Tình yêu chính là ý nghĩa của Bí tích Thánh Thể.
Ngày hôm nay, ta cùng hiệp ý với Chúa Giêsu trong Bữa tiệc Vượt qua theo truyền thống Do thái với các môn đệ. Nhưng trước và sau bữa tiệc ấy, Người thết đãi họ thêm một món ăn và một món uống làm thành Bữa Tiệc Thánh Thể ám chỉ cuộc Vượt qua của Người. Chính Người không ăn bữa tiệc phụ trội ấy, vì người vừa là chủ đãi tiệc vừa là của ăn đem ra thết đãi thực khách; Người vừa là tư tế vừa là của lễ.
Ta nhận ra rằng trình thuật này sẽ được sáng tỏ hơn nếu đặt nó trong tương quan với biến cố vượt qua. Sự giải thoát của chúng ta, sự vượt qua từ cái chết đến sự sống, được đảm bảo nhờ chính cuộc vượt qua mà Đức Kitô đã thực hiện bằng viêc tự hạ mang lấy thập giá: việc tự hạ này được tiên báo trong cử chỉ khiêm tốn phục vụ thay thế các tông đồ.
“Trước lễ Vượt qua”, những chữ đầu tiên này rất quan trọng. Dầu người ta có giải quyết thế nào về vấn đề niên hiệu các ngày sau cùng, của cuộc đời Chúa Giêsu dưới thế này (đối với phúc âm nhất lãm, bữa tiệc ly xem ra trùng hợp với ngày lễ vượt qua của người Do thái, trong khi đó đối với Gioan, bữa tiệc ly xảy ra truóc đó một ngày), hình như chắc Gioan muốn trình bày cho chúng ta nội dung của chương 13-17 trong bối cảnh lễ vượt qua Do thái.
Trong bữa tiệc Vượt qua truyền thống Do Thái, người gia trưởng chủ tọa cuộc lễ, nhưng ông không phải là của lễ. Cả cộng đoàn cùng làm hành động tế tự ấy, vì tất cả đều tham dự vào chức tư tế phổ quát của dân được Thiên Chúa tuyển chọn và thánh hiến. Trái lại khi thiết lập bí tích Thánh Thể, Chúa Giêsu hành động với tư cách tư tế thượng phẩm, nhưng là một tư tế thượng phẩm độc đáo, vì Người tự hiến tế mình như của lễ để làm lương thực cho các môn đệ trong bữa tiệc hiệp thông của Giao ước mới. Người là tư tế nhưng chỉ là tư tế của Giao ước mới.
Trong bữa tiệc ly, Chúa Giêsu đã quì gối rửa chân cho các Tông đồ và cũng trong Bữa Tiệc ly Ngài đã thiết lập Bích tích Thánh Thể cũng như loan báo về cái chết của Ngài. Phêrô đại diện các Tông đồ đã có lý khi khước từ Chúa Giêsu rửa chân cho ông vì đây là công việc của tôi tớ trong nhà.
Theo truyền thống Do Thái, trước khi vào bàn ăn tôi tớ trong nhà phải đi rửa chân cho khách. Chúa Giêsu đã muốn thực hiện cử chỉ ấy để thực thi chính điều Ngài đã nói : Con người không đến để được hầu hạ, nhưng để hầu hạ và hiến mạng sống làm giá chuộc nhiều người.
Chiều tiệc ly được thánh Gioan ghi lại tỉ mỉ và gợi hình. Chúa Giêsu làm bảy cử điệu rõ ràng: đứng dậy, cởi áo, lấy khăn, thắt lưng, đổ nước, rửa chân và lau lọt. Khi cởi áo choàng ngoài Chúa Giêsu đã làm cử chỉ của một người nô lệ hay ít ra của một người thợ bắt tay vào việc. Thời đó, phận sự của nô lệ, đặc biệt các nô lệ không phải là người Do thái có nhiệm vụ rửa chân cho khách tới nhà (1 Sm 25, 41).
Đây là một việc làm hoàn toàn tự nguyện của Chúa. Ngay cử chỉ Chúa cởi áo và tự lấy mặc lại (c. 12) làm chúng ta liên tưởng đến những lời Chúa đã nói (Ga 10, 17-18) để nói đến cái chết hoàn toàn tự nguyện và sự sống lại uy quyền của riêng Ngài. Khi Chúa Giêsu vừa làm xong công việc của một nô lệ, thì Chúa muốn nhấn mạnh đến sự bất tương xứng tự nhiên giữa công việc ấy đối với một vì Thiên Chúa (c. 14), là họ thực sự là những môn đệ phục vụ hoàn toàn cho nước Trời, phục vụ cho đến chết, như lời Chúa nói “Tôi tớ không lớn hơn chủ, kẻ được sai không lớn hơn kẻ sai mình” (Mt 10, 14 Lc 6,40. Ga 15, 20). Đấy chúng ta thấy một vì Thiên Chúa thực hiện câu “Ta đến để phục vụ…” (Mt 20, 28). Rất có thể có một ông vua trần thế làm công việc khiêm tốn ấy cho bầy tôi trước khi từ giã rút lui khỏi ngai vàng của mình.
Cử chỉ yêu thương mà Chúa Giêsu đã làm cho các Tông đồ là một quyết tâm sống trọn ý nghĩa yêu thương của Ngài, cũng như người tôi tớ không sống cho mình mà cho người khác. Nhưng Ngài chưa lấy làm đủ, Ngài còn biểu lộ tình yêu qua hình ảnh một miếng bánh trao ban để ở mãi với con người. Bị bẻ ra và tiêu tan, Chúa Giêsu đã sống đến cùng những đòi hỏi của yêu thương.
Thánh Gioan đã tóm gọn cuộc sống Chúa Giêsu qua câu : “Ngài đã yêu các kẻ thuộc về Ngài và đã yêu đến cùng”, nghĩa là sẵn sàng sống chết cho người mình yêu. Tình yêu đến cùng ấy, Chúa Giêsu đã thể hiện qua cái chết trên Thập giá, và Ngài còn muốn tái diễn hàng ngày dưới hình dạng Bánh và Rượu trong bí tích Thánh Thể. Cũng như tôi tớ chỉ sống và chết cho người khác, chiếc bánh chỉ hiện hữu để được ăn, được hao mòn, được tiêu tán.
Dưới hình thức lương thực, Chúa Giêsu muốn thể hiện tình yêu của Ngài đối với chúng ta; tiếp nhận Ngài qua Bí tích thánh thể, chúng ta sống bằng chính sự sống của Ngài, ăn uống Ngài, chúng ta cũng được mời gọi nên giống Ngài và san sẻ sự sống của Ngài cho người khác.
Sống và chết cho người khác, nên một với Ngài là thực hiện sứ mệnh của Ngài tức là phục vụ và phục vụ cho đến cùng. Sứ mệnh phục vụ ấy Chúa Giêsu truyền lại cho chúng ta qua Bí tích Truyền chức. Linh mục là người được ủy thác để lặp lại lời của Chúa Giêsu. “Các con hãy làm việc này, mà nhớ đến Ta”. Làm việc này không những là cử hành Bí tích Thánh Thể để Chúa Giêsu luôn ở mãi giữa nhân loại, mà con chu toàn sứ mệnh phục vụ của Ngài.
Và ta thấy rằng không chỉ riêng linh mục, nhưng tất cả những ai nhờ phép rửa được tháp nhập vào sự sống Đức Kitô, nghĩa là mọi kitô hữu trong lời nói và hành động cũng yêu thương và chết để nhớ đến Ngài. Mỗi cử chỉ và hành vi bác ái đều là một nghĩa cử tưởng nhớ đến Chúa Giêsu, đều là một tiếp tục, hay đúng hơn là một hiến lễ được dâng trên bàn thờ.
Bằng một cử chỉ sống động bày tỏ tâm tình vẫn có nơi Ngài, Ngài bưng một chậu nước cúi mình rửa chân cho các môn đệ. Cảm nghiệm tâm tình của Chúa qua cử chỉ này, thánh Gio-an đã nhận định : “Ngài vẫn thương yêu những kẻ thuộc về mình còn ở thế gian và thương yêu họ đến cùng.” Sau đó Ngài bảo họ phải đối xử với nhau như Ngài đã đối xử với họ.
Ngài dùng chữ điều răn mới trong lời Ngài nói với họ như một lời từ giã. Đó là điều răn mà lãnh tụ Môsê tóm tắt trong luật pháp, nhưng đã được Chúa Giê-su làm mới lại bằng cách ban cho nó một tiêu chuẩn mới, một động lực mới : “Anh em hãy yêu thương nhau như Thầy yêu anh em.” Ngài sắp bước vào chuyến đi mà không ai có thể theo được, Ngài phải lên đường một mình, trước khi ra đi, Ngài truyền cho họ một mệnh lệnh là phải yêu mến nhau như Ngài đã yêu mến họ.
Bằng dấu hiệu rửa chân lạ thường, Chúa Giêsu đã cho thấy Ngài hoàn toàn phục vụ con người, và phục vụ bằng chính cái chết trên thập giá. Cũng như Ngài đã cởi áo và mặc áo lại để phục vụ họ, Ngài sẽ thí mạng sống và lấy lại mạng sống (10, 18) vì lợi ích của họ. Qua cử chỉ rửa chân Đức Kitô mạc khải cho chúng ta nhân cách sâu xa của Ngài: Ngài là Đấng hiện hữu cho kẻ khác, là Đấng phục vụ hoàn toàn cho anh em đồng loại.
Khi ra lệnh cho các môn đệ “hãy làm việc này mà nhớ đến Ta” (Lc 11, 24-25; Lc 22, 19), Chúa Giêsu muốn rằng cộng đoàn Kitô hữu phải cử hành bữa tiệc Giao ước mới và vĩnh viễn ấy để tưởng niệm cuộc Vượt qua của Người : Người vượt qua cái chết để Phục sinh và về với Chúa Cha (Ga 13, 1).
Qua cái chết tự nguyện và vô tội để đền tội và chết thay cho ta, Người tháo gỡ khỏi ta dây tròng ràng buộc của tội và giải thoát ta khỏi cái chết vĩnh cửu là hậu quả của tội. Khi ta tin vào Người và để cho Người giải hòa ta với Chúa Cha, thì ta được dẫn vào cõi trường sinh bằng cách tham dự vào cuộc Phục sinh của Người. Bữa tiệc Thánh Thể nhằm mục đích tưởng niệm và hiện-đại-hóa cuộc Vượt qua của Chúa Giêsu. Bởi thế dự tiệc Thánh Thể là thông phần vào mầu nhiệm vượt qua của Người.
“Ta nêu gương cho các ngươi, ngõ hầu như Ta đã làm cho các ngươi. Các ngươi cũng làm như vậy” (c. 15), “Phúc cho các ngươi, nếu các ngươi làm như vậy” (c. 17). Theo gương Chúa Giêsu không phải là làm lại một cách vật chất cử chỉ khiêm nhượng mà Ngài đã làm. Nhưng đúng hơn là luôn qui hướng đến việc hiến mạng sống mình, ý hướng được cụ thể hóa qua việc rửa chân.