(Suy niệm Tin mừng Mác-cô (7, 31-37) trích đọc vào Chúa nhật 23 thường niên)
“Trong thiên hạ có anh giả điếc
Khéo ngơ ngơ ngác ngác, ngỡ là ngây,
Chẳng ai ngờ: sáng tai họ, điếc tai cày…”
(trích bài “Anh giả điếc” của Nguyễn Khuyến)
Sáng tai họ, điếc tai cày
Theo nghĩa đen, khi người cày ruộng ra lệnh cho trâu kéo cày tiến lên thì tai trâu như điếc chẳng nghe gì, nên cứ đứng ỳ một chỗ. Tật đó gọi là “điếc tai cày.” Trái lại khi đang cày ngon trớn mà chợt nghe người cày hô nhỏ: “họ!” (tức là dừng lại) thì tai trâu trở nên sáng tỏ, trâu bèn đứng lại liền. Tật nầy gọi là “sáng tai họ”: nghe tiếng “họ” thì đứng lại liền, cho khỏe xác.
Thành ngữ nầy ám chỉ có những đôi tai luôn mở ra (sáng tai) đối với những lời xem ra có lợi và thường xuyên đóng lại (điếc tai) trước những lời mà lòng chẳng muốn nghe.
Có nhiều học sinh điếc đặc trước những lời giáo huấn của thầy cô nhưng rất sáng tai trước những quyến rũ của bạn bè hư hỏng.
Có người chồng rất sáng tai trước những rủ rê của bạn nhậu mà điếc đặc trước những lời can gián của vợ con.
Có người điếc đặc trước tiếng nói lương tâm mà rất sáng tai trước lời gọi mời của dục vọng đê hèn.
Có người điếc lác đối với những Lời ban sự sống của Thiên Chúa mà sáng tai trước những lời đưa đến hư vong do Sa-tan mời gọi…
Tuy nhiên, nhận ra sự điếc lác của mình trước một số lãnh vực nào đó và tìm cách chữa trị tận căn là điều không dễ.
Điếc tâm linh
Trong tác phẩm “Tự thú”, thánh Âu-tinh nhìn nhận đôi tai của ngài đã điếc đặc trước Lời phán dạy của Chúa trong thời gian lâu dài. Ngài viết: “Con yêu Chúa quá muộn! Này Chúa vẫn ở trong con mà con cứ tìm Chúa bên ngoài… Chúa gọi con. Chúa la to và đã phá tan sự điếc lác của con. Chúa rực sáng. Chúa chiếu tỏa và đã xua tan sự mù loà của con…”
Cho đến năm 33 tuổi, đôi tai điếc của thánh Âu-tinh mới được khai mở để đón nghe Lời dạy của Chúa.
Chúa Giê-su cho người điếc được nghe
Qua bài đọc thứ nhất hôm nay, ngôn sứ I-sai-a đã báo trước một thời đại hồng phúc, thời Chúa Giê-su đến mở mắt cho người mù, mở tai cho người điếc:
“Bấy giờ, mắt người mù mở ra, tai người điếc nghe được. Bấy giờ kẻ què sẽ nhảy nhót như nai và miệng lưỡi người câm sẽ reo hò” (I-sai-a 35, 5-6).
Lời tiên báo đó đã được ứng nghiệm nơi Chúa Giê-su qua trình thuật của thánh sử Mác-cô:
“Hôm ấy, Đức Giê-su lại bỏ vùng Tia, đi qua ngả Xi-đôn, đến biển hồ Ga-li-lê vào miền Thập Tỉnh. Người ta đem một người vừa điếc vừa ngọng đến với Đức Giê-su, và xin Ngài đặt tay trên anh. Ngài kéo riêng anh ta ra khỏi đám đông, đặt ngón tay vào lỗ tai anh, và nhổ nước miếng mà bôi vào lưỡi anh. Rồi Ngài ngước mắt lên trời, rên một tiếng và nói: “Ép-pha-tha”, nghĩa là: hãy mở ra! Lập tức tai anh ta mở ra, lưỡi như hết bị buộc lại. Anh ta nói được rõ ràng” (Mác-cô 7, 31-35).
Hôm nay, nếu không được Chúa Giê-su mở tai, chúng ta cũng chỉ là những người điếc trước những Lời ban sự sống của Thiên Chúa; mà một khi đã điếc, thì như người đời thường nói: “điếc không sợ súng”; bấy giờ chúng ta không sợ hãi bất cứ nguy cơ nào làm hại cho đời sống thiêng liêng. Như thế thì thật đáng sợ và đáng tiếc!
Lạy Chúa Giê-su,
Nhiều lần trong đời, đôi tai chúng con đã đóng lại trước những lời hay lẽ phải và những lời khuyên răn. Nhiều lần tai chúng con giả điếc trước những giáo huấn của Hội thánh và những sứ điệp Tin mừng.
Hôm xưa Chúa đã mở tai cho người điếc ở miền Thập tỉnh được nghe; Chúa cũng đã thương cho đôi tai điếc lác của thánh Âu-tinh được mở ra để đón nhận những Lời thần thiêng của Chúa;
Nay xin Chúa đoái thương tình cảnh “điếc lác” tinh thần của chúng con, cho tai tâm hồn chúng con được sáng trước những lời dạy khôn ngoan của Chúa, là những lời có sức mang lại hạnh phúc cho chúng con đời nầy và sự sống vĩnh cửu mai sau.
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà