PHẦN V: ĐƯA CUỘC SỐNG THIẾT THỰC HẰNG NGÀY LỒNG VÀO CHUỖI MÂN CÔI
Sau khi nhấn mạnh đến sức biến đổi nội tâm mà việc lần hạt Mân Côi đem lại, giờ đây ta sẽ tìm hiểu khía cạnh cuộc sống, tức là tìm kiếm xem tinh thần của chuỗi hạt Mân Côi có thể có ảnh hưởng thế nào trên những sinh hoạt bên ngoài của ta.
Có thể nói chuỗi hạt Mân Côi là dấu chỉ của sự phù trợ và hiện diện thiêng liêng của Đức Mẹ. Sự hiện diện ấy đem lại một bầu khí êm ái, dịu hiền, ấm áp, an vui, cần thiết để con người cảm thấy gần gũi Thiên Chúa. Bởi vì dù Thiên Chúa đã hạ mình đến mức xuống thế làm người, Ngài vẫn là Đấng chí tôn ngàn trùng chí thánh. Con người vẫn cứ cảm thấy Thiên Chúa quá vô cùng siêu việt, dường như có cái gì ngăn cách mình với Thiên Chúa. Đặc biệt là những khi lỡ lầm sa ngã, hoặc những khi được Thiên Chúa đưa vào sự thanh luyện của đêm tối thần hiệp tâm linh, con người càng cảm thấy như bị cách xa, vắng mặt Chúa. Những lúc ấy, Đức Mẹ chính là Đấng Chúa gửi đến như lời nhắc nhủ, mời gọi, khích lệ để ta có đủ can đảm mạnh dạn tiến lên đường tìm Chúa.
Vả chăng chính Ngôi Hai Thiên Chúa khi đến với loài người cũng phải nhờ tới sự trung gian của Đức Mẹ. Chính Đức Mẹ đã dâng huyết nhục mình cho Ngôi Lời Thiên Chúa trở nên xác phàm. Chính trong cung lòng Mẹ, Thiên Chúa và con người thực sự trở nên một, trong Đức Giêsu Kitô bào thai! Nếu ví sứ thần Gabriel là đại diện cho Thiên Chúa đến làm lễ vấn danh với loài người và toàn thể tạo vật, thì Đức Nữ Maria là đại diện cho nhân loại và toàn thể tạo vật thưa lên lời “xin vâng” thuận tình, khởi đầu cho cuộc giao duyên hôn phối giữa Đức Kitô và Hội Thánh là Hiền Thê của Ngài: Hội Thánh mà Đức Maria là biểu tượng, là đại diện, là mẫu mực. Lời “xin vâng” của Đức Maria là khởi đầu cho mọi lời “xin vâng”, đền bù lại sự từ chối kiêu ngạo của nguyên tổ, đã phụ tình bạc nghĩa với Thiên Chúa tình yêu để chạy theo lời quyến rũ của Satan. Sự ngạo mạn của nguyên tổ đã được đền bồi bằng sự khiêm hạ của người thiếu nữ biết dâng lời “xin vâng”, biết tự xưng mình là “nữ tỳ của Thiên Chúa”, và lúc ấy tự khắc “kẻ nữ tỳ” được tôn phong là “Mẹ Đức Chúa Trời”.
Nơi Đức Mẹ Maria, ngay từ phút đầu, tám mối phúc thật đã được thực hiện vẹn toàn: cao cấp, sang hèn, khinh trọng, dại khôn đã bị đảo ngược. Bà Elisabeth chào Đức Mẹ là Đấng có phúc là vì vậy. Phúc đây là phúc thật bởi trời. Chính Đức Mẹ trong sự khiêm nhượng, với ý thức thân phận nữ tỳ, cũng xác nhận rằng: “Muôn đời sẽ khen tôi là có phúc”: phúc vì biết mình là nữ tỳ của Thiên Chúa, chứ không như nguyên tổ muốn trở thành ngang hàng với Thiên Chúa.
Mẹ là nữ tỳ thì đương nhiên con là tôi tớ! Là người tôi tớ của Giavê mà từ hàng trăm năm trước ngôn sứ Isaia đã nhìn thấy khuôn mặt tan nát tả tơi, mà Philatô đã đưa ra trình diện với muốn thế hệ loài người – Này là Con Người – Đúng chỉ là người, con người 100% trong yếu tính thuần khiết của nó. Quả vậy, Giêsu và Maria ở Nadareth thuộc họ ông Giuse phó mộc mà ai cũng rõ lý lịch gốc gác đến mấy mươi đời. Đó là hai người như bất cứ con người nào trong hàng ngũ con cháu Ađam Eva, thân phận của hai Đấng là “làm người”. Không thêm một danh hiệu nào cả: Bác học? Không! Hiền triết? Không! Quý phái? Không! Anh hùng? Không! Lực sĩ? Không! Tài tử? Không! Thiên sứ cũng không!
Nói tóm lại, không phải là điển hình riêng cho hạng người nào cả, mà chỉ là người, đại diện chung cho bất cứ ai là người, dù thuộc loại nào! Người thường, thuần tuý là người và chỉ là người trống trơn! Người như mọi người ở mẫu số chung là người. Quả là người của mọi người. Hễ ai là người đều có thể nhận ra thân phận làm người của mình nơi khuôn mặt của con người ấy (đó là ý nghĩa sâu xa của việc tôn sùng Thánh Diện Chúa mà ngôn sứ Isaia đã vẽ lên những nét tuyệt vời).
Nhưng cũng như Đức Mẹ, ngay từ lúc xưng mình là nữ tỳ Thiên Chúa, liền được tấn phong tức khắc làm Mẹ Thiên Chúa, thì người tôi tớ của Isaia cũng được tức khắc tuyên dương “Này là con yêu dấu của Ta, người con mà Ta lấy làm đẹp lòng” và đặt lên ngôi Chúa Tể muôn loài.
Dù sao thì lúc sinh thời ở trần gian này, Đức Mẹ chỉ là một phụ nữ tầm thường như bất cứ phụ nữ nào ở mọi thời đại và mọi gầm trời. Thời thơ ấu và thiếu niên của Chúa Giêsu chẳng có gì đặc biệt: lặng chìm giữa đám đông vô danh của đại đa số nhân dân nghèo khổ lam lũ. Chỉ có loé lên giây phút các mục đồng và ba vua đến thờ lạy Chúa Hài Nhi (nhưng phải trả giá bằng điều cụ Simêon tiên báo, mà bước đầu đã ẳm con lánh nạn tha phương). Rồi lại chìm trong bóng tối suốt 30 năm! Ba năm Chúa đi rao giảng, Đức Mẹ xuất hiện rất ít, kín đáo. Ngay ở tiệc cưới Cana, Đức Mẹ cũng chỉ bảo cho Chúa biết tình trạng thiếu rượu, như một gợi ý chứ không trực tiếp cầu xin. Trên đường Chúa lên đỉnh núi Sọ, Mẹ chỉ âm thầm lặng lẽ bước theo. Trong khi các Tông Đồ chờ đợi Chúa Thánh Thần hiện xuống, Mẹ cũng chỉ âm thầm có mặt hiệp ý cầu nguyện, sau đó lại chìm hẳn vào bóng tối. Và dù Thánh Kinh không nói, ta cũng có thể đoán chắc rằng về già Đức Mẹ rất neo đơn. Sau khi Stêphanô và Giacôbê bị giết, các môn đệ Chúa tản mác. Có lẽ Đức Mẹ cũng cùng lánh nạn nơi nào đó với Gioan. Thế nhưng cũng có thể Đức Mẹ trút hơi thở cuối cùng lại không có Gioan bên cạnh, vì ông này bị đày ở đảo Pátmô. Như thế đám tang Đức Mẹ chẳng khác gì cảnh táng xác Chúa Giêsu: Chẳng biết có ai là người thân thích tiễn đưa Đức Mẹ tới nơi an nghỉ cuối cùng?
Trong bài Magnificat chính Đức Mẹ tiên báo rằng muôn đời sẽ tuyên dương Ngài “có phúc”. Thế nhưng thuở sinh thời, Ngài chỉ được khen tặng như thế hai lần: một lần do bà Elisabeth, lần kia do một phụ nữ khác, khen Ngài có phúc vì được cưu mang dưỡng dục Chúa Giêsu (Lúc 11,27). Ngoài ra chính lời tiên báo của cụ Simêon mới thật nói rõ: “Lòng bà sẽ như bị lưỡi gươm xuyên thủng”. Nói theo thế gian, cuộc đời của Đức Mẹ có thể gọi là “vô phúc” sinh nở bên vệ đường, phải đặt con nơi hang lừa máng cỏ, con còn thơ ấu đã phải ẳm lánh nạn tha phương, con khôn lớn chưa kịp mừng đã phải đứng dưới chân Thánh giá nhìn cạnh sườn con – người Con một yêu dấu – bị đâm thủng, máu và nước chảy ra. Rồi chôn con chưa được bao lâu đã phải chứng kiến cảnh các môn đệ của con mình bị bách hại tản mác. Ngay bản thân Đức Mẹ ta cũng chẳng rõ Đức Mẹ đã sống tuổi già ở đâu, trong điều kiện khắt khe như thế nào; chỉ biết rằng là Mẹ của một tên tử tội mà đồ đảng đang bị lùng bắt, dưới chế độ khắt khe của đế quốc Lamã, với mấy tầng áp bức, với sự thù hằn của phái Pharisêu, thì chẳng cần nói cũng đoán được ngay là chẳng có phúc chút nào cả. Đó, cuộc đời trần thế của Đấng được gọi là “đầy ơn phúc” là như vậy đó. Cuộc đời của em bé Giaxintha, người được Đức Mẹ chọn cách riêng đầu thế kỷ 20 này cũng chẳng hơn gì. Đó là quy luật muôn đời của Tình Yêu cứu chuộc, của Mầu Nhiệm Thánh Giá, mà thực ra là thập giá, khổ giá; có cầu tiến, có canh tân, có thích ứng hay tệ hơn có thoả hiệp, theo đuổi, a tòng với thời nào, thì cũng không thể khác được.
Cuộc đời của Đức Mẹ có thể nói được là cuộc đời có nhiều, rất nhiều đau khổ. Gần đây khi tỏ mình cho bà Borthe Petie về việc tôn sùng Mẫu Tâm, Đức Mẹ có ý nhấn mạnh đến khía cạnh “Trái tim đau khổ và vẹn sạch” của Đức Mẹ, Trái tim tân khổ và vô nhiễm. Hai đặc tính ấy có liên hệ mật thiết với nhau. Nhà nữ triết học Simone Weil có viết đại ý như sau: trong một thế giới có sự dữ, thì sự dữ đau khổ có thể xem như vừa là trừng phạt (hậu quả tất yếu) của tội lỗi, vừa là thuốc chữa trị. Tội lỗi và đau khổ là một cặp anh em song sinh. Nhưng nếu có nơi nào chỉ có sự đau khổ thuần tuý, nghĩa là không kèm theo tội lỗi (hay nói cách khác: “tân khổ mà vô nhiễm”) thì sự hoen ố của tội lỗi sẽ được hoàn toàn rửa sạch.
Trái Tim Chúa bị lưỡi đòng xuyên thủng, Trái Tim Mẹ bị lưỡi gươm vô hình xuyên thâu, chính là hai nơi mà sự tân khổ thật thuần khiết. Cho nên đó là hai nơi xoá sạch tội lỗi tràn ngập trần gian (những tội lỗi đáng lẽ phải có trăm nghìn lần đại hồng thuỷ để rửa sạch).
Đó là ý nghĩa của mầu nhiệm khổ giá. Đó là chìa khoá giải mở cho vấn đề vô cùng bế tắc là vấn đề đau khổ của những tâm hồn vô tội. Như thế sự tôn sùng Trái Tim tân khổ và vô nhiễm của Đức Mẹ không phải là chuyện tình cảm ướt át mà là đỉnh cao của tình yêu cứu chuộc, gắn liền với việc tôn sùng Thánh Tâm Chúa Giêsu. Đức Mẹ thường xin con cái mình an ủi, nhưng đây không phải là chuyện mẹ con khóc vùi với nhau cho vơi nỗi ưu sầu về tình cảm, mà là để giúp Mẹ trong vai trò “Đồng công cứu chuộc”, chính là để gánh lấy phần nào chức năng của Mẹ, thông dự vào mầu nhiệm tân khổ vô nhiễm của Mẹ. Đó là lời mời gọi hoán cải cho bản thân sạch tội, bớt tội để trở nên giống Mẹ phần nào, và nhờ đó có thể chung vai san sẻ tân khổ để cùng với Mẹ góp phần vào công cuộc của Chúa. Càng sạch tội, càng tân khổ, tác động cứu độ càng lớn càng cao.
Siêng năng lần hạt Mân Côi là để suy gẫm về Mầu nhiệm cứu chuộc, là để điều chỉnh cuộc sống theo ánh sáng đức tin phát xuất từ thân thế và sự nghiệp của Chúa và của Mẹ, đem ánh sáng ấy áp dụng vào chính đời mình để thực sự trở nên môn đệ Chúa và con cái Mẹ, đi sâu vào Mầu nhiệm Đồng Công Cứu Chuộc mà Hội Thánh (trong đó ta là tế bào) phải tiếp tục chu toàn ở trần gian.
Mẹ là Đức Mẹ Chúa Trời, là Đấng có tài có phép, có lòng thương xót, là Đấng an ủi kẻ âu lo, phù hộ các giáo hữu, cứu kẻ liệt kẻ khốn. Nhưng trước hết, Mẹ là Mẹ Chúa Cứu Thế. Chức năng đầu tiên của Đức Mẹ là đứng dưới chân Thập giá, dâng con mình lên làm của lễ hy sinh cứu chuộc nhân loại thoát khỏi xiềng xích tội lỗi do thần dữ trói buộc con người.
Đành rằng cũng như Chúa Giêsu, đôi khi Đức Mẹ có tỏ quyền phép bằng những phép lạ, can thiệp vào quy luật tự nhiên, tâm lý, xã hội để cứu thoát cá nhân cũng như xã hội qua nhiều cơn nguy khốn: tuy nhiên đó chỉ là cách biểu hiện sự hiện diện tình thương yêu và quyền năng, để khơi động lòng tin cậy, đưa con người lên cao, chứ không phải là mục đích chính yếu. Tại các trung tâm hành hương, nước suối có khả năng chữa bệnh chỉ là dấu hiệu bên ngoài cho con cái biết “có Mẹ ở đây”, còn tác động chủ yếu của Chúa và Đức Mẹ là ở nơi các toà giải tội, nơi hàng triệu linh hồn đã chết vì tội lỗi được tái sinh: đó mới là tâm điểm của Lộ Đức, Fatima cũng như ở bất cứ nơi nào Đức Mẹ tỏ mình. Điều Đức Mẹ mong chờ là sự hối cải. Ngài ban ơn phù trợ là để ta hối cải. Quả vậy, dù phần xác có được Đức Mẹ chữa lành thì cuối cùng như Lazarô được Chúa cho sống lại, chỉ sống thêm một thời rồi trở về cát bụi. Chính việc rỗi linh hồn, việc sống muôn đời mới thực sự là vấn đề thiết yếu, vô cùng quan trọng.
Quyền phép của Thiên Chúa và của Đức Mẹ biểu hiện chính là ở chỗ tái tạo các tâm hồn. Công việc này mới thực là khó, rất khó. Suy nghĩ sau đây sẽ cho ta thấy đâu là dấu chỉ của một quyền lực siêu phàm. Ở thế kỷ 13 chắc không mấy ai tin rằng việc lên cung trăng hay du hành vũ trụ là việc mà con người có thể tự sức làm được. Thế nhưng ngày nay đã thành sự thật. Khoa học và kỹ thuật chắc chắn còn đi xa, và sẽ còn đi xa nữa (nếu loài người không dại dột tự huỷ trong một cuộc đại chiến tranh bằng vũ khí hạt nhân, hoá học, vi trùng). Trong khi đó, trái lại, dù thế kỷ 20 hay mấy mươi đi nữa, chỉ có Thiên Chúa và Đức Mẹ mới có quyền năng biến cậu Phanxicô quen thói bốc trời thành Phanxicô Atxidi nghèo khổ, biến hầu tước Charles de Foucauld thành anh tiểu đệ Charles de Jésus.
Không cần phải ngồi ở toà giải tội, chỉ nhìn qua thời sự quốc tế, cũng như chuyện hàng xóm, chuyện gia đình hàng ngày, và nhìn nơi chính lòng mình, dù thấy rằng lòng người, tâm hồn con người vẫn y như thuở nào nếu không muốn nói là ngày càng tuột dốc, thoái hoá. Đó, lòng người mới chính là nơi cần đến phù trợ cứu giúp một cách đặc biệt. Quả vậy, từ trong các tác phầm từ nghìn xưa như Iliade, Odyssée, Đông Chu liệt quốc, qua các thời đại cho đến thế kỷ 20 này, với các tác phẩm của văn nghệ sĩ các nước, thuộc mọi chế độ chính trị ta thấy rằng bản chất con người vẫn như cũ, nếu không muốn nói là tệ lậu hơn! Thế nên cho đến nay, ơn cứu độ vẫn còn. Mà có lẽ còn cần hơn bao giờ hết, Bởi vì ngày nay trong tay con người đã có những vũ khí kinh hoàng, óc con người đã tinh khôn quá quắt, mà than ôi lòng dạ con người thì… xin để mọi người tự vấn lương tâm. Lòng dạ như thế mà tay cầm những vũ khí ấy, đầu óc tính toán ghê gớm như vậy, thì quả thật cần phải thốt lên: từ dưới đáy vực sâu, con kêu lên cùng Chúa, cùng Đức Mẹ vậy!!!
Đức Mẹ hiện ra tỏ mình, chủ yếu là để chỉ đường vạch lối cho loài người thoát khỏi tình trạng nguy khốn ấy, chứ không nhằm chữa bệnh thay vũ khí, hay ngăn ngừa thiên tai hạn hán, sản xuất cơm áo… Những chuyện ấy đã có bàn tay và khối tài năng của con người lo rồi. Chỉ riêng lòng người mới là cần sự cứu giúp phù trợ, để cải tà quy chính, để trừ ác phục thiện, quyền lực lớn nhất của Đức Mẹ không phải là ở nước suối Lộ Đức mà là ở ơn Vô Nhiễm. Các phép lạ ở Lộ Đức chỉ là những tia sáng nhỏ giúp mở mắt cho ta nhìn lên ơn Vô Nhiễm, là vầng trăng rằm chiếu rạng khắp đêm đầy tội lỗi của trần gian.
Vì vậy, lúc bắt đầu, khi ta còn non yếu, có thể ta còn cần và nên xin với Đức Mẹ các ơn này ơn nọ để Đức Mẹ thêm sức, củng cố đức tin cho ta, còn khi đã bắt đầu trưởng thành, ta chỉ nghĩ đến chuyện cùng với Đức Mẹ góp phần mình trong sự nghiệp chung của đại gia đình con cái Thiên Chúa, theo chân Chúa. Tin Mừng có ghi lại Chúa có làm nhiều phép lạ, nhưng trong sa mạc, sau khi Chúa ăn chay 40 ngày, ma quỷ xúi giục, thách đố Chúa làm phép lạ, Chúa lại từ chối. Đức Mẹ cũng làm rất nhiều phép lạ. Nhưng chính Phanxicô và Giaxintha ở Fatima thì lại chết yểu sau những cơn bệnh nặng, Bernadette ở Lộ Đức suốt đời mang bệnh về đường hô hấp, mắc phải từ lúc thiếu thời vì đời sống quá thiếu thốn nghèo nàn.
Ta cần suy gẫm nhiều, thật nhiều về các điều ấy để thấy rõ ý nghĩa của các việc: lần hạt Mân Côi, tôn sùng Đức Mẹ… Đó không phải là việc sốt sắng theo tình cảm, cũng không phải chỉ nhằm mục đích cứu khổ cứu nạn ở trần gian như người ngoại giáo cầu xin thần linh của họ. Chủ yếu vẫn là xin vì ta biết ta yếu hèn ngu dốt. Chung là xin ơn phù trợ cứu giúp về mặt siêu nhiên cho bản thân, cho gia đình, cho xã hội, cho Hội Thánh, cho nhân loại đang ở trên bờ vực thẳm của tội lỗi đang bị nguy cơ chìm vào diệt vong ở đời này và hoả ngục đời sau. Khi gặp cơn nguy khốn, ta thường cấu xin sự phù trợ, nhưng ta có nhớ sự nguy hiểm lớn lao nhất là gì không? Là ma quỷ, như sư tử lượn quanh gầm thét đang tìm mồi cắn xé (1P 5,8). Cho nên ta phải ngày đêm cầu nguyện để thoát khỏi nanh vuốt cạm bẫy của nó, những cạm bẫy nhiều khi rất tinh vi, trá hình dưới vỏ của thần ánh sáng, đến nỗi kẻ thành tâm thiện chí cũng phải bị lừa (Mt 24,5). Chính vì nguy hiểm như vậy nên mới cần đến ơn đặc biệt của Đức Mẹ, là Đấng đã đạp dập đầu con rắn dữ.
Đàng khác, chính Ngôi Hai đã lặn ngụp xuống đáy vực thẳm của kiếp con người, uống cạn chén đắng làm người. Mẹ của Ngài cũng cùng chung thân phận ấy. Cho nên ta có đến cùng Mẹ thì không phải với tinh thần “chạy chọt”, muốn được miễn những gian lao khó nhọc của thân phận làm người, song là để được thêm ân sủng, thêm nghị lực mà gánh trọn nhiệm vụ làm người. Nhờ đó ta có thể tuân theo ý Cha trên trời cho trọn, như chính Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã làm trọn vẹn ý Cha và có thể trung thành bền đỗ đến cùng, bất chấp mọi gian lao thử thách, doạ dẫm, lường gạt, rũ rê: “Ai muốn theo Tôi hãy từ bỏ mình, vác lấy khổ giá mình mỗi ngày mà theo”.
Chúa không thể mê mị dân, lừa bịp, hứa hẹn thiên đường ở trần gian này bao giờ. Chúa không hề ru ngủ bằng sự an ủi dễ dãi rẻ tiền giả hiệu bao giờ. Theo Chúa không phải là để uống thuốc ngủ an thần hay hút thuốc phiện cho dịu đau. Trái lại, phải chong đèn tỉnh thức, cảnh giác, cầu nguyện phấn đấu liên lỉ để bước vào cửa hẹp, đường dốc. Thánh Phaolô đã dùng hình ảnh của khiên, mộc, áo giáp, chạy đua chiếm kỷ lục… để mô tả cuộc đời Kitô hữu (1Tx 5,8; Lc 9,24-27).
Chúa ban niềm vui và sự bằng an của sự sạch tội trong tâm hồn, chứ không nhằm cho ta được an toàn, miễn dịch, trong lúc nhân loại còn bao nhiêu âu lo, cơ cực vất vả, và Hội Thánh cón gặp bao nhiêu thử thách. Pascal nói: “Đức Kitô quằn quại mãi cho đến tận thế”. Người Kitô hữu ngồi yêu nghỉ sao được, làm sao cho đành. Các vị thánh cũng đi vào vinh hiển như vậy. Thánh Têrêxa Hài Đồng có nói: “Lên trời rồi, tôi sẽ trở lại thế gian mà làm việc lành. Tôi chỉ ngừng hoạt động khi nào đến ngày cánh chung”. Còn đối với Chúa và Đức Mẹ thì đó là điều hiển nhiên. Được Chúa chọn làm thân hữu, được Đức Mẹ chọn làm con yêu, ta nỡ nào xin an nghỉ, xin “miễn dịch”, khi cuộc giao tranh giữa Người Nữ và rắn độc vẫn còn tiếp diễn, và có lẽ ngày càng khốc liệt. Chúa hiện ra với thánh nữ Maria à la Coque để xin đền tạ, an ủi Thánh Tâm Người, Đức Mẹ cũng hiện ra để xin con cái đền tạ an ủi trái tim tân khổ của Mẹ. Đối với ba em nhỏ ở Fatima, ngay từ buổi hiện ra đầu tiên, Đức Mẹ đã đặt ngay vấn đề chủ yếu ấy. Mẹ xin các em:
– Các con có vui lòng chịu hy sinh đau khổ để cứu rỗi các linh hồn không?
Với ba trẻ em 8 tuổi, 13 tuổi mà còn vậy đó. Thật có vẻ ngược đời. Thì ra, lần hạt Mân Côi hay tôn sùng Đức Mẹ, chủ yếu không phải là để ta xin Đức Mẹ ơn này ơn khác, mà trái lại để ta nhận lời Đức Mẹ xin ta, nhờ ta giúp Đức Mẹ trong việc chuyển cầu cho nhân loại đang quá đắm chìm trong tội lỗi, có nguy cơ đi đến diệt vong và hư mất đời đời. Quả vậy, đây không phải là việc tình cảm nữ nhi, mà là việc vô cùng nghiêm trọng. Chẳng khác nào lời hiệu triệu khi đất nước lâm nguy. Bổn phận của con người hiếu thảo khi nhà gặp cơn nguy biến, bổn phận của người công dân tốt khi đất nước gặp đại nạn phải thế nào, ta biết cả rồi. Đây không phải là Đức Mẹ “hù doạ” hay làm tiên tri báo đềm gở, nhưng xem chừng Đức Mẹ ngày càng khẩn thiết như sự đã quá cấp bách, nếu không nói là đã chậm, đã muộn rồi. Ta tính sao đây? Đức Mẹ hiệu triệu, ta trả lời thế nào bây giờ?
Sử liệu về ba trẻ nhỏ ở Fatima ghi lại: hôm ấy ba em cùng đi chăn cừu. Trưa hè nắng gắt, đồng cỏ khô cháy. Quá khát, ba em lại xin một ít nước định chia nhau cho đỡ khát. Nhưng bỗng nhớ lại lời Đức Mẹ xin hãm mình hy sinh cho kẻ có tội, em Lucia lớn nhất nhường cho Phanxicô vì nước chỉ có ít. Phanxicô trả lời:
– Không, em không uống đâu.
– Sao vậy?
– Em muốn chịu khó để cứu rỗi các linh hồn.
– Vậy thì em Giaxintha uống đi.
Em Giaxintha 8 tuổi trả lời:
– Em cũng vậy. Em muốn hy sinh để cứu vớt các linh hồn. Em không uống đâu.
Nhường qua nhường lại, cuối cùng cả ba em đều đồng ý không ai uống cả và nhường nước cho con cừu non.
Em Giaxintha chưa rước lễ lần đầu, chưa rõ chức vụ Giáo hoàng là gì, trước đó chỉ biết vui đùa, vòi quà, làm nũng, thế mà sau khi được gặp Đức Mẹ hiện ra rồi, em đã tiến bộ trên đường nhân đức như vậy đó. Phần chúng ta cứ mỗi chục kinh Mân Côi ta cũng cố xin cho các linh hồn được lên thiên đàng hết thảy. Nhưng ta chỉ biết xin chứ đã biết nhận lời Đức Mẹ xin ta chưa? Ngày thứ bảy đầu tháng, ta làm việc đền tạ Mẫu Tâm. Việc đền tạ ấy có giúp ta sống tinh thần đền tạ một cách thiết thực trong đời sống hằng ngày, vác thánh giá theo Chúa, theo Đức Mẹ chưa? Hay ta lại có ý đồ làm một giờ đền tạ như thế để được “miễn đền tạ” trong những hy sinh chịu khó thiết thực của cuộc sống hằng ngày?
“Vác Thánh Giá” không phải là một mỹ từ trang điểm cho vui cuộc đời, cho đẹp ngôn từ. Thời nay không ai đóng đinh ta vào Thập Giá nữa đâu. Thế nhưng cuộc sống hằng ngày có biết bao Thập Giá “nho nhỏ”. Mưa nắng, đau ốm, hụt xe, trễ tàu, vợ chồng, con cái, thời tiết, hàng xóm… Bao nhiêu việc ấy là bấy nhiêu Thập Giá. Dù chỉ là những Thập Giá nho nhỏ, âm thầm, lặng lẽ không ai biết, không ai khen thưởng. Chỉ riêng Chúa và Đức Mẹ biết. Thế nhưng vẫn là Thập Giá. Ta có vui lòng thuận tình đón nhận, hiến dâng, kết hợp với Thánh Tâm Chúa với Mẫu Tâm Mẹ chưa?
Một tâm hồn được Đức Mẹ viếng thăm và gần như chiếm hữu thì luôn luôn ưu tư, khắc khoải về chính những vấn đề làm cho Đức Mẹ ưu tư khắc khoải: cứu nhân loại khỏi nguy cơ hoả ngục. Em Giaxintha đã được Đức Mẹ tỏ lộ cho thấy hoả ngục. Do đó gần như lúc nào em cũng bị thiêu đốt bởi vấn đề “Làm sao cứu rỗi các linh hồn?”. Đó cũng là ưu tư thắc mắc của Phanxicô Xaviê, của Têrêxa Hài Đồng Giêsu.
Trong đầu óc bé tí của em nhỏ Giaxintha ấy, vấn đề sâu thẳm nhất của nhân loại đã được đặt ra: số mệnh muôn đời của cuộc sống. Em luôn luôn hỏi chị Lucia: Chị ơi, chị có chắc rằng hoả ngục sẽ đời đời không chị? Và sau khi nghe Lucia khẳng định là đời đời, Giaxintha ý thức được tính cách vô cùng quan trọng và khẩn thiết của vấn đề. Thay vì suy tư suông, em đã có một phản ứng của con tim, đầy yêu mến của ý chí rất kiên quyết. Em đi đến một quyết định cụ thể thiết thực: Chị ơi, nhưng nếu chúng ta hy sinh cầu nguyện cho kẻ có tội, Chúa sẽ tha thứ và cứu vớt họ phải không? Thế là em cương quyết sống một đời đền tạ hy sinh bằng những việc làm cụ thể như trong câu chuyện nhịn nước vừa kể trên. Có lẽ đức hy sinh của em rất lớn, rất nhiều, rất nhanh, nên em đã được Chúa và Đức Mẹ rước về Thiên Đàng rất sớm: phải lên Thiên Đàng ta mới hiểu được những hy sinh của em đã đóng góp thế nào cho thế chiến thứ nhất sớm chấm dứt và Châu Âu thoát được nạn thống trị của một chính phủ Đức cường bạo.
Suy gẫm đời Chúa, đời Đức Mẹ, cũng như đời của những linh hồn được hai Đấng chọn lựa cách riêng ta sẽ thấy rằng chiêm niệm Kitô Giáo không phải là để tâm lý được an định, cuộc đời được an nhàn: thoát trần một gót thiên tiên, kệ thiên hạ sống chết mặc bay. Song là sung vào đội quân thiêng liêng chiến đấu cam go chống thần dữ, dưới là cờ vô nhiễm của Đức Mẹ, cùng chiến đấu với Đấng đã đạp dập đầu con rắn dữ và cũng bị rắn dữ cắn vào gót chân, đôi khi còn bị truy kích, phải chạy vào hoang địa ần náu như sách Khải Huyền đã mô tả (Kh 12,1-6; St 3,15).
Sự hiện diện và sự phù trợ của Đức Mẹ là một nguồn an ủi khích lệ, làm cho lòng ta phấn khởi, nhưng cốt yếu là để thêm nghị lực can trường cho cuộc chiến đấu cam go. Mà có lẽ vì cuộc chiến đấu cam go nên Chúa mới phải nhờ đến Đức Mẹ tỏ mình để an ủi ta. Ở đây Đức Mẹ có thể ví được với người nữ y tá mà bác sĩ gửi tới để động viên bệnh nhân sắp phải chịu một cơn giải phẩu hệ trọng. Hay đúng hơn phải ví với bàn tay Mẹ hiền an ủi khuyến khích con cố gắng uống chén thuốc đắng. Cho ngọt thì ai cũng đưa được, nhưng đây là thuốc đắng, đắng lắm nên phải nhờ đến bàn tay người Mẹ, Đức Mẹ rất thương yêu chúng ta, thương đến mức phó dâng Con Một trên thánh giá cho chúng ta được cứu rỗi. Thế nhưng Đức Mẹ không cưng chiều có hại cho ta, là “Đấng cực khôn cực ngoan” theo kiểu khôn ngoan của Thiên Chúa. Đức Mẹ quá biết thuốc đắng mới đã tật. Thế nên có thương thì vỗ về, an ủi, quạt cho mát, lau mồ hôi cho bớt nóng bức, chứ Đức Mẹ không bao giờ làm trái ý vị lương y mà cất bớt chén đắng ấy đâu. Đó cũng là điều đã làm trọn cuộc khổ nạn của Chúa. Mẹ không xin Chúa Cha cất Thánh Giá cho Chúa Giêsu, Mẹ chỉ theo chân Chúa an ủi đôi phần (mà chưa chắc! Trong cách ấy có khi thấy nhau lại chỉ càng thêm cực lòng) có thể nói rằng Đức Mẹ chỉ khuyên lơn: “Mẹ biết là đắng Mẹ cũng chẳng vui gì! Nhưng vì cơn bệnh khá nặng, cần phải thế mới lành con ạ! Tin tưởng mà uống đi con! Uống cho hết đừng bỏ phí một giọt nào, vì đó là thuốc quý”.
Đức Mẹ là dịu hiền từ ái và cũng là “dũng lực” phi thường, nên Đức Mẹ cũng muốn cho con cái mình nên kiên cường dũng lực, vác Thánh Giá can trường bền đỗ. Dũng lực của Đức Mẹ khác với dũng lực đô vật của Hercule gồng mình là bắp thịt nổi lên cuồn cuộn, nghiến răng đội quả đất nâng cao lên khỏi đầu như vận động viên biểu diễn để thiên hạ vỗ tay hoan hô nhiệt liệt! Dũng lực của Đức Mẹ khác hẳn. Mẹ đã âm thầm lặng lẽ mang trong lòng mình cả Ngôi Hai Thiên Chúa mà không thổ lộ với ai, ngay cả với Giuse. Có lẽ dũng lực của Đức Mẹ được diễn tả rất đúng nơi bức tượng “Nữ Vương Hoà Bình” hai tay nhẹ nhàng âu yếm nâng quả cầu có cắm cây Thánh Giá, ngước mắt lên trời thầm lặng nguyện cầu, đưa ngang tầm trái tim của Mẹ. Dũng lực của Mẹ là dũng lực của ngôi sao bắc đẩu đứng yên một chỗ làm trục cho cả địa cầu xoay vần, làm đèn pha soi đường chỉ lối cho bao thuyền bè vượt trùng dương sóng gió. Dũng lực ấy là dũng lực của tình yêu dâng hiến chứ không phải là quyền hành xâm lấn thống trị. Vì chỉ có tình yêu mới có năng lực hoán cải được lòng người.
Chiến thắng của Đức Mẹ là chiến thắng của Thập Giá: lấy khiêm nhượng đánh gục kiêu căng, lấy phục vụ đánh gục thống trị, lấy trao ban đánh gục chiếm hữu, lấy tha thứ đánh gục hận thù, lấy chân thành đánh gục dâm bôn, lấy “chịu chết” đánh “sát nhân”. Đức Mẹ là Đấng “có tài có phép”, nhưng tài phép của Đức Mẹ không phải để cho con cái sử dụng như kiểu Phàn Lê Huê sử dụng “tài phép” của “La Sơn Thánh Mẫu” để chiến thắng và chiếm đoạt trái tim của Tiết Đinh San bằng các bửu bối.
Tài phép của Đức Mẹ là tài phép của tình yêu, như bà mẹ của Côrolia đã ngăn chặn được người con hung hãn của bà để ông lui binh thôi không tiến đánh phá huỷ thành Rôma. Dũng lực của Đức Mẹ không phải là của kẻ cầm gươm đâm người khác, mà là của người Mẹ hiền im lặng để cho lưỡi gươm đâm thấu lòng mình. Mẹ đã ngước mắt nhìn trái tim người Con Một yêu dấu bị lưỡi đòng đâm thủng, chảy nước và máu, để cho nhân loại được cứu chuộc mà không một lời than thở kêu xin. Thi sĩ Alfred de Vigni có câu thơ lừng danh: “Cầu xin, than thở, khóc lóc là hèn nhát”. Không biết khi viết câu ấy, ông có liên tưởng đến sự can trường tuyệt vời của Đức Mẹ không, vì Đức Mẹ quả là dũng lực siêu phàm: Mẹ đã theo Con trên đường khổ nạn, đã đứng lặng yên dưới chân Thập Giá, ngước mắt lên trời thầm lặng nguyện cầu cho đến khi người ta hạ xác Con xuống, Mẹ đã ẳm vào lòng và trao lại cho người ta tẩm liệm vội vàng vào huyệt đá, rồi lại một mình âm thầm lặng lẽ dưới bóng đêm buông xuống trên ngày thứ sáu tuần thánh đầu tiên ấy.
Kìa Bà nào đang tiến lên mà hùng dũng như đạo binh? (Dc 6,10). Đạo binh đây là đạo binh những tâm hồn được thông dự vào ơn vô nhiễm bằng một đời sống thánh thiện và được chung uống chén đắng với Trái Tim tân khổ trong mầu nhiệm Thập Giá. Cây Thánh Giá với hai trái tim treo trên cao là trái tim bị lưỡi đòng đâm thâu, máu và nước tuôn chảy, đứng bên dưới Mẫu Tâm cũng bị lưỡi gươm vô hình đâm thâu nước mắt tràn đầy: đó là cờ lệnh của của vua hoà bình và nữ vương hoà bình. Đạo quân đi theo lá cờ ấy không dùng võ lực, mưu mô, danh lợi, mà chỉ biết có yêu mến, hiến dâng, trao ban, phục vụ, một cách âm thầm lặng lẽ như những mạch nước ngầm nuôi sống cỏ cây muôn vật mà chẳng ai trông thấy.
“Nữ Vương trời đất” ngự trị bằng khí giới tình yêu, cho nên biểu hiệu là một quả tim Chúa Giêsu Vua vũ trụ cũng vậy: vương quyền cũng biểu hiệu bằng một quả tim. Lý do rất đơn giản: vì Thiên Chúa là tình yêu.
Nước của Vua tình yêu và của Nữ Vương tình yêu tất nhiên cũng là tình yêu. Tình yêu ấy đối lập, hay đúng hơn, bao trùm và trung hoà mọi hận thù, đố kỵ, ghen tương, tranh chấp không bằng cách nào khác hơn là hiến dâng trọn vẹn, để mình ra như không.
Trong nước tình yêu ấy, mọi người đều được kêu gọi góp phần. Chính Chúa Giêsu và Đức Mẹ là những người đầu tiên Chúa Cha mời gọi cộng tác trong kế đồ cứu chuộc. Rồi tất cả các Tông Đồ, Tiên Tri, Tử Đạo, và bất cứ ai mang danh Kitô hữu, nghĩa là bạn hữu của Đức Kitô, dù thuộc tầng lớp nào, lứa tuổi nào đều được mời thông dự vào ơn thiên triệu ấy. Em Giaxintha mới 8 tuổi hay bà Eve Lavallière mãi gần 50 tuổi mới ăn năn trở lại sau một đời truỵ lạc xa hoa, cũng đều có một nhiệm vụ phải chu toàn. Tựa như trong một bản hoà âm, mỗi nhạc khí phải thể hiện phần mình thật đúng, thật tốt, bản hoà âm mới đạt yêu cầu, sai một nốt là bản hoà âm giảm hẳn giá trị.
Trong bản hoà âm cứu độ, chiếc đũa điều khiển chính là cây Thánh Giá, chuỗi hạt Mân Côi cũng là cách giúp ta ghi lại và ghi sâu bản hoà âm cứu độ ấy vào lòng, biến thành chất sống của đời ta, để ta trình tấu phần của mình thật tuyệt diệu, đem lại ơn cứu độ cho loài người tội lỗi đau thương.
Với những suy nghĩ trên đây, ta thấy con đường Đức Mẹ đã đi và đang mời gọi ta nối gót để góp phần chiến thắng tội lỗi và con đường tân khổ vô nhiễm. Nói đi nói lại điều ấy thì có vẻ như cái nhìn của ta quá nhiệm mầu, ngậm ngùi bi đát, nhưng thực ra dưới bóng cờ của Đức Mẹ ta có quyền lạc quan hy vọng. Bởi lẽ mầu nhiệm vô nhiễm gắn liền với mầu nhiệm mông triệu. Nếu với mầu nhiệm tân khổ vô nhiễm nơi Thập Giá Đức Kitô và việc Đức Mẹ được nhận về trời cả cơ thể, sự chết đã hoàn toàn thua trận. Chính vì thế, ngay giữa lúc suy ngắm năm sự Thương ta vẫn không ngớt reo lên: “Kính mừng”, “Bà có phúc”, “Con lòng Bà có phúc”.
Người con có phúc đó trước hết là Đức Giêsu Kitô trưởng tử, tiếp đến là hàng triệu triệu anh em và là chi thể của Ngài, tức là mỗi chúng ta, đã được cùng một Mẹ sinh ra trong đời sống thiêng liêng là Hội Thánh, mà Đức Mẹ vừa là trưởng nữ vừa là hiện thân.
Hạnh phúc ấy giúp thấy rõ Kitô Giáo là một Tin Mừng. Cứu độ là đem lại sự sống thật, hạnh phúc thật cho con người. Trong suốt chuỗi Mân Côi, ngay lúc ngắm năm sự Thương bản nhạc đệm kèm theo vẫn luôn luôn là bài “Magnificat” ca tụng lòng thương xót đến muôn đời của Thiên Chúa. Cây Thánh Giá chỉ là con đường đưa đến phúc thật, cho nên ngay trong giờ tiệc ly, Chúa đã hứa ban: “Thầy ban niềm vui và sự bình an cho các con”. Và lời nguyện tư tế kết thúc bữa tiệc ly ấy là một bài ca khải hoàn ca ngợi sự chiến thắng, ca ngợi sự hoàn thành kế đồ cứu chuộc: Danh Cha cả sáng, CON LOÀI NGƯỜI được tôn vinh, môn đồ được nên một…
Chuỗi hạt Mân Côi cũng kết thúc bằng năm sự Mừng, sau khi đã khởi sự bằng năm sự Vui, năm sự Thương chỉ là phần quá độ từ Vui bước sang Mừng: sự Mừng mới là vĩnh cửu. Nắng mưa sẽ không còn, nuớc mắt sẽ được lau khô, hoa nở từ trời, nước hằng sống, cây trường sinh sẽ mãi mãi nuôi sống con người. Chúa Giêsu và Đức Mẹ đã lên trời vinh hiển, dọn chỗ cho ta. Mai sau hai Đấng sẽ đón ta về quê thật.
Thật ra Nước Trời đã đến, đã khai mạc ở trần gian, mà Hội Thánh là hình bóng, là biểu tượng và cũng là nhiệm tích thể hiện một cách kín nhiệm nhưng thực sự. Với đôi mắt phàm trần ta không thể thấy được, nhưng thực ra trước mắt ta, mỗi giây phút biết bao cuộc sống thiêng liêng được sinh ra từ giếng rửa tội, bao linh hồn được tái sinh qua toà giải tội, được nuôi dưỡng bằng Lời Chúa và Thánh Thể, bao cuộc hôn phối được kết giao làm biểu tượng cho sự phối hợp giữa Đức Kitô và Hội Thánh, bao con người được nâng lên hàng tư tế, bao linh hồn được đón nhận vào Thiên Đàng hoặc trực tiếp từ đời này hoặc đã đi qua luyện ngục. Thế gian với máu, mồ hôi và nước mắt sẽ qua đi, nhưng những thực tế kể trên sẽ còn mãi.
Với bài Magnificat làm nhạc đệm, chuỗi hạt Mân Côi giúp ta biết lấy cái nhìn Đức tin chọc thủng bức màn đen tối của trần gian để thấy cái hiện thực huy hoàng của Nước Trời đang được xây dựng, mặc cho thế gian và ma quỷ quấy phá: “Các con đừng sợ. Trái Tim Mẹ sẽ thắng”. Mà thực ra là đã thắng, với hai mầu nhiệm Vô nhiễm và Mông triệu, với hai tiếng “XIN VÂNG” phá sạch sự từ chối phản loạn của hai ông bà nguyên tổ.
Do đó, mỗi khi lần hạt Mân Côi cũng như tham dự phụng vụ, nhất là thánh lễ, là ta đã nếm hương vị thấy trước của nước Thiên Đàng một cách ẩn kín nhưng có thật ngay ở trần gian này. Cả đến việc lãnh ơn tha tội ở toà cáo giải cũng vậy. Mà ở Thiên Đàng thì không còn ai xin ai, không còn ai nhờ ai, không còn ai phải cùng ai gánh vác cái gì nữa, mà chỉ còn việc yêu mến nhau. Y như Ba Ngôi Thiên Chúa yêu mến nhau từ thuở muôn đời. Bởi vì tất cả đã viên mãm, hoàn tất rồi. Cho nên nếu chuỗi hạt Mân Côi đã là một phần nào hình ảnh nước Thiên Đàng, thì đôi khi chúng ta cũng tạm quên đi tất cả, chỉ đến với Mẹ cho có Mẹ có con, chẳng cần nói gì, im lặng thôi cũng đủ. Bởi vì yêu nhau thì được nhìn nhau, được gặp nhau, được có nhau là mãn nguyện rồi. Ta đến với Mẹ là Mẹ tuyệt vời vinh hiển. Ta vui mừng vì có Mẹ bên ta. Cũng như ta đến với Chúa vì có Chúa, vì Chúa là Đấng trọn tốt trọn lành, và lấy đó làm hạnh phúc. Thế thôi! Hạnh phúc Thiên Đàng mai sau cũng chỉ có vậy.
Đó là đỉnh cao của nguyện cầu: đi ra khỏi mọi sự, khỏi chính mình, chỉ cần biết có Chúa. Hoàn toàn vô cầu. Chính Thiên Chúa đã dựng nên vạn vật và cứu chuộc muôn loài một cách hoàn toàn vô cầu (vì có thêm gì cho Chúa đâu), thì ta cũng phải trở nên vô cầu để xứng đáng là hình ảnh của Chúa. Cũng chính vì thế mà Hội Thánh kết thúc mỗi chục kinh bằng: “Sáng danh Đức Chúa Cha và Đức Chúa Con và Đức Chúa Thánh Thần, như đã có trước vô cùng, và bây giờ và hằng có và đời đời chẳng cùng. Amen”! Qua các bài giáo lý, ta đã biết Thiên Chúa là: đầu cội rễ mọi sự và cùng sau hết mọi loài. Lần hạt Mân Côi cũng như bất cứ làm một việc gì: ăn, ngủ, nghỉ, chơi, lao động, hôn phối, sinh con đẻ cái… thì như lời thánh Phaolô dạy, đều là để tôn vinh Danh Chúa (Cr 3,17). Đơn giản đến tột cùng! Cho nên có lẽ cách đến cùng Đức Mẹ cao nhất là đến để cùng Ngài dâng lên lời “Linh hồn tôi ngợi khen Chúa”. Đó là cùng đích cuối cùng. Đó là ta tập sự làm cái việc mà ta hy vọng nhờ ơn Chúa và Đức Mẹ, ta sẽ được làm mãi mãi muôn đời muôn kiếp, Amen; đó là niềm vui, sự bình an Chúa đã hứa mà thế gian không đem lại được, cũng không cướp mất được (Ga 14,27). Do đó mới gọi là Tin Mừng.
Đến đây thì người đọc cũng như người viết sẽ bỡ ngỡ, thấy như mình luẩn quẩn đi vòng quanh. Đọc cho lắm, viết cho nhiều rồi kết thúc cũng chỉ là “mến Chúa hết sức, hết trí khôn, trên hết mọi sự (và nhất là trên bản thân mình)”. Đơn sơ quá chừng! Mà chính vì đơn sơ như vậy cho nên nhiều kẻ thông thái lại không thấy được, còn một em bé thôn dã 8 tuổi, chưa biết đọc như Giaxintha vừa được Đức Mẹ chỉ cho vài lời là hiểu ngay. Em đã hiểu bằng cả con tim như nhuốm bụi đời, cả bụi văn minh tài giỏi và đưa ngay vào cuộc sống thiết thực một cách triệt để, đến nỗi chỉ sau hai năm đã được Chúa và Đức Mẹ cho là trọn vẹn nên sớm rước về nơi vinh hiển.
Chuỗi hạt Mân Côi và đời sống chiêm niệm quả không có gì tương phản, trái lại, rất phù hợp với nhau. Bởi lẽ, 15 sự kiện của chuỗi Mân Côi chỉ là tóm tắt diễn trình tình yêu cứu chuộc đang nung nấu Thánh Tâm Chúa và Trái Tim Đức Mẹ Maria. Những ai biết ném trái tim mình vào lò lửa yêu mến ấy như một hạt hương trầm sẽ toả hương thơm bay lên trước toà Thiên Chúa Cha từ ái. Thiên Chúa sẽ lấy làm đẹp lòng mà cúi xuống ban muôn vàn ơn phúc lạ, mai sau lên Thiên Đàng mới rõ được ơn phúc ấy quý giá chùng nào! Và ngay ở đời này cũng đã được sống trong niềm vui sâu xa kín đáo của một tâm hồn đã thắng được ma quỷ thế gian và thắng được chính mình, để sống trong tình yêu thuần khiết.