LÀM CHO SỐNG

“Thiên Chúa thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống”.

Kính thưa Anh Chị em,

Hôm nay, ngày Thánh Hoá Công Ăn Việc Làm, Lời Chúa nói đến việc của trời cao, việc của đất thấp. Việc của trời là việc của Thiên Chúa, Đấng làm cho mọi loài và con người trở thành vật sống, Người ‘làm cho sống’; việc của đất thấp là việc con người cộng tác với Thiên Chúa, là tiếp tục ‘làm cho sống’ tất cả những gì Thiên Chúa trao cho nó hầu làm vinh danh Người.

Bài đọc Sáng Thế nói, “Thiên Chúa lấy bùn đất nắn thành con người, thổi sinh khí vào lỗ mũi và con người trở thành một vật sống”; như vậy, không có sinh khí Thiên Chúa, con người không sống. Sau đó, Thiên Chúa trao mọi sự cho con người, “Thiên Chúa đem con người đặt vào vườn địa đàng, để họ trồng tỉa và coi sóc vườn”. Vì thế, thời giờ của Thiên Chúa là thời giờ sáng tạo, thời giờ ‘làm cho sống’ và điều đó đang xảy ra từng phút, từng giây. Tuyệt vời!

‘Làm cho sống’ cũng là sứ mạng của Chúa Giêsu, Đấng mặc khải Chúa Cha, cũng là Đấng luôn làm theo ý muốn của Cha, “Cha tôi hằng làm việc thì tôi cũng làm việc liên lĩ”. Công việc của Ngài là mặc khải Chúa Cha và ‘làm cho sống’ như Chúa Cha đang làm. Chúa Giêsu đi khắp nơi, rao giảng, chữa lành không mệt mỏi những ai tìm đến với Ngài; Ngài chữa họ phần xác, phần hồn; Ngài ‘làm cho sống’ đến nỗi chẳng có thời giờ nghỉ ngơi ăn uống. Ngài lang thang nhưng không ngơi nghỉ, gặp gỡ nhưng chẳng dừng chân. Có chăng, hôm nay Ngài đang nghỉ ngơi trong nhà tạm để tiếp tục thổi sinh khí của Ngài vào con người; Ngài không ngừng ‘làm cho sống’ không chỉ về thể lý, nhưng còn để con người sống sự sống thần linh, sống tình người, sống tình trời.

‘Làm cho sống’ cũng là ơn gọi của mỗi người chúng ta. Tin Mừng hôm nay cho biết, người nhiều kẻ ít, ai ai cũng được Thiên Chúa trao cho những nén bạc để tiếp tục công việc của Người. Năm nay, năm Con Trâu, biểu tượng của sự chăm chỉ, cần mẫn và hiền lành. Chớ gì chúng ta cũng biết chăm chỉ ‘làm cho sống’ những ai Chúa đang trao cho chúng ta; những môi trường Chúa đặt chúng ta vào; trong mọi đấng bậc, không trừ ai, chúng ta làm lợi cho Chúa. Không những làm cho sống thể xác, mà còn làm cho sống về đức hạnh, sống những phẩm tính của con cái Chúa.

Ngày kia Tử Cống hỏi thầy, “Tử nầy mệt về học, khốn về đạo, bây giờ muốn nghỉ ngơi để thờ vua, nên chăng?”; Khổng Tử nói, “Làm tôi thờ vua, sớm tối kính cẩn cho phải đạo thì nghỉ thế nào được?”. “Vậy Tử nghỉ để thờ cha kính mẹ?”; “Chữ hiếu vô cùng, bao giờ mới trả đủ, sao gọi là nghỉ?”. “Vậy Tử nghỉ để an nhàn với vợ con?”; “Chồng phải làm gương cho vợ, thiên hạ trông mà bắt chước, nghỉ thế nào được?”. “Vậy nghỉ để vui chơi với bạn bè?”; “Bầu bạn phải hết sức với nhau cũng là việc khó, nghỉ làm sao?”. “Vậy Tử nghỉ để làm ruộng?”; “Làm ruộng đâu dễ, một nắng hai sương, không thể gọi là nghỉ”. Vậy thì Tử không bao giờ được nghỉ ngơi sao?”; “Có chứ! Lúc nào thấy cái huyệt đào nhẵn nhụi, thấy cái mộ đắp chắc chắn, thấy người sẽ đi chôn mình biết mình sắp chết; ấy, bấy giờ mới là lúc nghỉ ngơi”. Tử nói, “Như thế, chết lại là may, lúc ấy quân tử mới được nghỉ; kẻ tiểu nhân đến giờ đó mới hết tiểu nhân. Cái chết thật là hay vậy!”.

Anh Chị em,

Đúng như Chúa Giêsu nói, “Cha tôi hằng làm việc thì tôi cũng làm việc liên lĩ”; được làm với Chúa Giêsu là tiếp tục công trình tạo dựng của Thiên Chúa. Như Khổng Tử cho thấy, chỉ có chết, mới được nghỉ ngơi. Cũng thế, công việc của chúng ta không chỉ là tìm kiếm miếng cơm manh áo để lo cuộc sống đời này, nhưng chúng ta đang xây dựng Nước Trời tại trần gian và công việc này là một công việc đời đời. Được cộng tác với Thiên Chúa thì dầu khó nhọc đến đâu, chúng ta cũng cảm thấy vui vì đang sống đúng phẩm giá của mình; Thiên Chúa ước mong chúng ta cộng tác với Người để ‘làm cho sống’ cái thế giới này. Hãy nghĩ đến những người đang thất nghiệp, cuộc sống thật lao đao, khốn khổ; sự biến đổi khí hậu tự con người gây nên đã làm cho mưa ít thuận, gió ít hoà. Chúng ta phải làm việc hết mình, nhưng cũng phải cậy nhờ vào ơn Chúa hết mình.

Chúng ta có thể cầu nguyện,

“Lạy Chúa, công việc trao ban sự sống và ‘làm cho sống’ phải bắt đầu bằng việc thay đổi cách sống của bản thân con. Xin dạy con biết chuyên chăm cầu nguyện, cậy trông vào Chúa, lắng nghe tiếng nói của Thầy dạy bên trong là Thánh Thần; nhờ đó, con mới có thể trở nên một tôi tớ khôn ngoan và trung tín”, Amen.

(Lm. Minh Anh, Tgp. Huế)

Chia sẻ Bài này:

Related posts