Kng 1,13-15; 2,23-24; 2C 8,7.9.13-15; Mc 5,21-43
Ðau khổ, bệnh tật, chết chóc: bởi đâu đến? Diệt được không? Làm thế nào? Ba bài Kinh Thánh hôm nay gợi lên nhiều suy nghĩ. Cho dù Lời Chúa chỉ dễ hiểu đối với những ai có lòng tin; nhưng khách quan cũng có thể nâng đỡ suy nghĩ của con người. Ít ra đó cũng là quan điểm của tác giả bài đọc I hôm nay.
A. Thiên Chúa Ðã Không Làm Ra Sự Chết
Thật vậy, vào khoảng nửa thế kỷ I trước khi Ðức Yêsu Kitô ra đời, một người trí thức Dothái sống lưu lạc ở Alexandria, thủ đô văn hóa của thế giới Hylạp thời bấy giờ. Ông gặp gỡ nhiều luồng tư tưởng triết học ngoại giáo. Họ luôn đề cập đến các sự dữ ở đời. Họ chưa phân biệt như Gabriel Marcel sau này ở thời đại chúng ta, triết gia công giáo này bảo không nên đặt sự dữ thành “vấn đề”, vì nếu là vấn đề thì phải có giải pháp; và rõ ràng cho đến nay không có giải pháp nào xóa bỏ được sự dữ. Tốt hơn hãy coi nó là “mầu nhiệm”, và đối với mầu nhiệm, con người đừng tìm cách khắc phục nhưng hãy đưa mình vào để cảm nghiệm.
G. Marcel là triết gia, nên nói tiếng nói của triết học. Tác giả đoạn sách Khôn ngoan hôm nay chỉ là một người Dothái trí thức không biết luật pháp Môsê và mạc khải của Thiên Chúa. Ông muốn đem Lời Chúa nói với những người chỉ quanh quẩn với các lý luận triết học. Ông khẳng định không úp mở: Thiên Chúa không làm ra sự chết. Người chỉ làm ra sự sống. Nơi Người chỉ có tích cực, đến nỗi Người chẳng vui gì khi sinh linh hư diệt.
Như vậy thế giới này là công trình của một ông thiện và một ông ác, của một thần lành và một thần dữ như có thứ triết học chủ trương sao? Chắc chắn tác giả của chúng ta không nghĩ như vậy. Quan niệm lưỡng nguyên coi vạn vật là con đẻ của hai nguyên lý lành-dữ bị chính triết học phi bác, ít ra nơi những suy tư nghiêm chỉnh. Tác giả là người Dothái có mạc khải của Thiên Chúa. Ông nhớ đến trang đầu tiên trong sách Khởi nguyên nói rằng: Thiên Chúa dựng nên vạn vật và Người thấy chúng thật tốt lành. Và ông viết: ” Những gì được sinh thành ra trong vũ trụ đều lương hảo”. Ông diễn tả đúng niềm tin như Lời Chúa mạc khải.
Tuy nhiên ông phải nói cho người Hylạp hiểu: vì sao lại có sự dữ, là đau khổ, bệnh tật và nhất là sự chết? Sự chết bao trùm mọi sự dữ ở đời. Nó không có mặt trong trời đất khi Thiên Chúa sinh thành vạn vật. Nó đã từ đâu tới để đến nỗi bây giờ nó gieo rắc đau thương, bệnh tật và tang tóc ở mọi nơi? Nhất là nơi con người. Phải nói rằng chỉ nơi con người ta sự chết mới được cảm nghiệm như là sự dữ. Và người ta lấy tâm trạng của mình để phóng lên trên sự vật, khiến chúng ta có thể nói: người buồn cảnh có vui đâu bao giờ.
Ở đây không phải là chỗ để chúng ta tranh luận triết học. Nhưng người ta không sai lầm lắm đâu khi quan niệm rằng chính ý thức về sự chết là sự dữ ở nơi mình mà con người đâm ra nhìn thấy các khía cạnh tiêu cực nơi ngoại vật. Một em bé thơ ngây không dễ yếm thế như những người đã có kinh nghiệm đau khổ. Ít ra chúng ta nên tập suy nghĩ rằng: những sự dữ bên ngoài không quan trọng và chủ yếu như sự dữ ngay trong con người chúng ta. Và có thể nói như thánh Phaolô: Tạo vật đang rên xiết vì còn phải chờ ngày con cái Thiên Chúa xuất hiện nơi chúng ta. Hoặc như tác giả hôm nay viết trong bài sách Khôn ngoan: Tử thần không có quyền bá chủ cõi trần (khi cõi trần này được tạo dựng).
Vậy chính con người mang sự chết và bè lũ của nó là đau khổ, bệnh tật đến sao? Cũng không phải. Con người linh ư vạn vật. Khi do Chúa tạo thành, con người cũng là tạo vật thật tốt lành. Và phải tốt lành hơn mọi vật khác. Con người đã được dựng nên giống hình ảnh tạo hóa, theo như bản chất của Người. Con người cũng phải bất hoại vì lẽ Thiên Chúa không làm ra sự chết và Người không vui khi sinh linh hư diệt. Tác giả chỉ tìm thấy nguyên do sự chết nơi con người trong mạc khải của chính Thiên Chúa. Ở chương 3 sách Khởi nguyên, chúng ta đã được nghe biết về câu truyện cám dỗ và sa ngã của nguyên tổ loài người. Vì tội lỗi của Adam-Evà mà sự chết đã xâm nhập vào thế gian. Nó là hình phạt của tội lỗi. Và tội lỗi do tên cám dỗ mang lại. Do đó tác giả viết: “Còn chết, có nhập vào trần gian, ấy là do quỷ đố kỵ”.
Tác giả bài sách Khôn ngoan đã chỉ vắn tắt lập lại giáo lý của sách Khởi nguyên, của truyện Thiên Chúa dựng nên vạn vật và nhất là con người. Người đã sinh thành con người tốt lành và bất tử, với điều kiện loài người không phạm tội. Nhưng chính vì không trung thành với Người, Adam-Evà đã phạm tội và đã chuốc lấy hình phạt được báo trước: đó là sự chết và bè lũ đi theo nó, là đau khổ và tật bệnh.
Tác giả có làmcho các triết gia Hylạp suy nghĩ không? Ông đã làm phận sự của người dân có mạc khải của Thiên Chúa. Dĩ nhiên chỉ ai có niềm tin mới biết đón nhận; nhưng khi con người nhận thấy các suy tư của mình lúng túng trong những điều khó hiểu như các thắc mắc về đau khổ, bệnh tật và chết chóc mà chúng ta thường gọi chung là sự dữ, Lời Chúa có thể là ánh sáng cho những tâm hồn thiện chí và có khả năng nâng đỡ suy tư của con người.
Chúng ta cám ơn Chúa vì có sẵn đức tin. Chúng ta hôm nay hiểu hơn giáo lý về sự dữ. Chúng ta sẽ bắt chước tác giả sách Khôn ngoan, khi có dịp đã không ngần ngại chia sẻ với mọi người chung quanh niềm tin của mình để góp phần suy nghĩ với họ về mọi cái xảy ra trong cuộc sống con người. Hơn nữa, nhờ bài Tin Mừng hôm nay, chúng ta còn có thể đi xa hơn. Sau khi đã biết sự chết bởi đâu đến, chúng ta còn được mạc khải về đường lối giải thoát cứu độ.
B. Chúa Yêsu Kitô Ðã Cứu Người Ta Khỏi Chết
Ít khi chúng ta thấy các tác giả thánh lồng hai câu truyện vào với nhau như trong bài Tin Mừng hôm nay. Có cả một câu truyện dài tường thuật việc một người phụ nữ khỏi bệnh lồng trong câu truyện Chúa đến chữa một em bé sống lại. Câu truyện nào quan trọng hơn? Nhất là có tương quan mật thiết nào giữa hai câu truyện không? Có thể nói cả hai chỉ nhằm đề cao một chủ đề cho thấy hành trình của đức tin cứu độ.
Thật vậy, có một nét chung rất bề ngoài của hai câu truyện. Người phụ nữ đã bị bệnh 12 năm và trở thành nan trị. Em bé đó cũng 12 tuổi và đã chết. Cả hai trường hợp đều nói lên tình trạng nan giải của nhân loại tội lỗi. Nhưng rồi cả hai đều đã được cứu thoát nhờ việc tiếp xúc với Ðức Yêsu. Người phụ nữ thì rờ vào áo Người; còn em bé thì được Người cầm tay đỡ dậy. Tuy nhiên điều mà có lẽ thánh Marcô muốn chú trọng hơn cả trong hai câu truyện là từ tình trạng bệnh tật, chết chóc đến trạng thái khỏe mạnh, sống vui, con người phải làm một cuộc hành trình đức tin.
Có lẽ vì vậy mà tác giả đã dừng lại lâu ở trên đường đi. Và rõ ràng ông đã coi thường con đường bề ngoài dẫn Ðức Kitô đi. Ông chú ý vào con đường tâm hồn dẫn người ta đến với Người.
Khởi đầu, ông Yairô đến xin Người lại nhà ông đặt tay lên đứa con sắp chết. Lúc ấy Người đang ở giữa đám đông. Không ai có thái độ nào khác thường đối với Người. Nhưng Yairô đã đến sấp mình dưới chân Người. Ðó là cử chỉ thờ lạy; đó là hành vi đức tin, nổi bật hẳn lên giữa đám đông chưa biết nhận ra con người thật của Ðức Kitô. Có thể niềm tin kia còn mơ hồ vì Yairô đã xin Người đến nhà ông và đặt tay trên con bệnh. Ông nhớ lại nhiều hình ảnh về các tiên tri. Có lẽ ông đã thấy nhiều pháp sư có khả năng chữa bệnh như vậy. Dù sao ông đã có niềm tin. Và chút niềm tin này đủ để Ðức Yêsu lên đường đi cứu độ.
“Người ta chen cả vào Người”, để Người thật sự là Ðấng Emmanuel tức là Thiên-Chúa-ở-cùng-chúng-tôi; và cũng để Người sống như mọi người và để người ta phải đón nhận Người trong nhân tính khiêm cung khó nghèo.
Người phụ nữ bị bệnh 12 năm có niềm tin ấy. Bà coi thường luật “dơ và sạch” cấm bà động vào người ta. Bà âm thầm nói lên niềm tin ở trong lòng trước khi sờ vào áo Người. Bao nhiêu kẻ khác chen vào Người mà Người không để ý, nhưng ơn cứu độ ở nơi Người đón nhận ai là kẻ có lòng tin đến với Người. Người cảm thấy mãnh liệt có một kẻ tin đụng vào mình. Người là Ðấng được sai đến để “khơi nguồn và viên thành đức tin” như lời thư Hipri nói. Thế nên Người lên tiếng, làm nổi khuôn mặt của kẻ có niềm tin lên. Người suy tôn kẻ ấy và đồng thời muốn khơi dậy nhiều niềm tin như vậy.
Khốn nỗi, thế gian luôn muốn chọc phá công việc cứu độ của Thiên Chúa và dập tắt ngọn lửa lòng tin mà Ðức Yêsu vừa nhóm lên. Người nhà viên trưởng hội đường đến báo tin em bé đã chết rồi và bảo ông Yairô đừng phiền hà Ðức Yêsu nữa. Nếu không có phép lạ vừa xảy ra cho người phụ nữ được khỏi bệnh; nếu không có những lời Ðức Yêsu vừa cổ võ lòng tin của bà; và nhất là nếu không có chính lời Người giờ đây bảo ông: Ðừng sợ, hãy tin mà thôi. Ông Yairô có lẽ đã theo lời người ta khuyên và đã xin Người đừng mất công đến nhà ông làm gì nữa. Nhưng may Người đã “viên thành” đức tin cho ông. Ông cứ để Người đi.
Người chỉ để cho Phêrô, Yacôbê và Yoan đi theo. Người muốn cho ba môn đệ đặc biệt này được chứng kiến một việc để sau này đức tin được nâng đỡ khi thấy Người rũ rượi cầu nguyện nơi vườn Ghếtsêmani.
Thế gian lại đặt thêm chướng ngại vật trên con đường đức tin. Những tiếng khóc lóc kêu la ầm ĩ và nhất là những tiếng cười nhạo báng khi nghe Người nói: “Em bé chỉ ngủ thôi”, là tất cả những hình ảnh về sự thiếu lòng tin và sự cứng lòng tin của thế gian muốn vây hãm và làm cản bước hành trình đức tin của những người đi theo Ðức Yêsu.
Nhưng khi Người cầm tay cho em bé đã nằm chết mà Người chỉ coi như đang “ngủ” được chỗi “dậy” thì niềm tin của Người trở thành hoàn toàn. Nói đúng ra, niềm tin vào Người sẽ chỉ hoàn toàn, khi người ta tin Người đã “ngủ” và chỗi “dậy” trong mầu nhiệm tử nạn-phục sinh của Người. Khi ấy không những người ta tin Người có phép làm cho kẻ chết sống lại, mà còn làm cho mọi kẻ tin Người sẽ được sống đời đời. Bây giờ Người trở thành sự sống lại và sự sống cho những ai tin Người. Người là Ðấng chiến thắng sự chết và cứu người ta khỏi đau khổ đời đời. Và như vậy như lời Phaolô nói: Cũng như chỉ vì một người mà sự tội đã đột nhập trần gian, và vì tội, thì sự chết nữa… Cũng vậy, công đức của một người đã thành giải án tuyên công đem lại sự sống cho hết mọi người hết thảy (Rm 5,12.18). Và bài sách Khôn ngoan hôm nay phải có bài Tin Mừng này mới đầy đủ. Chúng ta cám ơn mạc khải của Thiên Chúa. Chúng ta tin vào Người là Ðấng đã chiến thắng sự chết để đem lại sự sống đời đời cho chúng ta. Chúng ta hãy chia sẻ tin vui mừng ấy với hết mọi người, đặc biệt với những người khổ đau. Và ở đây, chúng ta được bài thư Phaolô hướng dẫn.
C. Chúng Ta Hãy Chia Sẻ Với Những Người Túng Thiếu
Thánh Tông đồ khuyên giáo dân Côrintô rộng rãi trong việc lạc quyên cho anh em tín hữu ở Yuđêa. Sự việc nay đã qua rồi. Nhưng lý lẽ thánh tông đồ đưa ra vẫn luôn hợp thời.
Không phải giáo dân Côrintô giàu có gì. Cho dù bấy giờ họ không gặp cảnh túng đói như tín hữu ở Yêrusalem, nhưng dân Chúa ở mọi nơi vẫn là thành phần nghèo khó trong xã hội. Tuy nhiên người có đức tin phải nhìn đời bằng cách khác. Cho dù về vật chất họ có nghèo, nhưng về tinh thần và lòng đạo đức, họ là những người giàu có. Bởi vì Ðức Yêsu Kitô đã trở nên nghèo khó để làm giàu cho họ. Người đã từ bỏ tất cả, ngay đến bản thân mình trong mầu nhiệm thập giá, để trở nên giàu có mọi ơn Thánh Thần cho những ai tin Người. Theo nguyên tắc, mọi tín hữu khi chịu phép Rửa đã nhận được tất cả mọi Lời Hứa của Thiên Chúa. Họ được “trổi trang về mọi mặt: về lòng tin, về lời nói, về trí tri, về sốt sắng mọi kiểu, về lòng mến…”. Họ có cả Nước Trời làm gia nghiệp. Thế thì họ không thể chật hẹp về lòng thương . Có sẵn lòng chia sẻ với người túng thiếu hơn, họ mới tỏ ra biết quý hóa các ơn cao trọng họ đang mang trong mình.
Chia sẻ bao nhiêu? Thánh Tông đồ đáp: miễn sao có sự đồng đều! Không ai buộc làm cho kẻ khác được thư thái, còn mình lại bị túng quẫn. Nhưng sự dư giả của mình phải đắp vào sự thiếu thốn của người khác để rồi ra sự dư giả của họ sẽ bồi vào sự thiếu thốn của mình, và như thế là có đồng đều.
Lập trường của thánh Tông đồ như vậy rất rõ. Người có đức tin phải thấy mình được Thiên Chúa ban cho quá nhiều ơn cao cả. Lòng họ phải rộng rãi. Họ phải biết sống chia sẻ, làm sao trong anh em có sự đồng đều.
Một lập trường như thế còn là lời kêu gọi chúng ta trong thế giới hiện nay mà các chênh lệch về của cải đang tăng thêm nhiều đau khổ cho xã hội loài người. Ðó là kêu gọi đòi hỏi, gắt gao. Chúng ta không dễ tự nguyện nghe theo. Phải nhìn vào gương Chúa Yêsu: giàu có như Người mà vì chúng ta, Người đã trở nên nghèo khó ngõ hầu chúng ta được nên giàu có nhờ sự nghèo khó của Người.
Giờ đây Người sắp hiện diện giữa chúng ta trong mầu nhiệm bàn thờ. Người dùng bánh rượu là những thứ thô sơ để làm dấu chỉ cuộc tử nạn phục sinh của Người. Người trở nên khó nghèo trong mầu nhiệm Thánh giá và Thánh Thể này, để chúng ta được nhận lấy sự sống của chính Thiên Chúa và mọi phúc lộc khác đi theo sự sống này. Chúng ta được nên giàu có khác thường. Chúng ta phải rộng rãi, sẵn lòng chia sẻ với mọi người để có sự đồng đều. Như vậy cũng chẳng tiêu diệt được hết các đau khổ, tật bệnh, chết chóc của đời này đâu. Nhưng không kể phần hạnh phúc cụ thể mà sự chia sẻ của chúng ta sẽ đem lại cho người này người khác, chúng ta còn chứng tỏ đã hiểu nguyên do đích thực của sự chết và sự dữ, cũng như giải pháp đích thực cho các đau khổ và sự chết đời đời nằm ở chân lý nào. Chúng ta hòa mình và sống trong “mầu nhiệm” đau khổ chứ không chỉ nhìn các đau khổ ở đời như một “vấn đề” triết học khách quan. Và chúng ta làm được như vậy nhờ có Lời Chúa hôm nay.
Qua đoạn Tin Mừng trên, ta thấy cả hai việc chữa lành đều do được chạm tới Chúa. Ðức Giêsu là Thiên Chúa. Ngài có uy quyền trên mọi thế lực: Bệnh tật và cả sự chết nữa.
Nhờ lòng tin của Giairô mà con gái ông được cứu sống, và cũng nhờ lòng tin vào Ðức Giêsu mà người đàn bà bị băng huyết được chữa lành. Niềm tin, lòng khiêm nhường của Giairô và người đàn bà đã cho họ được điều họ mong ước.
Ðặc biệt, nhờ vào lòng tin nơi Chúa Yêsu Kitô, đấng đã chiến thắng sự chết để ban cho chúng ta sự sống hạnh phúc bất diệt. Chúng ta hãy sốt sắng dọn lòng trí đón nhận Người trong mầu nhiệm cử hành giờ đây nơi bàn thờ.
Cầu Nguyện:
Lạy Chúa Giêsu, mỗi khi chúng con được rước Chúa, chúng con được chạm tới Chúa. Ước chi mọi tật nguyền trong chúng con được lành mạnh. Chúng con dâng hiến Chúa trọn con người chúng con. Xin Chúa ở cùng chúng con luôn mãi. Amen.
(Trích dẫn từ tập sách Giải Nghĩa Lời Chúa
của Ðức cố Giám Mục Bartôlômêô Nguyễn Sơn Lâm)