Tình yêu thì ai cũng biết, nhưng nói một câu để hiểu hết thế nào là yêu thì dường như từ cổ chí kim cũng chưa có ai đưa ra được câu trả lời thỏa đáng, cho nên lời thơ của Xuân Diệu vẫn còn tiếp tục thách thức mọi người:
Làm sao cắt nghĩa được tình yêu ? ”
Bởi tình yêu không phải lúc nào cũng vui, cũng hạnh phúc. Tình yêu có nhiều cung bậc khiến người yêu có khổ, có hạnh phúc, có sầu, có đau, có hân hoan. Đây là điều mà thi sĩ Xuân Diệu đã chia sẻ rất thật về cảm nghiệm tình yêu.
“Yêu là chết trong lòng một ít
Và mấy khi yêu mà lại được yêu!
Cho rất nhiều nhưng chẳng nhận bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết!”
Yêu xem ra mất mát nhiều, nhưng con người lại muốn yêu và khao khát được yêu. Tình yêu khiến cho con người luôn trăn trở giữa được và mất. Tại sao lại phải yêu để rồi khổ? Yêu để rồi mất mát? Thi sĩ Hàn Mạc Tử đã trải qua rất nhiều mối tình cuối cùng cũng chỉ ngậm ngùi để xem Trời giải nghĩa yêu.
Ai hãy làm thinh chớ nói nhiều
Để nghe dưới đáy nước hồ reo
Để nghe tơ liễu run trong gió
Và để xem Trời giải nghĩa yêu
Hôm nay Thứ Năm Tuần Thánh, Giáo Hội mời gọi chúng ta hãy lặng nghe Trời giải nghĩa yêu qua giáo huấn và hành vi yêu thương nơi Thầy Chí Thánh Giê-su.Chúa Giê-su đã sống và chỉ để cho đi tình yêu của mình đến mọi phận người. Tình yêu là lẽ sống của Ngài cho “dù mấy khi yêu mà lại được yêu”, và không vì những phản bội, vong ân mà Ngài bỏ cuộc yêu. Ngài đã yêu thì “yêu cho đến cùng”.
Ai có thể cảm thông được tâm trạng của Chúa Giê-su trước lúc tử nạn? Những người đã từng gắn bó với Ngài, theo chân Ngài rảo qua khắp miền Palestina, đã từng chia sẻ cơm bánh, ngọt bùi với Ngài nay lại bỏ rơi Ngài trong đau khổ. Những người ấy giờ đây có kẻ bán Ngài, có kẻ chối Ngài,có kẻ chạy trốn để mặcNgài một mình đối diện đau khổ với sự dữ. Ngài đã mất những kẻ mà Ngài đã yêu thương lựa chọn, cận kề dạy bảo, lúc này Ngài cũng lại mất đi niềm an ủi cuối cùng của tình yêu chia vui sẻ ngọt cùng nhau.
Ngài :
Cho rất nhiều như chẳng nhận bao nhiêu
Người ta phụ hoặc thờ ơ chẳng biết!”
Thếnhưng, dầu bị phản bội Chúa Giê-su vẫn sống cho tình yêu. Trong tin mừng kể rằng trước bữa ăn tiệc ly, Chúa Giê-su đã lấy nước rửa chân cho các môn đệ. Một hành vi mà chẳng ai hiểu được. Một hành vi mà Phê-rô cảm thấy không ổn chút nào! “Không đời nào Thầy lại rửa chân cho con sao?”. Thế nhưng, Chúa Giê-su vẫn tiếp tục cúi xuống rửa chân cho các ông. Ngài không nhằm rửa sạch bên ngoài mà là thanh tẩy cõi lòng các ông. Ngài muốn rửa đi những lem lấm bụi đời, những toan tính trần thế. Ngài muốn dùng tình yêu để thanh tẩy tâm hồn các ông mỗi ngày thêm mới, thêm đẹp hơn. Ngài muốn thanh tẩy tâm hồn các ông khỏi những mưu đồ bất chính, những thói đời giả tạo, những kỳ vọng viễn vông. Bao lâu nay các ông theo Chúa nhưng lại nuôi dưỡng tham vọng quyền bính và bổng lộc trần gian. Sự tranh giành vị trí đã xảy ra. Kẻ đòi ngồi bên tả. Kẻ đòi ngồi bên hữu. Một vương quốc mà chia rẽ thì đâu còn tồn tại. Chúa rửa chân để các ông cũng sẽ rửa chân cho nhau. Kẻ làm lớn hãy dùng tình yêu để phục vụ. Hãy dùng tình yêu để hoán cải lòng người. Hãy dùng tình yêu để sửa lỗi cho nhau. Chính Chúa đã làm gương. Dù biết rằng Giu-đa phản bội. Dù biết rằng Phê-rô sẽ chối mình. Dù biết rằng các môn đệ sẽ bỏ Thầy trong lúc gian nguy. Việc Chúa làm lúc này để các ông mãi ghi khắc trong tim về tình yêu của Thầy. Cho dù đôi chân của các ông có bước tới tận bùn sâu của lầm lỗi, Chúa vẫn tha thứ. Chúa vẫn tiếp tục cúi xuống rửa sạch vết nhơ tội lỗi cho các ông. Chúa vẫn cho các ông cơ hội để làm lại cuộc đời, vì tình yêu của Ngài là tình yêu thuỷ chung, sắt son vẹn tuyền.
Như vậy, bài học mà Chúa muốn dạy các môn sinh chính là: “Hãy yêu thương nhau”. Một tình yêu tha thứ có thể rửa xoá đi những thù hận, có thể làm sạch mọi vết nhơ của hiểu lầm, bất trung và phản bội. Ước gì những nghĩa cử cao đẹp mà Thầy Chí Thánh Giê-su đã làm luôn tồn tại nơi gia đình ky-tô hữu chúng ta. Gia đình cần có lòng bao dung để tha thứ và đón nhận nhau. Gia đình cần có sự khiêm tốn để có thể cúi xuống phục vụ những con người đang hành hạ mình, đang đầy đoạ mình bởi thiếu trách nhiệm và bổn phận. Gia đình cần có tình yêu phục vụ để rửa sạch những toan tính phản bội, những nhẹ dạ tội lỗi của các thành viên trong gia đình.
Ước gì từng người chúng ta đừng phản bội lẫn nhau chỉ vì những mối tình bất chính, những đam mê tội lỗi. Ước gì mỗi người chúng ta biết sống cao đẹp qua đời sống trung tín, thuỷ chung. Ước gì tình yêu như Thầy Giê-su sẽ làm cho các gia đình luôn ngập tràn niềm vui và hạnh phúc trong tình Chúa, tình người. Amen
Lm. Jos Tạ duy Tuyền