CHÚA LÀ MỤC TỬ CHĂN DẮT TÔI

1 Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì.

2 Trong đồng cỏ xanh tươi, Người cho tôi nằm nghỉ.

Người đưa tôi tới dòng nước trong lành

3 và bổ sức cho tôi.

Người dẫn tôi trên đường ngay nẻo chính

vì danh dự của Người.

4 Lạy Chúa, dầu qua lũng âm u

con sợ gì nguy khốn, vì có Chúa ở cùng.

Côn trượng Ngài bảo vệ, con vững dạ an tâm.

5 Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù.

Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm,

ly rượu con đầy tràn chan chứa.

6 Lòng nhân hậu và tình thương Chúa

ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời,

và tôi được ở đền Người

những ngày tháng, những năm dài triền miên. (Tv 23)

Hình ảnh Người Mục Tử Nhân Lành được lặp lại nhiều lần trong Cựu Ước, đặc biệt trong Thánh vịnh 22 (23) mà trong Giáo hội sơ khai gọi là Thánh vịnh khai tâm Kitô giáo. Các tân tòng mới được rửa tội đã hát thánh vịnh này trong cuộc rước dẫn họ đến nhà thờ, nơi họ sẽ lãnh nhận bí tích Thêm Sức và tham dự bí tích Thánh Thể lần đầu tiên.

Thánh vịnh này cũng được đọc hoặc hát trong lễ Chúa Nhật Chúa Chiên Lành, còn gọi là Chúa Nhật cầu cho Ơn gọi sống đời thánh hiến. Thánh vịnh này còn được đọc hoặc hát trong nghi thức rửa tội trẻ em [1], sau khi vị chủ tế xức dầu dự tòng OC (Oleum Catechumenorum) trên ngực mỗi em, khi tiến đến giếng rửa tội. Do vậy, vào buổi đầu của Hội Thánh Chúa Kitô, thánh vịnh này được gọi là thánh vịnh của phép thánh tẩy. Ngày nay, ở Napôli, nước Ý, thánh vịnh này vẫn được long trọng trao cho các mục tử, cùng với nghi thức truyền thống lãnh nhận “Tín biểu của các Tông đồ”, nghĩa là tuyên xưng rằng “Tôi tin vào Thiên Chúa” và cùng với “Lời cầu nguyện ngày Chủ nhật”, nghĩa là “Kinh Lạy Cha”.

Thật vậy, khi đọc kỹ thánh vịnh, người ta có thể thấy ở đó những hình bóng của các bí tích khai tâm Kitô giáo.

Vì vậy, khi thánh vịnh nói: “Người đưa tôi tới dòng nước trong lành và bổ sức cho tôi”, người ta có thể nghĩ đến nước của phép thánh tẩy, và thánh vịnh nói thêm: “dầu qua lũng âm u con sợ gì nguy khốn”, chúng ta nhớ rằng phép thánh tẩy liên kết chúng ta với mầu nhiệm của Chúa Kitô chịu chết và sống lại từ cõi chết. Trong Thư tín gửi tín hữu Rôma, Thánh Phaolô khẳng định “Vì được dìm vào trong cái chết của Ngài, chúng ta đã cùng được mai táng với Ngài. Bởi thế, cũng như Ngài đã được sống lại từ cõi chết nhờ quyền năng vinh hiển của Chúa Cha, thì chúng ta cũng được sống một đời sống mới” (Rm 6,4).

Tương tự như vậy, trong bài đọc của Thánh Grêgôriô Nyssê (335-395)  được đề xuất vào thế kỷ thứ 4 có viết: “Trước tiên anh em phải trở thành một con chiên của Vị Mục Tử Nhân Lành (c.1); việc dạy giáo lý hướng dẫn anh em đến đồng cỏ (câu 2-3); rối thì anh em được mai táng cùng Chúa Kitô trong sự chết, qua phép thánh tẩy, tức là hình bóng và hình ảnh của sự chết (c.4). Và rồi, Ngài chuẩn bị bàn tiệc thánh (câu 5) và ghi dấu anh em bằng dầu Thánh Thần (câu 5c). Cuối cùng, Ngài ban cho anh em thứ rượu làm vui say cõi lòng” (c.5d). [2]

Thánh nhân cũng viết: “Vậy, xin hãy dạy cho con biết Chúa dẫn đàn chiên đi ăn cỏ ở đâu, để con tìm được đồng cỏ cứu rỗi, được ăn no nê lương thực từ trời mà mọi người phải ăn để được đi vào sự sống. Xin cho con chạy đến bên Chúa, là nguồn suối, để thỏa cơn khát bằng thức uống thiêng liêng mà Chúa khiến tuôn ra từ nguồn suối cho kẻ khát. Nước này tuôn ra từ bên hông Chúa do ngọn giáo mở ra, kẻ nào nếm được nó, thì sẽ trở thành suối mùa xuân cho sự sống đời đời”. [3]

Thánh vịnh nói: “Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc”. Làm sao chúng ta không nghĩ đến bàn tiệc Thánh Thể, nghĩ đến bàn thờ mà chúng ta tiến tới để rước lễ? Lương thực cho đời sống Kitô hữu của chúng ta là bánh Thánh Thể. Thánh Ambrôsiô Milanô (340-397), khi trích dẫn Sách Các Vua quyển thứ nhất, đã thấy: “Vua Salômôn đã làm tất cả các vật dụng cho Đền Thờ Thiên Chúa: bàn thờ bằng vàng, bàn đặt bánh tiến cũng bằng vàng” (1Vua 7, 48). Vì vậy, anh em đến gần bàn thờ, anh em lãnh nhận thân mình Chúa Kitô. Anh em hãy học lại những bí tích nào mà anh em đã lãnh nhận. Hãy nghe Thánh Vương Đavít nói. Chính Đức vua, dưới tác động của Thần Khí, đã thấy trước các bí tích này. Ông vui mừng và nói rằng ông không thiếu thốn chi. Tại sao? Vì ai đã nhận lấy thân mình của Chúa Kitô sẽ không bao giờ bị đói khát nữa. Đã bao nhiêu lần anh em nghe Thánh vịnh 22 mà không hiểu! Hãy xem coi Thánh vịnh đó áp dụng rõ ràng như thế nào cho các bí tích trên trời. Phủ việt là quyền lực tối cao, côn trượng là sự đau khổ, nghĩa là thần tính vĩnh cửu của Chúa Kitô, nhưng cũng là cuộc khổ nạn thể xác của Người. Thần tính sáng tạo, còn cuộc khổ nạn cứu chuộc. Chúa dọn sẵn cho con bữa tiệc ngay trước mặt quân thù. Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm, ly rượu con đầy tràn chan chứa!” Vì vậy, anh em đến gần bàn thờ, anh em nhận được ân sủng của Chúa Kitô”. (Thánh Ambrôsiô thành Milanô, De Sacramentis, quyển 1) [4]

Thánh vịnh cũng nói với chúng ta: “Đầu con, Chúa xức đượm dầu thơm”. Chúng ta nghĩ đến dầu thánh, dầu thơm, dùng để xức khi làm phép rửa tội và khi làm phép thêm sức.

Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Ngài những ngày tháng, những năm dài triền miên”, câu cuối cùng này cho biết mục đích của đời sống Kitô hữu: là nhận biết và yêu mến Thiên chúa, “Thiên Chúa là Đấng Toàn Thiện và Hạnh Phúc khôn lường. Theo ý định nhân hậu, Ngài đã tự ý tạo dựng con người, để họ được thông phần sự sống vĩnh phúc” (GLHTCG chương I, số 1).

Theo Sách Lễ Rôma, thánh vịnh 22 cũng được đọc hoặc hát trong phần Đáp ca của Nghi thức Thánh Lễ An Táng Cho Người Lớn – Mẫu 2 [5]. Như thế cuộc đời người Kitô hữu, từ khi sinh vào đời cho đến khi ra đi khỏi cuộc đời, đều nằm trong bàn tay của “Chúa là mục tử chăn dắt tôi, tôi chẳng thiếu thốn gì… Lòng nhân hậu và tình thương Chúa ấp ủ tôi suốt cả cuộc đời, và tôi được ở đền Ngài những ngày tháng, những năm dài triền miên.”

Thánh Vịnh Mục tử nhân hậu này giúp ta hiểu rằng Thiên Chúa, qua Chúa Giêsu Kitô, là “Mục Tử cung cấp đầy đủ nhu cầu cho đoàn chiên; cho đoàn chiên nghỉ ngơi; hướng dẫn đoàn chiên đi trên đường ngay nẻo chính; trang bị những gì cần thiết để bảo vệ đoàn chiên; an ủi đoàn chiên; bồi bổ sức sống đoàn chiên; ở lại với đoàn chiên luôn mãi”. [6]

Đọc Thánh Vịnh này dưới ánh sáng của cái chết và sự phục sinh của Chúa Giêsu cho chúng ta thấy sự khai tâm Kitô hữu luôn tiếp diễn trong cuộc sống chúng ta: chúng ta đã và đang là Kitô hữu, nhưng mỗi ngày trong cuộc đời, chúng ta vẫn phải trở thành Kitô hữu và trở thành mục tử trong các trách nhiệm và ơn gọi riêng mình: gia đình, cộng đoàn, công sở, trường học, bệnh viện, nhà máy…cho đến khi sự khai tâm này đạt đến sự thành toàn của nó: khai mở vào sự sống viên mãn của Vị Mục Tử Muôn Đời, là Thiên Chúa Ba Ngôi, Tình Yêu Muôn Thuở.

Lạy Chúa, xin gửi Thánh Thần của Chúa,

là Thần Tình yêu đến,

để sáng tạo và tái tạo trong con

và trong tất cả những người mà Chúa đã kêu gọi đến chức vụ này,

một trái tim mục tử.

Xin Ngài mở mắt con

để ghi lại ánh nhìn của Chúa

và phản chiếu vào đó sự ngọt ngào của Tình yêu của Chúa.

Xin Ngài mở đôi môi con

Để concất lên niềm vui ngợi khen

cùng lúc với tiếng kêu đau khổ.

Xin Ngài sống trong trái tim con

để duy trì sự nhiệt thành

và niềm mê say sự hiện diện của Chúa ở đó

và xin luôn khắc sâu vào trong trái tim đó

vết thương vì yêu thương

và sự khép kín với Tình yêu.

Xin Ngài hướng dẫn đôi bàn tay con

luôn dốc hết sức lực để phục vụ

với sức mạnh của một cử chỉ tự do

chỉ khát khao nói về tình Chúa.

Ước gì tình Chúa thấm nhuần cuộc sống của con,

toàn bộ hiện hữu và các mối tương quan của con,

toàn bộ lịch sử của con,

để cuộc đời con tỏa ra hương thơm

của Mầu nhiệm của Chúa,

để gieo vào đó và làm phát triển các hạt giống

của Nước Chúa. Amen! [7]

 

Phêrô Phạm Văn Trung.

 

Chú thích:

[1] https://www.nguoitinhuu.org/phungvu/NghiThucRuaToiTreEm.pdf

[2] https://reclusesmiss.org/wp/icone-du-christ-bon-pasteur

[3] Homélie de Saint Grégoire de Nysse sur le cantique des cantiques. Prière au grand Pasteur des brebis. https://adoratioiesuchristi.blogspot.com/2015/11/homelie-de-saint-gregoire-de-nysse-sur.html

[4] https://livres-mystiques.com/partieTEXTES/StAmbroise/sacrements.html

[5] https://gpcantho.com/sach-le-roma-pdf/

[6] ĐGM Pet. Nguyễn Văn Viên, Đức Giêsu Kitô, đường Mục Tử Nhân Lành.

[7] Giám Mục Joseph Rozier.

“Trong miền Palestin, đất đai cằn cỗi, đoàn chiên luôn cần sự dẫn dắt của người chăn để có thể di chuyển từ nơi này đến nơi khác, hầu có đủ thức ăn qua ngày. Hơn nữa, với nơi hoang mạc như vậy, nguồn nước luôn là thách đố lớn đối với người chăn chiên. Sự bảo đảm cho đoàn chiên có đủ thức ăn, nước uống luôn là vấn đề cấp thiết. Ngoài việc tìm kiếm thức ăn mỗi ngày, đoàn chiên phải đối diện với những hiểm nguy khác, chẳng hạn như sói dữ hay những người trộm cướp. Càng đối diện với nghịch cảnh thiếu thức ăn, nước uống, thú dữ hay những người trộm cướp, đoàn chiên càng lệ thuộc vào người chăn.

  

Chia sẻ Bài này:

Related posts