Con cái là niềm vui tuyệt vời của cha mẹ. Sinh được một người con là hồng ân lớn lao cho cha mẹ, gia đình, dòng tộc.
Nhưng sinh một đứa con kém may mắn, không hoàn hảo, tật nguyền, dị dạng, thiểu năng bẩm sinh, câm điếc chẳng hạn, không chỉ là nỗi buồn mà còn là thử thách lớn lao cho cha mẹ: thử thách tình yêu và thử thách niềm tin. Thật là cao cả, đáng quí, đáng ca ngợi biết bao những cha mẹ phải chịu đựng hy sinh cả đời trong tin yêu phó thác mà không một lời than vãn kêu ca. Tất cả tình thương và những gì tốt đẹp nhất được dành hết cho đứa con tật nguyền, bệnh hoạn. Tôi vẫn nghĩ, họ đang mặc lấy trái tim yêu thương nhân hậu của Chúa mới có thể đối xử với con mình cách đáng trân trọng như thế. Bằng không, thật là tồi tệ.
Sinh được một đứa con hoàn hảo, xinh đẹp, niềm vui ấy còn tuyệt vời hơn. Con khôn ăn chóng lớn, nói chắc, đi vững, là phần thưởng cho những hy sinh của cha mẹ. Rồi con ngoan ngoãn, nghe tốt, vâng kỹ, học giỏi, thành người có ích cho gia đình, cho xã hội, thì cha mẹ hãnh diện biết bao.
Nhưng đối với những cha mẹ Công Giáo, thì thiết tưởng nên chọn niềm vui thiêng liêng cao quí nhất là thấy con khôn ngoan biết thờ phượng Chúa, siêng năng kinh hạt, sốt sắng Thánh Lễ, viếng Chúa, đọc học Lời Chúa và nên người con của Chúa cách xứng đáng: biết mến Chúa yêu người trong gia đình và ngoài xã hội.
Nếu trong nhà bạn, trong nhà tôi có những đứa con hình dáng xinh đẹp, trí khôn thông minh, học hành giỏi giang, kinh tế vững vàng… mà không thuộc kinh nào, hoặc là hồi nhỏ đọc kinh với cha mẹ thuộc làu làu, lớn lên bỏ đọc dần rồi quên hẳn, thì chẳng phải là con mình đang bị câm đó sao ?
Hồi nhỏ nghe lời cha mẹ, nghe Lời Chúa, lớn lên rồi có được ít chữ, ít kinh nghiệm, ít tiền rủng rỉnh trong túi, thì coi cha mẹ là tụt hậu, là “đồ cổ”, và không buồn nghe cha mẹ bảo ban nhắc nhở nữa, cũng không nghe Lời Chúa, không giữ luật Chúa nữa… thì chẳng phải là con mình bị điếc đó sao ?
Con không nói được một lời cảm ơn, một lời xin lỗi, huống chi nói được một lời ủi an cha mẹ trong lúc tuổi già, huống chi nói được một lời yêu thương, tri ân hay hiếu kính, chẳng phải là nó đã bị bệnh câm rồi đó sao ?
Con không nghe được tiếng lòng của cha, không nghe được nỗi đau của mẹ thì làm gì nghe được nỗi xót xa của tha nhân, chẳng phải nó bị điếc rồi đó sao ?
Thật bi đát ! Bệnh câm điếc của con, đã đành, lại thêm bệnh câm điếc của vợ, của chồng, của cha mẹ.
Ông B buồn uống rượu cả ngày chỉ vì bà B chưa bao giờ chịu nhún nhường xin lỗi ông B trong suốt 40 năm làm vợ. Bà X cả ngày không nói gì nếu ông X không hỏi. Bà A chưa bao giờ hỏi ông A câu “Ông có khỏe không ?” Có vợ chồng chưa bao giờ đọc kinh chung với nhau kể từ sau ngày cưới ! Đến ngày cưới vợ cho con, mướn một tay MC đọc kinh luôn, hoành tráng hơn, bài bản hơn ! Vợ chồng chẳng ai chịu nghe ai, chẳng ai hiểu ai, trong khi hai người đều nói tiếng Việt ! Chẳng phải là bệnh câm điếc đang hoành hành ngay trong nhà mình đó sao ?
Nếu vợ chồng, con cái trong gia đình mà không nói nhau nghe, không nghe nhau nói, thì còn gì là một tổ ấm yêu thương ? Cả nhà chúng ta cùng câm điếc mãi vậy được sao ? Ra đường, đến Nhà Thờ, làm công tác tông đồ, làm ông kia bà nọ, nói và nghe khá lắm, mà về nhà thì lại câm và điếc với nhau. Thật vô lý ! Đã thế, lại không có ước muốn chữa lành bệnh câm điếc trong nhà mình !
Sống với nhau bằng xương bằng thịt hữu hình, sờ tận tay, thấy tận mắt mà còn câm điếc thì nói gì đến việc sống với Thiên Chúa, Đấng Vô Hình ? Khi đã mang bệnh câm điếc trong gia đình như thế thì rõ ràng là không có dấu chỉ nào cho thấy sự trưởng thành cần có về Đức Tin và đời sống nội tâm với Thiên Chúa.
Từ gia đình ruột thịt, đến gia đình thiêng liêng, gia đình Hội Thánh, bệnh câm điếc cũng tràn lan:
– Cấp trên cấp dưới trong Hội Thánh chưa thực sự trân trọng việc nói và nghe nhau. Có khi lại còn xu nịnh phường gian ác, nạt nộ kẻ lòng ngay. Tiếng nói của con chiên vẫn luôn là thấp bé, kém giá trị, nhất là những con chiên nghèo, con chiên tội lỗi, con chiên bị áp bức, con chiên ít học lại hay nói thật mất lòng, con chiên bị kết án chống đối. Con chiên bị phân biệt đối xử đúng như khuyến cáo của Thánh Giacôbê trong bài đọc 2 hôm nay ( x. Gc 2, 1 – 5 ). Câm điếc thật nguy hại !
– Gương xấu câm điếc trịch thượng ấy cũng lây lan sang cho kẻ lớn người nhỏ trong các Giáo Xứ, các Hội Đoàn chẳng ai muốn nghe ai. Câm điếc thật đáng sợ !
Thế nhưng, được mấy người biết mình đang câm điếc ? Được mấy người biết sợ bệnh câm điếc ? Được mấy người “xao xuyến”, quan tâm đến chuyện nạn câm điếc đang hoành hành nơi chính mình, trong nhà, ngoài cửa, trong Hội Thánh và ngoài xã hội ? Và được mấy người có ước muốn chữa lành bệnh câm điếc cho bản thân và cho mọi người trong thời đại hôm nay ?
Trong khi có quá nhiều người không biết mình đang mắc bệnh câm điếc thì Lời Chúa hôm nay mời gọi mọi người hãy biết “xao xuyến”, biết sợ bệnh, có ước muốn được điều trị bệnh và tin tưởng xin Chúa đặt tay chữa lành.
Có “biết mình đang mắc bệnh” rồi xao xuyến, và sợ bệnh thì mới cảm được lòng lo của Thiên Chúa qua lời mời gọi của Ngôn Sứ Isaia: “Hãy nói với những tâm hồn xao xuyến: Can đảm lên, đừng sợ ! … Tai người điếc sẽ mở ra và người câm sẽ nói được” ( x. Is 35, 4 – 7a ).
Có ước muốn chữa bệnh và tin tưởng khẩn xin Thiên Chúa chữa cho thì mới được chữa khỏi. Tin Mừng kể rõ: “Người ta đem một kẻ câm điếc đến cùng Người và xin Người đặt tay trên kẻ ấy”. Người câm điếc ấy hẳn có đủ các yếu tố: biết bệnh, sợ bệnh, muốn được chữa khỏi và bằng lòng xin Chúa Giêsu đặt tay chữa bệnh… ( x. Mc 7, 31 – 37 ).
Lạy Chúa Giêsu, mỗi chúng con đều ít nhiều đang bị bệnh câm điếc trong nhà ngoài cửa, trong Hội Thánh và ngoài xã hội. Xin cho chúng con biết sợ bệnh, biết ước muốn lành bệnh và tin tưởng xin Chúa đặt tay để mở tai chúng con nghe Lời Chân Lý, nghe được tiếng than khóc của tha nhân, mở miệng chúng con để ca tụng Tình Yêu Chúa, bênh vực kẻ bị áp bức, nói lời nhân ái trong gia đình và giữa cuộc đời. Amen.
PM. CAO HUY HOÀNG, 6.9.2012