CHÚA CHỮA CƠN SỐT CUỘC ĐỜI

CHÚA NHẬT 5 B THƯỜNG NIÊN

G 7:1-4, 6-7; 1Cr 9:16-19, 22-23; Mc 1:29-39

Bác sĩ Nguyễn Tiến Cảnh, MD

 

Bài Tin Mừng hôm nay (Mc 1:29-39) nói về quyền lực chữa lành bệnh của Chúa Giesu. Câu chuyện xẩy ra tại nhà ông Simon Phero, làng Capernaum nằm trên bờ biển Galilee về phía Tây Bắc; Chúa đã chữa khỏi bệnh sốt cho mẹ vợ ông Phero. Chúa không chỉ chữa cho mẹ vợ ông Simon mà còn nhiều người khác nữa vì danh tiếng Chúa đã vang dậy khắp vùng khiến ai cũng đổ xô đến gặp Chúa để xin được chữa lành.

 

SỨC MẠNH CHỮA LÀNH BỆNH CỦA THIÊN CHÚA

Tội lỗi loài người như những cơn sốt nung nấu thể xác và tâm hồn chúng ta khiến chúng ta ngồi đứng không yên. Chúa đánh tan tất cà những cơn sốt đó. Toán môn đệ mới được tuyển chọn đã bỏ tất cả mọi sự, nào lưới, nào ghe thuyền, người làm và cả cha mẹ để theo Chúa (Mc 1:16-20). Họ sung sướng được nghe lời Chúa và chứng kiến việc Chúa làm. Sức quyến rũ của Chúa thôi thúc mọi người chạy theo. Khi Chúa Giesu và các môn đệ vừa ra khỏi nhà hội độ thì người ta đã mang đến cho Chúa đủ thứ người bệnh kể cả người bị quỉ ám. “… Và như cả thành đều tụ họp trước cửa…” (Lc 1:33-34).  Chúa nhìn thấy và đã chữa lành hết tất cả. Những cơn sốt cuộc đời.

 

CHÚA GIESU GIẢI PHÒNG PHÁI NỮ

Trong Marco, người bệnh đầu tiên Chúa Giesu chữa là một phụ nữ, là mẹ vợ ông Simon bị sốt nặng nằm liệt giường. Người lại gần và cầm tay bà, nâng bà dậy… tức thì bà liền khỏi sốt (Mc 1:31). Cử chỉ đó, đối với những người lãnh đạo tôn giáo thì không thể chấp nhận được. Họ không được chạm vào một người đàn bà bị bệnh mà cũng không được để cho người đàn bà ấy phục vụ mình và các môn đệ. Chúa Giesu đã phá luật lệ, vượt qua những điều cấm kỵ đó, cầm tay người đàn bà, nâng bà dậy và chữa bà khỏi bệnh, lại cho phép bà phục vụ tại bàn ăn.

Hành động trả ơn Chúa của bà mẹ vợ ông Phero là hành động phục vụ theo tinh thần khó nghèo của môn đệ, là gương mẫu mà Chúa Giesu vẫn thường kêu gọi những người theo Chúa phải noi theo. Gương mẫu này đã được thể hiện trong các Tin Mừng và suốt hơn 30 năm cuộc đời của Chúa ở trần gian. Có người cho rằng chủ đích của bài Tin Mừng Marco hôm nay là nói về bổn phận tề gia nội chợ của người đàn bà . Nhưng không phải vậy. Hành động của bà mẹ vợ ông Simon rõ ràng tương phản với hành động của anh con rể. Anh này xin chúa Giesu để ý đến đám đông đang van nài xin được chữa lành (1:37), nhưng chính anh lại chẳng làm gì cả cho họ.

Những câu chuyện trong Tin Mừng Marco nói về người góa phụ nghèo (Mc12:41-44), người đàn bà xức dầu thơm cho Chúa (Mc 14:3-9), những người đàn bà dưới chân Thánh Giá (Mc 15:40-41) và trước cửa mồ Chúa (Mc 16:1) là những người đàn bà tiêu biểu đã đáp ứng đúng lời Chúa Giesu kêu gọi về tình môn đệ. Họ rõ ràng đã hành động tương phản với thái độ vô cảm và chẳng hiểu gì cả của các môn đệ phái nam. Sự hiện diện của Chúa Giesu đã đem đến cho người đàn bà một bổn phận đầy đủ và trọn vẹn, lại thánh thiêng và đúng tư cách. Thử hỏi những tập tục văn hóa xã hôi từng làm đau lòng họ vì kỳ thị có ngăn cản họ làm mất đi cái bổn phận trọn vẹn, thánh thiêng và đúng tư cách của họ không?

 

CƠN SỐT CỦA ÔNG JOB

Theo câu chuyện ông Job trong Cựu Ước (G 7:1-7) thì lúc đó ông chưa hiểu biết vể việc này. Ông chỉ là biểu tượng một phần thử thách giữa Satan và Thiên Chúa. Trước đó ông phải chịu đau khổ và mất mát đủ thứ. Ông cũng biết cắt nghĩa một cách nông cạn như bạn bè ông nhưng đó không phải là cách của Thiên Chúa. Ông cũng chẳng hiểu gì về những đau khổ của ông. Ông than phiền về những công việc nặng nhọc, những đêm mất ngủ, một loại bệnh chết người và cuộc đời vô vọng ngắn ngủi của ông. Đối với ông, cuộc đời là một cơn sốt kinh khủng! Có bao giờ chúng ta cảm nghiệm được những giây phút buồn nản giống ông Job, những cơn sốt kinh khủng như đốt cháy cuộc đời chúng ta?

Bà mẹ vợ ông Simon được khỏi bệnh nói lên quyền lực của chúa Giesu làm hạ nhiệt tất cả các loại sốt. Vào khoảng năm 400 A.D. thánh Jerome đã giảng thuyết về bài Phúc Âm hôm nay tai Bethlehem: “Kìa Người đã đến nhà chúng ta rồi đi vào và chữa lành cơn sốt tội lỗi của chúng ta theo lệnh cùa Người. Mỗi người chúng ta và tất cả chúng ta, ai cũng đau khổ vì những cơn sốt. Khi tôi nổi giận là tôi lên cơn sốt. Càng nhiều tật xấu thì càng lên nhiều cơn sốt. Nhưng chúng ta hãy xin các tông đồ kêu cầu Chúa Giesu đến và chạm vào tay chúng ta, vì nếu Người chạm vào tay chúng ta thì ngay lập tức cơn sốt của chúng ta sẽ tan biến”(Corpus Christianorum, LXXVIII 468).

 Với Chúa Giesu, chữa lành thể xác và tâm hồn là dấu chỉ rõ ràng Vương Quốc Thiên Chúa đã hiện diện. Quyền năng Lời Chữa Lành của Chúa Giesu thấu suốt toàn thể con người. Chữa lành thể xác, và quan trong hơn nữa nó phục hồi đau khổ và nối kết với Thiên Chúa và cộng đồng. Một cuộc sống tâm linh lành mạnh thánh đức.

 

ĐÔI LỜI KẾT

Với lòng tin tưởng, chúng ta hãy cầu xin những lời của Đức Hồng Y John Henry Newman trong bài giảng của ngài về đức khôn ngoan và tâm hồn vô tư: “Chớ gì Người nâng đỡ chúng ta trong suốt cả ngày cho đến lúc chiều tà, bóng đêm đổ xuống, cả thế giới ồn ào bận rộn bặt tiếng động, cơn sốt cuộc đời đã hết và việc làm của chúng ta đã hoàn tất. Lúc bấy giờ với lòng thương xót của Thiên Chúa, chớ gì Người cho chúng ta nơi ở an toàn, nghỉ ngơi thánh đức và sau cùng là bằng an”.

Cuối cùng, điều quan trọng là nhận ra việc Chúa Giesu đã làm sau khi chữa lành người đàn bà trong câu chuyện Tin Mừng hôm nay. Chúa dành chút thì giờ để cầu nguyện. Chúng ta có làm như vậy trong một thế giới bận rộn mà chúng ta đang sống, giữa những cơn sốt bừng bừng của cuộc đời và những gánh nặng hàng ngày đang đè nặng trên vai không?

Chớ gì việc chữa lành của Chúa Giesu trong Tin Mừng Marco hôm nay giúp chúng ta nhận ra được sức mạnh Thiên Chúa ban cho chúng ta. Sức mạnh này không nên giữ cho riêng mình và phe nhóm mà phải chia sẻ cho tất cả mọi người. Sức mạnh chữa lành của Chúa còn ảnh hưởng cho đến nay, từ Chúa đến chúng ta, chữa lành chúng ta, phục hồi cuộc sống chúng ta và của tha nhân…

 

NTC

Chia sẻ Bài này:

Related posts