Chuỗi Mân Côi Trong Đời Sống Chiêm Niệm

PHẦN VII: MỘT VÍ DỤ GỢI Ý VỀ CÁCH NGẮM MỘT MẦU NHIỆM TRONG CHUỖI HẠT MÂN CÔI 

Trong phần này, xin gợi ý một cách ngắm các mầu nhiệm để áp dụng.

Trước hết xin lưu ý rằng: trong việc chiêm niệm, điều quan trọng không phải là biết nhiều chuyện, nhưng là cảm mến Thiên Chúa cách sâu sắc. Việc rảo qua các hình ảnh này đến tâm tình kia một cách hời hợt không làm ta thoả lòng bằng việc đắm chìm trong một hình ảnh, một tâm tình có sức giúp ta cảm nhận và sống tình yêu Thiên Chúa. Chỉ cần một khía cạnh nào đó thôi. Có lẽ chỉ cần lấy một điều ấy làm trọng tâm cho đời sống tâm linh của mình cũng đủ.

Ví dụ: Suốt cuộc đời, Đức hồng y Bérulle, hình như giờ nguyện ngắm nào cũng chỉ có việc thờ lạy Ngôi Hai ngự trong lòng Trinh nữ Maria.

Pascal, có thể là suốt đời chỉ chiêm niệm Chúa Giêsu hấp hối trong vườn Cây Dầu.

Gabriel Adolorata suốt đời như kết hợp với Trái Tim tân khổ của Đức Mẹ đứng dưới chân Thập Giá.

Magaritta à la Coque suốt đời thờ lạy Thánh Tâm Chúa bị lưỡi đòng đâm thâu qua.

Têrêsa Hài Đồng, hình như cuối đời thờ lạy Thánh nhan Chúa bị bầm nát.

Triết gia Bergson có lẽ đã luôn chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Mẹ vinh hiển lên trời.

Bernadette ở Lộ Đức hình như luôn chiêm ngưỡng hình ảnh Đức Mẹ khi hiện ra, chắp hai tay ngang ngực, ngước mắt lên trời mà tự xưng: “Ta là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội”.

Thánh Antôn Pađua có lẽ lúc nào cũng mang hình ảnh Chúa Hài Đồng trong tâm tưởng.

Charles de Foucauld cuối đời dường như luôn thông phần tham dự vào niềm vui vô tận của Chúa Giêsu Phục Sinh.

Nữ tu Génévilève Thánh Nhan, chị của Têrêsa Hài Đồng, sáng nào cũng sống cái tâm tư hoan lạc của Maria Magđala được Chúa Phục Sinh tỏ mình ra trong vườn, cạnh mồ thánh vào buổi sáng Chúa nhật Phục Sinh đầu tiên.

Cũng được biết, có một tín hữu, hầu như luôn luôn sống tâm tình của hai môn đệ Emmaus, vì như luôn có Chúa Giêsu Phục Sinh đồng hành trên mọi nẻo đường đời, nhất là vào hoàng hôn của mỗi ngày Chúa nhật…

Sau đây xin gợi ra một số ý nghĩ, cảm tình, có thể dùng khi chiêm niệm Mầu nhiệm thứ nhất trong năm sự Vui. Hy vọng những gợi ý đơn sơ này sẽ cho thấy được phần nào sự phong phú vô tận của việc lần hạt Mân Côi, với thái độ chiêm niệm, có nhiều điều gợi ý, nhưng như vừa nói thực ra mỗi người chỉ cần một điều nào đó thích hợp là đủ. Vậy lúc chiêm ngắm mầu nhiệm truyền tin, ta có thể chọn một trong những gợi ý sau đây:

1. Đồng hoá với vũ trụ, với nhân loại, như quy tụ lại trong lòng Đức Mẹ, khao khát chờ mong sự viếng thăm và ngự xuống của Thiên Chúa Ngôi Hai, như quả phụ vọng phu đứng chờ chồng. Thật vậy, cả vũ trụ có thể ví như người nữ vọng phu vắng bóng lang quân là Con Thiên Chúa , chờ ngày hôn phối thiêng liêng. Linh hồn cá nhân ta cũng vậy, Hội Thánh cũng vậy, nhân loại cũng vậy.

2. Đồng hoá với Đức Mẹ, dâng sự thuận tình tin tưởng, đón nhận lệnh truyền của Chúa, mở rộng tâm hồn cho Chúa Thánh Thần ngự xuống bao phủ. Có thể nói là để Ngài thực hiện một sự Nhập thể thiêng liêng của Ngôi Hai trong chính bản thân ta, để tiếp diễn chính cuộc đời của Chúa Giêsu qua đời ta.

3. Ta có thể xin cho ta và tất cả mọi người nhận rõ được ơn thiên triệu của mình, và được như Đức Mẹ biết thưa “xin vâng” và chu toàn trọn vẹn.

4. Ta có thể tự hạ mình thẳm sâu để thờ lạy sự khiêm nhường thẳm sâu của Thiên Chúa Ngôi Hai uy quyền toàn năng, hạ mình xuống làm một bào thai, bé hơn hạt cát nhỏ, trong lòng một Trinh Nữ nghèo khó.

5. Hợp ý với Đức Mẹ, ta thông công cùng toàn thể Hội Thánh, đại diện cho cả nhân loại và vũ trụ mà thờ lạy Thiên Chúa ngự trong lòng Đức Mẹ, như ta thường thờ lạy Thiên Chúa ngự trong Bí Tích Thánh Thể, trong Nhà Tạm. Đức Mẹ thường được xưng tụng là Hòm Bia Thiên Chúa là vì vậy.

6. Ta vui mừng hoan hỉ vì từ nay thụ tạo không còn bị côi cút cô quạnh, cách xa mặt Thiên Chúa nữa. Vì chính Thiên Chúa đã ngự xuống trần gian, cắm lều ở giữa chúng ta.

7. Kết hợp với Đức Mẹ mà dâng tất cả lên Thiên Chúa Cha, làm một với Chúa Giêsu cũng đang hiện diện trong lòng ta cách thiêng liêng như thực ngự trong lòng Đức Mẹ vậy.

8. Suy gẫm về tính cách mầu nhiệm âm thầm kín đáo của những việc kỳ diệu Thiên Chúa đã làm, đang làm và sẽ làm mà con mắt thế tục không hay biết gì, để thêm tin tưởng vào sự quan phòng kỳ diệu của Thiên Chúa trên đời ta, trên lịch sử của nhân loại, của Hội Thánh. Quả vậy, khi Ngôi Hai ngự xuống trần gian, ngoại trừ Đức Mẹ, không ai biết cả. Hiện nay và mãi mãi Chúa cũng làm những việc vô cùng kỳ diệu trong lĩnh vực siêu nhiên mà không ai hay biết.

Ví dụ: giữa lúc Đức Quốc Xã hoành hành, gần như sắp làm chủ cả thế giới, thì trong một lò hoả thiêu nào đó, nữ tu Têrêsa Bênêđicta Thánh Giá được ơn hoả thiêu, thân xác biến thành tro, tung rải rơi rớt chẳng biết bay về đâu (sự hoả thiêu ấy, đúng là ƠN, bởi vì người nữ tu này đã được phép bề trên cho tuyên khấn dâng mình làm của lễ toàn thiêu để ngăn chặn làn sóng Đức Quốc Xã sắp uy hiếp khắp nhân loại và Hội Thánh). Sự hoả thiêu ấy là cả một sự bừng nở của một đoá hoa thiêng liêng tuyệt mỹ. Còn tác dụng của nó trên lịch sử Hội Thánh và lịch sử nhân loại lớn lao đến mức nào, thì có ai biết , ai lường cho được?

Chính trong lúc ta viết, ta đọc dòng chữ này, có thể Thiên Chúa cũng đang thực hiện những sự kỳ diệu như vậy, mà có ai biết ai hay? Suy gẫm về sự lặng lẽ âm thầm của mầu nhiệm Truyền Tin, ta sẽ có một cái nhìn khác hẳn về sử quan. Điều chi phối lên chiều sâu của lịch sử (lịch sử cứu độ cũng như lịch sử phàm trần) không phải là những biến cố rầm rộ lẫy lừng bên ngoài, chỉ bùng lên rồi xẹp xuống; song là những gì diễn ra ở trong thế giới sâu xa thầm kín của nội tâm các linh hồn, trong đó có linh hồn ta.

Xưa kia giữa trần gian, ai biết được cô thiếu nữ Maria tầm thường kia sẽ là Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta cũng thế, dù là quét chợ, bán hàng rong, tê liệt, đui mù, cũng là con cái Thiên Chúa, là Đền Thánh, nơi Chúa ngự phần nào tương tự như “lòng Bà đầy ơn phúc”. Mỗi lần lên bàn thánh rước lễ trở về bàn quỳ, ta có thấy được sự cao trọng tuyệt vời đang xảy ra trong lòng ta không? Ý thức được điều ấy, ta sẽ thấy mọi của cải trần gian, danh vọng… sẽ là rơm rác tro bụi.

Ta trầm trồ khen ngợi, hãnh diện, kênh kiệu, vì loài người đã đặt chân lên cung trăng mà ta lại đui mù trước sự lạ vượt xa mọi sự lạ: một linh mục ở một nhà nguyện tồi tàn nào đó trong một vùng quê hẻo lánh nghèo nàn, chỉ có vài chục hộ giáo dân lao động, bữa đói, bữa no, thế mà mỗi buổi sáng, dưới ánh nến chập chờn khi ông cầm lấy miếng bánh nhỏ khẽ nói: “Này là Mình Ta” tức thì Ngôi Hai Thiên Chúa ngự xuống trên Bàn Thờ, chung quanh có chín phẩm Thiên Thần, các thánh Nam Nữ thờ lạy, tung hô (cung vàng điện ngọc, lâu đài, dinh thự, quyền bính trần gian có nghĩa lý gì so với cuộc thiết triều linh thánh ấy).

Trong lúc ta đang viết, đang đọc những dòng chữ vô duyên này, ai biết đâu Thiên Chúa đang cho những bào thai như Têrêsa Hài Đồng, như Đaminh Saviô thành hình. Ai biết đâu Ngài đang kết hợp những cặp vợ chồng như ông bà Louis Martin, ông bà Frédéric Ozanam, ông bà Jacques Maritain. Biết đâu trong lúc này ở một toà giải tội, nơi một góc xó trong một nguyện đường nào đó, một linh hồn tầm cỡ Charles de Foucauld đang nhận bí tích Giải Tội, mở đầu một cuộc đời thánh thiện, khơi chảy cả một truyền thống thiêng liêng hùng vĩ. Hoặc trên một giường bệnh nào đó, nơi một pháp trường nào đó, có những linh hồn đang trở về cùng Chúa ngay giây phút cuối đời, khi sắp trút hơi thở cuối cùng, như Fransini, như người trộm lành. Biết đâu trong giây phút này, cạnh một cột nhà thờ nào đó, có một Paul Claudel hay một André Frescard tò mò vào xem chầu Mình Thánh, nghe nhạc nghe giảng cho vui, bỗng nhiên nhìn nhận ra chân lý và được ơn trở lại. Nói rằng: “biết đâu” chỉ là một cách văn vẻ để nói “chắc hẳn là như thế”. Những điều kỳ diệu như vậy là do ơn Chúa, ơn Đức Mẹ, nhưng đồng thời cũng là do lời cầu nguyện âm thầm của bao linh hồn thánh thiện.

9. Nếu có ít nhiều xu hướng triết lý, ta có thể suy gẫm về giá trị của thân xác và vật chất (qua thân xác con người), về vấn đề trong tương quan giữa tinh thần và cơ thể (vì Ngôi Hai mặc lấy xác phàm).

10. Cầu nguyện cho bao người được thụ thai trong mỗi giây phút để tất cả được ơn cứu độ, đạt được cứu cánh tối hậu của kiếp người là trở nên con cái Thiên Chúa trong Đức Kitô để hưởng hạnh phúc muôn đời.

11. Hợp lòng cùng Trái Tim Đức Mẹ mà yêu mến Chúa, và hợp cùng Thánh Tâm Chúa mà yêu thương Đức Mẹ. Cùng trong một nhịp với hai trái tim chí thánh ấy mà kính mến Thiên Chúa Cha, mà yêu thương mọi người, mà yêu thương cuộc đời. Vâng, yêu thương cuộc đời này vì đời này là vườn ươm gieo mầm sự sống siêu nhiên vĩnh cửu, đời này là một cuộc hành hương trẩy hội, tuy có vất vả gian khổ, nhưng cuối cùng sẽ đưa con người có thiện tâm đến chỗ thành tựu viên mãn trong Nước Trời muôn thuở.

12. Xin Đức Mẹ nhận chính mình ta vào trong lòng Mẹ như Mẹ đã nhận lấy Chúa Giêsu vậy…

Trên đây chỉ là gợi ra một vài hướng suy nghĩ để người đọc thấy rằng mỗi một mầu nhiệm tiềm ẩn bao nhiêu là ý nghĩa cao thâm, có thể là của ăn siêu nhiên vô cùng vô tận cho tâm hồn. Và như trên đã nói: chỉ một ý nghĩa cũng đã đủ cho tâm trí ta đào sâu mãi không cùng, khác nào như miệng ngậm đường phèn, như ong hút mật hoa, như diệp lục tố hút năng lượng mặt trời, như rễ cây hút nhựa sống từ lòng đất phì nhiêu.

Hơn nữa, cần nhắc lại rằng, như đã nói trên đây, chúng ta không biết cầu nguyện thế nào cho đúng. Chính Chúa Thánh Thần mới là chủ thể nguyện cầu đích thực. Tất cả những nỗ lực của chúng ta, trước là để bày tỏ thành tâm thiện chí, sau là để điều chỉnh khả năng tâm lý và tâm linh hầu thanh lọc dần những ý tưởng, cảm tình, hình ảnh, ước muốn uế tạp của thế gian và thay thế bằng những ý tưởng, cảm tình, hình ảnh, ước muốn phù hợp và thích ứng với Lời Chúa hơn. Công việc của ta khác nào như so lại dây đàn, còn nhạc sĩ chính là Chúa Thánh Thần sẽ trực tiếp linh ứng, tấu lên những ngón đàn kỳ diệu vượt quá tầm mức của bất cứ con người nào. Và Thánh Thần thì sẽ không biết từ đâu thổi đến và sẽ thổi đưa đi đâu. Rất có thể rồi sẽ như trường hợp của Têrêxa Hài Đồng chỉ nghe tiếng kêu của Chúa Giêsu: “TA KHÁT” là đủ để lấy quyết tâm trì chí dâng trọn tình yêu lên để làm dịu cơn khát tình yêu của Thiên Chúa như luôn nài nỉ van lơn xin ta bố thí cho Ngài một hớp nước hèn mọn của tình yêu ta. Hoặc sẽ như Giaxintha ở Fatima luôn luôn khắc khoải về số phận muôn đời của các linh hồn, nên luôn luôn hãm mình hy sinh để cầu xin Chúa ban ơn cứu vớt các linh hồn sắp bị hư mất đời đời…

Trong bàn tiệc thánh của 15 mầu nhiệm chuỗi Mân Côi, Chúa và Đức Mẹ đã dọn ra vô vàn sơn hào hải vị thiêng liêng, ta sẽ tuỳ vị trí, tuỳ hoàn cảnh, tuỳ tâm tư, tuỳ ơn thiên triệu mà tha hồ lựa chọn, chỉ một món cũng đủ, miễn là ta sống tận tình, kiên trì, bền đỗ. Bởi vì tất cả chỉ là những dạng thức khác nhau của cùng một điều duy nhất: đó là YÊU MẾN.

An ủi Thánh Tâm, an ủi Mẫu Tâm, cầu nguyện cho các linh hồn, cầu cho Đức Giáo Hoàng, cầu cho hoà bình, cầu cho Chúa mau đến lại… chỉ là những nốt khác nhau của một bản nhạc duy nhất, do một nhạc sĩ duy nhất là Thần Linh Thánh Ái ở trong Ba Ngôi Thiên Chúa tình yêu. Do đó, mỗi khi đã tìm ta được món ăn thiêng liêng duy nhất dành riêng cho mỗi tâm hồn, ta chỉ còn quỳ gối, cúi đầu nhắm mắt lặng yên mà thờ lạy kính yêu, như trường hợp hai mẹ con Thánh Mônica và Thánh Augustinnô, hai chị em Têrêxa và Xêxilia Martin, hai chị em thiêng liêng Têrêxa Avila và Gioan Thánh Giá, hai người bạn Phanxicô và Clara sau khi trao đổi thiêng liêng, rồi cùng nhau im lặng, họ đã hầu như quên tất cả (nhất là quên hẳn chính mình) đi vào thế giới thần hiệp siêu nhiên chìm đắm, có thể nói gần như tan biến, mất hút vào trong trùng dương bát ngát của tình yêu Thiên Chúa chẳng khác gì như đã được nếm trước cái hương vị thần diệu của Nước Trời vĩnh cửu.

Tâm hồn sẽ cảm nghiệm được phần nào Lời Chúa hứa. Ta sẽ đến ở trong các con, tỏ mình cho các con, và tự đáy lòng các con sẽ vọt lên nguồn mạch nước trường sinh (Ga 14,23; 7,37-38). Dòng nước ân sủng làm cho vườn Thượng Uyển là chính tâm hồn ta trổ hoa, đậu quả, dâng lên rất đẹp mắt Thiên Chúa muôn trùng chí thánh sẽ tràn chảy tưới mát vườn nho của Thiên Chúa, làm cho bao mầm lúa đâm chồi, đơm hạt đi đến mùa gặt huy hoàng… và không những thế mà còn gián tiếp chi phối lên dòng lịch sử nhân loại kết quả phúc lợi thiêng liêng khó mà lường được. Lúc ấy, ta sẽ nhận định một cách hiện thực, sâu xa và kiên định đâu là sự bình an và niềm vui của Chúa ban, đâu là hạnh phúc thật. So với mối phúc thật ấy thì mọi sự trần gian: vui buồn, khoẻ mạnh, ốm đau, giàu nghèo, thành bại, thịnh suy, vinh nhục và cuối cùng cả sự sống, sự chết nữa, chỉ là hình bóng qua mau. Chỉ riêng có 15 sự trong chuỗi hạt Mân Côi mà Đức Mẹ ban cho ta, mời gọi ta ôn nhớ, ghi tạc, suy gẫm, thông dự, chung sống, mới là thực tại thực sự tồn tại muôn đời. Và lúc ấy ta mới thực sự nếm được cái vui mừng thật của Tin Mừng, và ta sẽ loan truyền đều ta thực sự nếm được ấy, trước hết bằng chứng tích của một cuộc sống thực tế hằng ngày với những vui, buồn, sướng, khổ, thăng trầm như mọi kiếp sống của anh chị em ta. Đó là điều chính yếu, ai cũng làm được và có nhiệm vụ phải làm như nhau. Rồi nếu quả là có ơn kêu gọi thì tuỳ nơi, tuỳ lúc, tuỳ người, tuỳ cách ta làm chứng nhân trong khiêm nhường, kín đáo, thận trọng, tế nhị, kiên trì, nhẫn nhục và nhất là trong yêu thương.

Nếu được vậy thì tâm hồn ta sẽ luôn phảng phất hình ảnh Đức Mẹ đồng hành, phù trợ khích lệ, an ủi, soi sáng. Lúc nào cũng như thầm vang lời chào mừng Mẹ và Con Mẹ, trong từng cái “khi nay” và suốt cuộc đời ta, cho đến “khi nay” cuối cùng là “giờ lâm tử”, đúng hơn là “phút sinh thì”, lúc ta sinh vào trong cõi sống muôn đời. Một cuộc đời như vậy là thực hiện được ý Cha trọn vẹn như lời của Chúa Giêsu và Đức Mẹ được trình bày thâu gọn qua chuỗi Mân Côi, miễn là ta sạch tội, thì cả cuộc đời, và ở đâu, lúc nào, làm gì, dù biến cố phủ phàng mấy đi nữa cũng được chung tâm tình với Đức Mẹ mà biến thành một bài “Magnificat” khởi đầu ở trần gian và tiếp tục nơi vinh phúc muôn đời không dứt “Linh hồn tôi ngợi khen Thiên Chúa” vì lòng xót thương của Người tồn tại đến muôn đời. Amen.

VÀI LỜI MINH XÁC 

Trên đây là những suy niệm thiêng liêng chủ yếu có tính cách “gợi ý”, “gợi cảm”, “tạo hình”, “đánh động tâm hồn”, nhằm hướng người tín hữu trong đời sống nội tâm và hành vi thực tế, chứ không phải là những “suy tư thần học chuyên môn”. Vì thế, những từ ngữ, những quảng diễn (chứ không phải là những diễn dịch lô-gíc chặt chẽ) chỉ có mức độ tương đối, nhằm tác dụng gợi ý, đánh động tâm linh, chứ không đem lại những phạm trù tư tưởng chính xác. Mục đích là giúp các tín hữu được thông dự và gần gũi vào những thực tại siêu nhiên, chứ không nhằm tạo thành một hệ thống tư duy thần học. Có thể nói, những trang trên đây thuộc về loại văn “tâm sự thiêng liêng” gần với văn nghệ hơn nghị luận.

1. Những từ ngữ “hiện diện”, “đồng hoá”, “hiện thực”, “tác động”, nói về Đức Mẹ Maria, chỉ có nghĩa biểu tượng để nhấn mạnh ơn siêu nhiên mà Thiên Chúa đặt vào tay Đấng thông ơn Thiên Chúa, chứ không có nghĩa “hữu thể học”, so sánh sự hiện diện của Đức Mẹ như tương tự sự hiện diện của Chúa trong bí tích Thánh Thể, chỉ là một cách nói gợi hình cho dễ hiểu, dễ cảm, giúp cho đời sống thiêng liêng được thêm phần sống động, sâu đậm, bền bỉ mong cho tâm hồn được thêm phần sốt sắng và vững chắc, chứ không phải là những khẳng định về tín lý.

2. Trái lại, những ý nghĩ thoạt nghe có thể hiểu như là hạ thấp quyền năng và vị thế của Mẹ Maria cũng vậy, đó chỉ là cách nói để nhấn mạnh tín điều “Nhập Thể”, thật sự “làm người” của Ngôi Hai, để giúp cho tâm hồn cảm nghiệm và sống sự gần gũi thân mật, thiết nghĩa của Tình Yêu Thiên Chúa qua sự chuyển tiếp của Đức Mẹ, theo hai chiều: trên xuống và dưới lên. Như vậy để thấy rằng Thiên Chúa đã yêu thương loài người tới mức tự hạ đến tột cùng. Sự “hạ thấp” ấy thực ra là một sự “nâng cao”. Tình yêu của Thiên Chúa đã cúi xuống trên phận hèn tôi tá như chính lời Đức Mẹ ngợi khen Thiên Chúa.

3. Chủ yếu những trang này không phủ nhận sự cần thiết phải cầu xin về các nhu cầu cần thiết ở trần gian, như cơm ăn, tài sản, tình duyên, sự nghiệp. Nó cũng khẳng định Đức Mẹ thường giúp đỡ con cái mình về các mặt ấy, và Đức Mẹ là người trăm phần trăm nếm đủ mùi cay đắng của cuộc đời trần thế của lớp người phải vật lộn với cuộc sống hằng ngày. Thế nhưng chỉ muốn gợi ý rằng cần phân biệt đâu là chủ yếu, đâu là thứ yếu, thiết lập một nấc thang giá trị đúng đắn và quân bình, hướng thượng chứ không khinh hạ.

4. Nếu ở đây có nhấn mạnh đến phầm động tác chủ động của con người trong mầu nhiệm cứu độ, thì không phải là phủ nhận tính cách “nhưng không” (gratuit) của ân sủng, mà chỉ muốn nhắc lại ơn gọi của con người là những hữu thể có tự do được Thiên Chúa tạo dựng nên giống hình ảnh Ngài, tức là những chủ thể có ngã vị, có tự do, được mời gọi trở nên cộng tác viên của Ngài, như thánh Augustinô đã nói: “Để tạo dựng nên con, Chúa không cần có con, nhưng để cứu độ con, Chúa cần có con cộng tác”. Thật ra nếu đọc kỹ sẽ thấy rằng, sự cộng tác được trình bày ở đây nhằm vào thái độ chuẩn bị sẵn sàng đón nhận ân sủng ban cho nhưng không, nhất là thái độ “thuận tình”, “phó thác” được biểu lộ trong hai chữ “XIN VÂNG” để cho chính tác động của Thiên Chúa được hoàn toàn có hiệu năng.

5. Trong việc cầu nguyện có một thứ tự trên dưới: thờ lạy, cảm tạ, đền tạ, cầu xin. Những trang này không có ý phủ nhận sự cần thiết của việc “cầu xin”, nhưng chỉ muốn thiết lập lại trật tự trên cho quân bình và trong những điều xin cũng muốn nhắc lại trật tự: xin cái gì cần thiết nhất (Chúa dạy đừng nói nhiều khi con cầu nguyện vì ta chưa xin Cha trên trời đã biết ta cần những gì. Chúa cũng bảo chỉ có một điều cần thiết thôi) và các sự khác sẽ ban thêm sau. Cần nhớ trật tự trước sau ấy.

6. Về các nhân vật chưa được Hội Thánh chính thức phong hiển thánh: bà Martin, ông bà Maritain, Giaxintha, Eve Lavallière, Bênêđicta de La Croix, Charles de Foucauld, Pascal… người viết chỉ nhắc đến như những bậc anh chị đi trước mà chúng ta có thể noi gương và rút ra những bài học bổ ích từ kinh nghiệm sống của các vị ấy như bất cứ tín hữu nào có ít nhiều dấu hiệu có một đời sống đạo đức cao sâu, thế thôi, chứ không phải đặt các vị ấy lên bàn thờ trước quyết định của Hội Thánh. Tuy nhiên hầu hết các vị ấy đều đã có sắc chỉ của Toà Thánh, hoặc của Giáo Hội địa phương bắt đầu việc điều nghiên tra cứu để đi đến việc tôn phong hiển thánh.

Dầu sao, tóm lại, những điều ghi chép trên đây chỉ có tính cách suy niệm riêng tư, và cảm nghiệm chủ quan cá nhân chứ không có cao vọng trình bày chân lý khách quan. Người viết ý thức rằng quyền thẩm định tối hậu và đánh giá khách quan là thuộc về những vị có thẩm quyền trong Hội Thánh phẩm trật do Thiên Chúa thiết lập để bảo toàn tín lý và chân lý chính thống của đạo Mạc Khải, mà người viết luôn một lòng tuân phục trong sự phục thiện hiếu thảo trung thành tuyệt đối.

THAY LỜI BẠT – CHIÊM NIỆM BÊN VỆ ĐƯỜNG 

Ngày nay, nhiều giáo dân phàn nàn không có thì giờ cầu nguyện vì phải làm ăn vất vả. Nhiều linh mục tu sĩ than phiền không có thì giờ nguyện gẫm (thường không ít là nửa giờ trong mỗi ngày).

Có lẽ chuỗi hạt Mân Côi sẽ giúp giải quyết khó khăn thực tế ấy, và có thể ảnh hưởng đến đời sống nội tâm. Cái thuận lợi của chuỗi Mân Côi là lần hạt ở đâu cũng được. Cũng không cần phải đọc 50 kinh một lần, mà có thể chia ra 10 lần, 15 lần từ sáng đến chiều tối, mỗi lần 5 hoặc 10 phút là đủ, cộng lại có thể quá nửa giờ.

Ví dụ: sáng dậy, ai cấm vừa vo gạo, vừa bổ củi, vừa giặt đồ… vừa lần hạt. Không cần tay lần hạt, chỉ cần miệng đọc kinh thầm và ngắm. Lúc chờ xe bên vệ đường, lúc đi đến nơi làm việc, lúc nối đuôi mua hàng, thay vì đảo mắt nhìn quanh lơ láo, thay vì vểnh tai nghe chuyện tào lao, hoặc nôn nóng bực bội chuốc mệt vào lòng, lại bị giác quan lôi cuốn cám dỗ lăng nhăng, khiến lòng trí chạy theo chuyện đâu đâu. Thay vì lo buồn tức giận, mộng mơ, ước muốn vớ vẩn, chuốc lấy xốn xang và có nguy cơ sa ngã, thì hãy cầm trí và lần hạt. Ai cấm được, ai ngăn cản được, ai dòm ngó rình mò được.

Ta cũng biết rằng trong những trường hợp vì hoàn cảnh khách quan không sao giữ lễ chúa nhật được, thì lần hạt Mân Côi cũng là một cách tạm thay thế.

Trong bài thơ mở đầu tập này có câu: “Mẹ là Nguyện Đường mầu nhiệm”. Chuỗi hạt Mân Côi có thể ví như ngôi nhà nguyện nhỏ ta mang theo để ta có thể đi vào chiêm ngưỡng Thiên Chúa Tình Yêu, nơi nào lúc nào cũng được. Vả chăng Đức Mẹ thường được ví như Đền Thờ Thiên Chúa, là tháp ngà báu, là đền vàng, là lâu đài Đavít, là ngôi thánh đường cho ta ẩn náu mà cầu nguyện bất cứ nơi nào lúc nào.

Do đó dù bận rộn đến đâu, cộng lại cả ngày thế nào cũng được tối thiểu là nửa giờ cầu nguyện và nguyện gẫm. Có thể đó là cách thực hiện điều mà nhà bác học Jacques Maritain gọi là “chiêm niệm bên vệ đường”, là cách chiêm niệm dành cho con người thế kỷ 20, thế kỷ của “chụp giật”, “đua chen”, “hối hả”, “hấp tấp”, lôi cuốn mọi người như cơn lốc lôi cuốn lá rụng tả tơi vậy.

Điều quan trọng là ta có thực sự muốn và thực sự cố gắng không? Hay ta lại lười biếng rồi đổ thừa cho hoàn cảnh, cho cái này, cái nọ; theo kiểu Ađam đổ lỗi cho Eva, Eva lại đổ lỗi cho con rắn. Con người thường rất khéo đổ thừa để tự biện minh. Đừng bao giờ quên rằng trong những thế kỷ đầu của Hội Thánh, phần đông tín hữu thuộc giai cấp nô lệ, nghĩa là những người luôn luôn bị kìm kẹp, bị kiểm soát vô cùng chặt chẽ và lao động quần quật suốt ngày đêm dưới cặp mắt cú vọ của những tên đốc công giám sát cực kỳ dã man tàn ác, hở một giây là đánh đập tàn nhẫn. Thế mà các tín hữu ấy có một đời sống rất thánh thiện, hầu như luôn luôn kết hợp mật thiết với Chúa, và nhất là như luôn chờ đợi Chúa đến. Đời chúng ta vất vả so với đời các bậc cha ông ấy có thấm vào đâu. Nên biết như thế, nhớ như thế và tự suy gẫm kết luận ấy.

Tất nhiên ta cũng không quên rằng, đời người thợ mộc Giêsu thành Nagiarét và bà Mẹ là quả phụ Maria cũng không nhàn hạ tĩnh mịch lắm đâu. Chúa Giêsu thường lẩn trốn vào nơi vắng vẻ lúc ban đêm để cầu nguyện vì chắc hẳn ban ngày Ngài bận rộn lắm. Còn “hầu tước” Charles de Foucauld, nhà chiêm niệm vĩ đại của thế kỷ thì đã rời bỏ dòng kín khổ tu La Trape để sống đời Nagiarét giữa lòng đám quần chúng lao động nghèo hèn, vất vả đầu tắt mặt tối, lam lũ suốt ngày. Có khi còn làm cả ca đêm nữa. Đức Hồng Y Danielou có nói rằng thế kỷ 20 là thời đại mà Thánh Antôn ẩn tu rời bỏ (hoặc bị trục xuất khỏi) hoang địa, hạ sơn sống đời chiêm niệm giữa lòng quần chúng lao động giữa các đô thị công nghệ hoá đầy ắp tiếng động và tràn ngập xê dịch chớp nhoáng.

Thế Tâm Nguyễn Khắc Dương

Nguồn: Mạng Lưới Dũng Lạc

Chia sẻ Bài này:

Related posts