác tự nhiên tâm thần và tình trạng của sự phục sinh. Chính trong trật tự tư tưởng này, truyền thống ngôn sứ và khải huyền mới nói tới ”việc tạo dựng mới”, ”trời mới đất mới”.
Trong toàn gia đình nhân loại đã chỉ có Đức Maria vô nhiễm nguyên tội, Mẹ Thiên Chúa, đã được phúc hưởng vinh quang ấy ngay sau khi chết, và được hồn xác bước vào trời mới đất mới.
(Thánh Mẫu Học bài 332)
Linh Tién Khải
Nguồn: Vietvatican