Mẹ tất cả mọi người

Chủ đề: “Đức Maria không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa mà còn là Mẹ của hết thảy chúng ta.”

Cách đây nhiều năm, Fulton Oursler là biên tập viên của một tạp chí nội địa được các độc giả hoan nghênh nhiệt liệt, câu chuyện đàng sau sự thành công của anh rất hấp dẫn. Nhưng câu chuyện anh tìm kiếm Thiên Chúa còn hấp dẫn hơn nữa.

Với tư cách một phóng viên cho tờ báo Baltimore American, đã dự những buổi họp của giáo phái Methodist, các hội nghị của gíao phái Baptist, và những buổi sinh hoạt ngoài trời. Anh cùng dự cả những buổi họp để chờ các vong hồn xuất hiện trong phòng tối. Anh nói: “vào tuổi 30, ngoài những chuyện ấy ra, tôi còn tự nhận mình là người theo thuyết bất khả tri (agnostic). Nhưng thay vì tìm được bình an, sự vô tín ngưỡng khiến anh cảm thấy tâm hồn mình hoàn toàn trống trải và bất hạnh. Sự trống trải bất hạnh ấy về sau lại biến thành một nỗi u uất gặm nhấm tâm hồn anh. Thế rồi một ngày kia, cơn khủng hoảng trầm trọng đó đã làm cho gia đình anh phải lo sợ. Anh cần được cứu giúp. Nhưng sự cứu giúp mà anh cần là một thứ cứu giúp mà bạn bè anh không thể làm được cho anh. Anh không biết cầu cứu ai, kể cả Thượng Đế, vì anh có tin vào Ngài đâu.

Tại New York, vào một ngày lộng gío, anh rảo bước trên đại lộ Thứ Năm. Tới nhà thờ chính toà, anh dừng lại, ngắm nhìn ngôi giáo đường và suy nghĩ. Anh đang tuyệt vọng. Mấy phút sau, anh định thần lại bước lên các bậc thang, vào bên trong nhà thờ và ngồi xuống, sau một vài phút tập trung tư tưởng, anh cúi đầu xuống và xin Thiên Chúa ban đức tin cho anh. Anh ngồi đó một lát rồi đứng dậy. Anh tới gian nhà nguyện của Đức Mẹ ở trong giáo đường. Anh bước vào trong, quì gối xuống, và cầu nguyện như sau:

“Mười phút nữa hay sớm hơn, tôi có thể thay đổi ý định, tôi có thể chế diễu tất cả những việc này và lại trở lại với sự sai lầm của tôi. Vì thế xin đừng chú ý đến tôi nữa. Vì trong giây phút ngắn ngủi này, tôi cảm thấy tâm hồn bình an. Đây là cố gắng lớn nhất của tôi, xin Ngài hãy khấng nhận và quên đi những gì khác. Và nếu Ngài thực sự có mặt tại đây xin hãy cứu giúp tôi”.

Vào giây phút đó, anh nói, bắt đầu có một sự biến đổi kỳ lạ trong cuộc đời anh. Cuối cùng, sự biến đổi đó đã khiến anh trở nên một Kitô hữu có một niềm tin tưởng sâu xa.

***

Việc Fulton Oursler tìm kiếm Thiên Chúa đã kết thúc tại một giáo đường. Đời sống tâm linh và cuộc sống mới của anh bắt đầu tại một nhà nguyện dâng kính Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Thật là một nơi thích hợp cho sự việc đó. Đức Mẹ không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa. Ngài còn là Mẹ của toàn nhân loại về mặt tâm linh. Vì khi Đức Mẹ sinh Chúa Giêsu, Ngài cũng sinh ra một nhân loại mới. Thánh Phaolô diễn tả mầu nhiệm đó trong bài đọc II như sau:

“Khi thời gian viên mãn, Thiên Chúa đã sai Con Ngài xuống, sinh làm con một người nữ, và sống dưới chế độ luật Do Thái để cứu chuộc những người sống dưới chế độ lề luật đó, hầu chúng ta được trở thành con cái Thiên Chúa… và vì bạn là con của Thiên Chúa, nên Ngài sẽ cho bạn tất cả những gì Ngài dành cho con cái Ngài”.

Bàn luận về mầu nhiệm cao cả này, Hiến Chế về Giáo hội trong thế giới ngày nay của công đồng Vatican II nói:

“Qua mầu nhiệm nhập thể, một cách nào đó, Con Thiên Chúa đã tự liên kết mình với mọi người, Ngài làm việc bằng đôi tay, suy nghĩ bằng khối óc, hành động bằng sự chọn lựa, và yêu thương bằng trái tim loài người, sinh từ lòng Đức Maria Ngài thực sự trở thành một người trong chúng ta hoàn toàn giống như chúng ta ngoại trừ tội lỗi”.

Thật vậy, khi Đức Mẹ sinh ra Chúa Giêsu Ngài cũng sinh ra một nhân loại mới, vì thế Đức Mẹ không phải chỉ là Mẹ Thiên Chúa, mà ngài còn là Mẹ tất cả mọi người chúng ta nữa.

Vì Đức Mẹ là Mẹ chúng ta, nên ngài là một trạng sư bào chữa cho chúng ta rất hữu hiệu trên trời. Không biết Đức Maria là mẹ mình, chính là không biết đến món quà mà Thiên Chúa ban tặng chúng ta, tức tình mẫu tử của Đức Maria dành cho chúng ta.

Điều đó khiến chúng ta nghĩ tới năm mới. Năm mới với hy vọng mới. Năm mới với cuộc đời mới. Năm mới là cơ hội để chúng ta bắt đầu lại.

Năm ngoái là quá khứ, đã qua rồi. Năm nay vừa mới sinh ra và ở trước mặt ta. Đó là món quà Thiên Chúa tặng chúng ta. Những gì chúng ta làm được với món quà ấy, chính là món quà mà chúng ta sẽ dâng lên Thiên Chúa. Thật là thích hợp khi Giáo hội chọn ngày đầu năm để mừng kính lễ Đức Maria Mẹ Thiên Chúa. Vì điều đó nhắc nhở chúng ta rằng tình mẫu tử của Đức Maria mà bạn và tôi được Thiên Chúa ban cho một đời sống hoàn toàn mới, một niềm hy vọng mới, thứ hy vọng mà chỉ một mình Thiên Chúa mới có thể ban tặng. Nếu chúng ta đang tìm một quyết định cho năm mới này thì không có một quyết định nào tốt đẹp hơn là tạo cho Đức Maria một vai trò quan trọng hơn trong đời sống chúng ta. Và một trong những cách để thực hiện quyết định đó là thực hiện bằng cầu nguyện.

Chúng ta có thể xin Đức Maria bầu cử cho chúng ta như Ngài đã từng bầu cử cho biết bao những đứa con khác của Ngài trong lịch sử. Một cách đơn giản để thực hiện điều đó là cầu nguyện hằng ngày bằng bài kinh đặc biệt kính Đức Maria, tức kinh Kính Mừng. Một cách khác để làm điều đó là bắt chước cách cầu nguyện của chính Đức Maria. Trước hết, Ngài cầu nguyện bằng cách suy niệm về hoạt động của Thiên Chúa, không phải chỉ ở trong lịch sử loài người, mà ở ngay trong cuộc sống của Ngài nữa. Thánh Luca đã cho chúng ta một cái nhìn về cách cầu nguyện này vào cuối bài tường thuật của Ngài về việc Đức Giêsu sinh ra: “Maria ghi nhớ tất cả những chuyện ấy và suy niệm trong lòng” (Lc 2, 19). Một cách cầu nguyện khác nữa của Đức Maria là nói với Thiên Chúa cách hồn nhiên những gì xuất phát từ trái tim Ngài. Thánh Luca cho chúng ta một cái nhìn về cách cầu nguyện này khi mô tả Đức Maria cầu nguyện trong cuộc viếng thăm bà Isave. Chúng ta hãy dùng lời kinh ấy để kết thúc bài giảng hôm nay. Xin mời anh chị em im lặng cùng cầu nguyện với tôi:

“Linh hồn tôi tán dương Thiên Chúa,

Thần trí tôi hoan hỉ vui mừng trong Thiên Chúa Đấng cứu độ tôi,

Ngài đã đoái thương đến tôi, là tôi tớ thấp hèn của Ngài

“Kể từ nay muôn đời sẽ khen tôi có phúc, vì Đấng Toàn Năng đã làm cho tôi những việc trọng đại.

“Ngài đã giơ cánh tay thần lực nâng những người hèn mọn lên …

“Ngài đã giữ lời đã phán hứa với các tổ phụ…

“Ngài đã nhớ tỏ lòng từ bi với Abrham và dòng dõi của ông tới muôn đời” (Lc 1: 46-55)

 

Lm. Mark Link

Chia sẻ Bài này:

Related posts