Chúa Nhật XX Thường Niên Năm B
Chủ đề: “Bí tích Thánh Thể là biểu lộ tuyệt đẹp của Ðức tin và Tình yêu”
Trước đây ít lâu, một nữ sinh viên đại học tên là Marie có viết một bài nhan đề: “Tôi Mang Chúa Giêsu Ðến Cho Cụ Gioan”. Cô Marie là một thừa tác viên phục vụ Thánh Thể trong giáo xứ của cô. Mỗi Chúa nhật cô đều tham dự thánh lễ mười giờ sáng. Sau lễ cô mang Mình Thánh Chúa đến cho cụ John, một ông già sống lẻ loi cô quạnh. Marie đã mô tả người đàn ông này như sau; “Cụ ấy ngồi trên chiếc ghế xích đu bên cửa sổ phòng khách đong đưa qua lại tạo nên những âm thanh cọt kẹt. Tai thì nặng, mắt thì kèm nhèm, thêm vào đó bệnh tim khiến cho cử động của cụ thành chậm chạp, thế nhưng đức tin của ông cụ 88 tuổi này rất vững vàng mãnh liệt”.
“Chúa nhật nào, cụ John cũng đều hăng hái chờ đón một Người”- Marie nói – “Người ấy chính là Chúa Giêsu, và tôi một sinh viên đại học 22 tuổi được đặc ân mang Chúa Giêsu đến cho cụ”. Trong lúc Marie tham dự thánh lễ 10 giờ, cụ John cũng tham dự Thánh lễ ấy trên truyền hình; Vì thế khi Marie đem Mình Thánh đến, cụ cảm thấy đây cũng là một phần của Thánh lễ ấy.
Sau khi cởi áo khoác ra, Marie ngồi xuống cạnh cụ John. Đoạn cô đọc lại bài Phúc Âm Chủ nhật cho cụ bởi vì thính giác cụ không được tốt nên cụ thường bỏ sót một số lời trong lúc theo dõi Thánh lễ trên truyền hình. Và Marie kết thúc bằng cách cùng cụ bàn bạc về bài giảng trong lễ. Tiếp đó là giây phút mà cụ John chờ đợi cả tuần, Marie bắt đầu cùng đọc Kinh Lay Cha với cụ. Đoạn nàng cầm Mình Thánh Chúa Kitô giơ cho cụ trông thấy và nói; “Đây là Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần giân. Phúc cho ai được mời đến dự tiệc của Ngài”. Cụ John đáp lại giọng nhỏ nhẹ, nhưng xác quyết: “Lạy Chúa, Con không đáng Chúa ngự vào nhà con, nhưng xin phán một lời thì linh hồn con sẽ được lành mạnh”. Sau đó, Marie trao Mình Thánh Chúa vào miệng cụ John.
Sau vài phút thinh lặng, Marie bắt đầu mở quyển sách ra và cầu nguyện: “lạy Chúa, là Cha chúng con, ước gì Mình Thánh Chúa Kitô mà người anh em con đây là cụ John vừa nhận lãnh, mang lại cho cụ sự khoẻ khoắn xác hồn dài lâu”. Rồi Marie kết thúc với lời nguyện mà cụ John rất ưa chuộng: “Lạy Chúa là Cha chí thánh, xin giải thoát cụ John người tôi tớ Cha đây khỏi mọi bệnh tật, và xin phục hồi sức khoẻ cho cụ. Xin dùng sức mạnh Ngài nâng đỡ cụ, dùng quyền năng Ngài che chở cụ và xin cho cụ được phục sinh vào cuộc sống mới trong ngày sau hết”.
Sau lời cầu nguyện này, Marie và cụ John ngồi nán lại tán gẫu với nhau một lúc, rồi tạm biệt nhau hứa sẽ cầu nguyện cho nhau cho đến khi gặp lại nhau vào tuần tới.
Câu chuyện đơn sơ về cụ John và cô Marie thực là dễ thương vì hai lý do:
Thứ nhất nó minh hoạ cho chúng ta thấy loại đức tin mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có theo như Ngài nói trong bài Phúc Âm hôm nay; “Ta là Bánh hằng sống từ trời xuống… Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thực là của uống. Ai ăn thịt và uống máu Ta thì kẻ ấy sống trong Ta và Ta sống trong kẻ ấy”. Cả hai người, cụ John và Marie đều chứng tỏ đức tin của họ vào những lời nói này của Chúa Giêsu, Marie chứng tỏ đức tin ấy qua hành vi đem Mình Thánh Chúa Giêsu đến cho cụ John và cụ biểu lộ đức tin ấy bằng cách đón nhận Mình Thánh Chúa Giêsu. Và cả hai đã biểu lộ đức tin ấy bằng cách cầu nguyện chung với nhau trước và sau khi cụ John rước Mình Thánh Chúa. Chính việc cùng nhau cầu nguyện trước và sau khi hiệp lễ mà câu chuyện về cụ John và Marie mang lại cho chúng ta một áp dụng thực tiễn, đó là việc rước lễ phải là một cảm nghiệm của đức tin và phải được thực hiện kèm theo lời cầu nguyện: Xin cho phép tôi dùng một ví dụ để làm sáng tỏ điều này.
Lúc ta rước lễ có thể ví như một viên kiêm cương. Còn thời gian trước và sau khi rước lễ ví như sợi dây bằng vàng. Tự hạt kim cương vốn đã rất xinh đẹp rồi, nhưng nó sẽ vô cùng đẹp hơn nếu nó được đặt vào giữa sợi dây vàng và trở nên trung tâm điểm. Điều này rất đúng nếu đem áp dụng vào việc rước lễ. Tự việc rước lễ là một cảm nghiệm tuyệt đẹp. Tuy nhiên nó sẽ trở nên vô cùng tốt đẹp nếu được kèm theo một chuỗi lời cầu nguyện. Nếu mỗi lần rước lễ chúng ta vẫn cảm thấy như còn thiếu sót một điều gì đó, thì đó có lẽ là chuỗi lời cầu nguyện. Chúng ta đã cầu nguyện thế nào trước và sau khi rước lễ? Trí lòng chúng ta nghĩ gì khi chúng ta tiến lên bàn thờ rước Mình Thánh Chúa Kitô? Trí lòng chúng ta nghĩ gì sau khi chúng ta nhận lãnh Mình Thánh Chúa Kitô? Chúng ta có tâm sự với Chúa Giêsu như với một người bạn thân không? Chúng ta có biết cảm tạ Ngài, xin Ngài tha thứ và hướng dẫn chúng ta không?
Với lời nhận xét trên chúng ta sẽ nhận ra được lý do thứ hai khiến câu chuyện về John và Marie đẹp thế nào.
Bên cạnh thứ đức tin Chúa Giêsu muốn chúng ta có theo như Ngài nói trong bài Phúc Âm hôm nay. Câu chuyện cũng cho chúng ta thấy loại thương yêu mà Chúa Giêsu muốn chúng ta có với tư cách là những Kitô hữu. Tình thân hữu nồng nàn tăng trưởng giữa cô Marie và cụ John chính là loại tình thân mà tất cả mọi Kitô hữu đều phải cố gắng vun trồng cho nhau. Và như thế câu hỏi thứ hai mà chúng ta phải tự vấn là: Liệu việc rước lễ có làm cho đời sống chúng ta trở nên dồi dào tình thương hơn, đặc biệt đối với những người đang cần đến chúng ta nhất, chẳng hạn những người như cụ John? Nói cách khác, việc rước Chúa vào lòng có lôi kéo chúng ta chẳng những đến gần Chúa Giêsu hơn mà còn đến gần nhau hơn nữa không?
Để kết thúc, chúng ta hãy lắng nghe Thánh Phaolô mô tả về Đức tin và Đức Ái chúng ta phải có khi tiến lên bàn thờ rước Mình Thánh Chúa:
“Chén chúc tụng chúng ta dùng trong bữa tiệc Chúa chính là sự thông hiệp vào máu Chúa Giêsu và tấm bánh chúng ta bẻ ra ăn, chính là sự thông hiệp vào Mình Thánh Chúa Kitô. Vì chỉ có một tấm bánh, nên chúng ta tuy nhiều cũng vẫn chỉ là một thân xác bởi vì chúng ta thông dự vào cùng một tấm bánh” (1 Cr 10: 16-17)
Như vậy câu chuyện về Marie và cụ John giúp cho ta hiểu rõ hơn đức tin và đức ái mà Chúa Giêsu đòi hỏi chúng ta phải có đối với những lời tuyên phán của Ngài trong Phúc Âm ngày hôm nay; “Thịt Ta thật là của ăn, Máu Ta thật là của uống. Ai ăn Thịt Ta và uống Máu Ta thì sống trong Ta và Ta sống trong kẻ ấy”.
Cha Mark Link, S.J.
Người Tín Hữu