(Cv 3, 11-26; Ga 2, 1-5a; Lc 24, 35-48).
Thời Cựu Ước, Thiên Chúa thường sai các sứ thần, sứ giả, các tiên tri và các tổ phụ cha ông để truyền dạy về mầu nhiệm ơn cứu độ. Khi thời đã mãn, Thiên Chúa sai chính Con Một Ngài là Đức Giêsu xuống thế để mạc khải về Nước Trời. Đức Giêsu là Chúa, qua Ngài muôn loài được tạo thành. Danh Chúa Giêsu có quyền lực biến đổi và chữa lành mọi vết đau thương cả hồn lẫn xác. Do vậy, trong tất cả các lời cầu nguyện chính thức của Giáo Hội, luôn kết thúc bằng lời cầu: Chúng con cầu xin nhờ danh Chúa Giêsu Kitô, Chúa chúng con.
Sau khi Chúa Giêsu đã Phục sinh từ cõi chết, các Tông đồ đã chứng kiến, gặp gỡ và cùng ăn uống với Chúa Giêsu. Chúa Giêsu đã minh chứng rằng Ngài không phải là ma hay bóng hình, mà là người sống thật. Chúa Giêsu chỉ cho các ông thấy dấu đinh nơi tay chân và cạnh sườn bị đâm thủng. Chúa đồng hành, đối thoại và bẻ bánh chia cho hai môn đệ trên đường Emau. Niềm xác tín vững vàng, các Tông đồ đã mạnh dạn ra đi làm nhân chứng, cho dù đối diện với muôn vàn trở ngại khó khăn. Các Tông đồ đã nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh rao giảng sự thống hối và niềm tin vào Đức Kitô Phục Sinh cho muôn dân.
Qua thánh giá, Chúa Giêsu đã đánh bại kẻ thù là tội lỗi và ma quỉ. Thánh giá là chìa khóa mở cửa để vào Nước Trời. Triều thiên vinh quang phải đi qua thánh giá. Chúa Giêsu đã giải thích cho các Tông đồ con đường thánh giá phải đi qua để vào Nước Chúa. Ngài trao ban cho các ông quyền lực để thắng vượt tội lỗi và sợ hãi. Chúa Giêsu mời gọi các Tông đồ hãy làm nhân chứng về sự sống lại của Ngài cho mọi người. Chúng ta nghe và đọc nhiều bài tường thuật rất đơn sơ, chân thành về sự kiện Chúa Phục Sinh đã hiện ra với các bà, các tông đồ, môn đệ và nhiều người khác. Chúa hiện ra với mỗi người qua mỗi hình thức trong mỗi hoàn cảnh khác nhau. Mỗi lần Chúa hiện ra đều có ý minh chứng và củng cố thêm lòng tin của các môn đệ vào sự sống lại.
Thiên Chúa rất kiên nhẫn đợi chờ. Chúa luôn tôn trọng tự do của con người. Chúa muốn gặp gỡ với từng tâm hồn. Chúa mở lòng cho mỗi người có cơ hội để cảm nhận được tình Chúa. Nước Trời như hạt cải bé nhỏ được gieo trồng, đâm chồi nẩy lộc và phát triển. Hạt giống lời Chúa cứ tiếp tục tung gieo trên khắp cánh đồng. Những tâm hồn vui vẻ đón nhận và chăm nom vun tưới, hạt giống sẽ sinh hoa kết qủa. Điều này được minh chứng qua dòng lịch sử của Giáo Hội thật rõ ràng. Khởi đầu Giáo Hội, với con số rất khiêm nhường, chỉ có 12 tông đồ, trong đó một vị đã bỏ cuộc và cùng với 72 môn đệ, các bà đạo đức, một số người thân thiện cảm tình theo Chúa. Họ là nhóm nồng cốt. Chúa Phục Sinh đã trao quyền cho các vị ra đi làm nhân chứng và rao giảng Tin Mừng Phục Sinh. Hầu hết các môn đồ đã lấy mạng sống mình để minh chứng niềm tin vào Chúa Kitô sống lại. Qua đó, Giáo Hội được mở rộng đến khắp cùng trái đất như ngày nay.
Các Tông đồ đã làm chứng rằng Thiên Chúa đã cho Người từ cõi chết sống lại. Giờ đây các ông chỉ lấy danh Người mà làm các phép lạ và chữa lành. Phêrô cũng thành thật chia sẻ rằng chúng tôi không dùng quyền năng riêng hay lòng đạo đức của chính mình mà làm các sự lạ bởi “Vàng bạc thì tôi không có; nhưng cái tôi có, tôi cho anh đây: nhân danh Đức Giêsu Kitô người Nadarét, anh đứng dậy mà đi” (Cv 3,6). Tất cả năng quyền được trao ban cho các Tông đồ đều nhờ qua Danh Chúa Giêsu Kitô. Mọi sự đều phải qui về Chúa Kitô Phục Sinh. Ngài là hoa qủa đầu mùa của những kẻ yên giấc. Ngài là đầu của Nhiệm Thể.
Nhân danh Chúa Kitô Phục Sinh mọi quyền lực thế gian phải quỳ phục. Hãy tự vấn xem có khi nào chúng ta thực tình dùng danh thánh Chúa để chế ngự các nết xấu, xua trừ ma quỷ hay làm một việc gì tốt không? Nhiều lần chúng ta đã chối từ, lẩn tránh và ngại ngùng tuyên xưng danh Chúa. Rất thường chúng ta không dám tuyên xưng niềm tin vào Chúa Kitô nơi công cộng. Đôi khi chúng ta không dám làm Dấu Thánh Giá tuyên xưng một Chúa Ba Ngôi nơi bàn ăn. Chúng ta giả vờ sống như những người không tin. Họa theo những thói tục hư đốn, trụy lạc, đàm tiếu, gian dối và tỏ ra mình sành chơi, sành điệu không thua kém gì người không biết Chúa.
Nhìn vào cuộc sống của người Kitô hữu, chúng ta phải chân nhận rằng đã có qúa nhiều lần chúng ta phân rẽ chi thể mầu nhiệm của Chúa. Chúng ta dựa vào niềm tin để đả phá, ghen ghét và xa tránh nhau. Sống tinh thần của Chúa Kitô Phục Sinh là sống tinh thần yêu thương trong an bình. Nhân danh Chúa Kitô, chúng ta là sứ giả của hòa bình, là nhân chứng của tình yêu và là môn đệ của sự khiêm nhường phục vụ.
Lạy Chúa, xin đoái nhìn đến đoàn con của Chúa. Nhờ Mầu Nhiệm Vượt Qua, Chúa đã biến đổi tâm hồn và thân xác chúng con. Xin cho chúng con biết đặt trọn niềm tin tưởng nơi Chúa Kitô sống lại, để mai sau cùng chung hưởng vinh phúc muôn đời. Chúng con cầu xin nhờ danh Đức Kitô, Chúa chúng con. Amen.
Lm. Giuse Trần Việt Hùng