Mùa vọng là thời gian giúp chúng ta biết hướng nhìn đến giải đáp của đức tin: Tương lai của vũ trụ và của con người là chính Ðức Kitô. Trong ngày sau cùng, không phải sự hư không, sự vô nghĩa hay sự trống rỗng sẽ ngự trị trên vũ trụ, nhưng chính Ðức Kitô tái quang lâm. Không phải một quyền lực vô danh nào đó điều khiển cuộc sống chúng ta, nhưng là «một ai đó»! Người là Ðấng quen biết và yêu thương chúng ta, và Người cũng là Ðấng chúng ta quen biết và đang tìm cách yêu mến. Người nắm gọn trong tay cả vũ trụ và lịch sử con người. Tất cả chúng ta và mỗi người trong chúng ta cũng đều sẽ gặp gỡ Người. Người là tương lai của toàn thể vũ trụ! Ðó chính là lý do cho niềm hy vọng đầy phấn khởi và sự lạc quan của đức tin Kitô giáo. Bởi vậy, chúng ta vẫn luôn có thể có được sự lạc quan của đức tin đó, dù cho bao vấn đề bức xúc còn tồn đọng, dù cho tương lai trước mắt của cuộc sống đang làm cho chúng ta lo âu và đầy sợ hãi khi đưa mắt nhìn về ngày mai. Niềm hy vọng Kitô giáo và sự tin tưởng vào biến cố tái quang lâm của Ðức Kitô dĩ nhiên không có nghĩa là một sự tự tín nông nổi và cho rằng người ta có thể không cần đến những cố gắng bản thân.
Ông chủ được đề cập tới trong bài Tin Mừng hôm nay, khi bỏ nhà để trẩy đi xa, «đã trao quyền lại cho các đầy tớ của ông, chỉ định mỗi người một việc» (Mc 13,34). Trong ngày ông trở về, các người đầy tớ phải tính sổ và trình bày với ông về những việc họ đã làm. Vì thế, trong khi ông vắng mặt, họ không được bất động và khoanh tay ngồi chờ, nhưng phải lo sắp xếp công việc trong nhà và chu tất bổn phận đã được giao phó cho mình. Mỗi người phải hoàn thành tốt bổn phận của mình, không ai có thể làm thay cho người khác được. Khi ông chủ trở về, ông sẽ kiểm tra lại các công việc đã trao phó, xem các người đầy tớ của ông có phải là những người quản lý tốt hay không!
Cũng vậy, khi tái quang lâm, Ðức Kitô sẽ tra hỏi chúng ta – các Kitô hữu, các đầy tớ của Người – về những trách nhiệm và những bổn phận mà Người đã trao phó cho chúng ta, về lòng trung thành, sự can đảm, sự nhẫn nhục, sự yêu mến chân lý của chúng ta, cũng như sự sẵn sàng lãnh nhận trách nhiệm của mình. Nhưng trước hết, Người sẽ tra hỏi chúng ta về đức ái, về thái độ đối với tha nhân.
Một ngày nào đó, chủ nhà sẽ trở về, nhưng ông về một cách đột ngột, không báo trước và cũng không ai có thể ngờ trước được. Ông sẽ trở về vào lúc ít ai để ý tới. Việc ông đến là đích điểm cuối cùng. Vì thế, ông sẽ cân nhắc và phê phán mỗi người và mỗi việc một cách công minh sáng suốt, đúng với mức độ khả năng, hoàn cảnh và tinh thần của mỗi người trong công việc của mình. Khốn thay cho những đầy tớ nào mất nết, lười biếng và cứ say sưa «ngủ dài», vì cứ đinh ninh rằng ông chủ của họ sẽ không bao giờ trở lại nữa, chứ không lo tỉnh thức và hoàn thành bổn phận đã được ông trao phó cho, thì đúng lúc đó ông chủ trở về! Khốn thay cho bọn họ! Số phận họ đã được định đoạt!
Nhưng ai là người Kitô hữu? – Ðể trả lời cho câu hỏi đó, đã có nhiều câu trả lời rất chính xác. Nhưng ở đây và trong ngày tháng Mùa Vọng này, tôi xin giới thiệu thêm một câu trả lời khác: Người Kitô hữu là người xác tín rằng Ðức Kitô là trọng tâm và là cứu cánh của vũ trụ, và nỗ lực sống theo đức tin đó! Lời nguyện của Chúa Nhật I Mùa Vọng hôm nay cũng thiết tha nguyện xin: «Lạy Thiên Chúa toàn năng, tất cả mọi sự đều qui phục dưới chân Chúa. Xin cho chúng con biết làm những việc lành phúc đức để đón chào Con Chúa đang ngự đến và được Người cho ngồi bên hữu, khi Người trở lại. Amen»
LM. Nguyễn Hữu Thy
VietCatholic Network