KẾT THÚC TRONG TRỐNG RỖNG

“Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?”.

Một đêm kia, có tên trộm đột nhập vào căn gác của tiểu thuyết gia người Pháp, Honoré de Balzac. Y lặng lẽ tra chìa khoá vào hộc bàn. Đột nhiên, sự im lặng bị phá vỡ bởi một tiếng cười giòn giã giữa đêm; Balzac nằm quan sát. “Tại sao ông cười?”, tên trộm hỏi; Balzac trả lời, “Tôi cười vì sự rủi ro của anh. Làm sao anh có thể tìm được tiền trong chiếc bàn giữa đêm đen, nơi mà chủ sở hữu hợp pháp của nó không bao giờ có thể tìm thấy vào ban ngày!”.

Kính thưa Anh Chị em,

Cơn khát tiền bạc không chỉ thúc đẩy con người tìm nó cả ngày lẫn đêm, nhưng còn chợt đến trong mơ nhiều đêm, thậm chí có thể dẫn đến việc bán đứng Thầy ‘giữa đêm’ như ‘tông đồ’ Giuđa. Nó là động lực bên trong đẩy con người đi đến hành động, thậm chí phản bội. Tin Mừng hôm nay nói rõ sự phản trắc của Giuđa, vốn đã được nung nấu từ lâu bởi lòng ham muốn tiền bạc. Ham muốn thái quá đưa đến mê muội; mê muội dẫn đến tội lỗi; và tội lỗi luôn ‘kết thúc trong trống rỗng’.

Rất có thể Giuđa đã có tình yêu đối với Chúa Giêsu cũng như niềm tin vào Ngài ở một mức độ nào đó, bằng không, ông chẳng trở nên môn đồ của Ngài; nhưng cả khi có đức tin và lòng yêu mến ở một mức độ nào đó, ham muốn tiền bạc xem ra cũng đã làm lu mờ những gì mà Giuđa có thể có. Nhiều vị thánh dạy, con đường nên thánh trước hết, bao gồm việc tẩy sạch mọi tình cảm rối loạn bên trong; vì lẽ, một trong những chấp trước mạnh mẽ nhất mà nhiều người vật lộn là chấp trước vào tiền bạc, đây là một trong những thèm khát hàng đầu cần phải thanh lọc trong tất cả thèm khát. Nếu không, ‘cơn khát’ này sẽ dẫn đến những quyết định lầm lạc; nói cách khác, dẫn đến việc phạm tội, mà tội thì luôn luôn ‘kết thúc trong trống rỗng’.

Giuđa đã mê muội làm sao! Hấp lực đồng tiền mãnh liệt đến nỗi giữa đêm khuya, ‘trò’ đích thân đi tìm ‘Thầy’ để bán, “Các ông cho tôi bao nhiêu, tôi nộp Người cho các ông?”; giá cả ‘bán Thầy’ do người khác quyết định chứ không do Giuđa định đoạt. Con Thiên Chúa giờ đây được ngã giá như một món hàng nô lệ; tệ hơn, ‘30 đồng’ thoả thuận của Giuđa chỉ đáng để mua một nô lệ tồi nhất. Vậy mà rốt cuộc, nô lệ tồi hay nô lệ giỏi, được giá hay mất giá, Giuđa cũng ‘bán được’ Thầy; đó là một quyết định lầm lạc nhất của một đời người vốn đã quá khát khao tiền bạc. Tiền bạc không xấu khi được sử dụng cho ý muốn của Thiên Chúa; nhưng khát khao có nhiều hơn, khát khao quá mức, sẽ luôn che chắn khả năng nhận ra tình yêu của Chúa, ý muốn của Ngài và ước muốn chỉ sống cho vinh quang Ngài nơi người môn đệ. Đừng quên, một khi đã phản bội, Thầy bị bắt, Giuđa “Vô cùng hối hận về việc đã làm”; và trong thời gian Ngài bị xét xử, Giuđa tìm đến các thượng tế và nói, “Tôi đã phạm tội nộp người công chính”, một nỗ lực rõ ràng là để ngăn chặn phiên toà. Thế nhưng, cái chết của Chúa Giêsu đã được định sẵn và không thể rút lại. Kết quả là Giuđa ném trả lại tiền ấy và buồn bã ra vườn treo cổ tự tận. Cơn khát tiền bạc đã làm lu mờ suy nghĩ của ông; và tội của ông đã làm cho ông những gì mà ‘tội luôn luôn làm’, đó là gây tuyệt vọng và ‘kết thúc trong trống rỗng’.

Chúa Giêsu thấy trước sự trống rỗng ấy nơi tâm hồn Giuđa, Ngài ngăn ngừa ông; tỏ tình với ông bằng một cử chỉ đẹp nhất trong bữa ăn, “Ngài chấm miếng bánh” trao cho ông với hy vọng ông suy nghĩ lại, vì còn nước còn tát, “Con tính làm gì thì làm mau đi”, hoặc “Đúng như con nói”; qua đó, lòng nhân ái của Ngài toả rạng. Ngài quả là vị sứ giả từ tâm của Trời mà Isaia đã báo trước, “Chúa đã ban cho tôi miệng lưỡi đã được huấn luyện, để tôi biết dùng lời nói nâng đỡ kẻ nhọc nhằn”; Ngài biết, Giuđa đang nhọc nhằn, chới với, và kịp ném cho ông một cây sào. Tiếc thay, ‘cơn khát’ tiền bạc của ông đã kìm ông lại, không cho ông với tới. Nhìn Giuđa, chúng ta được mời gọi xét xem điều gì trong cuộc sống đang thôi thúc chúng ta thực sự khát khao; khát khao Chúa và vinh quang Ngài hay khát khao vì những ‘cơn khát bùn’? Cám dỗ nào đang làm vẩn đục suy nghĩ của chúng ta, dẫn chúng ta đến những lựa chọn mà chúng ta biết chắc chắn, nó sẽ ‘kết thúc trong trống rỗng’?

Anh Chị em,

Thú vị thay! Trước mắt nhân loại, chính Chúa Giêsu cũng thật sự ‘kết thúc trong trống rỗng’ những ngày Tuần Thánh đầu tiên. Trên thập giá, Ngài không mảnh vải che thân; môn đệ thì một bán Thầy, một chối Thầy và mười người bỏ Thầy mà chạy. Đúng, Ngài đã ‘kết thúc trong trống rỗng’; nhưng sự trống rỗng của Ngài là trống rỗng tự nguyện của hạt lúa mục nát để đồng lúa nở rộ; Ngài tự nguyện nghèo khó để nhân loại giàu có; Ngài ‘kết thúc trong trống rỗng’ để chúng ta được lấp đầy bởi ân sủng, ơn tha thứ, tình thương, Thánh Thần và trên hết, được chất đầy bởi một kho tàng là Nước Trời. Thế gian càng đầy, tâm hồn càng rỗng; Thiên Chúa càng đầy, tâm hồn nên thiên đàng.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, xin gạt xa con mọi ham muốn trần tục để con không rơi vào cám dỗ dẫn đến những lời hứa suông vốn luôn ‘kết thúc trong trống rỗng’; xin Chúa trở nên tâm điểm đời con, cho con đầy Chúa, và bấy giờ, thiên đàng là đây, tâm hồn con”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts