BÀI HỌC VỀ THẨM QUYỀN

Các thầy thông luật không nói theo thẩm quyền của mình. Họ nhất định phải mở đầu những lời dạy của mình bằng những câu như “Có người nói rằng…” hoặc “Rabbi đó nói rằng…” Ngay cả các vị tiên tri cũng bắt đầu những lời tuyên bố của họ là “Chúa phán rằng…” Còn Chúa Giêsu, Ngài chỉ nói đơn giản: “Bởi đó, tôi nói cho các ông hay…” (Mt 21;43), “Tôi bảo thật các ông…” (Lc 4:24), “Tôi nói cho các ông biết…” (Lc 13;4)… 

Chúa Giêsu là một người nói bằng chính thẩm quyền của mình chứ không phải nhân danh người khác. Chỉ điều đó thôi đã gây ra những phản ứng sửng sốt nơi những người nghe Ngài: “Ngay ngày sabát, Ngài vào hội đường giảng dạy. Thiên hạ sửng sốt về lời giảng dạy của Ngài, vì Ngài giảng dạy như một Đấng có thẩm quyền, chứ không như các kinh sư” (Mc 1:21). Nhưng điều đó vẫn chưa gây kinh ngạc đủ, Chúa Giêsu đã chứng tỏ uy quyền của mình khi ra lệnh cho ác thần: “Ông ấy ra lệnh cho cả các thần ô uế và chúng phải tuân lệnh!” (Mc 1:27). 

Vào thời Chúa Giêsu, ngay cả nhiều giáo sĩ Do Thái cũng cho rằng các ác thần rất đông đảo và mạnh mẽ, chúng lảng vảng khắp nơi và làm bất cứ điều gì có thể để gây rắc rối và đau khổ. Khi ai đó dường như bị quỷ ám, thì các nhà trừ quỷ, dù là người Do Thái hay ngoại giáo, đều sử dụng những nghi thức và bùa chú phức tạp để buộc quỷ phải bỏ đi. Người ta tin rằng sức mạnh nằm ở ma thuật, vì vậy bất cứ ai biết các câu thần chú, thành phần và phương pháp phù hợp đều có thể sử dụng nhằm tạo ra những quyền phép vô hình để điều khiển thế giới linh thiêng.

Nhưng Chúa Giêsu lại khác biệt một cách đáng ngạc nhiên. Khi người bị quỷ ám gây gián đoạn buổi giảng dạy, Chúa Giêsu đơn giản ra lệnh cho quỷ rời đi, và nó phải rời đi. Những người trong hội đường chưa bao giờ thấy điều gì giống như vậy. Chưa từng có ai có uy quyền mạnh mẽ đến độ ngay cả các ác thần cũng phải lập tức tuân theo lời nói của người ấy: “Chúa Giêsu quát mắng nó: Câm đi, hãy xuất khỏi người nàyThần ô uế lay mạnh người ấy, thét lên một tiếng, và xuất khỏi anh ta” (Mc 1:25-26). Chính thần dữ được phép nói ra sự nhìn nhận của nó về Chúa Giêsu: “Tôi biết ông là ai rồi: ông là Đấng Thánh của Thiên Chúa!” (Mc 1:24)

  1. Không độc đoán

Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa, có mọi thẩm quyền trên thế giới – trong vũ trụ. Chúa Giêsu chính là vị ngôn sứ Thiên Chúa cho xuất hiện để nói Lời Quyền Năng mà Thiên Chúa truyền cho để giúp dân: “Từ giữa anh em của chúng, Ta sẽ cho xuất hiện một ngôn sứ như ngươi để giúp chúng, Ta sẽ đặt những lời của Ta trong miệng người ấy, và người ấy sẽ nói với chúng tất cả những gì Ta truyền cho người ấy” (bài đọc thứ nhất trích sách Đnl 18:18-20).Thiên Chúa qua Chúa Giêsu – Ngôi Lời – đã tạo thành muôn vật và đặt muôn vật phục tùng Ngài: “Nhờ Ngôi Lời, vạn vật được tạo thành, và không có Ngài, thì chẳng có gì được tạo thành” (Ga 1:3), “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình, là trưởng tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo, vì trong Ngài, muôn vật được tạo thành, trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình” (Côl ôsê 1;15-16) và “Thiên Chúa đã đặt muôn loài dưới chân Chúa Kitô” (1 Cr 15:27). Vì vậy, ngay cả những ác thần, được Thiên Chúa cho phép hiện hữu, vẫn phải hoàn toàn phục tùng Chúa Kitô: “Thiên Chúa đã tôn Chúa Kitô lên trên mọi quyền lực thần thiêng, trên mọi tước vị có thể có được, không những trong thế giới hiện tại, mà cả trong thế giới tương lai. Thiên Chúa đã đặt tất cả dưới chân Chúa Kitô” (Êphêsô 1:20-21). 

Tuy nhiên, Chúa Giêsu đã không sử dụng quyền lực vô song của mình theo cách con người chúng ta thường sử dụng quyền hành của mình. Con người vốn kiêu hãnh, rất thường hay chứng tỏ mình là người có quyền, dù cái quyền ấy chỉ nhỏ như lòng bàn tay. Nhưng với nhiều người, quyền hành ấy lại là một phương tiện để làm giàu cho bản thân, đạt được mục đích riêng của mình, đàn áp sự thật nhằm nắm giữ quyền lực tiếp tục làm mọi việc theo ý muốn ích kỷ cá nhân. Chứng kiến ​​cách quản lý đất nước của các chế độ toàn trị, các quan chức chính phủ quan liêu hạch sách, các vụ bê bối của các giám đốc điều hành những tập đoàn, các ông chủ mánh khóe của các công ty, và ngay cả các cha mẹ độc đoán, và nhiều thứ tương tự khác, người ta thấy rõ hầu như ai cũng cố sử dụng tối đa quyền lực của mình để thao túng những người khác, ít nhất là để thỏa mãn cái cảm xúc về một cái tôi “kẻ cả” của bản thân…

Với Chúa Giêsu thì không như vậy. Ngài có tất cả quyền năng, nhưng cách Ngài sử dụng quyền năng đó hoàn toàn khác với cách nhiều người vẫn làm. Ngài chỉ hành động khi cần thiết, không bao giờ “lên mặt – ra vẻ”. Đơn giản là khi vấn đề phát sinh thì Ngài giải quyết một cách “có uy quyền”. Ngài không phản ứng theo kiểu phóng đại sự cố, kéo dài thời gian trừ quỷ, trình diễn cả một kịch bản xua đuổi quỷ. Ngài không “ồn ào, om sòm”, không lợi  dụng việc trừ quỷ để quảng bá hình ảnh của mình. Ngài không in tờ rơi, lớn tiếng tuyên chiến với tất cả lũ quỷ, rồi sau đó khi mọi người kéo đến xem, Ngài mới ra tay đuổi nó đi, và cuối cùng tuyên bố trước mọi người “tên quỷ đã bị TA hạ gục”.

Còn tôi thì sao? Khi thực thi quyền hành mà tôi được giao cho, tôi có nhớ đến và suy ngẫm lời Thánh Phaolô: “Thật vậy, nào có ai coi bạn hơn kẻ khác đâu? Bạn có gì mà bạn đã không nhận lãnh? Nếu đã nhận lãnh, tại sao lại vênh vang như thể đã không nhận lãnh?” (1Cr 4:7), hay tôi mải đi tìm cái cảm giác say sưa thỏa mãn khi có cơ hội điều khiển và thao túng người khác? Tôi có để “ơn bình an của Chúa Kitô điều khiển tâm hồn” tôi không? Vì “Trên hết mọi đức tính, anh em phải có lòng bác ái: đó là mối dây liên kết tuyệt hảo” do vậy “Anh em có làm gì, nói gì, thì hãy làm hãy nói nhân danh Chúa Giêsu và nhờ Ngài mà cảm tạ Thiên Chúa Cha” (Cl 3:14-17).

  1. Quyền lực nhằm để phục vụ

Chúa Giêsu dùng uy quyền để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Và đó là cách Ngài muốn chúng ta sử dụng bất cứ quyền hạn nào chúng ta có. Dù quyền hạn của chúng ta ở nhà, ở nơi làm việc hay ở nơi nào khác, Ngài muốn chúng ta sử dụng quyền hạn mình có để giúp đỡ người khác chứ không phải để biến mình thành những nhân vật quan trọng.

Sau này, Chúa Giêsu giải thích cho các môn đệ: “Anh em biết: những người được coi là thủ lãnh các dân thì dùng uy mà thống trị dân, những người làm lớn thì lấy quyền mà cai quản dân. Nhưng giữa anh em thì không được như vậy: ai muốn làm lớn giữa anh em thì phải làm người phục vụ anh em; ai muốn làm đầu anh em thì phải làm đầy tớ mọi người. Vì Con Người đến không phải để được người ta phục vụ, nhưng là để phục vụ, và hiến mạng sống làm giá chuộc muôn người” (Mc 10:42-45). 

Quyền hạn mà chúng ta thực thi phải là một phúc lành chứ không phải là một lời nguyền. Sách Châm ngôn nói: “Chính nhân cầm quyền, dân mừng rỡ. Ác nhân cai trị, dân oán than” (Cn 29:2). Khi quyền hạn được sử dụng để giúp đỡ chứ không phải để chế ngự thì những người dưới quyền mới có thể vui mừng.

Chúa Giêsu không áp đảo để bắt chúng ta phải khuất phục. Ngài phục vụ chúng ta với lòng kiên nhẫn và lòng thương xót, giúp chúng ta lớn lên và nhận ra rằng chúng ta cần Ngài biết bao vì Ngài là Đấng nhân hậu, quảng đại, kiên nhẫn, yêu thương và giàu lòng thương xót. Quyền lực sẽ trở thành tội lỗi khi nó là một kẻ chỉ huy độc ác, khắc nghiệt và không khoan nhượng. Quyền lực khi ấy sẽ hủy hoại, không như uy quyền của Chúa Giêsu là để cứu chữa. Tôi có xin Chúa Giêsu dùng uy quyền của Ngài cứu chữa tôi, và cộng tác với Ngài để cứu chữa anh chị em khác, trong mọi quyền hạn và khả năng có thể mà Thiên Chúa ban cho tôi không?

  1. Bước đi với Chúa Giêsu

Nhiều người ngày nay không còn tin vào Chúa Giêsu, nên họ cũng không tin Ngài có đủ uy quyền để cứu chữa con người. Họ vô thức hay chủ tâm không công nhận mình đang bị đủ mọi loại thần ô uế tấn công và thống trị: nơi tâm trí, lời nói, hành động, lối hành xử, qua các sách báo đồi trụy, các phương tiện thông tin cổ võ bạo lực, các mạng xã hội đầy chuyện nhiễu nhương…Chúng ta phải nhìn nhận sức mạnh của thần ô uế trong thế giới ngày nay và nhất là phải thú nhận, qua kinh nghiệm sống hàng ngày, rằng mình không đủ sức kháng cự lại. Hôm nay, Chúa Giêsu cho chúng ta thấy Ngài đầy quyền năng để giúp đỡ chúng ta. Ngài xua đuổi ma quỷ, không xua đuổi chúng ta. Và thứ ma ám quỷ nhập theo nghĩa thể lý không phải là loại ma quỷ duy nhất mà Chúa Giêsu có quyền năng đuổi ra khỏi chúng ta. Chính tội lỗi, thói hư tật xấu, các ham mê bất chính, các suy nghĩ hỗn loạn…là loại ma quỷ thống trị và gây tổn hại cho chúng ta thường xuyên nhất. Những nỗi sợ hãi và nghi ngờ của chúng ta cũng vậy. Khi tội lỗi và nỗi sợ hãi của chúng ta bắt đầu gây chấn động, đó là lúc chúng ta phải đem chúng đến với Đấng biết cách giải quyết chúng. Chúng ta có thể đem chúng đến với Chúa Giêsu qua lời cầu nguyện và chay tịnh: “Loại quỉ đó không thể trừ được, nếu không cầu nguyện và ăn chay” (Mc 9:29).

Tôi có tin Chúa Giêsu đầy quyền năng để giúp đỡ tôi trong cuộc sống không? Thứ ma quỷ nào đang hoành hành trong tôi? Thói xấu nào, tội lỗi nào, nỗi sợ hãi nào đang hành hạ tôi, làm hao mòn lòng can đảm và nghị lực của tôi? Dù thế nào đi nữa, những “mối tội đầu” ấy không thể chống lại uy quyền của Chúa Giêsu. Khi chúng ta giao phó những trận chiến đó cho Ngài, cục diện của cuộc chiến sẽ thay đổi – kẻ thù sẽ phải chạy trốn. Khi chúng ta ở gần Chúa Giêsu, những kẻ thù này không thể quyết định được gì và không thể khống chế chúng ta. Khi chúng ta tập trung vào Chúa Giêsu, ma quỷ sẽ không còn sức mạnh, không còn đáng sợ, bởi vì Chúa Giêsu sẽ bao bọc chúng ta bằng quyền năng và lòng thương xót của Ngài, như Thánh Phaolô xác tín: “Tôi tin chắc rằng: cho dầu là sự chết hay sự sống, thiên thần hay ma vương quỷ lực…hoặc bất cứ sức mạnh nào…hay bất cứ một loài thọ tạo nào khác, không có gì tách được chúng ta ra khỏi tình yêu của Thiên Chúa thể hiện nơi Chúa Kitô Giêsu, Chúa chúng ta” (Rm 8:38-39).

Vậy thì tại sao chúng ta lại không đem những thói hư tật xấu, tội lỗi của chúng ta đến với Chúa Giêsu? Chúng ta hãy tin tưởng giao phó lũ ma quỷ đang thống trị nơi mình cho Ngài và Ngài sẽ giúp chúng ta trừ khử chúng. Ngài có mặt ở đây vì chúng ta, bây giờ và mãi mãi.

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

Chia sẻ Bài này:

Related posts