Thưa quí vị. Sách Tông Đồ Công Vụ khởi sự với với lời dặn dò của Chúa sống lại là các ông chớ rời Giêrusalem, nhưng hãy chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa, tức ít ngày nữa các ông sẽ chịu phép rửa trong Thánh Thần. Không hiểu các thính giả hiếu động trong cộng đoàn tín hữu tiên khởi, có nuốt nổi chờ đợi này không. Hiện nay thì có lẽ không nổi, vì chúng ta có khuynh hướng công việc lập tức được thi hành, không trì hoãn. Chúng ta không có kiên nhẫn chờ đợi. Cứ như bản văn thì họ cũng có tâm lý tương tự: “Lạy Thày, có phải đã đến lúc Thày khôi phục nước Israel không? Xem ra họ đã sẵn sàng tham gia vào việc xây dựng lại triều đại vẻ vang, hiển hách. Nhưng tư tưởng của họ lại tỏ ra lạc hướng và hành động hoàn toàn sai. Không phải Chúa sẽ khôi phục nước Israel vật chất với nền thống trị kinh tế, chính trị, quân sự. Nhưng là khai mở Nước Trời mà họ sẽ nhận được phép rửa bằng Thánh Thần để nên nhân chứng cho Ngài tại Giêrusalem, trong tất cả xứ Giuđêa, Samaria và tận cùng thế giới.
Như vậy, Chúa đã bẻ gẫy quan điểm vật chất, hẹp hòi của các ông về sứ vụ của Ngài. Họ không hiểu và cắt nghĩa sai cuộc sống của Ngài ở trần gian. Điều Ngài muốn họ làm là nên nhân chứng cho Ngài ngoài ranh giới Israel, chứng nhân về cuộc thương khó và sống lại của Ngài ngõ hầu thế giới được cứu độ. Họ phải hoàn toàn lệ thuộc vào Thiên Chúa trong công cuộc này, vì thế Ngài bảo họ đợi Chúa Cha ban Thánh Thần xuống. Lúc ấy, họ mới đủ can đảm và sức mạnh chu toàn nhiệm vụ.
Nói chung loài người rất ít kiên nhẫn. Các gương sáng về chuyện chờ đợi đều là hoang đường, hư cấu, không có thật trong đời thường. Chúng ta dễ chán nản khi phải chờ đợi. Vì thế ca dao có câu ví: “Một trăm cái khổ, không bằng dài cổ đợi ăn”. Chúng ta nóng lòng muốn có kết quả ngay tức thời. Người ta sẵn sàng bỏ ra hàng nhiều triệu đồng để mua một chút nhanh chóng. Thời mới giải phóng, có những người sinh sống bằng nghề xếp hàng thuê, để mua vé tàu xe cho những người không hề chờ đợi, hoặc vào những dịch vụ công cộng, như khám bệnh, mua thuốc, thực phẩm, vv. Xin quí vị thử ngiệm tâm lý này bằng cách đợi con cái đi học về, cha mẹ già yếu đau ốm. Trên bình diện quốc tế hôm nay, người ta sốt ruột đợi chóng hết sung đột, chiến tranh Iraq, Afghanistan, lặp lại hoà bình. Tại sao chờ đợi làm chúng ta khốn khổ? Câu trả lời là ai đó, thế lực nào đó có thẩm quyền quyết định, chứ không phải mình. Và vì bị đặt ngoài tầm tay kiểm soát,bị lệ thuộc vào thế lực ngoại lai, chúng ta cảm thấy bị hạ nhục, tổn thương tự ái.
Vậy thì tại sao Chúa Giê-su lại bảo các môn đệ đợi chờ? Chính là dậy các ông lòng kiên nhẫn, khiêm nhường, không được tự thân hành động, mà phải lệ thuộc vào Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần lúc nào mà chẳng sẵn sàng? Xét cho cùng, họ chỉ là một cộng đoàn nhỏ bé, nhát đảm, sợ hãi trước thế lực to lớn của đền thờ. Họ chẳng có chút quyền bính của riêng mình, cho nên phải đợi sức mạnh từ Thiên Chúa. Mặt khác, Phúc âm cho hay họ có khuynh hướng hiểu sai sứ mệnh và lời giảng dạy của Chúa Giê-su. Họ hèn nhát chạy trốn hoặc rút lui khi gặp khó khăn đe doạ. Vậy thì chờ đời điều Chúa Cha hứa là hợp lý. Lúc ấy họ mới hiểu đúng sứ điệp của Chúa, thâm nhập vào lối sống của Chúa và có đủ can đảm rao giảng Tin mừng Chúa sống lại. Một thứ Tin mừng gây nghi ngờ, hận thù với thần quyền, thế quyền lúc bấy giờ.
Có thể đây là bài học quí báu cho thế hệ của chúng ta hôm nay. Chúng ta háo hức rao giảng Tin mừng mà không được chuẩn bị trước, hoặc chuẩn bị sơ sài, hoặc tự cao tự đại, đến nỗi hiểu sai hết về con người và sứ điệp của Chúa Giê-su. Việc này đầy dẫy trong những “khám phá” mới mẻ của các nhà “thần học” non non. Họ chưa suy nghĩ, cầu xin cho thấu đáo mà đã đưa ra tuyên bố lung tung. Trong lịch sử những sai lầm loại này không thiếu. Người ta truyền giáo bằng phương pháp ép buộc rửa tội, trà đạp nhân phẩm, ý muốn của người khác. Có khi cả một nền văn hoá bị xoá xổ vì “sự thật” Phúc âm. Nghĩa là chúng ta cũng hành xử vụng về như các tông đồ khi chưa nhận lãnh Chúa Thánh Linh.
Cho nên phải vâng lời Chúa Giê-su: “chờ đợi điều Chúa Cha đã hứa” trước khi đi rao giảng Tin mừng cho Giêrusalem, Giuđea, Samaria và khắp toàn trái đất. Chúng ta phải học chế ngự con ngựa bất kham của tính nông nổi, kiên nhẫn chờ đợi thánh ý Thiên Chúa ứng nghiệm đầy đủ. Sách Gương Phúc viết: “Chúa biết ban ơn lúc nào, cho ai là tốt nhất, tuỳ vào ý Ngài.” Chúng ta có khuynh hướng bắt Thiên Chúa phải thuận theo ý ta, trong khi Ngài mới là Người chịu trách nhiệm công việc. Bản chất loài người là hiếu động, điều đó không xấu, nhưng xin đừng xâm phạm quyền lợi Đức Chúa Trời. Chúng ta có những dự án, chương trình, đâu có ai cấm, chúng cần thiết cho cuộc sống. Nhưng xin nhớ mưu sự tại nhân, thành sự tại thiên. Xưa nay nẩy sinh nhiều bạo chúa, hôn quân, độc tài, dìm nhân loại vào máu lửa, là vì họ qúa tin tưởng vào dự án, chương trình của mình mà quên lãng ý kiến của Thượng đế. Người môn đệ phải tránh xa những lối hành xử đó. Xin nhớ ngay cả khi chúng ta có ý định tốt, chương trình tốt, liệu Thiên Chúa đã dự phần vào? Làm sao chúng ta biết? Làm sao chúng ta chắc chắn là ý Chúa? Chúng ta đã thỉnh ý Ngài chưa? đã kiên nhẫn chờ đợi câu trả lời chưa? Bà thánh Jeanne d Are bị giám mục Couchons thiêu sống vì xử án quá vội vàng. Sau này theo đề nghị của thánh Ambrosio ngưng ít là một tháng mới thi hành án. Cho nên trong Tiếng Anh có những câu văn dạy sự khôn ngoan, đợi chờ: “Hurry up and wait” (mau lên và đợi đấy). Don t just do something, stand there” (đừng làm gì cả, đứng đấy chờ). Chờ đợi Chúa Thánh Thần hướng dẫn là thái độ khôn ngoan nhất của người môn đệ Chúa.
Ngay cả khi thuật lại Chúa Giê-su sai môn đệ đi rao giảng tới tận cùng thế giới, thánh Lu-ca cũng không quyên sự kiện Giêrusalem. Các môn đệ đi làng Emmaus chán nản và thất vọng vì mộng mị quyền lực không còn. Họ nói với người khách lạ: “Chúng tôi đã hy vọng…” Điều họ hy vọng là Chúa Giê-su khôi phục vương triều Đavít huy hoàng, lộng lẫy và dĩ nhiên họ cũng được dự phần. Nhưng Chúa Giê-su cho họ hay, con đường họ suy nghĩ là lầm lạc, rồi Ngài khởi sự cắt nghĩa cho họ sứ mệnh thiên sai của Ngài ra sao, bắt đầu từ ông Môsê. Ông Môsê đã chịu cô đơn, chống đối và đâu khổ thế nào, tất cả các ngôn sứ cũng vậy, thì số phận của Ngài khác đi sao được. Đau khổ, bị bỏ rơi, hành xích, chịu nạn, chịu chết là số phận của Ngài và những kẻ theo Ngài. Bài đọc hôm nay, Lu-ca cũng ám chỉ về số phận ấy: “Sau cuộc thương khó, Ngài đã tỏ cho các ông thấy Ngài vẫn sống”. Vậy thì khổ nạn và sống lại liên kết chặt chẽ với nhau. Người ta không thể tách rời sống lại mà không cần thánh giá. Hẳn các môn đệ chân chính của Chúa Giê-su hiểu ra được sứ điệp ấy. Theo thánh Lu-ca. Chúa Giê-su hiện ra đang sống sau khi đã chịu thương khó. Như vậy người môn đệ Chúa không thể tránh khỏi đau khổ ở đời này, nếu muốn sống lại với Ngài. Từ chối hy sinh, khổ chế, hãm mình là khước từ Phục sinh. Muốn trung thành với Chúa chúng ta phải đi theo con đường của Ngài. Đó là ý nghĩa của câu: “Per crucem ad lucem (qua khổ giá tới vinh quang). Không hiểu các môn đệ ngày nay có hiểu được chân lý ấy? Hay chỉ là môn đệ giả hiệu, mong tới vinh quang bằng con đường khác: “thu tích sung sướng xác thịt.” Trở lại câu truyện đức cha Couchon, vì muốn thu tích ơn huệ, giầu sang của nước Anh mà đang tâm ra lệnh đốt sống một vị thánh. Chuyện có thật chứ không phải bịa đặt. Không khổ chế, chẳng thể tu trì cho đúng nghĩa được. Vì nó đi ngược với Kinh thánh. Vậy đối với môn đệ Chúa Giê-su đau khổ là cái giá phải trả cho niềm tin và sứ vụ của mình.
Cho nên chúng ta phải đợi Chúa Thánh Thần tới giúp đỡ mình khi tình thế trở nên khó khăn. Chúng ta là chứng nhân cho Chúa Giê-su bằng đời sống theo Chúa và dấn thân trên con đường Ngài đã đi. Nếu chúng ta trung thành với ơn gọi trong cuộc sống hằng ngày, trong gia đình, tu viện, sở làm, trường học thì nhất định sẽ gặp đau khổ. Đầy tờ không hơn chủ, thế gian sẽ ghen ghét chúng ta, như họ đã ghen ghét Chúa Giê-su. Tệ hơn nữa, chúng ta sẽ bị họ tẩy chay, loại trừ như những kẻ lập dị, viển vông, không thực tế, quá lý tưởng. Cho nên chúng ta cần ơn Chúa Thánh Thần nâng đỡ, để chống lại bất công. Như vậy việc mong đợi ơn Ngài là hợp lý.
Mục sư Thomas Troeger lúc giảng trong buổi lễ Chúa lên Trời gợi lại những tuyệt vọng của các môn đệ và những khát khao của Giáo hội tiên khởi mong đợi Nước Thiên Chúa ngự đến. Rồi ông quả quyết chúng ta ngày nay cũng biết đến nỗi khổ của họ. Chúng ta cũng kinh nghiệm thất vọng và khao khát Chúa Giê-su. Chúng ta chứng kiến không phải vinh hiển mà tổng hợp đau khổ, thất bại và an ủi. Liệu thế gian này đã có chi thay đổi? Đức tin của chúng ta thực hiện được chi khác hơn cho thế giới? Khi nào mọi sự mới đi vào trật tự, khởi đầu một trời mới đất mới? Rồi ông trích những lời lẽ sau đây của thi sĩ Yeast để trả lời: “Mọi vật đều tan rã, cái đùm xe chẳng giữ được căm xe. Hỗn loạn ngự trị khắp nơi. Thuỷ triều nước mắt dâng cao. Kẻ vô tội chết đuối trong biển khổ. Những người ngoan cường nhất mất cả niềm tin trong khi cái xấu nhất toàn thắng thế.”
Chúng ta mòn mỏi vì chờ đợi, vâng đúng vậy, chờ đợi mạc khải tỏ hiện. Chúa sắp trở lại, đó là lời than vãn, lời cầu nguyện trong khẩn thiết và phó thác. Chúng ta khao khát ơn trợ giúp mà tự mình không thể có được. Xin hãy tưởng tượng lại những thất vọng của Giáo hội tiên khởi: “Đâu phải việc chúng con hiểu biết thời gian hay hạn kỳ mà Cha đã ấn định cho quyền bính Ngài.” Ngày nay nghe những lời này chúng ta cũng nản lòng biết bao. Cho nên đức tin vào triều đại vinh hiển của Chúa Kitô, Ngài sẽ sai Chúa Thánh Thần xuống giúp đỡ là cần thiết. Nhưng chúng ta chẳng thể cưỡng ép bàn tay quyền năng này, một là phải chờ đợi. Ngài luôn đến với chúng ta như Chúa Cha đã hứa. Amen.
Lm Jude Siciliano, OP