Đối với chúng ta hôm nay, gửi một lá thư từ Việt Nam đi Âu hay Mỹ là điều dễ như trở bàn tay, nhất là đối với thư điện tử, chỉ cần soạn thư vào điện thoại hay máy tính, rồi nhấn vào phím gửi… thế là bức thư sẽ được chuyển đi đến nơi ta muốn, trong một vài giây!
Thế nhưng vào thời trước đây, khi ngành Bưu chính Việt Nam chưa phát triển[1] chuyển một bức thư từ Bắc vào Nam là cả một hành trình đầy gian truân.
Chuyển giao sắc chỉ nhà vua
Hồi ấy, người lính trạm ở hoàng cung (nay gọi là bưu tá), sau khi tiếp nhận sắc chỉ của nhà vua, tức tốc lên ngựa phóng nước đại bất kể ngày đêm mưa nắng, để chuyển giao sớm hết sức có thể cho nhà trạm kế tiếp. Người lính ở nhà trạm nầy, khi vừa tiếp nhận sắc chỉ được mang tới, phải lập tức phóng ngựa lên đường không trì hoãn để chuyển giao cho nhà trạm tiếp theo…
Cứ thế, các lính trạm nối tiếp nhau phóng ngựa như bay, bất chấp nhọc nhằn gian khổ, băng qua nhiều chặng đường gian nan hiểm trở có lắm thú dữ hoành hành, để chuyển giao nhanh chóng sắc chỉ đến tay người nhận, dù phải tốn rất nhiều thời gian và công sức.
Chuyển giao sứ điệp của Chúa Giê-su
Trước khi về trời, Chúa Giê-su long trọng trao cho các Tông đồ sứ mạng loan báo Tin mừng cho toàn thế giới. Ngài nói: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mác-cô 16, 15).
Tin mừng là thông điệp quan trọng bậc nhất vì có liên hệ mật thiết đến phần rỗi, đến số phận đời đời của nhân loại như lời Chúa Giê-su nói: “Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án” (Mác-cô 16, 16).
Tin mừng là một thông điệp vô cùng quý báu vì mang lại hoà bình và hạnh phúc cho toàn thế giới.
Tin mừng cũng là thông điệp khẩn cấp, cần phải loan truyền nhanh chóng và rộng rãi khắp nơi vì e rằng có rất nhiều người chết đi mà chưa kịp đón nhận được sứ điệp mang lại ơn cứu rỗi nầy.
Sau khi tiếp nhận sứ điệp Tin mừng, các tông đồ đã cống hiến toàn bộ cuộc đời còn lại của mình, chấp nhận vô vàn gian lao khổ ải, kể cả ngục tù, xiềng xích và cái chết, để chuyển giao Tin mừng cho người Do-Thái cũng như cho dân ngoại.
Kế đó, các cộng đoàn tín hữu tiên khởi, sau khi đón nhận Tin mừng do các tông đồ truyền lại, đã nỗ lực chuyển giao cho thế hệ tiếp theo dù phải trả bằng giá máu. Nhờ thế, sứ điệp Tin mừng của Chúa Cứu Thế đã được loan báo cho nhiều dân tộc khắp năm châu.
Chuyển giao Tin mừng là sứ mệnh cấp bách
Hôm nay, Chúa Giê-su và Hội thánh đã trao sứ điệp quý báu và quan trọng nầy tận tay chúng ta và thôi thúc chúng ta chuyển đi khắp thế giới: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo.”
Nắm trong tay thông điệp tối khẩn có liên quan đến vận mệnh đời đời của toàn thể nhân loại, ít nữa là vận mệnh của hơn 90 triệu đồng bào Việt Nam chưa biết Chúa đang sống quanh ta, nhưng dường như chúng ta còn uể oải chưa muốn lên đường làm trách nhiệm người “lính trạm” của Chúa Ki-tô.
Lạy Chúa Giê-su,
Hôm nay, nhiều người phải sống bất hạnh vì chưa được đón nhận niềm hạnh phúc do Tin mừng mang đến; nhiều dân tộc phải sống trong thù nghịch, trong cảnh huynh đệ tương tàn, vì không hề biết giải pháp đem lại hoà bình do Tin mừng cung cấp… đang khi Chúa vẫn thôi thúc chúng con truyền rao Tin mừng cho họ mà chúng con vẫn nhắm mắt làm ngơ!
Và nếu chung quanh chúng con có nhiều người chết đi mà chưa kịp đón nhận sứ điệp Tin mừng cứu độ vì sự chểnh mảng, thờ ơ của chúng con là những “người lính trạm” của Chúa… thì đến ngày phán xét, chúng con sẽ trả lời với Chúa sao đây?
Linh mục Inhaxiô Trần Ngà
TIN MỪNG (Mc 16, 15-20)
Bài kết Tin mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Marcô.
Khi ấy, Chúa Giêsu hiện ra với mười một môn đệ và phán: “Các con hãy đi khắp thế gian, rao giảng Tin mừng cho mọi loài thụ tạo. Ai tin và chịu phép rửa, thì sẽ được cứu độ; ai không tin, sẽ bị luận phạt. Và đây là những phép lạ đi theo những người đã tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ quỷ, nói các thứ tiếng mới lạ, cầm rắn trong tay, và nếu uống phải chất độc, thì cũng không bị hại; họ đặt tay trên những người bệnh, và bệnh nhân sẽ được lành mạnh”.
Vậy sau khi nói với các môn đệ, Chúa Giêsu lên trời, và ngự bên hữu Thiên Chúa. Phần các ông, các ông đi rao giảng khắp mọi nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và củng cố lời rao giảng bằng những phép lạ kèm theo.
Đó là lời Chúa.
[1] Từ thời vua Lý Thái Tôn [1028-1054] đến đầu thời Pháp thuộc