Theo truyền thống Do Thái, Lễ Ngũ Tuần rơi vào 50 ngày sau Lễ Vượt Qua, cũng là lễ thu hoạch Shavuot của người Do Thái. Shavuot đôi khi được gọi là lễ hội các tuần, ám chỉ bảy tuần kể từ Lễ Vượt Qua: “Từ hôm sau ngày sabát, ngày các ngươi đem bó lúa đến để làm nghi thức tiến dâng, các ngươi phải tính bảy tuần, bảy tuần chẵn” (Lv 23:15) hoặc: “Anh em sẽ tính bảy tuần: từ khi bắt đầu mang liềm đi gặt lúa, anh em bắt đầu tính bảy tuần. Rồi anh em sẽ mừng lễ Ngũ Tuần kính Chúa, Thiên Chúa của anh em, dâng lễ vật tự nguyện, tuỳ theo phúc lành Chúa, Thiên Chúa của anh em, ban cho anh em” (Đnl 16:9-10). Ban đầu là một lễ thu hoạch, Shavuot giờ đây kỷ niệm việc đóng ấn Giao ước Cũ trên Núi Sinai, khi Chúa bày tỏ Torah – Lề luật – cho Môsê trên Núi Sinai. Hàng năm, người Do Thái cử hành lại việc tiếp nhận món quà Torah này vào ngày lễ Ngũ Tuần.
Còn theo truyền thống Kitô giáo, Lễ Hiện Xuống, 50 ngày sau Lễ Phục Sinh là lễ kỷ niệm Chúa Thánh Thần ngự xuống trên các Tông đồ, Mẹ Maria và những môn đệ đầu tiên của Chúa Giêsu tụ họp tại Phòng Tiệc Ly. Lễ Hiện Xuống nhớ về việc Thánh Thần tuôn đổ trên Giáo hội sơ khai và việc sai các môn đệ đi thu hoạch những gì Chúa Thánh Thần đã làm chín mùi và triển nở trong tâm hồn mỗi người và mọi người khắp trần thế.
Tin Mừng theo Thánh Gioan chương 20 câu 19 đến 23 cho chúng ta thấy cách Chúa Kitô Phục Sinh ban Thánh Thần của Ngài. Ba điều chính yếu trong đoạn Tin Mừng này là: Bình an: “Bình an cho anh em!” (Ga 20:19), Sai Đi: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20: 21) và Tha thứ: “Anh em tha tội cho ai, thì người ấy được tha; anh em cầm giữ ai, thì người ấy bị cầm giữ” (Ga 20:23).
- Ơn bình an.
Các môn đệ tự nhốt mình trong sợ hãi, trong gian phòng Tiệc ly đóng kín, trong buồn bã u uất của lòng mình: “Nơi các môn đệ ở, các cửa đều đóng kín, vì các ông sợ người Do Thái” (Ga 20:19). Các ông vẫn còn bàng hoàng trước những gì mà họ đã trải qua trong Lễ Vượt Qua, đặc biệt là cái chết thảm thương của Chúa Giêsu. Ngài bị đối xử như con chiên Vượt Qua vô tội bị hiến tế. Tuy nhiên, bất chấp sự hèn nhát, thiếu niềm tin, họ vẫn gắn bó với nhau trong sự hướng vọng về Chúa Giêsu, và tại đây Đấng Phục Sinh xuất hiện giữa họ, bất chấp các quy luật vật lý của gian phòng đóng kín: “Chúa Giêsu đến, đứng giữa các ông và nói: Bình an cho anh em” (Ga 20: 19). Ân huệ đầu tiên của Chúa Thánh Thần là sự bình an. Sự bình an mà các Thiên Thần công bố từ trời cao ngay khi Chúa Giêsu xuống trần gian: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời, bình an dưới thế cho loài người Chúa thương” (Lc 2,14). Sự bình an khi Ngài trấn áp biển cả dữ dội bằng cách làm dịu đi những cơn sóng dữ: “Ngài thức dậy, ngăm đe gió, và truyền cho biển: Im đi! Câm đi! Gió liền tắt, và biển lặng như tờ” (Mc 4:39). Trước khi bước vào cuộc khổ nạn, Chúa Giêsu đã từng nói với các môn đệ: “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy. Thầy ban cho anh em không theo kiểu thế gian. Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14,27).
Bình an đích thực không phải là một cảm giác thảnh thơi, một cảm xúc êm đềm, đến và đi tùy theo hoàn cảnh. Bình an đó cũng không phải là một khái niệm trừu tượng trong suy tưởng. Bình an đó đến từ một con người, đã trải qua trọn vẹn một đời người, đã khổ nạn, chết, nhưng nay đã phục sinh, chiến thắng tất cả mọi sự, ngay cả cái chết. Không còn gì có thể vượt thắng Con Người ấy. Con Người ấy là Chúa Giêsu. Nơi Ngài tất cả chỉ là bình an. Ngài chính là Bình An. Đây là tin mừng vì điều đó có nghĩa là nơi nào Ngài hiện diện thì nơi đó có bình an.
Nhưng làm thế nào chúng ta có thể kinh nghiệm được sự bình an của Chúa Kitô? Làm sao chúng ta có thể biết được sự bình an của Ngài khi cuộc sống của chúng ta chẳng hề bình an chút nào?
Hãy để Ngài hiện diện bất cứ nơi nào chúng ta cần sự bình an. Chúa Giêsu phán: “Thầy để lại bình an cho anh em… Anh em đừng xao xuyến cũng đừng sợ hãi” (Ga 14:27).
Chúa Giêsu như đang nói: “Việc đón nhận ơn bình an của Ta là một sự lựa chọn. Khi các con cho phép Ta hiện diện trong cõi lòng đầy rắc rối của các con, khi các con cho phép Ta hiện diện trong bao nỗi sợ hãi của các con, khi các con trao cho Ta vô vàn âu lo của các con, Ta sẽ đổi lại cho các con sự bình an của Ta.”
Bình an là hoa trái của ơn cứu độ mà Chúa Kitô đã mang lại cho trần thế qua cái chết và sự phục sinh của Ngài; đó là ân huệ mà Chúa Kitô phục sinh hôm nay tiếp tục thông truyền cho Giáo hội của Ngài khi cộng đoàn dân Chúa tụ họp để cử hành Bí tích Thánh Thể, để Giáo hội có thể làm chứng cho Ngài trong cuộc sống hàng ngày. Đó cũng là sự bình an mà Ngài tiếp tục ban cho chúng ta trong các bí tích và phụng vụ của Hội Thánh.
- Sứ giả Tin Mừng Bình An
Với sự bình an được ban cho này, Chúa Phục Sinh đã phong các môn đệ làm tông đồ, “sứ giả Tin Mừng”. Chúa Giêsu truyền: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20, 21).
Trong Lễ Hiện Xuống, Chúa Giêsu biến đổi các tín hữu thành những người rao truyền Tin Mừng Bình An của Chúa nhờ Thánh Thần của Ngài. Ngài mời gọi mọi người đón nhận Bình An này, thứ Bình An sâu xa vốn đánh dấu sự hiệp thông của các tín hữu với Thiên Chúa, với người khác và với nhau. Sự Bình An này là sức mạnh thực sự cho những ai được Chúa Giêsu sai đi. Đó là hơi thở nội tâm truyền thông sự hiện diện của Chúa Kitô.
Tin Mừng bình an là gì? Và việc trở thành sứ giả Tin Mừng bình an là thế nào? Nói một cách đơn giản, Tin Mừng bình an là thông điệp về tình yêu của Thiên Chúa dành cho mọi người qua Chúa Giêsu Chúa Kitô. Đó là sứ điệp yêu mến Thiên Chúa và yêu thương người lân cận. Đó là lời nhắc nhở rằng tất cả mọi người, ngay cả những người chúng ta không thích, đều là con cái Thiên Chúa và được mời vào bàn tiệc Nước Trời. Đó là một lời mời gọi dành cho mỗi người trong hoàn cảnh xã hội cũng như tâm lý và cảm xúc hiện tại của họ để lãnh nhận ân sủng, sự tha thứ và dần dần biến đổi tình trạng bất ổn của họ nên bình an khi nhận ra rằng mỗi người đều được Thiên Chúa yêu thương và có thể đáp lại tình yêu đó bằng khả năng yêu thương của chính mình.
Trở thành sứ giả bình an là thế nào? Chúng ta có muốn trở thành sứ giả của bình an thay vì của sự nóng giận không? Chúng ta có muốn xây dựng đoàn kết, thay vì chia rẽ không? Chúng ta có muốn lắng nghe với trái tim và tâm trí rộng mở không? Chúng ta có muốn nhìn mọi người chung quanh bằng con mắt hiểu biết, cảm thông thay vì ganh ghét đố kỵ, phán xét và lên án không? Chúng ta có muốn nhận ra và nhìn thấy thế giới tươi đẹp thay vì chỉ là bi kịch không? Chúng ta có muốn đáp lại mọi người với lòng biết ơn thay vì phàn nàn, chê trách không? Nếu chúng ta trả lời những câu hỏi này bằng tiếng Có thì đó là sống theo sứ điệp và trở thành sứ giả Tin Mừng bình an. Tuy nhiên, chúng ta chỉ có thể trở nên sứ giả Tin Mừng bình an như thế khi mở tâm trí và cõi lòng đón nhận Thần Khí của Chúa Kitô Phục Sinh, như Thánh Phaolô khẳng định: “Có nhiều đặc sủng khác nhau, nhưng chỉ có một Thần Khí. Có nhiều việc phục vụ khác nhau, nhưng chỉ có một Chúa. Có nhiều hoạt động khác nhau, nhưng vẫn chỉ có một Thiên Chúa làm mọi sự trong mọi người. Thần Khí tỏmình ra nơi mỗi người một cách, là vì ích chung. Người thì được Thần Khí ban cho ơn khôn ngoan để giảng dạy, người thì được Thần Khí ban cho ơn hiểu biết để trình bày. Kẻ thì được Thần Khí ban cho lòng tin; kẻ thì cũng được chính Thần Khí duy nhất ấy ban cho những đặc sủng để chữa bệnh. Người thì được ơn làm phép lạ, người thì được ơn nói tiên tri; kẻ thì được ơn phân định thần khí; kẻ khác thì được ơn nói các thứ tiếng lạ; kẻ khác nữa lại đượcơn giải thích các tiếng lạ. Nhưng chính Thần Khí duy nhất ấy làm ra tất cả những điều đó và phân chia cho mỗi người mỗi cách, tuỳ theo ý của Ngài” (1 Cr 12:4-11).
- Tha thứ và Hòa giải
Một trong những hoa trái thực sự của Thánh Thần là sự tha thứ. Sự tha thứ được ban như một hồng ân siêu nhiên. Chính trong kinh Lạy Cha, Chúa Giêsu đã dạy các môn đệ cầu xin hồng ân siêu nhiên này: “xin tha tội cho chúng con như chúng con cũng tha cho những người có lỗi với chúng con” (Mt 6:12). Hôm nay Chúa Giêsu giao phó sứ vụ tha tội cho các tông đồ và những người kế vị các ngài khi Ngài hiện ra với các ông sau khi sống lại: “Các con hãy nhận lấy Thánh Thần. Các con tha tội cho ai, thì người ấy được tha” (Ga 20:22) .
Sách Giáo Lý Hội Thánh Công Giáo nói: “Bởi vì Chúa Kitô đã trao cho các Tông Đồ của Ngài thừa tác vụ giao hoà, nên các giám mục, những người kế nhiệm các ngài, và các linh mục, là những cộng sự viên của các giám mục, tiếp tục thi hành thừa tác vụ này. Thật vậy, các giám mục và các linh mục, nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, có quyền tha tất cả tội lỗi “nhân danh Cha và Con và Thánh Thần” (GLHTCG, số 1461).
Đức Thánh Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã cho thấy mối liên hệ giữa quyền xét xử của Chúa Giêsu và quyền tha tội của Ngài:
“Là Con Người đồng nhất với Con Thiên Chúa, Chúa Giêsu đã tha thứ tội lỗi bằng chính quyền năng của mình, được Chúa Cha thông truyền cho Ngài trong mầu nhiệm hiệp thông Ba Ngôi và hiệp nhất ngôi vị. Là Con Người, trong bản tính con người đã chịu đau khổ và chết để cứu độ chúng ta, Chúa Giêsu đã đền tội chúng ta và nhận được sự tha tội từ Thiên Chúa. Là Con Người, trong sứ mệnh thiên sai phải kéo dài hành động cứu độ của mình cho đến tận thế, Chúa Giêsu đã ban cho các tông đồ quyền tha tội để giúp nhân loại sống phù hợp với đức tin và hành động phù hợp với ý muốn vĩnh cửu của Chúa Cha: “giàu lòng thương xót và rất mực yêu mến chúng ta, nên dầu chúng ta đã chết vì sa ngã, Ngài cũng đã cho chúng ta được cùng sống với Chúa Kitô. Chính do ân sủng mà anh em được cứu độ” (Ep 2:4). Toàn bộ niềm hy vọng cứu rỗi của chúng ta dựa vào lòng thương xót vô biên của Chúa Cha, vào sự hy sinh của Chúa Kitô, Con Thiên Chúa và Con Người, Đấng đã chết vì chúng ta, và vào công việc của Chúa Thánh Thần, qua thừa tác vụ của Giáo Hội, liên tục thực hiện trên thế giới việc “tha tội” (Buổi tiếp kiến chung Thứ Tư, ngày 7 tháng 10 năm 1987).
Nhu cầu lớn nhất của mỗi người là được tha thứ tội lỗi mình đã phạm. Chúa Giêsu, với sự khôn ngoan vô hạn của Ngài, và thấu suốt các linh hồn, đã muốn rằng việc tha tội luôn được các linh mục của Ngài sẵn sàng thực thi. Các linh mục thay mặt Chúa Kitô thực hiện hành động tha thứ cụ thể, hòa giải và hướng dẫn thiêng liêng một cách mạnh mẽ và hiệu quả, phù hợp với hoàn cảnh của mỗi người chúng ta. Chúa Giêsu Kitô luôn chờ đợi mỗi người chúng ta nơi Bí tích hòa giải trong tòa Giải tội để tha thứ, ban bình an và sức mạnh Thánh Thần của Ngài để chúng ta lại bắt đầu “ra đi, sinh được hoa trái, và hoa trái của anh em tồn tại” (Ga 15: 16).
Xin cho chúng con, trong ánh sáng của Chúa Thánh Thần, cảm nhận được ơn bình an, lời sai đi và sự tha thứ, bằng cách xem xét lại tâm trí và ước muốn của mình! Xin cho chúng con mở rộng mùa thu hoạch này trong gia đình, trong Giáo hội và toàn xã hội của chúng con! Xin Chúa Thánh Thần hãy đến và canh tân bộ mặt trái đất! Amen.
Phêrô Phạm Văn Trung