Kitô hữu đôi khi khuyến khích nhau tích trữ ân sủng nước trời qua các câu “mua nước trời; mua thiên đàng; sắm gia tài bất diệt; ngân hàng thiên quốc”.
Trên đời hễ có kẻ bán là có người mua, mại cả nước trời. Cách ví von dễ hiểu nhưng rất tai hại, gây hiểu lầm nguy hiểm cho đức tin. Kitô giáo có nhiều từ diễn tả tâm linh, tu đức và bác ái tốt hơn là các câu nêu trên. Dùng từ đơn giản diễn tả Nước Trời một sự thật cao quý, trọng đại là một nghệ thuật. Dùng sai mất nghệ thuật, sai ý muốn diễn tả, đưa tới hiểu lầm cho cả tín hữu lẫn kẻ tìm hiểu đạo. Những câu thắc mắc có thể của cải, vật chất mua nước trời kẻ nghèo lấy gì mua vì không có của. Vật chất mua được nước trời thì giải thích thế nào về mầu nhiệm thập giá. Đức Kitô có cần xuống thế để cứu chuộc nhân loại. Thiên đàng cho kẻ giầu; hỏa ngục cho kẻ nghèo. Hỏa ngục ồn ào hơn vì kẻ nghèo nhiều hơn kẻ giầu. Cần tránh cách ví von nguy hiểm đó.
Nước trời không thể mua sắm, không sang nhượng, không ai có để bán, cũng chẳng ai đủ xứng đáng để mua. Không thể bán thứ mình không làm chủ. Nước trời là vô giá nên không thể buôn, bán. Giá trị nước trời vô biên, không thể đo lường. Vật chất, tiền tài, con người làm chủ, mỗi thứ có giá trị riêng của nó. Mọi giá trị vật chất đều giới hạn nên không thể dùng để so sánh, chưa nói đến buôn bán. Khi so sánh của cải, vật chất lời khuyên thường là: hãy coi thường của cải vì chúng mau hư, chóng mục; khi nói về nước trời thì lại ví von mua nước trời. Dùng vật tầm thường mua của cao trọng là điều không thể xảy ra.
Nói đến buôn bán con người nghĩ đến của cải, vật chất. Ngôn từ dùng cho việc buôn bán, thương mại, trao đổi hàng hóa. Ngôn từ thương mại không thích hợp để diễn tả nước trời, thiên đàng, vĩnh cửu.
Phúc Âm xác quyết một điều là không thể dùng của cải để mua nước trời. Chuyện anh thanh niên giầu có lại coi trọng luật lệ trả lời cho vấn đề đang bàn thảo. Tôi phải làm gì để được sự sống đời đời làm gia nghiệp?’
Chúa đưa mắt nhìn anh trìu mến nhắc khéo. ‘Anh chỉ thiếu có một điều’. Thoáng nghe thấy nhẹ nhàng. Thiếu có một điều mà cần bán hết gia tài. Khó tin. Chúa nhìn anh bằng cái nhìn trìu mến. Đúng thế vì anh quỳ trước mặt Chúa, nơi công cộng, đông người. Điều này mấy ai làm được. Chúa mến anh vì anh chân thành, anh hiểu lầm giữa giữ đạo và hành đạo. Trong anh có niềm tự hào vì tuân giữ các lề luật, không phải mới đây mà là từ nhỏ. Đáng tự hào lắm chứ.
Anh thiếu một điều. Anh giữ đạo có phân nửa. Để thành tông đồ anh cần thực thi nửa kia. Giữ đạo là điều một; hành đạo là điều hai. Người thanh niên có điều một; thiếu điều hai. Nói rõ hơn anh thiếu hẳn phân nửa lề luật Chúa truyền tức là phần hành đạo. Tất cả lề luật trong đạo tóm gọn trong hai điều “mến Chúa, yêu người” ( Mc 12,34). Anh mến Chúa nhưng chưa yêu người. Chúa nhắc mến Chúa suông chưa đủ; phải thực hành giới răn yêu người như thế mới giữ trọn lề luật. Chúa đề nghị anh bán tài sản cho người nghèo là một trong nhiều cách thực hiện lòng bác ái.
Bán hết gia tài chia cho người nghèo. Chúa kêu gọi người thanh niên giầu có hãy sống chung với anh em, đừng phân biệt giai cấp giầu nghèo. Môn đăng hộ đối không phải là lối sống Tin Mừng, tinh thần Phúc Âm.
Chúng ta trở lại câu: Lậy Thầy nhân lành. Ý tưởng con người dù tốt lành đến mấy cũng bất toàn. Anh thanh niên giầu có kia giữ trọn lề luật từ tấm bé. Lầm tưởng như thế là nhân lành. Chúa nhìn anh trìu mến vì tấm lòng chân thành của anh.
Anh thành thật, ngây thơ đáng thương hơn đáng trách. Với anh, giữ trọn lề luật là trở nên trọn lành, có được sự sống đời đời. Nghĩ và tin như thế. Chúa nhắc anh giữ trọn lề luật từ tấm bé rất tốt nhưng chưa trọn lành đâu. Vì thế Chúa nói: không có ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa. Có nhiều của, giữ lề luật anh thấy an tâm cho là như thế là đủ. Chúa dậy như thế chưa đủ vì còn thiếu tình thương. Giữ luật là sống cho riêng anh. Chúa gọi anh sống cho tha nhân. Anh từ chối lời mời đó. Anh đâu biết chu toàn lề luật chưa chắc có tự do. Lề luật không cứu được con người.
Khi Chúa sửa sai hẳn phải có vấn đề. Chúa hỏi sao anh nói Tôi là nhân lành. Dường như có ẩn ý trong câu nói của người thanh niên. Nếu không nằm trong câu hỏi thì tiềm ẩn trong câu đáp. Có thể anh hiểu giữ trọn lề luật là trở nên nhân lành nên anh hãnh diện thưa cùng Chúa tôi tuân giữ từ thuở nhỏ. Chúa cho biết không ai nhân lành cả, trừ một mình Thiên Chúa.
Liền sau đó Chúa dậy anh về giới luật yêu thương. Bán những gì anh có mà cho người nghèo. Thực hành điều đó anh sẽ được một kho tàng trên trời. Kho tàng trên trời không mua bằng vật chất, của cải mà là tình thương và lòng mến trong thời gian sống tại thế.
Điểm cuối, người thanh niên giầu có kia coi Chúa như một vị thầy. Có lẽ điều anh muốn là Chúa xác nhận công việc anh đang làm là đúng, con đường anh đang đi là phải, đường đó giúp anh trở nên ’nhân lành’. Trở nên nhân lành vịn vào lề luật. Chúa không xác định điều đó lại còn cho biết anh còn thiếu, chưa giữ đúng luật. Điều anh mong đợi không toại nguyện, việc anh làm không được ca khen, chỉ nhận được cái nhìn trìu mến. Hẳn nhiên mặt anh xìu xuống, không còn tươi tỉnh như khi đến. Anh buồn rầu bỏ đi. Không tin Chúa nên không đáp lại lời Chúa. Anh đâu biết có những luật để giữ nhưng có những luật để thực hành. Luật thực hành Chúa muốn nói đến là luật yêu thương và luật bác ái. Luật này không phải để giữ mà phải thực hành, sống bác ái.
Ai muốn trở thành môn đệ Chúa người đó phải sống tinh thần yêu thương, thực hành đức ái trong đời sống hàng ngày. Luật lệ làm cho ta sống yên ổn nhưng luật không ban sự sống.
Lm. Vũ Đình Tường
VietCatholic Network