LỄ MINH NIÊN (GIÁP THÌN)

(Is 65,17-21; Kh 21,1-6; Mt 5,43-48)

Buổi sáng Minh Niên, một thời điểm thánh thiêng của dòng thời gian. Năm Quý Mão đã qua, năm mới Giáp Thìn vừa tới. Một thời gian mới với nhiều mộng ước. Tốt đẹp, cao cả có, quảng đại xả kỷ có thể nhiều và ích kỷ vụ lợi cũng không thiếu. Nhưng dù gì đi nữa thì một vài ngày đầu xuân rất cần phải là những ngày của sự may lành, ít là trong nguyện ước, dành cho nhau và cho chính bản thân mình. Hết đi tết tạ các ân nhân, các đấng bậc sinh thành hay đấng vị vọng trong đạo lẫn ngoài đời, thì lại đi chúc tuổi, mừng xuân nhau. Nhà thơ Tú Xương, một thi nhân nhiều tài và cũng không thiếu tật đã cất lời: 

Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau.

Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu.

Phen này ông quyết đi buôn cối.

Thiên hạ khối đứa thích ăn trầu. Thi nhân hứng chí tiếp:

Lẳng lặng mà nghe nó chúc sang, chúc giàu…

Phúc, lộc, thọ, quả là những điều thường tình mà con người vốn khao khát kiếm tìm, bất kể già trẻ, lớn bé, hay sang hèn. Và đó cũng là nội dung lời Chúa qua hai bài đọc thứ nhất và thứ hai ngày Lễ Minh Niên (mẫu B). Thiên Chúa phán qua miệng ngôn sứ  Isaia: “Vì Giêrusalem, Ta sẽ hoan hỉ, vì dân Ta, Ta sẽ nhảy mừng. Nơi đây sẽ không còn nghe thấy tiếng than khóc kêu la. Nơi đây sẽ không còn trẻ sơ sinh chết yểu, và người già tuổi thọ không tròn. Vì trăm tuổi mà chết là vẫn còn chết trẻ”. Ý định của Thiên Chúa qua bài đọc thứ hai đó là: Thiên Chúa đến ở với nhân loại và Người sẽ lau sạch nước mắt chúng ta. Sẽ không còn sự chết, không còn cảnh tang tóc, đau khổ.

Thánh ý của Chúa thế là đã rõ. Người muốn từng người, từng gia đình, từng tập thể quốc gia, dân tộc được an vui hạnh phúc, được sống và sống dồi dào. Thánh ý Thiên Chúa dành cho loài thọ tạo, cách riêng cho con người thì ba chữ phúc- lộc- thọ, hẳn chưa đủ đong đầy. Một trong những quan niệm tương đối phổ biến trong dân gian xưa lẫn nay đó là: “mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên”. Con người khao khát, mơ ước, toan tính đủ cách, đủ bề nhưng sự việc có thành tựu hay không là phải do ý trời. Bôn ba vất vả không qua mệnh trời. Tuy nhiên với sự mạc khải tròn đầy qua cuộc đời và lời giảng dạy của Chúa Kitô thì ta phải nói rằng: Mưu sự tại Thiên mà thành sự là tại nhân.

“Thiên Chúa yêu thế gian đến nỗi đã ban Con Một, để ai tin vào Con của Người, thì khỏi phải chết, nhưng được sống muôn đời” (Ga.3,16). Vấn đề còn lại là ở chúng ta, tạo vật có ý thức và tự do. Thành sự hay không là tại nhân loại chúng ta, là do bởi chính mỗi người chúng ta như lời thánh giáo phụ Âugustinô: “Thiên Chúa dựng nên tôi không cần có tôi, nhưng Người không thể cứu độ tôi mà không cần có tôi”.

Những lời Tin mừng chúng ta vừa nghe trong Thánh Lễ Minh Niên này chính là chìa khóa để chúng ta xây dựng hạnh phúc cho bản thân và tha nhân. Và điều này lại hiển lộ cách rõ nét qua cung cách sống của chúng ta trong ba ngày đầu xuân mới.

Nếu nhìn dưới khía cạnh tiêu cực tức là tránh, kiêng thì ba ngày đầu xuân người ta thường tránh gây những điều xúi quẩy cho nhau. Dù có bực mình lắm những vẫn nín nhịn. Dù có khó chịu những vẫn không để sự gì chẳng hay xảy ra. Có thể có một vài sự kiêng kỵ mang nét mê tín nhưng dẫu sao nó cũng nhắc nhớ chúng ta lời của Khổng Phu Tử và Lời trích sách Tobia là: “Kỷ sở bất dục vật ư thi nhân”. Điều gì ta không muốn kẻ khác làm cho mình thì đừng làm cho tha nhân.

Chúa Kitô lại dẫn chúng ta đến chiều kích tích cực đó là điều gì anh em muốn người ta làm cho mình thì hãy làm điều ấy cho tha nhân (x.Mt 7,12). Tích cực làm cho nhau những điều tốt đẹp mà lòng mong người khác làm cho mình. Chúng ta rất có thể thực hiện điều này trong ba ngày đầu xuân. Tuy nhiên, sự thường chúng ta chỉ thực hiện những điều ấy cho người mình thương, cho người mình thân hay cho người mình dễ gần hay thích gần vì họ quyền cao chức trọng. Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải đi xa hơn thế. Phải nên trọn lành như Thiên Chúa là Cha chúng ta ở trên trời, Đấng cho mưa rơi đều xuống trên người lành lẫn kẻ bất lương, cho mặt trời lên soi sáng người lành thánh lẫn tội nhân.

Mưu sự tại thiên – Thành sự tại nhân. Ước gì những tâm tình tốt đẹp trong các ngày đầu xuân cứ mãi kéo dài suốt cả năm. Đó là không chỉ kiêng tránh những điều không hay, không may cho tha nhân mà còn tích cực dệt xây những điều tốt đẹp cho nhau, cho những người kém may mắn, cho cả những người đang thù hận chúng ta, bách hại chúng ta.

Chúng ta đã bước vào năm mới Âm lịch, năm Giáp Thìn, một con linh vật xem ra rất tương phản theo cái nhìn của con người phương Đông và phương Tây. Thìn đứng thứ năm trong chu kỳ mười hai con giáp (Tí, Sửu, Dần, Mẹo, Thìn, Tỵ…). Giờ Thìn từ 7 đến 9 giờ sáng trong ngày. Năm Âm lịch được tính vào ngày Đông chí mà ngày Đông chí thường rơi vào tháng 11, nên tháng 11 là tháng Tí, như thế tháng Thìn là tháng ba âm lịch.

Rồng hay còn được gọi là Long. Trong phong thủy, Rồng được coi là một trong bốn linh vật mang may mắn: Long, Lân, Quy, Phượng. Trong văn hóa Á Đông, trong đó có Việt Nam, thì rồng là linh vật mang trên mình sức mạnh thiên nhiên đại diện cho 4 yếu tố cấu tạo nên vũ trụ: nước, lửa, đất, gió. Dù rằng là con vật của huyền thoại, nhưng con rồng là một hình tượng có vị trí đặc biệt trong văn hóa, tín ngưỡng của dân tộc Việt Nam. Rồng là linh vật đứng đầu trong tứ linh (Long, Lân, Quy, Phụng). Với truyền thuyết Con Rồng, cháu Tiên, rồng là niềm tự hào về dòng giống, cội nguồn của người Việt.

Trong văn hóa phương Tây, rồng được mô tả giống như một con rắn hay con thằn lằn khổng lồ, có cánh như dơi và biết phun lửa, là biểu tượng của cái ác và thần dữ.

Con rồng, một con vật thường được gắn liền với vị đứng đầu một quốc gia theo chế độ quân chủ: long ngai, long bào, long thể…Thế nhưng trong thực tiển lịch sử số vị minh quân lấy “dân vi quý- xã tắc thứ chi” thì xem ra quá ít so với số hôn quân, bạo chúa. Điều này khiến chúng ta, các Kitô hữu dưới ánh sáng lời mạc khải cần cẩn trọng với con mảng xà, con rồng đỏ vốn là hình ảnh của thần dữ, ma quỷ. Thánh tông đồ cả Phêrô đã từng cảnh báo rằng ma quỷ như sư tử luôn rảo quanh chúng ta để rình chờ cắn xé (x.1P 5,8).

Bước vào năm mới, năm con rồng, để cho con linh vật này này thực sự là rồng vàng, rồng bay (thăng long) thì có đó nhiều nỗ lực gắng công về mọi phương diện. “Tùng thiện như đăng, tùng ác như băng”. Để vươn lên, để hướng thượng thì chắc chắn cần phải vượt thắng nhiều lực cản, cởi bỏ nhiều gánh ách nặng nề đó là những điều xấu xa tồi tệ và cả một vài thiện hảo nào đó khiến chúng ta không thể bay lên cao.

Xin cùng chúc nhau một năm mới khang an thánh đức với quyết tâm làm cho ý Chúa được viên thành, ý Cha thể hiện dưới đất cũng như trên trời bằng nỗ lực của chúng ta, những tạo vật có ý thức và tự do, biết sống yêu thương nhau trong tình liên đới và tinh thần trách nhiệm. Xin mượn lời thi sĩ Tế Xương để kết những dòng chia sẻ đầu năm mới:

Bắt chước ai ta chúc mấy lời:
Chúc cho khắp hết ở trong đời,
Vua, quan, sĩ, thứ, người muôn nước,
Sao được cho ra cái giống người.

Dĩ nhiên là chúc nhau sống sao cho ra cái giống người được tạo thành vốn là hình ảnh của Thiên Chúa, Đấng là Tình Yêu. Tình yêu được hiện thực nơi những con người biết sống yêu thương, liên đới với nhau bằng cả tinh thần lẫn vật chất, bằng cả tâm hồn lẫn thể xác; yêu thương chia sẻ cho nhau không chỉ những thiện hảo đời này mà cả hạnh phúc vĩnh cửu muôn đời mai sau.

Lm. Giuse Nguyễn Văn Nghĩa – Ban Mê Thuột

Chia sẻ Bài này:

Related posts