Khi tìm hiểu nền tảng kinh thánh và thần học của biến cố Đức Maria hồn xác lên Trời, chúng ta phải đọc lại chương 15 thư thứ I thánh Phaolô gửi tín hữu Côrintô, trong đó thánh nhân giải thích vai trò của sự sống lại và vinh quang ngày sau hết.
Thật vậy biến cố Đức Maria hồn xác lên Trời cho thấy đích điểm cuộc sống của chúng ta: đó là được hưởng vinh quang thiên quốc, tức được bước vào tình trạng hạnh phúc trong nơi, mà nhân tính rất thánh của Chúa Giêsu Kitô đang sống hiện nay. Đó cũng là tình trạng mà Thiên Chúa dành để cho tất cả mọi người được tuyển chọn trong ngày tận thế. Những người chết sau khi lãnh nhận bí tích Rửa Tội và trước khi biết sử dụng lý trí, cũng như những người công chính được thanh tẩy một cách hoàn toàn khỏi mọi dấu vết tội lỗi, thì linh hồn họ được tham dự vào tình trạng hạnh phúc này trước ngày phán xét sau hết (DS 1000), nhưng thân xác thì chưa. Đặc ân hồn xác lên trời được ban cho Đức Maria là sự kiện toàn con người của Mẹ, hồn xác, được hưởng vinh quang hạnh phúc ấy giống như Chúa Giêsu Con Mẹ ngay sau khi chết. Và đó là đặc ân chỉ được dành cho duy nhất một mình Mẹ, là Đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội và là Mẹ Thiên Chúa.
Thánh Phaolô cho chúng ta thấy đích đến lý tưởng của nhân loại là Chúa Kitô vinh hiển, mà sự năng động của lịch sử hướng tới theo chương trình của Thiên Chúa. Đích điểm của mọi người là được đồng hưởng vinh quang với Chúa Kitô. Nói một cách khác, cũng như có một bước nhảy về phẩm giữa bản chất trần gian và bản chất vinh quang của Chúa Kitô, cũng sẽ có một bước nhảy về phẩm giữa thịt xác và khí huyết, hay giữa thân xác tự nhiên tâm thần và tình trạng của sự phục sinh. Chính trong trật tự tư tưởng này, truyền thống ngôn sứ và khải huyền mới nói tới ”việc tạo dựng mới”, ”trời mới đất mới”. Trong chương 5 thư thứ II gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô khẳng định: ”Phàm ai ở trong Đức Kitô đều là thọ tạo mới. Cái củ đã qua, và cái mới đã có đây rồi” (2 Cr 5,17). Thư thứ II thánh Phêrô cũng nhắc cho tín hữu phải tốt lành thánh thiện, tinh tuyền, không có gì đáng trách và phải sống bình an, trong khi ”mong đợi trời mới đất mới, nơi công lý ngự trị theo lời Thiên Chúa hứa” (2 Pr 3,13-14). Cảnh ”trời mới đất mới” và thành Giêrusalếm mới ấy cũng đuợc trình bầy trong chương 21 sách Khải Huyền.
Trong đoạn cuối cùng chương 15 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô thánh Phaolô viết: ”Thưa anh em, điều tôi muốn nói là xác thịt và khí huyết không thể thừa hưởng Nước Thiên Chúa được, cũng như cái hư nát không thể thừa hưởng sự bất diệt được. Đây tôi nói cho anh em biết mầu nhiệm này: không phải tất cả chúng ta sẽ chết, nhưng tất cả chúng ta sẽ được biếm đổi trong một giây lát, trong một nháy mắt, khi tiếng kèn cuối cùng vang lên. Vì tiếng kèn sẽ vang lên, và những kẻ chết sẽ trỗi dậy và không còn hư nát; còn chúng ta, chúng ta sẽ được biến đổi. Qủa vậy, cái thân phải hư nát này sẽ mặc lấy sự bất diệt; và cái thân phải chết này sẽ mặc lấy sự bất tử” (1 Cr 15,50-53).
Sau khi đã tới ngưỡng cửa thế giới của Thiên Chúa, thánh Phaolô ném một cái nhìn vượt qua các biên giới của lịch sử, nơi tư tưởng và các ý niệm của loài người không còn giá trị nữa. Nhưng sự mạc khải đã định lượng một cách hòa hoãn ánh sáng của nó trên các chân trời này, và vì thế thánh Phaolô bị bó buộc phải bỏ kiểu dậy dỗ của truyền thống tông đồ để dùng các hình ảnh của truyền thống khải huyền. Và như thế thánh nhân vén mở cho tín hữu Côrintô một mầu nhiệm, nghĩa là một thực tại bí mật còn đang bị dấu kín nhưng thánh nhân cho rằng mình đã nhận được nhờ mạc khải. Mầu nhiệm ở tại điểm này: đó là cả những người được cái chết tha cho, nghĩa là họ vẫn còn sống trong ngày Chúa Kitô quang lâm, sẽ được biến đổi, và phải được biến đổi để có thể cùng Người bước vào trong vinh quang. Cũng giống như các tín hữu thời Giáo Hội sơ khai thánh Phaolô tin rắng ngày Chúa Kitô quang lâm không còn xa nữa, nên chính thánh nhân và nhiều tín hữu thời đó sẽ thuộc hàng ngũ những người còn sống khi Chúa Kitô trở lại trong vinh quang. Xác tín ấy mạnh mẽ tới độ có nhiều tín hữu nôn nóng chờ đợi, bỏ hết công ăn việc làm, giải quyết mọi chuyện, và suốt ngày không làm gì cả, nhưng việc gì cũng xen vào, gây căng thẳng và xáo trộn trong cộng đoàn. Và thánh Phaolô đã phải can thiệp và khuyên nhủ họ chăm chỉ làm việc để có của nuôi thân, đừng trở nên gánh nặng cho người khác hay cộng đoàn và sống trong an bình (2 Tx 3,7-12).
Thật ra chính thánh Phaolô đã trình bầy vấn đề người sống và kẻ chết trong ngày Chúa quang lâm khi viết trong chương 4 thư thứ I gửi tín hữu giáo đoàn Thêxalonica như sau: ”Thưa anh em, về những ai đã an giấc ngàn thu, chúng tôi không muốn để anh em chẳng hay biết gì, hầu anh em khỏi buồn phiền như những người khác, là những người không có niềm hy vọng. Vì nếu chúng ta tin rằng Đức Giêsu đã chết và đã sống lại, thì chúng ta cũng tin rằng những người đã an giấc trong Đức Giêsu, sẽ được Thiên Chúa đưa về cùng Đức Giêsu. Dựa vào lời của Chúa chúng tôi nói với anh em điều này, là chúng ta, những người đang sống, những người còn lại vào ngày Chúa quang lâm, chúng ta sẽ chẳng đi trước những người đã an giấc ngàn thu đâu. Vì khi hiệu lệnh ban ra, khi tiếng tổng lãnh thiên thần và tiếng kèn của Thiên Chúa vang lên, thì chính Chúa sẽ từ trời ngự xuống, và những người đã chết trong Đức Kitô sẽ sống lại trước tiên; rồi đến chúng ta, là những người đang sống, những người còn lại, chúng ta sẽ được đem đi trên đám mây cùng với họ, để nghênh đón Chúa trên không trung. Như thế, chúng ta sẽ được ở cùng Chúa mãi mãi. Vậy anh em hãy dùng những lời ấy mà an ủi nhau” (1 Tx 4,13-18).
Tiếng loa và tiếng kèn là các kiểu nói quy ước của nền văn chương khải huyền miêu tả cảnh ngày sau hết.
Nói về ngày quang lâm thánh sử Mátthêu cũng viết trong chương 24 câu 31 rằng Chúa Kitô ”sẽ sai các thiên sứ của Người thổi loa vang dậy, tập hợp những kẻ được Người tuyển chọn từ bốn phương trời, từ chân trời này đến chân trời kia”. Chương 8 sách Khải Huyền tả cảnh bẩy thiên thần thổi kèn khi Chúa Kitô Chiên Con mở 7 dấu ấn cuốn sách chứa đựng nội dung lịch sử thế giới (Kh 8,6-10; Tv 47,6; Is 27,13… ). Xem ra thánh Phaolô cũng nghĩ rằng ngày Chúa Kitô quang lâm đã rất gần, và có thể sẽ cùng được chứng kiến với nhiều tín hữu khác. Dầu sao đi nữa, thánh nhân nghĩ rằng trong ngày Chúa Kitô quang lâm sẽ có những người đang dấn thân trong lịch sử, và còn sống hay đã chết tất cả mọi người sẽ được biến đổi.
Tuy nhiên từ từ thánh Phaolô và các kitô hữu hiểu ra rằng biến cố Chúa Kitô quang lâm không cận kề như họ tưởng nghĩ. Trong chương 2 thư thứ II gửi tín hữu Thêxalônica, thánh nhân căn dặn tín hữu như sau: ”Thưa anh em, về ngày Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta quang lâm và tập hợp chúng ta về với Người, tôi xin anh em điều này: nếu có ai bảo rằng chúng tôi đã được thần khí mặc khải, hoặc đã nói, đã viết thư qủa quyết rằng ngày của Chúa gần đến, thì anh em đừng vội để cho tinh thần bị giao động, cũng đừng hoảng sợ. Đừmg để ai lừa dối anh em bất cứ cách nào. Trước đó, phải có hiện tượng chối đạo, và người ta phải thấy xuất hiện người gian ác, đứa hư hỏng. Tên đối thủ tôn mình lên trên tất cả những gì được gọi là thần và được sùng bái, thậm chí nó còn ngồi trong Đền Thờ Thiên Chúa và tự xưng là Thiên Chúa” (2 Tx 2,1-4).
Thánh Phaolô kết luận suy tư của người trong chương 15 thư thứ I gửi tín hữu Côrintô như sau: ”Vậy khi cái thân xác phải hư nát này mặc lấy sự bất diệt, khi cái thân phải chết này mặc lấy sự bất tử, thì bấy gìơ sẽ ứng nghiệm lời Thánh Kinh sau đây: Tử thần đã bị chôn vùi. Đây giờ chiến thắng! Hỡi tử thần, đâu là chiến thắng của ngươi? Hỡi tử thần, đâu là nọc độc của ngươi? Tử thần có độc là vì tỗi lỗi, mà tội lỗi có mạnh cũng tại có Lề Luật. Nhưng tạ ơn Thiên Chúa, vì Người đã cho chúng ta chiến thắng nhờ Đức Giêsu Kitô, Chúa chúng ta. Bởi vậy, hỡi anh em thân mến, anh em hãy kiên tâm bền chí, và càng ngày càng tích cực tham gia vào công việc của Chúa, vì biết rằng: trong Chúa, sự khó nhọc của anh em sẽ không trở nên vô ích” (1 Cr 15,54-58).
Ở đây thánh Phaolô hướng tới số phận của tín hữu trong nhãn quan siêu nhiên, và trích tư tưởng của ngôn sứ Isaia 25,8: ”Thiên Chúa sẽ vĩnh viễn tiêu diệt tử thần”. Lời trích khác với văn bản Bẩy Mươi và văn bản Do thái, nhưng giống văn bản của Aquila và Teodozione. Cái chết sẽ bị chiến thắng nuốt trửng, và sẽ là kẻ thù cuối cùng bị đánh bại và tiêu diệt. Chính thực tại này khiến cho thánh Phaolô vui mừng kêu lên, được gợi hứng bởi hình ảnh chương 13 câu 14 sách ngôn sứ Hosea: ”Tử khí ngươi đâu rồi hỡi Thần chết? Nọc độc của ngươi đâu, hỡi Âm ty?”, nhưng thánh nhân giải thích ngay nọc độc của cái chết là tội lỗi, và quyền lực của tội lỗi là Lề Luật. Lề Luật chỉ cho thấy điều lệ, nhưng không trao ban sức mạnh nội tâm giúp chu toàn nó, và như thế Lề Luật trở thành một kích thích phạm tội, dẫn đưa con người tới cái chết. Thánh Phaolô sẽ thảo luận vấn đề này trong chương 7 thư gửi tín hữu Roma (Rm 7,7-25).
Thánh nhân trở lại với tư tưởng chiến thắng cuối cùng của Chúa Kitô, mà sự phục sinh là sự khởi đầu và là bảo chứng. Xác tín này phải được tín hữu diễn tả ra bằng sự trung thành và kiên trì dấn thân trong công việc của Chúa, nghĩa là hành động phù hợp với tinh thần của Chúa Kitô và các mục đích của Người.
(Thánh Mẫu Học bài 333)
Linh Tiến Khải
Nguồn: Vietvatican