Gía trị của một cái chết

Nói đến thánh giá, chúng ta hay nghĩ rằng, thánh giá chính là cây gỗ đã từng treo Chúa trên đồi Calvariô. Hiểu như thế là đúng, nhưng chưa đủ. Tuân phục thánh ý Chúa Cha, Chúa Kitô chấp nhận cây thập giá đau thương bằng cả một hành trình của chính sự sống mình. Bởi vậy, ta có thể nói, Chúa Kitô vác thập giá suốt cả cuộc đời dương thế của Người. Chặng đường đau khổ để đi vào tử nạn chỉ là đỉnh điểm của cây thập giá cuộc đời của Người mà thôi.

Nhìn vào thập giá Chúa Kitô, người ta tự hỏi: Điều gì đã làm cho cái chết của Chúa Kitô có sức tẩy xóa tội lỗi loài người?

Khi phạm tội, dù là bất cứ tội nào, dưới bất cứ hình thức nào, tội của loài người luôn luôn quy về một thứ tội kinh khủng nhất: chống đối chính Thiên Chúa. Chống lại Chúa của mình, loài người cũng chính là kẻ kiêu ngạo. Hành vi tội ác ấy là hành vi Thiên Chúa cấm. Nhưng Ađam ngày xưa đã khai màu cho tội bằng hành vi chống đối và kiêu ngạo ấy. Từ đó, dòng dõi Ađam, một khi phạm tội, đều rập khuôn tội Ađam.

Một điều rất đỗi lạ lùng là, trái ngược hoàn toàn tội ác của loài người, lại được diễn ra nơi cái chết của Chúa Kitô, đó là Thiên Chúa không hề oán hận loài người, lại một lòng yêu thương rất mực.

Chúa Kitô chết để minh chứng đến cực độ tình yêu mến hiến thân của Người (trái ngược hẳn lòng kiêu căng của Ađam) và sự tuân phục hoàn toàn theo thánh ý Thiên Chúa (điều mà Ađam không có được). Như vậy nhân đức của Chúa Kitô đã tẩy xóa tội ác. Lòng yêu mến và tuân phục của Ađam mới đến bù sự kiêu ngạo và bất tuân của Ađam cũ.

Đặc biệt, thánh Gioan và thánh Phaolô đã có câu trả lời hòng thỏa mãn câu hỏi: Điều gì đã làm cho cái chết của Chúa Kitô có sức tẩy xóa tội lỗi loài người? Đó chính là tình yêu của Thiên Chúa đối với loài người. Lòng yêu thương đó lớn đến nỗi, Thiên Chúa chấp nhận hy sinh Người Con Một của mình: “Tình yêu của Thiên Chúa đối với chúng ta được biểu lộ như thế này: Thiên Chúa đã sai Con Một đến thế gian để nhờ Con Một của Người mà ta được sống” (1Ga 4, 9).

Bên cạnh tình yêu của Thiên Chúa Cha, còn là chính tình yêu của Chúa Kitô dành cho trần gian: “Như Đức Kitô đã yêu thương chúng ta, và vì chúng ta, đã tự nộp mình làm hiến lễ, làm hy lễ dâng lên Thiên Chúa tựa hương thơm ngào ngạt” (Eph 5, 2).

Lòng vâng phục trong sự tự hủy chính mình đền tội thay cho trần giancủa Chúa Kitô cũng được Tân Ước xem như giá trị cứu độ. Thánh Phaolô khẳng định rằng, sự bất tuân của Ađam đã làm cho chúng ta trở thành những người tội lỗi, đã được thay thế bằng sự tuân phục của Chúa Kitô, Ađam mới, khiến chúng ta nên công chính: “Vì một người duy nhất không vâng phục Thiên Chúa, mà muôn người thành tội nhân, thì nhờ một người duy nhất đã vâng lời Thiên Chúa, muôn người cũng sẽ thành người công chính” (Rm 5, 19).

Trong sự vâng phục từ bỏ chính mình, Chúa Kitô cũng cho ta thấy lòng khiêm hạ thẳm sâu của Người: “Người còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Phil 2, 8).

Thánh Gioan cũng cho ta thấy sức mạnh cứu độ, và chiến thắng satan của lòng vâng phục và yêu thương của Chúa Kitô“Thủ lãnh thế gian đang đến. Đã hẳn, nó không làm gì được Thầy! Nhưng chuyện đó xảy ra là để cho thế gian biết rằng Thầy yêu mến Chúa Cha và làm đúng như Chúa Cha đã truyền cho Thầy” (Ga 14, 30-31).

Như vậy, với cái nhìn cứu độ, cái chết của Chúa Kitô không là sự thất bại. Ngược lại, bởi tình yêu, bởi lòng vâng phục, cái chết của Người là sự chiến thắng lớn. Người đã chiến thắng tội lỗi, chiến thắng lòng kiêu ngạo, chiến thắng sự bất tuân của loài người. Người chiến thắng chính kẻ là đầu mối của tội lỗi, của sự chết: ma quỷ.

Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG

Chia sẻ Bài này:

Related posts