Trong một lần chúc thọ tôi nghe một người con nói với mẹ như thế này:
Mẹ à, chỉ có mẹ là người duy nhất trên cuộc sống này:
– Cho con hơi ấm
– Cho con ăn mặc
– Cho con học hành
– Cho con biết được tình yêu là gì?
– Cho con biết về cuộc sống này
– Cho con tất cả
– Công lao to lớn ấy, mẹ cũng không lấy đi của con thứ gì, con biết ơn và thương mẹ nhiều lắm.
Thế nhưng trong dòng đời chúng ta cũng gặp không ít người đã quên điều đó, đã cố tình quên tình mẹ. Đã sống như thể chưa có mẹ. Để rồi đến khi mẹ ta không còn thì hối hận cũng muộn.
Có một cô gái đã nấc nghẹn khi nói trước quan tài của mẹ rằng: “Mẹ ơi…Tha lỗi cho đứa con bất hiếu này… Đời này con nợ mẹ một lời xin lỗi!”
Cô kể rằng: Ba mất khi còn rất nhỏ, chỉ còn hai mẹ con sống đùm bọc với nhau. Nhưng tôi lại luôn mặc cảm về sự nghèo khó của mẹ, tôi luôn giữ khoảng cách với mẹ. Tôi thấy mặc cảm và càng căm ghét bà không giầu có như cha mẹ mấy đứa bạn. Thật sự tôi rất ghét bà, một người mẹ nghèo nàn!
Có một lần khi đang cùng đám bạn đi dạo sau buổi tan học thì tôi gặp bà đang nhặt vỏ chai bên lề đường, tôi giả vờ cúi gầm mặt xuống và như không nhìn thấy bà. Bất chợt, mấy đứa bạn bỗng lên tiếng hỏi tôi đó có phải mẹ tôi không, tôi đứng trước mặt mẹ và nói một cách lạnh lùng rằng đó không phải mẹ tôi. Lúc đó, tôi thấy nước mắt bà lăn dài trên má, bà lấy vội bàn tay còn nhiều đất cát lau lau nơi khóe mắt, bà nói với đám bạn tôi rằng họ đã nhìn nhầm rồi vội vã quay đi. Còn đám bạn tôi thì mỉm cười mãn nguyện.
Lên Sài Gòn tôi sung sướng vì chả ai thèm để ý tôi đến từ đâu, gia thế như sao mà chỉ biết là tôi giỏi như thế nào. Tôi bỏ mặc mẹ mặc dù mỗi tháng mẹ vẫn đều đặn gửi tiền lên, vậy mà tôi vẫn nỡ tiêu xài đến số tiền mồ hôi nước mắt đó của mẹ. Tôi chẳng thèm gọi điện hay về thăm mẹ. Hai năm sau tôi lập gia đình với người giầu có, nhưng không dám cho bà biết.
Vì thương hại bà, lâu lâu tôi cũng gửi cho bà ít tiền xài cho xong bổn phận. Và tôi cứ vui với gia thế giầu có của mình. Rồi một hôm tôi nhận được cuộc điện thoại của hàng xóm báo tin mẹ tôi qua đời trong một vụ tai nạn. Tôi thu xếp về làm đám ma cho bà một cách bình thản. Cho tới khi người ta đưa cho tôi một hộp đựng tiền , tôi mở ra trong đó có một lá thư bà viết:
“Cám ơn con đã gửi tiền cho mẹ. Tiền nhiều quá Mẹ không xài tới. Mẹ vẫn để dành lại cho con để sau ốm đau có tiền mua thuốc. Mẹ chỉ mong con về với mẹ mà thôi. Mỗi lần trong xóm có tiếng honda là mẹ lại chạy vội ra xem có phải là con về không? Nhưng tuyệt nhiên là không? Mẹ rất nhớ con.
Người phụ nữ đã có mọi sự ấy đã nấc lên từng tiếng nghẹn ngào:
“Mẹ ơi…Tha lỗi cho đứa con bất hiếu này mẹ nhé…Đời này con nợ mẹ một lời xin lỗi!”
Có lẽ giọt nước mắt này không còn ý nghĩa với mẹ nữa. Một người mẹ hy sinh tất cả vì con nhưng rồi lại chết trong cô đơn, nhớ nhung, thì hối hận cũng muộn màng. Quý vị có biết mỗi ngày có hơn 300 người ra đi vì tai nạn. Người thân ta có thể ra đi bất cứ lúc nào, tại sao chúng ta không dám nói lời xin lỗi với bố mẹ. Thưa bởi vì tính tự cao tự đại, coi mình tài giỏi hơn bố mẹ nên xem thường bố mẹ. Rồi cho tới khi đứng trước quan tài khóc lóc thì đã muộn rồi. Nhìn lại những ngày tháng qua, chúng ta đã làm được gì cho những người cha, người mẹ sẵn lòng hy sinh cho chúng ta, hay chỉ là những thói ngông cuồng, coi trời bằng vung, xem thường cha mẹ để rồi mai này khi cha mẹ đã chết mới ân hận thì đã quá muộn màng.
Hôm nay ngày Mồng Hai Tết là ngày báo hiếu ông bà cha mẹ. Những người con ở đây có nghĩ rằng mình còn nợ cha mẹ một lần xin lỗi không? Nhưng dường như khi còn sống bên cha mẹ ta ít có nghĩ cho cha mẹ, chỉ nghĩ về mình và đòi hỏi cha mẹ đủ điều. Cho tới khi phải đứng trước mộ phần của cha mẹ chúng ta mới thấy mình còn thiếu họ một lời xin lỗi ?
Cũng có một câu chuyện khác kể rằng:
Khi James còn là một sinh viên, trong một lần đến cửa hàng trưng bày ô tô, anh trông thấy một mẫu ô tô thể thao mới ra mắt. Anh năn nỉ bố mình: “Bố có thể tặng con chiếc xe đó khi con tốt nghiệp được không? Đó là mong ước duy nhất của con bây giờ đấy”. Ông mỉm cười không nói gì.
Ngày lễ tốt nghiệp đến, và bố của James gọi anh vào phòng làm việc của ông, vui vẻ nói: “Bố rất tự hào về con, con trai, con đã làm rất tốt! Đây là món quà bố mẹ tặng con nhân dịp này, bố mẹ yêu con rất nhiều”. Nói rồi, ông đưa James một hộp quà được gói rất cẩn thận và đẹp đẽ. James có chút thất vọng vì đó không phải là chiếc ô tô như anh mong đợi mà chỉ là một cuốn Kinh Thánh được bọc bằng da.
Anh giận giữ hét lên: “Bố giàu có như thế nhưng tất cả những gì bố có thể tặng con chỉ là cuốn Kinh Thánh này thôi sao. Trong cơn giận dữ không thể kiểm soát, anh bỏ đi khỏi nhà.
Thời gian trôi qua, nay James đã trở thành một thương nhân thành đạt. Anh có một cuộc hôn nhân hạnh phúc cùng người vợ xinh đẹp và hai đứa con kháu khỉnh. Anh và gia đình sống cuộc sống êm đềm trong căn nhà khang trang, lộng lẫy. Cho đến một ngày, James nhận được tin báo cha mình đã qua đời. Luật sự gọi và nói với anh rằng cha anh đã viết di chúc để lại toàn bộ tài sản của ông cho anh. Anh vội chạy về trong tâm trạng tiếc nuối, cái mà anh đau lòng là chưa hòa giải được với bố anh. Anh chưa dám nói một lời xin lỗi với bố, hay có thể nói anh vẫn còn giận vì bố quá hà khắc với mình.
Khi về tới làng anh cố gắng chạy thật nhanh để vào nhà, con tim của anh nó đập loạn nhịp hơn nữa, nhưng anh vẫn cố gắng thật nhanh để bước vào nhà. Khi bước vào nhà thấy bố nằm bất động anh mới thấy sao mình có lỗi với bố quá, đâu chỉ vì một món quà bố không cho mà quên đi cả một đời chăm sóc anh. Tay run run anh thắp nén nhang với lời xin lỗi người cha già đáng yêu. Rồi anh bước vào phòng của anh năm xưa vẫn mới, vì mẹ anh vẫn lau dọn, trên bàn viết anh thấy cuốn Kinh Thánh – món quà của bố tặng anh vào ngày tốt nghiệp vẫn còn rất mới. Cầm quyển sách lên. Đột nhiên, một vật nhỏ rơi ra từ cuốn sách… Anh cúi xuống nhặt thì phát hiện đó chính là chìa khóa của chiếc ô tô mà anh từng ao ước, cùng với một tờ giấy, trên đó có ghi đúng ngày tốt nghiệp của anh và dòng chữ: “Đã thanh toán 200 ngàn USD”.
Anh bật khóc nức nở, sau bao nhiêu năm tháng, anh mới hiểu ra mọi chuyện… nhưng mọi thứ đã quá muộn màng, người cha yêu quý của anh giờ đã ra đi mãi mãi… Chỉ vì cái tôi và sự ích kỷ của mình, anh đã đánh mất điều quý giá, chân thành nhất trong cuộc sống…
Cuộc sống hối hả cuốn chúng ta đi mất, làm chúng ta mờ mắt trước những giá trị vật chất mà quên không dành thời gian cho gia đình và bạn bè xung quanh. Đôi khi, ta có thể dành cả ngày cho công việc, cho những mối quan hệ xã hội bên ngoài mà lại tiếc chút thời gian bên cạnh những con người xứng đáng được quan tâm ấy. Khi nghe xong hai câu chuyện này, mong rằng mọi người có thể nhận ra những giá trị đích thực trong cuộc sống. Cuộc đời vốn ngắn ngủi, bạn không thể biết được mình còn có bao nhiêu thời gian bên cạnh những người mà mình yêu thương. Vì vậy, hãy ở bên chăm sóc họ khi có thể, trân trọng từng giây từng phút khi sống cùng họ, và trao đi những lời yêu thương để họ biết họ quan trọng đối với bạn thế nào…
Hôm nay nhân ngày báo hiếu chúng ta hay quây quần bên người thân của mình. Hãy nói lời xin lỗi vì cả năm đã thiếu quan tâm nhau, vì một năm qua cũng có những lời nói, suy nghĩ làm đau lòng người thân.
Trong đạo Công Giáo thì liền sau bổn phận với Chúa là giới răn thứ Tư Thảo kính cha mẹ. Mặc nhiên Thiên Chúa muốn con cái phải vâng lời cha mẹ, phải chăm sóc khi cha mẹ già, phải cầu nguyện khi các ngài qua đời.
Chính Chúa Giê-su khi vào trần gian Ngài cũng sinh ra trong một gia đình có cha có mẹ. Ngài hằng luôn sống vâng lời cha mẹ để càng lớn càng vâng lời cha mẹ. Ngài phụng dưỡng cha mẹ khi cùng cha làm nghề thợ mộc. Ngài chăm sóc mẹ già và luôn để mẹ đồng hành trong bước đường rao giảng. Và khi kết thúc cuộc sống dương gian Ngài đã ủy thác cho môn đồ Gioan chăm sóc mẹ mình.
Đạo hiếu là đạo Trời. Đạo làm con phải hiếu với cha mẹ để chúng ta không có lỗi với Trời và với mẹ cha. Thế nên:
Đạo làm con chớ hững-hờ:
Phải đem chữ hiếu mà thờ từ-nghiêm.
Cầu chúc cho các gia đình ngày tết sum họp tràn đầy niềm vui hạnh phúc bên gia đình.
Lm.Jos Tạ duy Tuyền