HIỆP SỐNG TIN MỪNG
CHÚA NHẬT 7 PHỤC SINH
LỄ THĂNG THIÊN B
Cv 1,1-11 ; Ep 1,17-23 ; Mc 16,15-20
- HỌC LỜI CHÚA
- TIN MỪNG: Mc 16,15-20.
(15) Người nói với các ông: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo. (16) Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ. Còn ai không tin, thì sẽ bị kết án”. (17) Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. (18) Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay lên những người bệnh, thì những người này cũng được mạnh khỏe. (19) Nói xong, Chúa Giê-su được rước lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. (20) Còn các Tông đồ thì ra đi rao gảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.
- Ý CHÍNH:
Đức Giê-su trước khi về trời đã trao cho các Tông đồ tiếp tục sứ mệnh rao giảng Tin Mừng cho mọi tạo vật, để ai tin và chịu phép rửa thì được trở nên con Thiên Chúa và được hưởng ơn cứu độ của Chúa Giê-su. Còn những kẻ không tin thì sẽ bị kết án là bị loại khỏi Nước Trời. Chúa còn hứa hỗ trợ các tông đồ bằng việc ban quyền làm phép lạ Sau đó Chúa Giê-su đã được rước lên trời. Còn các Tông đồ thì đi rao giảng Tin Mừng khắp nơi với sự trợ giúp của Người.
- CHÚ THÍCH:
– C 15-16: +Anh em hãy đi: Lệnh truyền này chỉ được công bố sau biến cố Phục Sinh cho thấy: mầu nhiệm Phục Sinh là nền tảng cho sứ mạng rao giảng Tin Mừng. +Khắp tứ phương thiên hạ: Trong thời gian 3 năm rao giảng Tin Mừng, Đức Giê-su chỉ được sai đến cùng các con chiên lạc của nhà Ít-ra-en. Nhưng sau khi Phục Sinh, Người lại trao sứ mạng phổ quát “loan báo Tin mừng cho mọi loài thụ tạo”. +Loan báo Tin Mừng: Theo Hy ngữ, Tin Mừng ( Eu-ag-ge-li-on) là một “tin vui, tin mừng”. Có thể hiểu Tin Mừng Đức Giê-su theo hai nghĩa: Một là “chính Tin Mừng được Đức Giê-su công bố. Hai là “Tin Mừng về Đức Giê-su”, Đấng ban ơn cứu độ nhờ mầu nhiệm chết và sống lại của Người. +Cho mọi loài thọ tạo: Mọi loài thọ tạo mang ý nghĩa cánh chung, nghĩa là mọi dân mọi nước (x. Mt 28,19), Chúa sẽ biến đổi mọi tạo vật nên Trời Mới Đất Mới vào ngày Tận Thế (x. Kh 21,1). +Ai tin và chịu phép Rửa sẽ được cứu độ: Tin là mở lòng đón nhận Đức Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa. Chịu phép Rửa là nhận ơn tha tội và ơn tái sinh để nên con người mới và nên dưỡng tử của Thiên Chúa. Nhờ đó họ sẽ được sống đời đời.+ Còn ai không tin thì sẽ bị kết án: Thực ra, Thiên Chúa sai Con của Người đến thế gian không phải để lên án, nhưng để thế gian nhờ Con của Người mà được cứu độ (x Ga 3,17). Nhưng kẻ không tin thì đã bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh Con Một Thiên Chúa. Họ giống như cành nho bị tách lìa khỏi thân cây là Đức Giê-su, nên bị khô héo và sẽ bị quăng vào lửa hỏa ngục đời đời (x. Ga 15,5-6). +Còn những người không tin Đức Giê-su nhưng không do lỗi của họ thì có được ơn cứu độ không?: Những ai tuy không biết Đức Ki-tô, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành, thì Chúa sẽ lo liệu cho họ có đủ phương tiện cần thiết để được rỗi linh hồn. Chỉ những kẻ cố tình theo phe ma quỷ làm điều gian ác và không chịu hồi tâm sám hối thì chắc chắn sẽ phải xuống hỏa ngục. Vì hỏa ngục được lập ra để dành cho ma quỷ và những kẻ đi theo chúng (x. Mt 25,41).
– C 17-18: +Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: Ngay trong thời gian giảng đạo, khi sai các Tông đồ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông quyền trên các thần ô uế để xua trừ chúng và chữa lành các bệnh hoạn tật nguyền trong dân (x. Mt 10,1-5). Giờ đây trước khi về trời, Đức Giê-su lại trao quyền làm các dấu lạ cho các ông. +Nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay lên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khỏe: Khi viết Tin Mừng (khoảng năm 65), Thánh Mác-cô đã nghe biết các phép lạ do các Tông đồ thực hiện. Chẳng hạn: Vào lễ Ngũ Tuần, các ông đã được đầy ơn Thánh Thần, bắt đầu nói các thứ tiếng khác lạ (x. Cv 2,4). Thánh Thần cũng ngự xuống trên gia đình Co-nê-li-ô và cho họ nói các thứ tiếng lạ (x. Cv 10,44-46). Nhiều dấu lạ điềm thiêng được thực hiện trong dân nhờ bàn tay các Tông đồ (x. Cv 5,12). Tông đồ Phê-rô đặt tay trên bệnh nhân hoặc chỉ cần bóng của ông phớt qua đã đủ để họ được lành bệnh, và thần ô uế cũng phải xuất ra (x. Cv 5,15-16). Còn tông đồ Phao-lô thì chữa lành một người bị bại chân tại Lýt-ra (x. Cv 14,8-10); Tại đảo Man-ta, Phao-lô đã bị rắn độc bám vào tay và cắn mà không hề hấn gì (x. Cv 28,1-6); Ông cũng đã cầu nguyện và đặt tay chữa lành nhiều bệnh nhân (x. Cv 28,8-9); Ngay cả chiếc áo ông đã mặc qua cũng có năng lực làm cho cơn bệnh biến đi và tà thần phải xuất ra (x. Cv 19,11; 20,9-12).
– C 19-20: +Chúa Giê-su được rước lên trời: Như Ê-li-a thời Cựu Ước đã “lên trời trong cơn gió lốc”(2 V 2,11), thì thân xác Chúa Giê-su cũng được rước lên trời trên các tầng mây, và từ nay Người không còn lệ thuộc vào không gian thời gian như khi còn sống nữa. +Và ngự bên hữu Thiên Chúa: Đức Giê-su đã được Chúa Cha tôn vinh (x Đn 7,13-14), được vào trong vinh quang của Chúa Cha, với quyền cai trị vũ trụ (x. Mt 28,18; Ep 1,21-22).
+ Thiên Đàng là gì? Thiên Đàng ở đâu? phải làm gì để được lên Thiên Đàng?:
** Thiên Đàng hay Địa Đàng (Hy ngữ là Pa-ra-dei-sos) có nghĩa là Hoa viên hay vườn đầy hoa tươi cỏ lạ (x St 2,8). Địa đàng là một khu vườn hoan lạc nơi mà con người được sống trong hạnh phúc. Nhưng nguyên tổ lòai người là ông Ađam và bà Evà đã liên kết với nhau phạm tội kiêu ngạo, cãi lệnh Chúa mà ăn quả cây bị cấm, nên hai ông bà đã bị đuổi ra khỏi Địa đàng, bị lọt vào trần gian là thung lũng đầy nước mắt, gai góc và đau khổ (x. St 3,7.16-19). Tuy nhiên, Thiên Chúa cũng hứa sẽ ban Đấng Cứu Thế đến khôi phục lại tình trạng nguyên thủy cho con người (x. St 3,15). Ngài sẽ biến nơi đau khổ lưu đầy này thành Thiên đàng hoan lạc và hạnh phúc như thuở ban đầu (x. Ed 36,35 ; Is 51,3).
+ Ra đi rao giảng khắp nơi: Các Tông đồ đã vâng lời Chúa Giê-su, đi rao giảng Tin Mừng, làm chứng cho Đức Giê-su tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri, và cho đến tận cùng trái đất (x. Cv 1,8). + Có Chúa cùng hoạt động với các ông…: Từ đây, Chúa Ki-tô sẽ luôn hiện diện trong Hội thánh (x Mt 28,20). Người ban Thánh Thần cho Hội thánh để tha tội cho người ta giống như Người đã làm (x Ga 20,21-22). Người cũng hứa ban cho Hội thánh làm được những việc lớn hơn Người là đi rao giảng cho các dân tộc nhờ Thánh Thần (Ga 14,12).
- CÂU HỎI: 1) Mầu nhiệm Phục Sinh có tầm quan trọng thế nào đối với sứ mệnh được sai đi? Các Tông đồ được Chúa sai đến với những ai? 2) Tin Mừng Đức Giê-su có những nghĩa nào? 3) Phải có những điều kiện nào để được hưởng ơn cứu độ của Đức Giê-su? 4) Những ai chắc chắn sẽ bị kết án sa hỏa ngục? Những người chưa có đức tin, nhưng theo lương tâm ăn ở ngay lành có được hưởng ơn cứu độ không? 5) Trong thời gian giảng đạo, khi sai môn đệ đi thực tập truyền giáo, Đức Giê-su đã ban cho các ông những quyền nào? 6) Trước khi về trời, Đức Giê-su đã trao sứ mệnh loan Tin Mừng cho các Tông đồ kèm theo những dấu lạ nào? 7) Lời Chúa phán về các dấu lạ kèm theo lời rao giảng của các Tông đồ đã ứng nghiệm thế nào thời Giáo Hội Sơ Khai? 8) Thời Cựu Ước, ngôn sứ nào được rước lên trời? Thời Tân Ước hai nhân vật nào cũng được lên trời? Chúa Giê-su thăng thiên khác với việc mông triệu của Đức Ma-ri-a ra sao? 9) Một người lương dân luôn ăn ngay ở lành mà chết thì có được hưởng ơn cứu độ không? 10) So sánh lời Chúa Giê-su trong Tin Mừng Mát-thêu “Hãy đi và làm cho muôn dân trở thành môn đệ…”(x Mt 28,19) với Lời Chúa được ghi trong sách Công Vụ “Hãy nên chứng nhân của Thầy…” (x Cv 1,8) giống và khác nhau ra sao? 11) Sau khi lên trời, Chúa Giê-su còn ở với Hội thánh nữa không? 12) Từ đây, Chúa Thánh Thần được ban cho Hội thánh để làm gì?
II.SỐNG LỜI CHÚA
- LỜI CHÚA: “Chúa Giê-su được rước lên trời ngự bên hữu TC” (Mc 16,19):
- CÂU CHUYỆN:
1) THIÊN ĐÀNG Ở ĐÂU?
Ngày 5-9-1961, Liên Xô đã phóng một phi thuyền mang theo một người lên không gian và bay được ba vòng chung quanh trái đất. Sau đó trong một cuộc phỏng vấn, Tổng Bí thư Krouchev đã nói với ký giả của tờ New York Time của Mỹ như sau: ” Để điều tra trên trời có Thiên đàng thật như người ta nói hay không, chúng tôi đã gửi một thám tử lên không trung là: YOURI GARARINE. Anh ta đã đi vòng quanh quả địa cầu mà chỉ trông thấy những bóng đen dầy đặc, không thấy Thiên đàng ở đâu cả. Sau đó chúng tôi lại gửi một thám tử khác lên: GERMAN TITOV. Chúng tôi đã bảo anh ta: “Hãy bay lâu hơn một chút nữa. Có lẽ Gagarine chưa thấy Thiên đàng vì chàng chỉ mới bay có một tiếng rưỡi thôi. Vậy chuyến này anh hãy nhìn cho kỹ”. Titov đã trẩy đi, rồi trở về và anh xác nhận lời tuyên bố của Gagarine là sự thật: “Hư vô! Chỉ có Hư vô!” Rồi sau đó Krouchev kết luận: “Vì thế chúng tôi không tin có đời sau”.
Đó là cái nhìn của một người vô tín theo chủ nghĩa duy vật. Cái nhìn đó không phải là cái nhìn của người có đức tin như chúng ta.
Trong kinh Tin Kính các tín hữu chúng ta cũng tuyên xưng đức tin vào Chúa Giê-su và cuộc sống Thiên đàng, về một Nước Trời hằng sống như sau: “Người lên trời, ngự bên hữu Chúa Cha, và Người sẽ lại đến trong vinh quang, để phán xét kẻ sống và kẻ chết, Nước Người sẽ không bao giờ cùng”.
2) LÊN TRỜI BẰNG LỐI SỐNG YÊU THƯƠNG VÀ CHU TOÀN BỔN PHẬN:
Một tu sĩ đang sống an vui tốt lành giữa cộng đoàn tu viện. Ngày nọ, khi ông đang rửa chén dĩa, thì một thiên thần hiện ra và nói:
– Thiên Chúa sai ta đến để báo cho ngươi biết là giờ ngươi lìa đời đã đến.
Tu sĩ vẫn điềm nhiên trả lời:
– Tạ ơn Chúa đã thương nghĩ đến tôi, nhưng như ngài thấy đó, tôi còn phải rửa hàng chồng chén dĩa, tôi không muốn tỏ ra vô ơn với Thiên Chúa, nhưng liệu giờ tôi được hưởng nhan thánh của Người có thể hoãn lại sau khi làm xong bổn phận rửa chén dĩa này không?
Nói xong, Thiên thần biến đi. Tu sĩ trở lại công việc bổn phận một cách hăng say và quên hẳn việc gặp gỡ Thiên thần.
Bẵng đi một thời gian, trong lúc vị tu sĩ đang làm cỏ ngoài vườn, Thiên thần hiện ra. Như đoán trước ý nghĩ của Thiên thần, vị tu sĩ giơ tay chỉ mảnh đất trong vườn và nói:
– Đây ngài xem, cỏ dại mọc đầy vườn, liệu giờ tôi vào cõi đời đời có thể hoãn lại cho đến khi tôi làm xong cỏ không?
Cũng như lần trước, Thiên thần chỉ mỉm cười rồi biến mất.
Một ngày nọ, trong lúc vị tu sĩ đang chăm sóc các bệnh nhân, thì Thiên thần hiện ra. Lần này vị tu sĩ không nói một lời, nhưng chỉ giơ tay chỉ vào các bệnh nhân nằm trên giường. Thiên thần biến đi không nói một lời nào.
Chiều đến, vị tu sĩ trở lại căn phòng nhỏ bé của mình, bỗng chốc, ông cảm thấy mình đã già nua, mệt mỏi; ông thốt lên lời cầu nguyện:
– Lạy Chúa, xin sai Thiên thần Chúa đến, con sẽ sẵn sàng theo Ngài.
Lời cầu vừa dứt, Thiên thần Chúa lại hiện đến. Vị tu sĩ liền thưa với thiên thần:
– Lần này, nếu Thiên thần mang tôi đi, tôi sẵn sàng theo ngài về thiên quốc ngay.
Thiên thần liền âu yếm nhìn tu sĩ và nói:
– Này ông thánh nhỏ ơi, sao còn mơ ước về thiên quốc, những ngày tháng vừa qua, ông nghĩ là mình đã ở đâu vậy?
3) CHỌN TIN THEO CHÚA ĐỂ ĐƯỢC LÊN TRỜI SAU NÀY:
Có một gia đình kia: Chồng là người ngoại đạo không những không tin Chúa, mà ông còn luôn miệng đả kích khinh miệt những hành vi thờ phượng Chúa của vợ. Ngược lại, bà vợ lại rất sùng đạo. Ngày nào bà cũng dắt con đi lễ cầu nguyện. Dù sống giữa hai chiều hướng trái ngược đối nghịch nhau, đứa con trai duy nhất của họ vẫn hiếu thảo với bố mẹ. Một hôm em lâm bệnh hiểm nghèo, em hỏi bố rằng: “Bố ơi! Bác sĩ nói con chỉ còn sống được ít ngày nữa. Vậy con xin bố dạy con phải tin theo bố hay theo mẹ? Tin theo bố thì chẳng có thiên đàng, chẳng có Chúa hay có Đức Mẹ để được yêu thương ở đời sau! Còn tin theo Mẹ thì có Thiên Chúa là Cha nhân lành. Có cõi trời để hưởng hạnh phúc vĩnh cửu bên Chúa là Cha. Có Đức Mẹ luôn bầu cử chở che?”
Người cha rất ngạc nhiên khi nghe con nói. Ông ôm con vào lòng và nói: “Con hãy tin theo Mẹ. Con cưng của bố!” Đứa bé liền nói tiếp: “Nhưng nếu bố không tin theo Mẹ, thì làm sao con có thể gặp gỡ bố trên thiên đàng được?”. Trước lời nói đơn sơ chân thành của đứa con thân yêu, người cha đã không kiềm nổi xúc động. Những giọt nước mắt tuôn tràn trên mặt. Kể từ ngày đó, ông bố đã dứt khoát chọn tin thờ Thiên Chúa.
4) TRUYỀN GIÁO LÀ THẮP NGON ĐÈN YÊU THƯƠNG TRONG LÒNG NGƯỜI TA:
Mẹ Têrêxa Can-quýt-ta vốn là một nữ tu người Anbani, được sai đến phục vụ người nghèo tại Ấn độ. Đến Ấn độ, thấy những người nghèo khổ quá tội nghiệp. Biết bao người hấp hối ờ ngoài lề đường. Sau khi chết xác liền bị quẳng vào đống rác như một con vật. Biết bao trẻ thơ bị bỏ rơi. Biết bao gia đình sống chui rúc trong các căn nhà ổ chuột. Biết bao người sống đói khát không đủ cơm ăn áo mặc hằng ngày. Mẹ Tê-rê-sa đã lăn xả vào việc phục vụ người nghèo.
Một hôm Mẹ đi thăm một ông già cô đơn trong căn lều tồi tàn. Bước vào lều Mẹ động lòng thương cảm. Vì tất cả đồ đạc chỉ là một mớ giẻ rách. Căn lều bụi bặm bẩn thỉu ngoài sức tưởng tượng. Và nhất là ông già thu mình lại không muốn giao tiếp với ai. Mẹ chào hỏi ông cũng không buồn trả lời. Mẹ xin phép dọn dẹp căn lều ông cũng làm thinh. Đang khi dọn dẹp, Mẹ thấy trong góc lều có một cây đèn dầu bụi bám đen đủi. Sau khi lau chùi, Mẹ kêu lên: “Ô, cây đèn đẹp quá”. Ông già nói: “Đó là cây đèn tôi tặng vợ tôi ngày cưới. Từ khi bà ấy chết, tôi không bao giờ đốt đèn nữa”. Thấy ông đã cởi mở, Mẹ Têrêxa liền đề nghị: “Thế ông có bằng lòng cho các chị nữ tu mỗi ngày đến thăm và đốt đèn cho ông không?” Ông đồng ý. Từ đó mỗi buổi chiều, các chị tới thăm ông, dọn dẹp nhà cửa, nói chuyện với ông. Ngọn đèn cháy sáng ấm áp trong căn lều. Ông trở nên vui vẻ hơn. Ông đã đến thăm mọi người và được mọi người đến thăm. Cuộc đời của ông đã vui trở lại.
Trước kia cuộc đời ông tăm tối không phải vì ông không thắp đèn. Nhưng vì ngọn đèn trong trái tim ông đã tắt. Trái tim khép kín nên ông mất niềm tin vào con người, vào cuộc sống. Ông nhìn mọi người như thù địch. Từ ngày các nữ tu đến đốt đèn đời ông vui lên, sáng lên. Đời ông sáng lên không phải vì có ngọn đèn dầu hoả soi sáng. Nhưng vì trái tim ông bừng sáng. Ngọn đèn tâm hồn ông rạng rỡ. Tâm hồn ông cởi mở và ông nhìn thấy mọi người là anh em. Thứ ánh sáng ấy ta thấy trong Phúc Âm. Khi người Samaritano nhân hậu cúi xuống săn sóc, băng bó vết thương cho người bị nạn bên đường. Hai người nhìn nhau. Một làn ánh sáng loé lên. Và họ nhận ra nhau là anh em.
Hôm nay Hội Thánh cầu nguyện cho công cuộc loan báo Tin Mừng và mời gọi chúng ta góp phần vào việc truyền giáo. Không gì bằng ta hãy noi gương Mẹ Têrêxa, thắp lên ngọn lửa tin yêu trong lòng mình, đem ngọn lửa yêu thương phục vụ đi soi sáng khắp nơi. Thế giới sẽ bừng sáng và mọi người sẽ nhìn nhận ra nhau là anh em.
- SUY NIỆM:
1) Lên trời là gì? : Hôm nay lễ Chúa Giê-su lên trời, nhưng Trời ở đâu? Trong Kinh Thánh, “Trời” là hình ảnh văn chương quen thuộc dùng để chỉ nơi Thiên Chúa ngự. Hình ảnh “Đám mây” chỉ về sự hiện diện của Thiên Chúa. Ví dụ: khi dân Chúa tiến bước trong sa mạc, thì có đám mây đi theo. Khi Chúa Giê-su chịu phép rửa tại sông Gio-đan từ trong đám mây có tiếng Chúa Cha tuyên phán…. Vậy chúng ta đừng hiểu cách diễn tả của Thánh Luca trong Tin mừng theo nghĩa đen là Chúa bay vào không gian như một phi hành gia. Chúa Giê-su lên trời có nghĩa là Người được vào trong vinh quang của Thiên Chúa, được nên ngang hàng với Thiên Chúa và được đặt làm Chúa tể mọi loài mọi vật.
2) Đức Giê-su đã được rước lên trời: Sau khi sống lại, Đức Giê-su tuyên bố Người đã được ban “mọi quyền năng trên trời dưới đất” (x. Mt 28,18), “Người là vị Thượng Tế thánh thiện, vẹn toàn, vô tội, tách biệt khỏi đám tội nhân và được nâng cao vượt các tầng trời” (x. Dt 7,26), và đã vào chính cõi trời, để giờ đây đứng trước mặt Thiên Chúa chuyển cầu cho chúng ta (x. Dt 9,25).
Qua hình ảnh được rước lên trời, Chúa Phục Sinh từ đây sẽ không còn hiện ra với các tông đồ, nhưng Người sẽ hiện diện cách thiêng liêng, không lệ thuộc vào thời gian và không gian như Người đã nói: “Thầy sẽ ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,20).
3) Đức Giê-su lên trời mở ra sứ mệnh mới cho Hội Thánh: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin mừng cho mọi loài thọ tạo”. Nội dung của việc truyền giáo được chỉ định rõ ràng: “Làm cho muôn dân trở thành môn đệ của Thầy. Làm phép rửa cho họ. Dạy bảo họ tuân giữ những điều Thầy truyền cho anh em”. Kèm theo việc rao giảng Tin Mừng là các dấu lạ: “Có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng”. Nhờ việc sai đi và uỷ quyền cho các Tông đồ, qua các Tông đồ đến các môn đệ, Chúa Giê-su trở thành người đang sống với chúng ta và trao cho chúng ta sứ mệnh làm chứng cho Người: “Anh em sẽ nhận được sức mạnh của Thánh Thần khi Người ngự xuống trên anh em. Bấy giờ anh em sẽ là chứng nhân của Thầy tại Giê-ru-sa-lem, trong khắp các miền Giu-đê, Sa-ma-ri và cho đến tận cùng trái đất” (Cv 1,8).
4) Để được lên trời với Đức Giê-su sau này, chúng ta phải làm gì?
– MỘT là tin Chúa Giê-su là Đấng Cứu Thế Con Thiên Chúa và được tái sinh bởi nước và Thánh Thần trong phép rửa tội.
– HAI là phải ăn năn sám hối tội lỗi, quyết tâm chừa bỏ các thói hư bằng việc thực hành các nhân đức đối lập theo kinh “Cải tội bảy mối có bảy đức”.
– BA là phải sống giới răn “mến Chúa yêu người” bằng cách năng nghĩ đến tha nhân, khiêm tốn phục vụ, quảng đại chia sẻ cơm áo cho những người bệnh tật nghèo đói để trở nên môn đệ đích thực của Đức Giê-su.
– BỐN là phải đi con đường hẹp và leo dốc, từ bỏ ý riêng mình để vâng phục ý Thiên Chúa, sẵn sàng vác thập giá là các tai nạn gặp phải trong cuộc sống hằng ngày.
– NĂM là phải chu toàn sứ mệnh tông đồ truyền giáo, nghĩa là làm chứng cho Chúa bằng đời sống khiêm nhường yêu thương phục vụ tha nhân từ trong gia đình ra ngoài xã hội mọi lúc và mọi nơi.
- NGUYỆN CẦU
LẠY CHÚA GIÊ-SU. Hôm nay chúng con mừng đại lễ Thăng Thiên. Chúng con thật vui mừng và hãnh diện tuyên xưng Chúa chính là Đấng Cứu Thế và là Con Thiên Chúa. Chúa lên trời ngự bên hữu Thiên Chúa để mở đường về trời cho chúng con, để dọn chỗ cho chúng con và đến ngày tận thế Chúa sẽ trở lại để đem chúng con lên trời với Chúa. Xin cho chúng con ý thức rằng: “Quê hương chúng con ở trên trời, nơi đó chúng con sẽ gặp Đấng Cứu Chuộc là Đức Giê-su Ki-tô, Chúa chúng con”, để dù đang sống giữa thế gian, nhưng chúng con không thuộc về trần gian. Xin cho chúng con biết dùng của cải đời này để sắm cho mình kho báu thiêng liêng trên trời, bằng việc chia sẻ cơm bánh cho những người đói khát, quần áo cho những kẻ rách rưới, chữa lành các bệnh nhân đau liệt, thăm viếng an ủi những người đau khổ thể xác cũng như tâm hồn, giúp tội nhân ăn năn sám hối trở về với Chúa… như kinh “thương người” đã dạy.
X) HIỆP CÙNG MẸ MA-RI-A.- Đ) XIN CHÚA NHẬM LỜI CHÚNG CON.
LM ĐAN VINH – HHTM