Mỗi lần hiện ra, Chúa Phục Sinh đều thổi hơi ban Chúa Thánh Thần cùng lúc trao bình an cho các môn đệ.
Tin Mừng lễ Chúa Thánh Thần, có đến hai lần Chúa Phục sinh trao bình an: “Bình an cho anh em”, rồi lại: “Bình an cho anh em! Như Cha đã sai Thầy,Thầy cũng sai anh em”.
Dù vậy, lòng các môn đệ chưa thật sự chín mùi, chưa có sự chuẩn bị, chưa hề có lòng ao ước để ơn bình an phục sinh của Chúa Kitô sinh hiệu lực. Đúng hơn, các ông chưa có tâm tình cầu nguyện đủ.
Ngược lại, bao nhiêu tác động của cuộc thương khó, bao nhiêu nỗi khiếp hãi vẫn chưa phai, cuộc sống đầy chao đảo, lòng rối bời, dẫn tới việc các tông đồ không có bình an, không một chút yên lòng. Ơn bình an Phục sinh chưa phục sinh trong lòng các môn đệ của Chúa.
Chúa Thánh Thần làm cho ơn bình an phục sinh của Chúa Kitô nên hiệu lực nơi tâm hồn các tông đồ. Ngày ngự đến, Chúa Thánh Thần biến đổi “một trăm tám mươi độ” (180 degree) tâm hồn những kẻ đầy hoang mang, chết khiếp, thành can đảm phi thường.
Chính sự can đảm ấy, bày tỏ hết sức tỏ tường những tâm hồn giờ đây đã chất chứa bình an. Nhờ bình an thẳm sâu trong nội tâm, các tông đồ, cũng như lớp lớp môn đệ Chúa Kitô trong suốt dòng lịch sử đã hiêng ngang, bất khuất, bất chấp mọi lao lung, mọi cực hình… người đời dành cho mình.
Bình an nội tâm là ơn cần thiết vô cùng cho mỗi chúng ta. Bởi hơn bao giờ hết, thời đại chúng ta là thời đại đang diễn ra quá nhiều hỗn tạp, có sức làm chao đảo ngay cả những người được coi là vững vàng nhất.
Đức Bênêđictô XVI coi đó là “tình trạng trẻ thơ trong đức tin” (Hồng y Ratzinger – Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Mật viện 18.4.2005). “Trẻ thơ” là do lòng người quá yếu đuối, không kiên định, không dứt khoát, lại để mình nghiêng ngã, “trôi giạt theo mọi chiều gió đạo lý” (Eph 4, 14).
Ơn Chúa Thánh Thần sẽ khiến ta bình an nội tâm. Có bình an, ta đủ sức chống chọi mọi “làn gió” thổi ngoài Tin Mừng Chúa Kitô, ngoài sức hấp dẫn của Thánh Thần của Người.
Những làn gió đang tác động mạnh mẽ trong thời đại là, “Từ Mác Xít tới chủ nghĩa tự do, tới mức chủ nghĩa tự do phóng túng; từ chủ nghĩa tập thể đến chủ nghĩa cá nhân; từ chủ nghĩa vô thần tới chủ nghĩa duy huyền bí tôn giáo mơ hồ; từ chủ nghĩa vô tín đến chủ nghĩa hỗn tạp…Nhiều giáo phái mới được đẻ ra mỗi ngày và sẽ xảy ra điều mà thánh Phaolô đã nói về sự lường gạt con người và sự tinh quái nhắm lôi kéo con người đến chỗ lầm lạc (Ep 4, 14). Có một đức tin rõ ràng, theo kinh Tin Kính của Hội Thánh, lại bị gán cho nhãn hiệu cuồng tín…” (Hồng y Ratzinger – Bài giảng trong thánh lễ khai mạc Mật viện 18.4.2005).
Hãy mở lòng đón nhận ơn Chúa Thánh Thần, nhờ đó ơn bình an phục sinh của Chúa Kitô có sức lớn mạnh trong tâm hồn ta.
Có bình an tâm hồn nhờ ơn Chúa Thánh Thần, ta sẽ kiên định đến cùng Chúa trong đức tin, trong lòng mến, trông sự cậy trông nơi tình yêu của Đấng Phục sinh.
Nguyện cho bình an của Đấng Phục Sinh ngự trị trong lòng chúng ta. Nguyện cho ân sủng tuyệt đối là chính Chúa Thánh Thần và bình an của Người sống mãi trong lòng Kitô hữu.
Nguyện cho mỗi Kitô hữu “chân cứng đá mềm” để xứng đáng hưởng nhờ bình an phục sinh và hăng hái trao ban bình an mà mình được lãnh nhận.
Lm JB NGUYỄN MINH HÙNG