Khi Chúa Giêsu bôn ba đó đây rao giảng Tin mừng, chúng ta thấy dân chúng đi theo Người rất đông nhưng không hẳn vì họ thán phục giáo lý hay những phép lạ Người đã làm; họ đến với Chúa Giêsu chỉ để giải quyết vấn đề “bao tử” vốn đang cồn cào trong họ (x. Ga 6, 26). Chính vì thế, tại hội đường Caphácnaum, Chúa Giêsu hướng họ đến một thứ lương thực trường cửu khi Người đề cập đến chính Thịt và Máu Người làm của ăn Thần linh dưỡng nuôi họ.
Nói đến bánh từ trời xuống, không ai trong dân Dothái thời đó lại không hiểu tường tận câu chuyện của hơn 1250 năm trước trong sa mạc khi Giavê Thiên Chúa đã dùng Manna và chim cút nuôi dưỡng cha ông họ (x.Xh 16). Ngày đó, trên hành trình về đất Hứa, dân Dothái phải trải qua nhiều khó nhọc, gian khổ trăm bề. Những gian khổ đó có đáng là gì so với thời họ còn là nô lệ bên Aicập. Thế nhưng họ quên mất điều đó. Họ chỉ biết có mỗi một điều là trước đây họ được ăn no tuy bị kìm kẹp trong vòng nô lệ. Còn bây giờ, tuy được tự do nhưng lại phải đói khát. Vì thế họ kêu trách Môsê và lẩm bẩm than trách Giavê Thiên Chúa. Ngày đó, Giavê Thiên Chúa đã cho “kẻ phàm nhân được ăn bánh thiên thần/Chúa gửi đến cho họ dồi dào lương thực” (Tv 77, 25). Manna chính là hình ảnh tiên trưng, chuẩn bị cho việc mạc khải bánh đích thực từ trời là chính Đức Kytô hiến mình làm của lễ dâng lên Chúa Cha qua cuộc khổ nạn của Người.
Những dấu lạ hoá bánh ra nhiều của Chúa Giêsu cũng không gì khác hơn là muốn hướng họ đến một thứ lương thực trường tồn. Thế nhưng dân chúng vẫn không hiểu được ý nghĩa ấy. Họ chỉ biết rằng theo ông Giêsu thì được ăn bánh no nê và chỉ dừng lại ở đó. Điều Chúa Giêsu muốn là họ cần phải tìm một thứ lương thực nuôi sống không chỉ cho thân xác vốn mỏng giòn chóng qua mà còn để nuôi sống linh hồn họ nữa. Chúa Giêsu nhắc đến thân mình Người chính là của ăn quý giá ấy. “Tôi là bánh hằng sống từ trời xuống. Ai ăn bánh này sẽ được sống muôn đời. Bánh tôi ban tặng chính là thịt tôi đây”(c.51).
Rõ ràng điều Chúa Giêsu muốn là loài người được hưởng sự sống dồi dào từ chính máu thịt của Người. Lẽ dĩ nhiên máu và thịt ở đây không phải là máu thịt bình thường như người Dothái vẫn xầm xì : “Làm sao ông này có thể cho chúng ta ăn thịt ông ấy được”(c.52), mà là Máu Thịt chính Chúa Giêsu sẽ hiến dâng làm của lễ dâng lên Chúa Cha khi Người bị treo trên thập giá. Như thế, chúng ta thấy, lương thực thần linh từ trời ban xuống cho nhân loại không chỉ dừng lại ở việc tin vào Con Thiên Chúa xuống thế làm người mà còn là việc lãnh nhận chính Mình và Máu của Người. Khi chúng ta ăn Thịt và uống Máu thánh Chúa Kytô là chúng ta được kết hiệp mật thiết với Người, được ở lại trong Người và nhờ đó, chúng ta có được sự sống từ chính nơi Chúa Cha. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì ở lại trong tôi, và tôi ở lại trong người ấy” (c.56).
Hiệu quả của việc lãnh nhận Mình và Máu Chúa Kytô không chỉ là việc Chúa Kytô ngự trị trong tâm hồn chúng ta và ngược lại, nhưng còn là việc chúng ta hưởng trọn vẹn sự sống vĩnh hằng trong nước Thiên Chúa. “Ai ăn thịt và uống máu tôi, thì được sống muôn đời và tôi sẽ cho người ấy sống lại vào ngày sau hết” (c. 54). Chính vì tầm quan trọng của việc lãnh nhận linh dược vô giá này, mà Giáo hội đòi buộc mọi tín hữu cần chuẩn bị tâm hồn thật sốt sắng, nếu không, hậu quả sẽ khôn lường. Điều này được thánh Phaolô ghi lại rất rõ ràng. “Bất cứ ai ăn Bánh hay uống Chén của Chúa cách bất xứng, thì cũng phạm đến Mình và Máu Chúa… Ai ăn và uống mà không phân biệt được Thân Thể Chúa là ăn và uống án phạt mình” (1 Cr 11, 27.29).
Chúng ta dễ dàng nhận ra đây là một trình thuật gần như tương xứng với trình thuật về việc Chúa Giêsu lập Phép Thánh Thể. Phần chúng ta, muốn được cư ngụ cùng với Chúa Giêsu, muốn được cùng Người chung hưởng sự sống Thần linh, không gì tốt hơn cho bằng qua đức tin, giúp chúng ta đón nhận mầu nhiệm Thánh Thể, chính là tặng phẩm Thần Linh của Chúa Giêsu – qua việc hiến tế chính mình trên Thập giá- ban tặng cho chúng ta mội ngày trong bàn tiệc Thánh.
Lm Joseph Phạm Ngọc Ngôn, Csjb